Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)

PGS TS Cao Văn Liên

11/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 18.

Bọn thực dân cướp biển lại cạn chén, tiếng chạm nhau của cốc thủy tinh vang lên rùng rợn. Bọn người vừa đặt cốc xuống, chợt có sĩ quan tùy tùng vào báo:

-Dạ bẩm Đô đốc, quan Cờ Đen và quân Đại Nam có cáo thị khiêu chiến. Xin trình Đô đốc.

Hăng ri Vi e rơ cầm tờ giấy to có viết chữ Hán và chữ Pháp. Hăng ri Vi e rơ đọc: “Thằng giặc mắt xanh mũi lõ, sao mày nhát gan cứ trốn ru rú trong thành, mày có gan thì hãy ra đây giáp chiến với chúng ta một trận”.

ch14-1654868842.png
Hăng ri Vi e rơ trong trận Cầu Giấy (Hà Nội) năm 1883. Nguồn: hinhanhlichsu.org

 

Hăng ri Vi e rơ tức giận đạp bàn:

-Bọn vong quốc Cờ Đen quả là láo xược. Ta sẽ dạy cho chúng mày một bài học bằng đại bác.

Đại úy Ben  Đơ la Xô ki rê hỏi:

-Thưa Đô đốc, quân Cờ Đen là quân nào mà ngài lại gọi chúng là vong quốc.

-Các ngài đã biết rằng năm 1644 khi nhà Minh bên Trung Quốc sụp đổ thì người Mãn Châu, một tộc người thiểu số ở Đông Bắc Trung Quốc, nhờ Ngô Tam Quế mở cửa Sơn Hải Quan ở Vạn Lý Trường Thành, vào chiếm Trung Nguyên và lập nên nhà Mãn Thanh thống trị Trung Quốc, thống trị người Hán. Người Hán, dưới sự lãnh đạo của Hồng Tú Toàn đã nổi dậy năm 1851, đánh chiếm 18 tỉnh Trung Quốc, lập ra Thái Bình Thiên Quốc, nhưng bị nhà Thanh đàn áp tan rã vào năm 1864. Một trong số tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc là quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc, em là Lưu Đoàn chỉ huy chạy sang Đại Nam và được vua Tự Đức thu nhận, phong Lưu Vĩnh Phúc là Đề đốc. Đây là lực lượng chống ta mạnh nhất ở Bắc Kỳ.

Tu một cốc rượu nữa, Hăng ri Vi e rơ ra lệnh:

-Đại úy Dắc gin.

-Có thuộc cấp.

Ngài hãy chỉ huy canh phòng thành Hà Nội cho cẩn mật.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Ngài Béc to Đơ vin le.

-Có thuộc cấp.

-Ngài hãy cùng ta ra ngoài thành tiêu diệt quân Cờ Đen đáng ghét.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Lúc 16 giờ ngày 19 tháng 5 năm 1883, quân Pháp giao chiến với quân Cờ Đen ở mạn Cầu Giấy. Qua mấy phút giao tranh, quân Pháp chiếm Cầu Giấy và đã lọt vào trận địa mai phục của quân Cờ Đen ở khu vực làng Hạ, bên trái Cầu Giấy. Quân Pháp đang truy kích thì một khẩu đại bác bị rơi xuống ruộng lúa bên đường. Hăng ri Vi e rơ quát:

-Kéo lên, không để lọt đại bác vào tay quân Cờ Đen.

-Dạ, tuân lệnh Đô đốc.

Quân pháp đang xúm vào kéo đại bác lên thì quân Cờ Đen từ bốn phía mai phục bắn dữ dội vào lính đang kéo đại bác . Hăng ri Vi e rơ và Dắc gi trúng đạn chết ngay tại chỗ. Quân Pháp hoảng loạn tháo chạy về thành Hà Nội. Quân Cờ Đen xông tới chặt đầu Hăng ri Vi e rơ và đại úy Dắc gin làm chiến lợi phẩm và truy kích quân Pháp. 21 giờ 30 phút, quân Pháp rút hết vào thành Hà Nội.

*      *

*

Sau khi Hăng ri Vi e rơ chết, Thống đốc Nam Kỳ cử tướng A lếch xan đơ rơ Ơ ghe nơ Bu mét thay, chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ. Hôm nay trong thành Hà Nội, A lếch xan đơ rơ đang họp bàn chiến sự Bắc Kỳ với các sĩ quan thuộc cấp. Người cao to là Đô đốc Cuốc bê, Tướng Bu ét và Phơ ran xôi Ju ét Hác măng, Tổng ủy viên hội đồng dân sự Bắc Kỳ. A Lếch xan đơ rơ Bu mét nói:

-Cái chết của Đô đốc Hăng ri Vi e rơ ngày 1 tháng 5 năm 1883 đã kích thích sự trỗi dậy của quân dân Đại Nam ở Bắc Kỳ, quân ta lâm vào tình trạng bấp bênh. Tháng 6 năm 1883, ở Bắc Kỳ, ta chỉ có một số trại lính nhỏ ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Hòn Gai và bị cô lập một cách rất đáng sợ. May mà triều đình Huế vẫn ra lệnh án binh bất động, không phát động dân chúng đứng dậy kháng chiến, nếu không, chúng ta sẽ vô cùng nguy ngập. Nay chúng ta đã thoát được thế hiểm nghèo, đã được tăng viện, đã thành lập được Quân đoàn viễn chinh Bắc Kỳ.

