Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 30.

Mọi người theo Nguyễn Thái Học đi xuống một đoạn dốc, quả nhiên có một cái giếng đường kính khoảng 2m, nước trong vắt và sâu thăm thẳm. Gương còn đây nhưng còn đâu bóng dáng các nàng công chúa xưa. Các nàng đã đi vào huyền thoại.

Đi khoảng 100m nữa mọi người đến một thung lũng hẹp nhưng bằng phẳng, cây che phủ um tùm, dưới đất có thảm cỏ xanh. Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Cũng đã đến giờ ăn cơm trưa rồi. Cô Giang và cô Bắc cho mọi người ăn đi, vừa ăn vừa họp ở đây cũng được. Có được không, thưa ngài Nguyễn Thái Học?

ch1co-giang-1659787881.jpg
Hình ảnh ông Nguyễn Thái Học và bà Nguyễn Thị Giang. Nguồn: phunuvietnam.vn

 

Nguyễn Thái Học đáp:

-Dạ được, chỗ này đẹp quá.

Cô Giang trải một miếng vải màu nâu rộng ra nền cỏ. Cô Bắc mở tay nải lôi ra nào là xôi, nào là bánh chưng, nào là giò lợn, lại có cả chai rượu làng Vân Bắc Ninh và vài cái chén con. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu nâng chén chúc nhau và chúc mọi người, cả tám người cùng nâng chén chúc lẫn nhau và cạn rồi ăn trưa. Ăn xong, Nguyễn Thái Học bảo Sư Trạch;

-Anh đi vòng quanh xem chừng, chúng tôi bắt đầu họp.

-Dạ.

Sư Trạch đi vòng quanh xa xa cảnh giới. Nguyễn Thái Học nói:

-Kính thưa ngài Nguyễn Khắc Nhu, vừa rồi phái viên Việt Nam Quốc Dân Đảng là anh Đặng Đình Điền vào Huế để nhờ bậc tiền bối cách mạng là Phan tiên sinh làm Chủ tịch danh dự của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phan tiên sinh đã đồng ý nên tôi thông báo tin mừng là tiên sinh Phan Bội Châu là Chủ tịch danh dự của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thứ hai, nhờ ngài dùng mối quan hệ của mình để kết hợp các tổ chức yêu nước cho thêm phần sức mạnh, cùng thực hiện mục đích chung là giải phóng dân tộc. Phan tiên sinh đã viết thư cho tôi và cho ngài Nguyễn Khắc Nhu để sáp nhập hai tổ chức Hội Quốc Dân Việt Nam và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Qua lần gặp gỡ giữa đại diện Việt Nam Quốc Dân Đảng với ngài Nguyễn Khắc Nhu, hai Tổng Bộ đã sơ bộ đồng ý hợp nhất. Ngài Nguyễn Khắc Nhu có ý kiến chỉ giáo gì không?

Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Từ giờ phút này, tôi tuyên bố Hội Quốc Dân Việt Nam không còn tồn tại, chúng tôi và các hội viên trở thành đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, sẽ phục tùng mọi mệnh lệnh và hoàn thành mọi nhiệm vụ do Đảng giao phó, chịu mọi sự quản lý chặt chẽ của Đảng, hy sinh vì lợi ích của Đảng và lợi ích dân tộc.

Nguyễn Thái Học nói:

-Tôi thay mặt cho Việt Nam Quốc Dân Đảng thừa nhận ngài Nguyễn Khắc Nhu, các cô Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc và tất cả các hội viên của Hội Quốc Dân Việt Nam chính thức là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nay thay mặt Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng cử ngài Nguyễn Khắc Nhu là Phó Chủ tịch Đảng kiêm Trưởng Ban lập pháp, giám sát của Đảng, cô Nguyễn Thị Giang làm Tổng thư ký của Đảng, cô Nguyễn Thị Bắc là Trưởng Ban tuyên truyền, binh vận và liên lạc của Đảng ở các cơ sở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái và Vĩnh Yên. Mong ngài Nguyễn Khắc Nhu, cô Giang và cô Bắc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh để bước vào thời kỳ Tổng khởi nghĩa, giải phóng dân tộc.

 Cả ba người cùng nói:

-Cảm tạ ngài Chủ tịch Đảng đã tín nhiệm, chúng tôi sẽ đem hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ.

Trời đã ngả về chiều, núi rừng Nghĩa Lĩnh đã âm u hơn gần như tắt nắng. Cả tám người đi xuống Đền Hùng, bắt hai xe ngựa về ga Tiên Kiên của Lâm Thao và lên xe lửa về Hà Nội.

       III

   Qua vài tháng làm việc với vai trò là Tổng thư ký Đảng, cô Giang đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Cô Giang ngày càng thêm mến mộ Nguyễn Thái Học, con người không chỉ trẻ tuổi, đẹp trai, đỉnh đạc, đàng hoàng, được các đồng chí trong Đảng yêu mến. Dưới con mắt của cô Giang, Nguyễn Thái Học còn là con người tài ba xuất chúng. Anh nói tiếng Pháp hay và chuẩn đến mức người Pháp còn phải khâm phục. Nghe nói thời sinh viên khi chưa lập Đảng, anh đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Va ren yêu cầu tiến hành cải cách ở Đông Dương như ông ta đã hứa khi mới sang nhậm chức. Khi Toàn quyền im lặng, anh đã gửi thư cho Quốc hội Pháp nói về đời sống khổ cực của người dân thuộc địa Đông Dương dưới ách thống trị, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp. Trong kiến thức xã hội, môn gì anh cũng biết sâu sắc và tường tận. Để xây dựng Đảng, Nguyễn Thái Học đã làm không biết bao nhiêu là công việc như thành lập tờ báo “Hồn cách mạng” phát hành bí mật. Tờ báo do Đoàn Trần Nghiệp (Ký Con) trông nom, ấn loát nhưng Nguyễn Thái Học phải đọc, duyệt, có khi còn phải viết bài. Anh còn gợi ý 32 tội ác của thực dân Pháp cho Nhượng Tống viết thành sách. Sách được truyền bá khắp Bắc-Trung- Nam Kỳ và chuẩn bị in để phát hành sang Trung Quốc. Nguyễn Thái Học còn phải lo tài chính cho Đảng, chỉ đạo cho Đặng Đình Điền, người là Trưởng Ban tài chính quyên tiền của anh em mở khách sạn ở số nhà 39 phố Hàng Bông để bổ sung tài chính cho Đảng. Nguyễn Thái Học còn viết “Tu chính điều lệ Đảng" để củng cố xây dựng Đảng. Anh nhấn mạnh căn dặn các đảng viên không được phản bội lời thề của mình trước lá cờ nửa vàng, nửa đỏ của Đảng. Phản bội lời thề là phản bội Đảng và bị Tòa án cách mạng tuyên án tử hình. Nguyễn Thái Học nhấn mạnh phải giữ bí mật của Đảng khi hành động. Anh còn dự kiến thành lập các đoàn thể quần chúng bên cạnh Đảng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ để thu hút quần chúng vào con đường cách mạng. Nguyễn Thái Học còn chỉ đạo công tác binh vận, vận động lính khố xanh, khố đỏ ở các địa phương để họ đi theo cách mạng. Anh còn chỉ đạo mở các công xưởng bí mật đúc vũ khí, súng ống, đạn dược, bom và lựu đạn chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang. Trong mắt cô Giang, Nguyễn Thái Học là con người có sức làm việc phi thường và trí tuệ của một “Đại Giáo sư” như anh em phong tặng. Bản thân cô Giang khi không biết và hỏi bất cứ điều gì đều được Nguyễn Thái Học trả lời khúc chiết rõ ràng khiến cô nghe mà không biết chán. Từ mến mộ khâm phục, cô Giang bỗng nhiên thấy khi xa Nguyễn Thái Học, cô khắc khoải nhớ thương. Tình cảm và trái tim của một cô gái đang tuổi lớn lên mách bảo, cô đã kêu lên: "Thôi chết rồi, mình đã yêu anh chàng này rồi". Đêm về, cô cố xua đuổi hình bóng Nguyễn Thái Học ra khỏi ý nghĩ nhưng không tài nào làm được. Rồi nhiều đêm cô thao thức, cô ước mơ, giấc ngủ cứ chập chờn hoặc có khi thức trắng đêm.

Có một hôm đã gần trưa, cô đang thu giấy tờ thì Nguyễn Thái Học đến. Anh ngồi xuống gần cô và hỏi:

-Cô Giang này.

-Dạ.

-Sao dạo này cô gầy và xanh xao vậy?

-Dạ, em ốm.

-Ốm bệnh gì?

-Em ốm tương tư.

-Tương tư ai vậy?

Nghe hỏi vậy, trái tim cô đập loạn xạ, một làn sóng mãnh liệt tuôn trào khiến cô không nén được nữa. Cô đặt bàn tay lên bàn tay Nguyễn Thái Học và nói:

-Em tương tư anh chứ còn ai nữa. Em chết mất thôi.

Rồi cô lao vào ôm Nguyễn Thái Học, cô hôn vào má, vào mắt, vào môi anh. Chờ cho cô dịu đi cơn xúc động mãnh liệt, Nguyễn Thái Học gỡ tay cô ra và nói:

-Giang này.

-Dạ.

-Anh cảm ơn tình cảm của em đối với anh nhưng chúng ta không thể đến với nhau…

Cô Giang hỏi khi nước mắt tuôn trào:

-Vì sao vậy anh?Anh không yêu em à?

-Anh cũng yêu em tha thiết, yêu ngay buổi gặp lần đầu, nhưng thân anh đã dấn bước vào con đường cách mạng, sống chết chỉ trong gang tấc, anh không thể để liên lụy, đau khổ cho em hoặc cho một người đàn bà nào khác. Cũng vì lý do đó mà anh đã ly dị một người vợ tên là Cửu ở quê do mẹ anh vun xới, bây giờ cô ấy được tự do và đã đi lấy chồng khác rồi. Từ đó, trái tim anh thật là thanh thản để nhẹ nhàng hiến thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cô Giang lại lao vào ôm lấy Nguyễn Thái Học:

-Kệ, em bất chấp, miễn là anh yêu em là em hạnh phúc rồi. Mặc kệ con đường cách mạng hiểm nguy, nếu anh hy sinh thì em cũng chết theo anh để không còn đau khổ.

Nguyễn Thái Học thở dài:

-Em đã nói như vậy thì anh biết làm sao được, anh thương em quá!

-Vậy là anh đã chấp nhận rồi nha.

-Ừ, anh yêu em.

-Anh nói đi, em là vợ chưa cưới của anh.

-Ừ, em là hôn thê của anh.

-Anh là phu quân của em.

Từ đó qua những lần trò chuyện với bẹn bè, Nguyễn Thái Học đều nói nghiêm chỉnh rằng cô Giang là hôn thê của anh. Trong Tổng Bộ, trong Đảng đều mừng cho anh. Họ cũng hiểu rằng trai tài gái sắc gặp nhau thì khó mà tránh được tình yêu, cái gì đến thì cũng sẽ đến. Một hôm hai người gặp nhau, cô Giang ôm Nguyễn Thái Học hôn và nói:

-Hôm nọ anh nói yêu em, em nói yêu anh, đó mới là thổ lộ tâm tình chứ chưa phải là lời thề.

Nguyễn Thái Học ngạc nhiên hỏi:

-Thế nào mới là lời thề?

Cô Giang nói:

-Hôm nào chúng ta mời cha, mẹ và các đồng chí lên Đền Hùng bí mật làm lễ cưới, anh và em phải thắp hương dâng lên vua Hùng để các cụ chứng dám mới là lời thề.

-Rồi, tháng sau chúng ta sẽ làm lễ cưới ở Đền Hùng.

(Còn nữa)

CVL