Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 14)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 14.

Sau vụ đốt cháy tàu Pháp, Nguyễn Trung Trực đánh Pháp trên các địa bàn Gia Định, Biên Hòa, Định Tường. Hòa ước 1862, ba tỉnh miền Đông rơi vào tay Pháp, Nguyễn Trung Trực vẫn phối hợp với Trương Công Định đánh Pháp. Kỷ niệm ba năm ngày chiến thắng Nhật Tảo, tiêu diệt tàu Ết pê răng vào  ngày 10 tháng 12 năm 1864, Nguyễn Trung Trực tổ chức lễ tế nghĩa sĩ ở Cần Giuộc, Long An, đọc văn tế của Nguyễn Đình Chiểu nhằm tố cáo tội ác của bọn xâm lăng đối với miền Nam.

 Nguyễn Trung Trực không theo lệnh của triều đình bãi binh, không rút ra Bình Thuận, năm 1864, ông lập căn cứ ở Sân Chim, huyện An Biên, căn cứ thứ hai ở Hòn Chông, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang đánh Pháp. Tại đây ông mới đổi tên từ Nguyễn Văn Lịch thành Nguyễn Trung Trực. Ngày 16 tháng 6 năm 1868, lúc 4 giờ sáng, Nguyễn Trung Trực bất ngờ đánh úp đồn Kiên Giang do trung úy Sô téc nơ (chủ tỉnh Kiên Giang) chỉ huy, diệt 5 sĩ quan Pháp, 67 lính, thu 100 súng cùng đạn dược và làm chủ đồn 5 ngày. Pháp coi đây là sự kiện bi thảm của quân đội viễn chinh.

  Ngày 21 tháng 6 năm 1868, quân pháp do thiếu tá hải quân A. Lê ô na Ô sác, đại úy Đi muy ra tanh, trung úy hải quân Ri sác, trung úy Ta ra đê, Trần Bá Lộc, Tổng đốc Phương mang binh từ Mỹ Tho sang phản công, Nguyễn Trung Trực lui quân ra Phú Quốc lập căn cứ mới chống Pháp. Pháp dùng thủ đoạn đánh vào dân để uy hiếp Nguyễn Trung Trực, giết 700 người tại Rạch Giá để trả thù, bắt 500 người, trong đó có mẹ, vợ con Nguyễn Trung Trực, mỗi ngày bắn vài người cho đến khi ông ra hàng mới thôi. Đứa con nhỏ của ông vừa ra đời, Pháp không cho bú mẹ và nó đã chết vì đói. Trước tình hình đó, Nguyễn Trung Trực quyết định nộp mình để cứu dân. Ngày 19 tháng 9 năm 1868, Pháp bắt được Nguyễn Trung Trực. Pháp giam ông ở Khám lớn Sài Gòn. Ngày 27 tháng 10 năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị hành quyết, thọ 30 tuổi, để lại câu nói nổi tiếng: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì người Nam mới hết chống người Tây”.

chnghuuhuan-1654523392.jpg
Tượng đài Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân ở TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) - một sĩ phu yêu nước, thương dân và là một lãnh tụ khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ XIX. Nguồn: Internet.

 

 Thứ ba, cuộc khởi nghĩa của Trương Quyền. Trương Quyền là con của Trương Công Định và bà Lê Thị Thưởng, sinh năm 1844 tại làng Gia Thuận, huyện Tân hòa, Phủ Hòa Thanh (Gò Công), tỉnh Gia Định. Từ hồi trẻ, Trương Quyền tinh thông võ nghệ, có chí khí, dũng cảm. Năm 1859, Trương Công Định khởi nghĩa chống Pháp, Trương Quyền khi đó 17 tuổi đã theo cha ra trận. Ngày 20 tháng 8 năm 1864, trong trận đánh quân Pháp tấn công vào căn cứ Đầm Lá Tối Trời, căn cứ thất thủ, Trương Công Định bị thương vào xương sống và tự sát tại Ao Dinh (Gò Công). Trương Quyền dẫn quân đến Đồng Tháp Mười và Tây Ninh, liên kết với Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương), Phan Chỉnh, Pô Kum Pô thủ lĩnh Căm pu chia chống Pháp. Trương Quyền trẻ tuổi song biết cầm quân nên đánh nhiều trận nổi tiếng như trận Rạch Vịnh (sông Vịnh, một nhánh của sông Vàm Cỏ Đông), Trà Vang (Tây Ninh), Thuận Kiều (Chợ Lớn), Củ Chi, Hóc Môn, Tràng Bảng, Tân An, U Đông gây được thanh thế lớn cho nghĩa quân. Trương Quyền được gọi là "Nhị lang Quân”(Cậu Hai). Trận Tây Ninh ngày 7 tháng 6 năm 1866, giết chết chủ tỉnh Lác cơ lu xơ, sĩ quan phụ tá cùng 11 lính Pháp. Pháp điều binh lên và ngày 14 tháng 6 năm 1886 đụng độ lớn ở Rạch Vịnh. Thiếu tá Mác se tử trận, quan ba Pi nô và La sa gơ bị giết. Trận Rạch Vịnh làm chấn động quân Pháp. Nghĩa quân kiểm soát Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, từ Xvâyriêng đến Tràng Bảng (Tây Ninh). Pháp phải huy động một lực lượng lớn càn quét Tây Ninh, bao vây sự tiếp tế lương thực, tấn công Trà Vang, tấn công Rạch Vịnh. Nghĩa quân rời căn cứ. Pu kum pô đem quân về Cam pu chia. Tháng 7 năm 1866 Pu kum pô bị bắt và ngày 3 tháng 12 năm 1867 bị chém đầu.

Tháng 6 năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Nghĩa quân càng khó khăn, Trương Quyền rút vào rừng sâu Suối Giây. Sau đó, Trương Quyền cho nghĩa quân về với Phan Tôn, Phan Liêm là hai con Phan Thanh

 Giản chống Pháp. Còn Trương Quyền đi đâu, mất năm nào không rõ.

Thứ tư, Cuộc khởi nghĩa của Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương). Võ Duy Dương sinh năm 1827 tại thôn Cù Lâm Nam, huyện An Nhơn, Bình Định. Năm 1857 hưởng ứng chính sách phát triển đồn điền của Nguyễn Tri Phương, ông vượt biển vào định cư ở đất Ba Giồng, Đồng Tháp và trở thành hào phú ở địa phương.

  Tháng 2 năm 1859, Pháp đánh Gia Định, Võ Duy Dương cùng Nguyễn Hữu Huân kéo về Gia Định đánh Pháp. Năm 1860, được triều đình phong là Chánh bát phẩm Thiên Hộ. Tháng 5 năm 1861, Khâm phái Quân vụ Đỗ Thúc Tĩnh vào Nam Kỳ chiêu mộ nghĩa dũng chống Pháp. Thiên Hộ Dương chiêu mộ được 1.000 lính đóng ở Bình Cách. Ông liên hệ với các thủ lĩnh như Trương Công Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa ở Thuộc Nhiêu, Đỗ Thúc Tĩnh ở Mỹ Quý. Trong hành dinh của Thiên Hộ Dương có các thủ lĩnh như Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều), Nguyễn Văn Cẩn (Lãnh binh Cẩn), Thống binh Trần Kỳ Phong, Lãnh binh Dương Thương Chấn, Thống Đa, Quản La. Ngày 14 tháng 4 năm 1866, Pháp huy động 1.000 quân thủy bộ, tàu chiến, đại bác tấn công theo ba hướng Cần Lố, Cái Nứa và Bắc Chiêng, diễn ra một trận chiến ác liệt, đồn Trung của nghĩa quân thất thủ. Thiên Hộ Dương rút khỏi Đồng Tháp, đem quân phối hợp với Trương Quyền, A cha xoa đánh với Pháp nhiều trận. Tháng 10 năm 1866, Thiên Hộ Dương định vượt biển ra Huế, nhưng đi đến Cần Giờ bị cướp biển hạ sát, khi đó ông 39 tuổi.

  Thứ 5, cuộc khởi nghĩa của hai anh Phan Liêm và Phan Tôn. Phan Liêm còn có tên là Phan Thanh Liêm, sinh năm 1833 tại làng Bảo Trạch, Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Bố là Phan Thanh Giản, mẹ là Trần Thị Hoạch, em là Phan Tôn, sinh năm 1837. Sau khi Phan Thanh Giản tự sát chết, Phan Thanh Liêm cùng em Phan Tôn dấy binh chống Pháp ở Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp). Đêm ngày 9 rạng ngày 10 tháng 11 năm 1864, nghĩa quân tấn công chợ Hương Điểm, làm chủ tỉnh Pháp Sam po bị thương, lấy đi nhiều tài liệu, súng đạn, trong đó có một đại bác. Tướng Phan Tòng của nghĩa quân hy sinh trong trận này. Sáng 12, Pháp cho ba pháo thuyền đến đánh. Nghĩa quân dùng cọc, chướng ngại vật chặn đánh tàu Pháp, thây người và vật liệu la liệt trên bùn nước. Đêm 15, nghĩa quân tấn công tàu Pháp ở Ba Tri và dọc sông Hàm Luông, Bến Tre. Tôn Thọ Tường và Tổng đốc Phương là bạn với Phan Thanh Giản dụ hàng nhưng Phan Thanh Liêm, Phan Tôn không nghe. Bị rượt đuổi, hai ông dùng thuyền vượt biển ra Huế và được Tự Đức trọng dụng. Hai ông đã theo Nguyễn Tri Phương ra Bắc phòng thủ Hà Nội.

  Thứ 6, Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân. Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 tại làng Tịnh Hà, Huyện Kiến Hoa (huyện Chợ Gạo), tỉnh Định Tường. Năm 1852 thi hương đỗ đầu nên được gọi là Thủ Khoa Huân, được bổ nhiệm giáo thụ phủ Kiên An. Tháng 5 năm 1859 giữ chức Phó Quản đạo, khởi binh chống Pháp, Thủ Khoa Huân hoạt động từ Tân An đến Mỹ Tho. Tháng 6 năm 1862, Thủ Khoa Huân hội nhập quân với Trương Công Định. Ngày 5 tháng 2 năm 1863, căn cứ Tân Hòa của Trương Công Định bị thất thủ, Nguyễn Hữu Huân lui về Bình Cách, Tân An lãnh đạo nghĩa quân ở Định Tường. Quân Pháp tấn công Bình Cách, Thủ Khoa Huân rút về Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, Tiền Giang. Tháng 6 năm 1863, quân Pháp càn quét Thuộc Nhiêu. Năm 1864, ông lui về An Giang phối hợp với Thiên hộ Dương, đánh Pháp ở An Giang, sau lại chuyển về Thất Sơn, An Giang. Năm 1862, ông bị Tổng đốc An Giang Nguyễn Khắc Thận bắt nộp cho Pháp. Pháp dụ dỗ đầu hàng không được, ngày 22 tháng 8 năm 1864, ông bị kết án 10 năm tù, bị đày đi Cay en nơ, một thuộc địa Pháp ở Nam Mỹ.

  Sau 5 năm tù, ngày 4 tháng 2 năm 1869, ông nhận lệnh ân xá về quản thúc tại nhà bạn thời thơ ấu là Đỗ Hữu Phương bảo lãnh cho ông.

  Tháng 3 năm 1872, Nguyễn Hữu Huân trốn về Mỹ Tho, cùng Âu Dương Lân dấy binh đánh Pháp. Đây là cuộc khởi nghĩa lần ba của Nguyễn Hữu Huân, địa bàn hoạt động từ Mỹ Tho đến Mỹ Quý, Cai Lậy. Năm 1874, Pháp nhờ Trần Bá Lộc dẫn đường đã đánh vào Bình Cách. Nguyễn Hữu Huân chạy thoát về Chợ Gạo. Tháng 3 năm 1875, Nguyễn Hữu Huân về Tân An và bị bắt do Đốc binh Hương chỉ điểm”.

  Thống đốc Vích to Ô gi sơ tê đọc xong bản báo cáo, rót thêm một cốc rượu, uống và đang mông lung suy nghĩ. Chợt có sĩ quan tùy tùng vào báo:

-Dạ bẩm Thống đốc.

-Có việc gì?

-Dạ, Thủ Khoa Huân bị bắt, tỉnh trưởng Mỹ Tho Đơ gen lăng giơ chiêu dụ hàng nhưng không được, ngày 19 tháng 5 năm 1875, đã cho hành quyết ông ở quê rồi ạ. Ông làm hai câu liễn tuyệt mệnh đây ạ.

-Thủ Khoa Huân thọ bao nhiêu tuổi?

-Dạ, ngài ấy sinh năm 1830, vậy là thọ 45 tuổi ạ.

  Thống đốc Vích to  Ô gi sơ tê cầm và đọc bút tích của Nguyễn Hữu Huân:

  "Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết.

 Lòng ngay tỏ miệng đời luống để luận trăm năm.”

Thống đốc đọc xong bút tích của Thủ Khoa Huân cùng với bản báo cáo chiến sự từ 1859 đến nay, ông ta cảm phục tinh thần bất khuất của những võ quan, văn thân, sĩ phu, chí sĩ yêu nước và dân chúng Đại Nam. Ông ta hiểu rằng nước Pháp có thắng lợi hiện nay cũng chỉ là tạm thời. Một dân tộc bất khuất như vậy không bao giờ chịu mất nước, không bao giờ chịu khuất phục ngoại bang.

IX

Tháng 11 năm 1872, thành Hà Nội chìm trong giá rét, chìm trong cây lá bị gió đưa xào xạc. Mây trên bầu trời u ám. Sông Hồng như muôn thuở, cuồn cuộn đưa nước màu hồng về xuôi. Những con thuyền trôi trên sông tưởng như vô định, thỏa mãn cuộc sống giang hồ sông nước, nay đây mai đó.

Một sáng, trong điện Kính Thiên, Kinh lược Đại thần Nguyễn Tri Phương đang ngồi uống trà và bàn quốc sự với Tổng đốc Hà Nội Bùi Thức Kiên, Khâm sai Phan Đình Bình, lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm, Phan Tôn, Phan Liêm là hai con trai của Phan Thanh Giản và phò mã Nguyễn Tri Lâm (con thứ hai của Nguyễn Tri Phương).

(Còn nữa)

CVL