A lếch xan đơ rơ nâng cốc săm pa nhơ uống, đặt cốc xuống và nói tiếp:

-Sau khi được Pari tăng viện, ngài tiểu đoàn trưởng Béc to Vin le đã đánh bại quân của phò mã Hoàng Kế Viêm ở Gia Quất (Gia Lâm) từ 27 đến 28 tháng 2 năm 1883. Tháng 6 năm 1883, bản chức đã dập tắt được các cuộc bạo loạn của dân chúng ở  Nam Định và Hà Nội. Ngày 19 tháng 7 năm 1883, ngài tiểu đoàn trưởng Pi e rơ Ba den đã phá tan cuộc bao vây Nam Định của Hoàng Kế Viêm, tấn công quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Nay bản chức ra lệnh tập trung lực lượng tấn công vào phòng tuyến phủ Hoài của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc để làm chủ Bắc Kỳ. Để tiến hành chiến dịch này, ta có trong tay 4.500 quân. Tướng Bô nét nghe lệnh.

-Có thuộc cấp.

-Ngài hãy đem quân từ Hà Nội đánh lên Sơn Tây, phá vỡ phòng tuyến phủ Hoài của Lưu Vĩnh Phúc.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Đại tá Bi sót nghe lệnh:

-Có thuộc cấp.

-Đại tá hãy chỉ huy đội quân cánh phải tiến dọc theo sông Hồng đánh lên Chèm.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Trung tá Pôn Cơ rôn na tơ nghe lệnh.

-Có thuộc cấp.

-Trung tá hãy chỉ huy đạo quân trung tâm từ Hà Nội đánh lên Cổ Nhuế.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Ngài Rê vin lông nghe lệnh.

-Có thuộc cấp.

-Đại úy hãy chỉ huy cánh trái từ Cầu Giấy đi Sơn Tây, tấn công lỵ sở của phủ Hoài Đức ở làng Dịch Vọng Hà Nội là đại bản doanh của Lưu Vĩnh Phúc. Đại úy phải kéo theo đại bác hạng nhỏ vì xa sông, pháo dưới tàu không thể yểm trợ được.

Trận tấn công này Pháp gọi là trận phủ Hoài. Pháp có 2.500 quân lính thủy đánh bộ, 450 quân Cờ Vàng, nhiều khẩu đội pháo, 6 tàu chiến. Phía Đại Nam Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc có 3.000 quân Việt và quân Cờ Đen.

Ngày 15 thang 8 năm 1883, tướng  Bu ét  chỉ huy 2.000 quân Pháp, 450 quân Cờ Vàng, 14 đại bác chia làm ba đạo, có hạm đội Bắc Kỳ yểm trợ theo đường sông Hồng tấn công phòng tuyến phủ Hoài. Cùng khi đó, đạo quân do đại tá Bi sót chỉ huy cùng 6 hạm tàu Phi vi ê, Lê ô pát, Fan phơ la rơ, Ê cơ lai, Mu gi e phông và Tơ rom bơ theo dọc sông Hồng đánh lên Chèm. Đạo quân trung tâm do Pôn Cô rôn na tơ chỉ huy qua làng Yên Thái đánh tới Cổ Nhuế (làng Nội). Đạo cánh trái do Rơ vin lôn chỉ huy theo đường Cầu Giấy-Sơn Tây đánh phủ Hoài Đức của Lưu Vĩnh Phúc ở Dịch Vọng. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt, đại bác nổ rầm trời trên bờ. Các tàu chiến của Pháp dưới sông Hồng phụt lửa nhả đạn như sấm sét. Cánh trái của Rê vin lôn bị cánh phải quân Cờ Đen đánh cho tơi tả phải tháo chạy. Quân Cờ Đen truy kích nhưng bị pháo của tiểu đoàn Se van li ê từ làng Vọng bắn chặn. Quân Cờ Đen tổn thất nặng nề khi truy kích. Cánh phải của Bi sót chiếm được làng Chèm nhưng bị quân Cờ Đen chặn lại. Quân Pháp và quân Cờ Đen giao chiến dưới trời mưa gió tầm tả. Ngày 5 tháng 7, đê sông Hồng vỡ. Phủ Hoài Đức và Hà Nội ngập trong nước. Trận lụt đã gây thiệt hại cho quân Cờ Đen, phải bỏ chiến lũy sông Đáy, bỏ lại vũ khí, thiết bị chiến tranh và thương binh. Kết quả trận chiến, quân Pháp chết 17, bị thương 62 tên. Quân Cờ Đen và quân Việt 300 người hy sinh, 800 người bị thương. Trận phủ Hoài, Pháp đã phá tan kế hoạch bao vây Hà Nội của Hoàng kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc.

XI

Tháng 7 năm 1883, trấn trị Hải Phòng nắng như đổ lửa chói chang, bầu trời như xanh cao hơn, gió thổi lồng lộng. Hoa phượng nở đỏ cành như thắp lửa trên khắp trấn thành. Sông Cấm vẫn một màu xanh xám tuôn nước ra cửa Nam Triệu. Trấn trị soi mình xuống dòng sông như soi gương. Bên bờ phía Bắc, làng mạc xanh tươi cây cối uốn lượn như tranh. Những chiếc thuyền đánh cá, thuyền vận tải mải mê ngược xuôi đi về trên sông nước.

Hôm nay 30 tháng 7, trại lính của quân Pháp được canh phòng cẩn mật hơn ngày thường vì có sự kiện đặc biệt. Hội đồng chiến tranh của Pháp ở Bắc Kỳ có Hội nghị quân sự đặc biệt do Hác măng, Tổng ủy viên hội đồng dân sự Bắc Kỳ triệu tập. Trong một căn phòng không lớn lắm, Hác măng đang ngồi cùng với Cuốc bê, tướng Bu ét và Phơ ran côi Du le hác. Trên bàn bốn chiếc cốc lớn đã đầy rượu săm pa nhơ màu hồng lấp lánh trong vỏ thủy tinh. Sau khi cả bốn cạn cốc, Hác măng nói:

-Đây là hội nghị quan trọng trong công cuộc chinh phục Đại Nam. Theo các ngài chúng ta phải làm gì để sớm kết thúc chiến tranh thắng lợi vì cuộc chiến tranh này đã kéo dài từ 1858 đến nay đã 25 năm rồi, hao người tốn của. Từ năm 1881 đến 1883, nước ta đã tốn 334 triệu France. Cũng may là triều đình Huế thi hành chủ trương hòa nghị, không quyết chiến, lại còn nhiều lần cứu chúng ta khỏi sa lầy, nguy ngập, cho chúng ta rất nhiều quyền lợi trong các hiệp ước bất bình đẳng. Cuộc chiến kéo dài do tình hình nước ta không ổn định và nhiều biến cố, không chi viện cho ta được nhiều lực lượng. Cuộc chiến kéo dài và tổn thất chủ yếu là do sự phản kháng quyết liệt của dân chúng, một số quan lại, tướng lĩnh của Đại Nam. Nay cam go nhất vẫn là cuộc chiến ở Bắc Kỳ. Các ngài có cao kiến gì không?

Đô đốc Cuốc bê nói:

Ta cho rằng trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc và quân Việt của tướng Hoàng Kế Viêm. Đây là hai lực lượng chủ chốt nhất chống chúng ta ở miền Bắc.

Tướng Bu e tiếp lời Cuốc bê:

-Ta tán thành chủ trương của ngài Cuốc bê. Ta thêm vào một điểm trong kế hoạch này là dùng vũ lực buộc triều đình Huế công nhận quyền bảo hộ của ta ở Bắc Kỳ. Khi đã có hiệp ước như vậy sẽ là cơ sở pháp lý để chúng ta chiếm Bắc Kỳ. Quân Hoàng Kế Viêm và Lưu vĩnh Phúc cũng sẽ bị dẹp đi vì nếu chống lại chúng ta thì họ đã chống lại hiệp ước, chống lại triều đình của họ. Họ không còn danh chính ngôn thuận pháp lý để chống lại chúng ta được nữa. Điều này chúng ta đã có kinh nghiệm ở Nam Kỳ lục tỉnh. Khi ký được hiệp ước 1862 với Huế thì đã đặt Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực và tất cả những quân ứng nghĩa của dân chúng Nam Kỳ vào thế chống Pháp là chống lại triều đình của họ, và triều đình Huế vô hình chung lại giúp ta dập tắt phong trào của dân chúng Nam Kỳ.

Hác măng reo lên sung sướng:

-Thật là một chủ trương hay, một mũi tên trúng hai đích như người Việt và người Tàu thường nói. Ngài Cuốc bê nghe lệnh:

-Có thuộc cấp.

-Ngài hãy dẫn bốn tàu chiến thuộc lực lượng hải quân duyên hải Bắc Kỳ, tấn công vào cửa Thuận An, buộc triều đình Huế ký hàng ước, chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn cõi Đại Nam.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

(Còn nữa)                                                                                                                                                  

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 18)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn