Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)

PGS TS Caqo Văn Liên

05/08/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.    

Kỳ 28.

  Nguyễn Thái Học vội bóc bức thư có tên mình ra đọc. Thư viết: “Trước hết, lão phu gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Đảng, ngài Nguyễn Thái Học còn nhớ tới lão phu mà cử phái viên vào thăm. Lão phu suốt một đời bôn ba khắp Nhật Bản và Trung Hoa mong cứu nước, nhưng hành động của lão phu 100 lần là 100 lần thất bại, nay bị quản thúc, đúng nghĩa là “Ông già Bến Ngự” vui thú với cảnh sông nước của sông Hương và núi Ngự Bình, nhưng lòng vẫn mong lớp hậu thế theo bước trên con đường cứu nước. Vì thế, khi nghe tin Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập, lão phu thực sự vui mừng. Chúc Tổng Bộ và ngài Chủ tịch mạnh khỏe, chúc Đảng ta vững mạnh và hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là giải phóng dân tộc. Có ba việc mà ngài Chủ tịch ngỏ lời. Thứ nhất, lão phu đồng ý nhận là Chủ tịch danh dự của Đảng, lão phu thấy thật là vinh hạnh, sẽ tuân theo mệnh lệnh và nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Thứ hai là công tác đối ngoại với những nhân vật Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc, lão phu sẽ viết thư cho Khuyển Dưỡng Nghị và Tưởng Giới Thạch, kết quả thế nào thì còn phải chờ đợi. Còn việc thứ ba thì ở Việt Nam hiện nay có nhiều tổ chức, nhiều đảng phái yêu nước, nhưng trước hết Đảng ta nên kết hợp với tổ chức Hội Quốc Dân Việt Nam do ngài Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo. Hội này có tư tưởng và Cương lĩnh chính trị là dùng vũ trang bạo động lật đổ nền bảo hộ của Pháp, giành độc lập, tự do, dân chủ cho Việt Nam. Nguyễn Khắc Nhu là người quen của lão phu, là người của phong trào Đông Du trước kia nên có lẽ thuận lợi trong việc kết hợp. Lão phu có gửi cho ngài Nguyễn Khắc Nhu một bức thư. Khi các ngài đến liên hệ nên đem lá thư này đến sẽ thuận lợi. Nay kính thư-Phan Bội Châu”.

cch2akhoi-nghia-yen-bai-2-1659615644.jpg
Nguồn: Internet.

 

  Nguyễn Thái Học vừa đọc xong thư thì Phó Đức Chính, Phạm Tuấn Tài, Phạm Tiềm, Hồ Văn Mịch đến. Sau một lượt trà, mọi người đều hỏi thăm Đặng Đình Điền trong chuyến đi Huế. Đặng Đình Điền nói lại như đã nói cho Nguyễn Thái Học nghe. Nguyễn Thái Học nói:

-Mọi việc Phan tiên sinh đã nói rõ trong bức thư này. Anh Chính đọc cho mọi người cùng nghe.

  Phó Đức Chính đọc xong thư nói:

-Tốt rồi, Phan tiên sinh nhận lời làm Chủ tịch danh dự của Đảng, tăng thêm uy tín của Đảng. Còn việc hợp nhất với Hội Quốc Dân Việt Nam liệu có khó khăn không? Các anh có biết ngài Nguyễn Khắc Nhu nhiều hơn không? Trong thư Phan tiên sinh chỉ nói ngài Nguyễn Khắc Nhu đã tham gia phong trào Đông Du thôi.

  Đặng Đình Điền nói:

-Tôi đã được Phan tiên sinh kể về hoạt động của ngài Nguyễn Khắc Nhu. Tôi kể lại cho các anh nghe thêm.

  Mọi người vừa uống trà vừa nghe Đặng Đình Điền kể. Kể xong Đặng Đình Điền nói:

-Hợp nhất hai tổ chức này không khó vì ngài Nguyễn Khắc Nhu có tư tưởng chính trị giống với Cương lĩnh của Đảng ta.

  Nguyễn Thái Học hỏi:

-Ngoài Nguyễn Khắc Nhu là Chủ tịch, trong Hội Quốc Dân Việt Nam còn thành viên nào là yếu nhân của hội không? Anh Phạm Tiềm là Trưởng Ban trinh sát, anh có biết không?

  Phạm Tiềm đặt chén nước xuống bàn và đáp:

-Thưa anh, trong Hội Quốc Dân Việt Nam ngoài ngài Nguyễn Khắc Nhu, trong ban lãnh đạo còn có hai chị em ruột, cô chị là Nguyễn Thị Giang, cô em là Nguyễn Thị Bắc. Nguyễn Thị Giang sinh năm 1906, cô Nguyễn Thị Bắc sinh năm 1908. Hai chị em quê quán ở thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Bố là cụ Nguyễn Văn Cao đã mất năm 1925. Gia đình đã có người tham gia phong trào Cần Vương. Riêng Cụ Nguyễn Văn Cao đã tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Mẹ là bà Nguyễn Thị Lưu. Gia đình có 7 người con cả trai và gái. Gia đình vốn quê ở một làng dệt tỉnh Hà Đông, sau dời lên buôn bán ở nhà số 2, phố Thọ Xương, thị xã Phủ Lạng Thương. Chịu ảnh hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, sau khi học xong lớp nhất thì cô Giang và cô Bắc được Nguyễn Khắc Nhu kết nạp vào tổ chức Hội Quốc Dân Việt Nam. Hội này đầu tiên giống Hội Quốc Dân Dục Tài, hoạt động như Đông Kinh Nghĩa Thục, đào tạo nhân tài và bồi dưỡng, khuấy động tinh thần yêu nước cho thanh niên. Đầu năm 1927, ngài Nguyễn Khắc Nhu đổi Hội Quốc Dân Dục Tài thành Hội Quốc Dân Việt Nam. Ngoài đào tạo, tuyên truyền, hội này còn mở xưởng chế tạo vũ khí, lựu đạn, súng ống đạn dược chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang.

  Dừng lại uống chén trà xong, Phạm Tiềm nói tiếp:

-Tôi thấy việc sáp nhập sẽ thuận lợi vì thứ nhất có thư của Phan tiên sinh, thứ hai Nguyễn Khắc Nhu cũng đang muốn tìm nhiều đồng chí cùng chí hướng để làm cách mạng, thứ ba và là cơ bản, tư tưởng và hành động của họ giống hệt Cương lĩnh của Đảng ta.

  Nguyễn Thái Học nói:

-Vậy thì ta hợp nhất với Hội Quốc Dân Việt Nam để tăng thêm lực lượng, có ai phản đối không?

  Tất cả giơ tay đồng ý.

Nguyễn Thái Học nói:

-Trước tiên anh Hồ Văn Mịch, anh Nguyễn Ngọc Sơn là trưởng, phó Ủy ban đối ngoại đi cùng anh Đặng Đình Điền, cầm theo lá thư của Phan tiên sinh đến gặp ngài Nguyễn Khắc Nhu, sau đó mọi việc sẽ tính sau tùy theo quan điểm của Hội Quốc Dân Việt Nam.

  Ba người cùng đáp:

-Tuận lệnh Chủ tịch.

Sớm hôm sau, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Ngọc Sơn, Đặng Đình Điền cải trang thành những sinh viên đi vào thư viện của hội Quốc Dân Việt Nam để đọc sách. Thấy vắng người, Hồ Văn Mịch nói với người thủ thư:

-Nhờ anh chuyển giúp lá thư quan trọng này của ngài Phan Bội Châu cho ngài Nguyễn Khắc Nhu.

Người thủ thư nhìn chữ viết trên phong bì, nhận ra đúng chữ của Phạn Bội Châu mà anh đã thấy và đọc nhiều, anh nhận thư  đi ra và nói:

-Ba ngài chờ chút.

Sau đó theo một hành lang kín đáo, biết không ai theo dõi, anh mở cửa một căn phòng ở góc khuất và bước vào. Một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, dáng vẻ trí thức nho nhã, đội khăn thếp đen, mặc áo dài đen, quần lụa trắng ngồi ở bàn làm việc. Người thủ thư nói:

-Thưa Chủ tịch, ngài có thư của ngài Phan Sào Nam tiên sinh.

Người ngồi ở cạnh bàn chính là Nguyễn Khác Nhu, nghe nói có thư của Phan Bội Châu vội vã cầm và bóc ra xem. Thư viết: “Gửi cố nhân, anh Nguyễn Khắc Nhu thân mến, nếu không tính năm 1903, anh dẫn đường cho lão phu lên Yên Thế gặp “Hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám thì cũng đã gần 20 năm rồi không gặp lại cố nhân. Sau lần Đông Du ở Nhật Bản thất bại năm 1908, lão phu đã bôn ba sang Trung Quốc theo đủ thứ chủ nghĩa, lập đủ thứ tổ chức để mong giải phóng dân tộc mà không thành công. Lão phu nghe nói anh có sang Trung Quốc tìm lão phu, rất tiếc không gặp được nhau. Lão phu bây giờ đã thành “ Ông già Bến Ngự”, không biết đến khi nào gặp lại cố nhân.

  Đọc đến đây, Nguyễn Khắc Nhu thấy ngèn nghẹn trong cổ họng, nước mắt chừng ứa ra. Ông cố gắng đọc tiếp: “Vừa rồi có anh Đặng Đình Điền, phái viên của ngài Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Việt Nam Quốc Dân Đảng vào gặp lão phu và mời làm Chủ tịch danh dự của Đảng. Lão phu đã nhận lời. Việc thứ hai là ngài Nguyễn Thái Học nhờ lão phu dùng mối quen biết mà thống nhất các tổ chức yêu nước để thêm sức mạnh mà lo đại sự. Lão phu nghĩ tổ chức Hội Quốc Dân Việt Nam của anh có thể thống nhất, sáp nhập với Việt Nam Quốc Dân Đảng thì tốt vì hai tổ chức cùng chung tư tưởng, cương lĩnh và mục đích giống nhau. Lão phu nghĩ như vậy, còn mọi việc tùy anh lựa chọn. Chúc anh khỏe mạnh và Hội Quốc Dân Việt Nam ngày càng thịnh vượng phát triển để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình là giải phóng dân tộc. Cố nhân, Phan Bội Châu".

Nguyễn Khắc Nhu đọc xong thư, hỏi người thủ thư:

-Người đưa thư đâu rồi?

-Dạ bẩm Chủ tịch, có ba người đang chờ ngoài phòng đọc.

-Ra mời họ vào đây.

-Dạ.

Hồ Văn Mịch, Nguyễn Ngọc Sơn, Đặng Đình Điền theo chân người thủ thư đi vào phòng. Ba người cúi chào Nguyễn Khắc Nhu:

-Xin chào ngài Nguyễn Khắc Nhu.

Nguyễn Khắc Nhu đứng dậy khỏi ghế bắt tay ba người:

-Xin chào, xin chào.

Sau khi chia chủ khách ngồi vào bàn tiếp khách, xong một lượt trà, Nguyễn Khắc Nhu lần lượt hỏi quý danh ba người. Sau khi biết tên ba người, Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Tôi là Nguyễn Khắc Nhu, chủ tịch Hội Quốc Dân Việt Nam, vừa rồi các ngài đã chuyển cho tôi bức thư của Phan Bội Châu tiên sinh. Trong ba ngài, ngài nào vừa vào Huế gặp cụ?

Đặng Đình Điền đáp:

-Thưa ngài, tôi vừa đi Huế và có vinh dự được ở với Phan tiên sinh ba ngày ở ngôi nhà Bến Ngự.

Nguyễn Khắc Nhu hỏi:

-Người có khỏe không?

-Dạ, thưa ngài, Người khỏe nhưng lòng vẫn nặng ưu tư về sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nguyễn Khắc Nhu nói:

-Tôi có nghe về ngài Nguyễn Thái Học và việc thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nếu có thể được, các ngài cho tôi biết thêm về ngài Nguyễn Thái Học không?

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn