Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 21)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         
ch1nghia-quan-yen-the-1659011897.jpg
Nghĩa quân Yên Thế. Nguồn: baotangvn.com

 

Kỳ 21.

-Chương trình do chính phủ Nhật Bản giúp đỡ?

-Thưa tướng quân, chương trình do tổ chức văn hóa “Đông Á Đồng Văn Thư Viện” của Nhật giúp đỡ. Tại hạ sẽ vận động chính phủ Nhật Bản sau.

-Xin chúc mừng thành công bước đầu của tiên sinh. Lão phu vũ trang chống Pháp, Phan tiên sinh cũng bạo động chống Pháp. Vậy là hai chúng ta cùng chí hướng, cùng phương pháp. Người đâu.

-Dạ.

-Đem rượu ra đây.

-Dạ.

Có rượu, Hoàng Hoa Thám cầm chén và nói tiếp:

-Khi tối là cùng các thủ lĩnh chúc tiên sinh là chúc chung, bây giờ đến lượt lão phu chúc riêng tiên sinh. Xin chúc tiên sinh mai thượng lộ bình an, chúc sự nghiệp cứu nước của tiên sinh, của Hội Duy Tân thành công. Qua tiên sinh xin gửi lời chúc sức khỏe gia đình, chúc sức khỏe ngài Hội trưởng Cường Để và anh em trong Hội Duy Tân.

 Phan Bội Châu nâng chén:

-Đa tạ tướng quân, chúc sự nghiệp vũ trang chống Pháp của tướng quân thu nhiều thắng lợi, chúc gia đình tướng quân sức khỏe, thành công, may mắn.

-Đa tạ tiên sinh, nếu có dịp, tiên sinh lại về thăm Yên Thế, về với lão phu.

-Đa tạ, đa tạ tướng quân.

-Xin mời công tử, chúc công tử thành đạt trên con đường sự nghiệp và cứu nước của mình.

Nguyễn Khắc Nhu nâng chén cúi mình đáp:

-Đa tạ Đề đốc tướng quân. Kính chúc gia đình tướng quân sức khỏe, thu nhiều thắng lợi trong sự nghiệp chống Pháp.

-Lão phu đa tạ.

Sớm hôm sau, sau bữa ăn sáng và những ly rượu tiễn biệt, buổi tiễn đưa thật là lưu luyến. Hoàng Hoa Thám sai Cả Trọng dùng ba con ngựa đưa Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu về bến đò nam sông Thương. Từ đó Phan Bội Châu đi về miền Trung, Nguyễn Khắc Nhu đi về Yên Dũng. Trước khi lên ngựa, Phan Bội Châu lại cúi đầu cáo biệt Hoàng Hoa Thám:

-Tại hạ xin cáo biệt tướng quân, xin tướng quân bảo trọng.

Hoàng Hoa Thám cũng vòng tay:

-Xin cáo biệt Phan tiên sinh, tiên sinh bảo trọng, chúc thượng lộ bình an.

Nguyễn Khắc Nhu cúi mình vòng tay:

-Xin cáo biệt Đề đốc tướng quân.

-Cáo biệt công tử, chúc thượng lộ bình an.

Phan Bội Châu, Nguyễn Khắc Nhu lên ngựa cùng Cả Trọng rời đồn Phồn Xương. Hoàng Hoa Thám đứng nhìn theo ba người cho đến khi vó ngựa đã khuất, chỉ còn bụi cuốn mịt mù theo gió sớm ban mai. Đó là một ngày mùa hạ năm 1903.

 VIII.

Vào khoảng tháng 12 năm 1908, đang là mùa đông, gió lạnh nhưng nắng dịu dàng rải xuống rừng núi Yên Thế. Cây cối xanh tươi, vải và nhãn đua nhau xanh tươi lá trên cành. Vụ mùa vừa thu hoạch xong, rơm rạ đầy đồng ruộng. Trong đồn Phồn Xương, Đề Thám đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng, chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm, chủ tướng có hỏi về ngài Phan Sào Nam tiên sinh, theo tin tình báo thì khi ở Yên Thế về được một năm, năm 1905, ngài Phan đã sang Nhật Bản với 200 học viên của phong trào Đông Du. Nhưng đầu năm 1908, theo đề nghị của chính phủ Pháp ở Đông Dương, chính phủ Nhật Bản đã trục xuất 200 học viên, ngài Phan Bội Châu cùng nhiều đồng chí, kể cả Hội chủ Hội Duy Tân Cường Để. Ngài Phan và một số đồng chí đã bôn ba sang Trung Quốc. Phong trào Đông Du đã thất bại rồi ạ. Ngài Phan Bội Châu ở Trung Quốc có lẽ đang tìm con đường cứu nước mới. Ngài Phan đã gặp ngài Tôn Trung Sơn, còn gọi là Tôn Dật Tiên, Chủ tịch Đảng Trung Quốc cách mạng Đồng minh hội. Có lẽ ngài Phan Bội Châu sẽ từ bỏ con đường lập nền Quân chủ lập hiến mà theo con đường Cộng hòa tư sản dân chủ của Tôn Trung Sơn ạ.

Hoàng Hoa Thám im lặng uống trà, trầm ngâm suy nghĩ, một lát và nói:

-Dù là theo Quân chủ nghị viện hay Cộng hòa thì trước sau ngài Phạn Bội Châu vẫn là người bạo động chống Pháp vì Tôn Trung Sơn là người dùng bạo động khởi nghĩa để lật đổ nhà Thanh. Người của Tôn Trung Sơn chả nhờ Yên Thế ta nuôi vài trăm quân cho họ lâu lắm rồi mà chưa được gọi về nước để khởi nghĩa.

Hoàng Hoa Thám lại hỏi:

-Thế còn ngài Phó bảng Phan Chu Trinh thì thế nào?

-Dạ bẩm Đề đốc tướng quân, sau chuyến thăm Yên Thế của chúng ta năm 1906 về, năm 1907, ngài Phan Tây Hồ đã gửi thư cho Toàn quyền Bô, sau đó đi khắp Bắc-Trung-Nam diễn thuyết cho chủ trương cứu nước ôn hòa mà cốt lõi là “Pháp-Việt đề huề”. Nhưng năm 1908, nhân cuộc bạo động chống sưu thuế ở Trung Kỳ, Pháp lấy cớ đó bắt ngài Phan Chu Trinh đi đày ở Côn Đảo rồi ạ.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đề đốc tướng quân, ngài Lương Văn Can, ngài Nguyễn Quyền rất hoan nghênh việc Yên Thế của ta giúp đỡ tài chính cho nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục, góp thêm tài chính để nhà trường xuất bản văn thơ yêu nước, đào tạo thanh niên yêu nước. Nhưng...

-Nhưng sao?

-Dạ, tháng 12 năm 1907, Pháp đã đóng cửa nhà trường rồi ạ. Pháp đã bắt các ngài lãnh đạo nhà trường là Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Lê Đại, còn cấm nhân dân ta lưu hành tàng trữ sách vở yêu nước của nhà trường.

Hoàng Hoa Thám trầm ngâm một lát rồi nói:

-Trăm con đường chết chưa tìm ra được một con đường sống, con đường cứu nước thật là gian nan.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, theo tin chính xác thì quân Pháp đang chuẩn bị bội ước, cắt đứt giảng hòa và tấn công ta với lý do chủ tướng không chịu đầu hàng, không chịu giao nộp vũ khí, lại còn củng cố đồn lũy, lực lượng, chuẩn bị tấn công chúng.

Đề Thám hỏi:

-Lực lượng chúng tấn công lần này là bao nhiêu?

-Dạ bẩm chủ tướng, chỉ biết là chúng dùng khoảng 1,5 đến 2 vạn quân, khoảng 100 đến 200 đại bác.

Đề Thám gọi:

-Người đâu.

-Cho gọi bà Ba, Cả Trọng, Cả Dinh, Thống Luận và quân sư Hoàng Điển Ân tới hành dinh.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Một lát sau, 5 tướng lĩnh đã đến, sau khi an tọa và xong một lượt trà, Hoàng Hoa Thám nói:

-Theo tin thám mã chính xác báo về quân Pháp đang chuẩn bị tấn công Yên Thế bất chấp hòa ước, ta định ra tay trước bằng cách đánh thành Hà Nội, đánh một đòn vào đầu não làm chúng choáng váng để cứu Yên Thế. Các thủ lĩnh thấy thế nào?

Đề đốc phu  nhân Đặng Thị Nhu nói:

-Đánh Hà Nội thì phải phối hợp trong ứng ngoài hợp, phải phát động quân khố đỏ theo ta làm binh biến bên trong, cùng bên ngoài tấn công vào mới chắc thắng.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Phu nhân nói phải lắm. Quân sư Hoàng Điển Ân cho biết cơ sở do Đảng Nghĩa Hưng của ta gây dựng ở Hà Nội mấy năm nay thế nào rồi?

Hoàng Điển Ân đáp:

-Dạ thưa chủ tướng, do sự đối xử tàn bạo của bọn sĩ quan Pháp, phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa lính Việt và lính Pháp cho nên lính Việt ở Hà Nội đã theo ta chống Pháp. Ta đã giác ngộ được phần đông lính khố đỏ thuộc pháo đội công vụ trung đoàn 4 pháo binh, trung đoàn bảo vệ Hà Nội, đứng đầu là Đội Nhân (Cai đội Đặng Đình Nhân), Nguyễn Trị Bình, Dương Bé. Ngoài ra còn giác ngộ được nhiều đầu bếp nấu cơm cho lính Pháp ăn. Nhóm này khoảng 10 người như bếp Hiên (Hai Hiên), bếp Xuân, bếp Nhiếp...

Hoàng Hoa Thám nói:

-Thế thì tốt rồi, quân sư hãy về Hà Nội đến nhà số 2A phố Cửa Nam gặp thầy tướng số Nguyễn Văn Phúc là người của ta, triệu tập người đứng đầu bếp, đứng đầu nhóm lính pháo binh Việt về họp và thực hiện kế hoạch này:

-Thứ nhất, nhà bếp phải đầu độc lính Pháp ở Hà Nội vào bữa cơm chiều tối để tê liệt sức phản kháng của quân Pháp, sau đó, lính khố đỏ pháo binh binh biến sẽ bắn đại bác báo hiệu để quân Yên Thế từ bên ngoài tấn công vào. Quân sư phải hết sức thận trọng, không được sơ suất.

Hoàng Điển Ân đứng dậy:

-Dạ, thuộc tướng sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Cả năm người đứng dậy:

-Chúc quân sư thành công.

-Chúc thượng lộ bình an.

-Đa tạ, đa tạ.

Một tuần sau, Hoàng Diển Ân từ Hà Nội về Phồn Xương. Sau bữa ăn sáng, Hoàng Hoa Thám hỏi:

-Quân sư đi Hà Nội thống nhất kế hoạch hành động thế nào rồi?

Hoàng Điển Ân uống xong chén trà, đặt chén xuống và nói:

-Dạ, thưa chủ tướng, cuộc họp giữa các đầu bếp nấu cho Pháp ăn và một số cai đội của lính khố đỏ thuộc trung đoàn pháo binh số 4 Pháp đã thống nhất là tối 27 tháng 6 năm 1908, trong bữa ăn tối các bếp sẽ đầu độc lính Pháp, đến 9 giờ tối cùng đêm, đơn vị lính khố đỏ pháo binh sẽ làm binh biến, sẽ bắn 3 phát đại bác làm tín hiệu cho quân Yên Thế từ bên ngoài tấn công vào phối hợp với binh biến bên trong hạ thành Hà Nội.

(Còn nữa)

CVL