Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)

PGS TS Cao Văn Liên

19/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 11                                                                                                  

Tháng 5 năm 1895, nắng như trút lửa xuống rừng núi Yên Thế, nắng chói chang rải màu trắng xuống khắp không gian chói lóa vào từng kẽ lá của cây cối xanh tươi bạt ngàn không một làn gió nhẹ. Trời như xanh hơn và cao lồng lộng. Mặt trời trên cao phun lửa làm bá chủ vũ trụ, không gian. Vài làn mây trắng nhởn nhơ du ngoạn trên cao. Đồn Hố Chuối của nghĩa quân cũng chìm trong nắng. Rừng chuối như bạt ngàn mênh mông giữa rừng cây lá dây leo chằng chịt kín như bưng. Trong đại doanh của đồn, tường bằng đất nện chìm sâu dưới lòng đất. Đồn Hố Chuối cũng giống như các đồn khác của nghĩa quân đều xây nhiều tầng. Một tầng chìm dưới lòng đất khoảng 4m để tránh đạn đại bác. Tầng trên cao khoảng 3m bằng đất nện rất kiên cố, có lỗ châu mai để chĩa súng ra 4 hướng. Chung quanh đồn có hào lũy cắm chông tre kín mít. Hệ thống hào giao thông nối giữa các đồn đảm bảo cho nghĩa quân vận động chiến đấu chi viện cho các đồn, hoặc theo giao thông hào đánh vào hai bên sườn, đánh sau lưng, bao vây chúng khi chúng tiến vào sâu.

bac-giang20220315174519-img-2308-1658146112.jpg
Di tích lịch sử Đồn Phồn Xương trong khởi nghĩa Yên Thế  thu hút nhiều du khách tới tham quan. Nguồn: .baobacgiang.com.vn

 

Hôm nay trong hầm đại sảnh ở đồn Hố Chuối, Đề Thám đang ngồi uống nước chè ở ghế chủ soái chờ các tướng lĩnh tới họp vì theo thám mã báo về, quân Pháp sau thất bại ở Hữu Nhuế đang tập kết quân do Lê Hoan và Công sứ Bắc Ninh Ma hê chỉ huy để tấn công vào Hố Chuối. Đề Thám ngồi trên chiếc ghế dài, trước mặt là một chiếc bàn đơn sơn. Phía trước nối với bàn chủ soái là hai chiếc bàn, hai bên kê hai dãy ghế cũng đơn sơ không sơn, không khảm trai hoa văn. Trên bàn đặt những bộ ấm chén uống trà. Vì là tầng hầm nên phải đốt đèn. Ánh sáng của những ngọn đèn dầu mà bấc nằm trong những bát dầu và ngọn bấc nhô lên khỏi miệng bát có ngọn lửa cháy leo lét, tỏa ánh sáng vàng vọt ra khắp gian phòng. Một lát sau các thủ lĩnh lần lượt tới ngồi vào dãy bàn ghế trước mặt Đề Thám. Ngồi hàng tả bên trong gần Đề Thám là Đề đốc phu nhân Đặng Thị Nhu (bà Ba Cẩn), nữ tướng lừng danh Yên Thế. Bà mặc một chiếc áo màu nâu, quần nâu, thắt lưng gọn gàng, tóc búi cao trùm khăn đen. Nom bà còn trẻ và xinh đẹp, dũng cảm và kiên quyết. Tiếp theo là Cả Trọng, con cả của Hoàng Hoa Thám với phu nhân thứ nhất. Tiếp theo là Cả Dinh, con nuôi của Hoàng Hoa Thám, Cả Tuyển, con trai Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy, Cả Huỳnh, Ba Điều, Thống Luật. Hàng ghế bên hữu ngồi gần Đề Thám là Lý Bảo, cận vệ của chủ tướng, Đề Công (Tạ Văn Công), Đề Nguyên (Tạ Văn Nguyên), Đề Cần (Tạ Văn Cần), Thống Ngô, Quản Khôi. Đề Thám quan sát các tướng một lượt rồi nói:

-Mời các thủ lĩnh xơi nước.

 Tất cả đều đáp:

-Đa tạ, kính mời chủ tướng, kính mời Đê đốc phu nhân.

Sau một lượt trà, Đề Thám nói:

-Theo thám mã của ta báo về, sau thất bại ở trận Hữu Nhuế, Lê Hoan và Công sứ Bắc Ninh Bu lô sơ sẽ chỉ huy hàng nghìn quân có đại bác yểm trợ sẽ tấn công đồn Hố Chuối lần thứ năm. Các tướng quân có kế sách gì hay đánh bại cuộc tấn công này của giặc không?

Cả Trọng nói:

-Để bảo toàn lực lượng, khi đại bác Pháp bắn dồn dập thì binh sĩ nên xuống tầng hầm của đồn hoặc giao thông hào, chờ khi chúng ngừng pháo kích thì lên tầng mặt đất mà tiêu diệt địch.

Cả Dinh nói:

-Chủ tướng nên ra lệnh chờ khi quân Pháp vào thật gần thì hãy bắn cho có hiệu quả.

Nữ tướng Đặng Thị Nhu nói:

-Muốn trận này tiêu diệt địch có hiệu quả, tiêu diệt địch cao thì ta chỉ để một bộ phận ở đồn, còn hai phần ba lực lượng khi địch đã vào sâu thì theo hào giao thông tản ra đánh vào hai bên sườn, đánh vào sau lưng địch. Như vậy quân địch bị vây, bị đánh bốn mặt chắc thiệt hại không nhỏ.

Thống Luật nói:

-Hay lắm, lời của Đề đốc phu nhân quả là cao kiến. Kế này giúp ta phân tán binh lực, tránh được hỏa lực đại bác của địch mà lại còn bao vây đánh địch bốn phía. Hay, hay…

Các tướng đều nói:

-Chiến thuật này tuyệt vời, hệ thống giao thông hào của Hố Chuối thông khắp mọi nơi, cho phép thực hiện chiến thuật này.

Đề Thám nói:

-Nếu đa số thủ lĩnh tán thành chiến thuật này thì các tướng nghe lệnh:

-Tướng quân Cả Trọng.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 50 tay súng bao vây và đánh vào sườn quân Pháp phía tả của đồn Hố Chuối.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Cả Dinh.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 50 tay súng tấn công sau lưng quân giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Đề Công.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 50 tay súng đánh vào sườn hữu quân Pháp.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tất cả các cánh quân chỉ rời khỏi đồn, triển khai thế bao vây khi có pháo hiệu bắn lên trời.

-Thưa chủ tướng, đã rõ, xin tuân lệnh.

-Nữ tướng Đặng Thị Nhu.

-Có thuộc tướng.

-Ngoài chiến đấu, nữ tướng phải bảo đảm hậu cần, cứu thương đầy đủ cho toàn quân đánh giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

Đặng Thị Nhu vừa dứt lời thì có thám mã chạy vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, 2.000 quân Pháp và quân khố đỏ, khố xanh do Lê Hoan và Công sứ Bắc Ninh chỉ huy đã bắt đầu tấn công Hố Chuối.

Đề Thám nói:

-Các tướng theo sự phân công về vị trí chiến đấu.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Trong khi các tướng đi về vị trí của mình thì trống báo động vang lên những hồi ngũ liên gấp gáp, tù và tu lên, tiếng “Thiết địch sáo” vang lên như vũ bão, vang vọng khắp miền Yên Thế. Xen lẫn các âm thanh đó là tiếng đại bác gầm lên chung quanh Hố Chuối và hàng trăm quả đạn xé gió mang lửa khói nổ ầm ầm gần đồn lũy, rất ít đạn trúng vào đồn vì pháo binh Pháp bị rừng cây và dây leo dày đặc che mắt không thấy rõ được đồn hay chiến lũy ở đâu. Theo sau đại bác là quân Pháp, quân khố đỏ, khố xanh lưng đeo súng, tay cầm dao, kiếm phát rừng mở lối đi. Cho tới khi đại bác ngừng thì quân giặc đã tiến vào gần Hố Chuối. Nghĩa quân cũng từ tầng hầm lên tầng một nằm vào vị trí bắn có lỗ châu mai, hoặc từ các chiến hào bắt đầu ngồi dậy chĩa súng về phía trước. Họ nhìn thấy quân giặc đã đeo dao và kiếm vào hông, tay cầm súng xông lên ào ạt. Khi đã ở tầm rất gần, hàng loạt súng trường, súng kíp bắn ra như mưa, trong một cự ly không cần ngắm, hàng chục quân Pháp và quân triều đình máu phun ra, kêu rống lên, đổ gục xuống. Quân giặc vội nằm xuống nhưng bị chỉ huy thúc ép phía sau lại lổm nhổm đứng dậy, chạy lên, lại bị trúng đạn. Những tên lính bò sau phải bò qua xác đồng đội để bò tiếp vào tử địa. Tiếng súng trường xen lẫn tiếng hỏa mai nổ ran như pháo cối, khói lửa mù mịt. Chợt trên không trung một phát hỏa pháo sáng rực bay vút lên. Quân Pháp không hiểu đó là tín hiệu gì nhưng các tướng của Yên Thế như Cả Trọng, Cả Dinh, Đề Công thì hiểu. Mỗi tướng đem theo 50 tay súng chạy theo chiến hào vòng ra bên trái, bên phải và sau lưng quân Pháp và bắt đầu nổ súng khiến quân Pháp ở vào thế bị bao vây bốn mặt, phía trước bị đạn, phía sau, sườn phải, sườn trái đều trúng đạn. Công sứ Bắc Ninh Ma hê đang cùng Lê Hoan thúc quân từ phía sau thì bị một phát đạn trúng vào vai, máu chảy đầm đìa. Tên cận vệ vội lấy băng băng tạm cầm máu. Ma hê mặt tái nhợt kêu lên:

-Chúng ta bị bao vây rồi, rút lui nhanh.

Tiếng loa điện cầm tay của quân Pháp vang lên những câu tiếng Pháp và tiếng Việt:

-Công sứ lệnh cho toàn quân rút khỏi Hố Chuối.

Ma hê ra lệnh:

-Pháo binh bắn vào phía sau, mở đường cho quân ta rút lui.

Đại bác pháp gầm lên nhã đạn vào phía sau, vào chiến hào quân Yên Thế, đạn lạc cả vào nơi quân Pháp đang nằm gây thương vong không nhỏ. Sau khi ngừng đợt pháo kích, quân Yên Thế chưa kịp ngóc đầu lên thì quân Pháp vội vã ào ào rút ra ngoài. Quân Yên Thế vươn người bắn theo cũng diệt được vài chục tên.

Công sứ Ma hê và Khâm sai Lê Hoan dẫn tàn quân chạy một mạch về Nhã Nam. Điểm quân số lúc ra đi 2.010, khi về chỉ còn 1200 tên. Mahê tái mặt hoảng sợ cho sự thiệt hại quá lớn này.

   V.

Tháng 9 năm 1895, trời mùa thu làm cho Yên Thế mát mẻ. Trong Tổng hành dinh ở Nhã Nam, một sáng Lê Hoan đang cùng Ma hê ngồi đàm đạo, hai người dùng rượu vang thay cho nước chè. Lê Hoan hỏi:

- Vết thương của Công sứ khỏi chưa?

Ma hê đáp:

-Không nhiễm trùng nữa nhưng vẫn còn đau.

Chợt có tình báo về báo:

-Dạ bẩm ngài Khâm sai, bẩm Công sứ.

-Có gì mới không?

-Dạ, có ngài Bang Kinh, một điền chủ trong vùng Yên Thế đã đem 50 tay súng về theo Đề Thám ạ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn