Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 7)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 7.

Trịnh Tráng nói:

-Đứng dậy đi, chỉ tại lũy Thầy quá lợi hại. Ngày mai ta cho thủy binh tới cửa Nhật Lệ bắn phá, bộ binh phối hợp đánh từ mặt Bắc.

-Tướng Nguyễn Khắc Liệt đâu?

-Dạ, bẩm chúa công, có mạt tướng.

-Đạn pháo trên chiến thuyền nếu bắn liên tục được mấy canh giờ?

-Dạ, chỉ ba canh giờ là hết đạn ạ.

chuynguyen-huu-dat-1646839281.jpg
Danh tướng Nguyễn Hữu Dật của chúa Nguyễn (Đàng Trong) văn võ song toàn, có tài xem thiên văn

 

Trịnh Tráng phân vân:

-Quá ít, phải bắn công phá một buổi sáng may ra thành công.

  Đang khi đó thám mã từ phía Bắc về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, tin từ Thăng Long khẩn cấp, Trịnh Gia và Trịnh Nhạc nhân lúc chúa công chinh chiến xa đang chuận bị nổi dậy đoạt ngôi chúa ạ.

Trịnh Tráng lo lắng:

-Chiến trận tổn thất, Đông Kinh có biến, phen này ta chết không có đất mà chôn. Tướng Nguyễn Khắc Liệt đâu?

-Dạ, có mạt tướng.

-Chuẩn bị chiến thuyền cùng 3 vạn quân để ta nhanh chóng về Thăng Long.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng Lê Khuê và Nguyễn Khái đâu.

-Dạ, có mạt tướng.

-Dùng thuyền đưa bộ binh qua bờ Bắc Linh Giang, sau đó hai tướng chỉ huy quân đội rút theo đường bộ về Thăng Long.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

  Trên sông Linh Giang về chiều nắng gay gắt, nước sông ngẹn ứ dào dạt bởi 200 chiến thuyền chở quân Trịnh sang sông từ bờ Nam sang bờ Bắc. Sau đó trong khói bụi mịt mờ, quân viễn chinh mất hút dần về phương Bắc. Đoàn chiến thuyền chở 3 vạn quân và Trịnh Tráng cũng rời sông ra biển trong buổi hoàng hôn hồng rực trời Tây. Sông Linh Giang trở lại cảnh êm đềm vốn có. Đêm xuống dần, gió và sóng lao xao trong màn đêm đen huyền lấp lánh những vì sao.

IV

Mùa đông năm 1633, kinh thành Thăng Long chìm trong giá rét, bầu trời u ám không thấy ánh mặt trời. Gió lạnh thổi từng cơn thốc tháo, lá vàng trút xuống những mái lâu đài, cung điện bay lả tả chất chồng lên những lớp lá vàng trước đó. Những đàn chim mải miết tung cánh trên trời cao bay về phương Nam xa lắc. Sông Hồng vẫn cuồn cuộn đưa nước về Đông. Những con thuyền trôi vô định lang thang giang hồ mây nước.

          Trong dinh Tiết chế phủ chúa Trịnh, Trịnh Tráng sau bữa ăn sáng đang ngồi uống trà. Hai người lính canh lực lưỡng đứng trước dinh, hai thị nữ đứng chắp tay chờ sai bảo. Lò than bằng đồng đỏ hồng rực sưởi ấm căn phòng. Trịnh Tráng đang suy nghĩ làm sao công phá được chiến lũy của quân Nguyễn để tiến vào Thuận Hóa. Chợt có tùy tướng vào báo:

          -Dạ bẩm chúa công, có thám mã từ Thuận Hóa về báo tin khẩn cấp.

          -Cho vào ngay.

          -Dạ.

          Thám mã bước vào quỳ hành lễ:

          -Kính chào chúa công, chúa công thiên tuế, thiên tuế.

          -Miễn lễ, đứng dậy có gì nói ngay.

          -Dạ bẩm chúa công, có thư của Nguyễn Phúc Anh, con thứ tư của Nguyễn Phúc Nguyên ạ.

          Thám mã trình thư. Trịnh Tráng bóc thư đọc. Thư viết: “Mạt tướng là Nguyễn Phúc Anh, con trai thứ tư của Sãi Vương. Vừa rồi huynh trưởng mạt tướng là Nguyễn Phúc Kỳ ở ngôi thế tử nhưng chẳng may qua đời, phụ thân mạt tướng lại lập huynh thứ hai là Nguyễn Phúc Lan, kẻ kém tài đức làm thế tử, còn mạt tướng không được phụ thân đoái hoài đến, chỉ suốt đời là trấn thủ ngồi ở nơi khô cằn cát bụi Quảng Nam. Nay nếu chúa công tấn công chiến lũy ở Nhật Lệ, mạt tướng sẽ làm nội ứng. Khi chúa công lấy được Thuận Hóa hãy cho mạt tướng đứng đầu và sẽ mãi thần phục chúa công. Nếu sai lời sẽ bị thần linh trời đất tru diệt. Khi chúa công đem quân vào cửa Nhật Lệ, bắn pháo hiệu lên và trong chiến Lũy sẽ có một phát tên lửa bắn lên trời thì chúa công tấn công. Khi đó toàn bộ quân phòng thủ đã bị mạt tướng cho uống rượu có thuốc mê mà ngủ gục, chúa công sẽ vào chiến lũy như vào chỗ không người. Nay kính thư”.

          Trịnh Tráng đọc thư, nửa tin nửa ngờ. Người lính do thám nói:

          -Dạ, bẩm chúa công, Nguyễn Phúc Anh có trao vật này làm con tin cho chúa công.

          Một gói nhỏ dâng lên, Trịnh Tráng bóc xem thì đó là ấn trấn thủ Quảng Nam của Nguyễn Phúc Anh. Sự nghi ngờ của Trịnh Tráng thoáng tan biến. Vả lại, sau thất bại năm 1627, Trịnh Tráng vẫn nuôi mộng tấn công lần nữa để tiêu diệt họ Nguyễn, thu hồi đất Thuận Hóa. Có thể đây là cơ hội trời cho không nên bỏ lỡ. Trịnh Tráng liền gọi:

          -Người đâu.

          -Dạ. bẩm chúa công.

          -Cho gọi thế tử Trịnh Tạc, thân vương Trịnh Toàn và các đại tướng Đào Quang Nhiêu, Lê Thì Hiến, Nguyễn Khắc Liệt vào gặp ta.

          -Dạ, tuân lệnh chúa công.

          Lát sau thế tử Trịnh Tạc, Trịnh Toàn và các đại tướng bước vào, chắp tay hành lễ:                                                                                                         Kính chào Thanh Đô Vương. Thanh Đô Vương thiên tuế, thiên thiên tuế.

          -Miễn lễ, ngồi đi.

          -Dạ, đa tạ Thanh Đô Vương?

          Trịnh Tráng nói:

          -Thân Vương Trịnh Toàn và Đại tướng Đào Quang Nhiêu nghe lệnh.

          -Dạ, có mạt tướng.

          -Nay ta khởi binh đánh Thuận Hóa lần 2, Trịnh Toàn và Đào Quang Nhiêu lĩnh 200 thuyền chiến, 3 vạn thủy binh đi đường biển vào sông Linh Giang chờ ta.

          -Mạt tướng tuân lệnh.

          Tướng quân Nguyễn Khắc Liệt, Lê Thì Hiến nghe lệnh.

          -Dạ, có mạt tướng.

          -Tướng quân Nguyễn Khắc Liệt lĩnh 3 vạn bộ binh đi tiên phong, tướng quân Lê Thì Hiến lĩnh 3 vạn quân đi hậu quân. Ta sẽ đi trung quân thống suất hai đạo thủy bộ tiến vào sông Nhật Lệ.

          -Mạt tướng tuân lệnh.

          -Thế tử Trịnh Tạc quyền nhiếp chính trông coi toàn bộ công việc của chính phủ khi ta vắng ở Thăng Long.

          -Hài nhi tuân lệnh phụ thân.

          Tháng 12 năm 1633, 200 chiến thuyền mông đồng của nhà Trịnh, mỗi chiếc đặt 3 đại bác, một ở mũi, hai khẩu ở sau, chở 3 vạn quân ra cửa Nam Triệu vượt biển tiến vào Nam. Gió mùa đông bắc thổi mạnh nên chỉ 3 ngày 3 đêm đoàn chiến thuyền đã vào sông Linh Giang neo đậu chờ bộ binh. 10 ngày sau, 5 vạn bộ binh do Trịnh Tráng thống lĩnh đã tập kết bờ Bắc sông Linh Giang. Trịnh Tráng cho Trấn thủ Bố Chính Bùi Thế Đạt huy động đồ gỗ của trấn để bắc cầu phao cho bộ binh qua sông, còn là để thuận lợi cho việc tác chiến sắp tới.

          Nhờ thuyền chiến chở qua sông và nhờ cầu phao, buổi chiều 3 vạn thủy binh và 7 vạn bộ binh Trịnh đã tập kết vào phía Bắc chiến lũy Trấn Ninh, thủy binh đến cửa sông Nhật Lệ. Đêm nay, Nguyễn Phúc Anh, con của Nguyễn Phúc Nguyên sẽ làm nội ứng. Sau khi đánh thuốc mê vào rượu cho 2 vạn quân giữ chiến lũy say mê mệt sẽ bắn tín hiệu và mở cửa. Quân Trịnh chỉ việc xông vào chiến lũy và vượt qua sông Nhật Lệ, tiến thẳng vào thủ phủ Phước Yên, bắt sống Nguyễn Phúc Nguyên. Trịnh Tráng nói:

          -Sau khi có một phát tên lửa bắn lên trời làm tín hiệu mới được tấn công.

          -Chúng mạt tướng tuân lệnh chúa công.

(Còn nữa)

CVL