Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)

PGS TS Cao Văn Liên

14/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.      

Kỳ 6.

Voa rông tức giận quát:

-Trung tá Béc tanh.

-Có thuộc cấp.

-Ngài bắn thế nào mà quân nổi loạn không chết, quân ta xung phong vào gần chết quá nhiều. Nã pháo dữ dội vào đồn Phồn Xương, nếu chúng còn sống sót ta sẽ đưa ngài ra toà án binh.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

ch1646302458464-image-15-1657704762.jpeg
Người vợ thứ 3 của Ðề Thám bị bắt. Nguồn: yenthe.bacgiang.gov.vn

 

Trong khi bộ binh nằm rạp xuống thì pháo binh Pháp lại bắn vào các đồn của nghĩa quân Yên Thế cấp tập, dữ dội. Chĩa vào đồn Đề Nắm, pháp có 6 sơn pháo, 2 khẩu moóc chi ê  tiếp tục nã đạn. Trước hỏa lực mạnh của Pháp, quân Yên Thế nao núng. Thám mã về báo với Đề Thám:

-Dạ bẩm tướng quân, đồn của ngài Đề Nắm đã vỡ, quân lính đang theo chiến hào chạy về phía đồn của ta.

Một lát lại có lính cận vệ vào báo:

-Dạ bẩm tướng quân có người lính của Đề Nắm xin vào gặp.

-Cho vào.

Người lính vào, người và mặt mũi be bét bùn đất vừa thở vừa nói:

-Dạ bẩm tướng quân, Đề Sặt, Đề Tuấn, Đề Tiêu đã chạy sang phía quân Pháp. Riêng Đề Sặt trước khi tháo chạy đã dùng súng bắn chết tướng quân Đề Nắm ạ.

-Sao ngươi biết Đề Sặt giết Đề Nắm?

-Dạ, chính măt tôi trông thấy, Đề Nắm theo giao thông hào đang định cùng quân sĩ chạy sang đây. Đề Sặt đi sau lưng bất ngờ bắn ngài Đề Nắm chết ạ.

Đề Thám nổi giận:

-Thằng phản bội đê tiện, mày phải bị trừng trị, Đề Sặt.

Lại có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm tướng quân, đồn của Thân Bá Phức và tất cả các đồn ở cửa sông Sỏi đã sụp đổ do đại bác của Pháp ạ. Thân Bá Phức và các thủ lĩnh các đồn đã rút hết rồi ạ.

Đặng Thị Nhu đứng cạnh Hoàng Hoa Thám nói:

-Các căn cứ đã sụp đổ, đồn của ta đã bị lộ, nếu ở lại sẽ bị tiêu diệt hết, chi bằng rút khỏi đây bảo toàn lực lượng rồi tính sau.

Đề Thám nói:

-Phu nhân nói phải lắm.

Rồi hạ lệnh:

-Cho toàn quân rút khỏi căn cứ cửa sông Sỏi về đồn Hố Chuối phía bắc.

Toàn quân bí mật rút về căn cứ Hố Chuối. Tháng 4 năm 1892, quân Pháp chiếm được toàn bộ hệ thống cứ điểm sông Sỏi.

Tại căn cứ mới, Đặng Thị Nhu nói với Đề Thám:

-Tình thế khó khăn, Pháp dùng thủ đoạn mua chuộc, dụ hàng, dùng kẻ đầu hàng để ám sát thủ lĩnh. Kẻ trong nội bộ mà phản bội, ám sát thì rất khó đề phòng. Tướng công nên bắt giết bằng được Đề Sặt, lấy đầu về tế vong linh Đề Nắm, hơn nữa để răn đe kẻ khác không dám làm như vậy, dù muốn đầu hàng cũng không dám giết thủ lĩnh.

Đề Thám nói:

-Phu nhân nói phải lắm.

Rồi gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Gọi Cả Dinh đến đây.

-Dạ.

Cả Dinh đến:

-Nghĩa phụ cho gọi con.

-Con đem theo 5 binh sĩ tinh nhuệ, dò cho ra Đề Sặt đang ở đâu giết chết, đem đầu về đây để tế vong linh của ngài Lương Văn Nắm.

-Dạ, con tuân lệnh nghĩa phụ.

Cả Dinh do thám và biết được nơi ở của Đề Sặt. Đêm 7 tháng 2 năm 1893, 6 tên lính của đồn Đề Sặt đi tuần quanh đồn, 6 bóng đen bất ngờ xông ra dùng thuốc mê dí vào miệng, 6 tên lính gục xuống. Cả Dinh và 5 người lính thay quân phục, siết cổ giết chết 6 tên lính rồi đi vào cổng gác. Lính gác hỏi:

-Ai?

-Chúng mày mù à? Chúng tao là lính tuần tiễu. Mở cửa.

Tên lính gác mở cửa, hắn bị dao dí vào cổ:

-Kêu sẽ chết ngay. Phòng ngủ của Đề Sặt ở đâu? Dẫn đường sẽ được tha chết.

-Dạ.

Đến cửa phòng Đề Sặt, 3 người tiếp tục khống chế tên lính, 3 người đạp cửa xông vào. Đề Sặt vội vùng dậy thì hai họng súng đã dí vào ngực:

-Chúng tao đến để tuyên án tử hình mày, trả thù cho Đề Nắm.

Đề Sặt giơ hai tay lên trời:

-Tôi biết lỗi rồi, xin tha mạng.

Hắn chưa dứt lời, Cả Dinh đã xuyên một dao qua ngực, máu phun ra đẫm giường. Cả Dinh cắt đầu Đề Sặt gói vào túi vải, thoát ra khỏi đồn rồi tha cho tên lính dẫn đường.

Trong tang lễ của Đề Nắm, sau các nghi lễ, Đề Thám nói:

-Ngài Đề Nắm đã không ít công lao dìu dắt cho Đề Sặt trưởng thành như nghĩa phụ đối với nghĩa tử. Nay Đề Sặt hủ bại ra đầu hàng quân giặc đã là bất trung, lại còn sát hại thủ lĩnh như nghĩa phụ của mình là bất hiếu, trái với lời thề của các anh hùng hảo hán ở đền Thề, không thể dung tha. Kẻ nào đi theo con đường bất trung, bất hiếu của Đề Sặt thì trông kết cục của hắn đây.

-Cả Dinh đâu.

-Dạ.

-Đem đầu của tên Sặt tế vong linh ngài Đề Nắm.

-Dạ.

Cả Dinh đem chiếc đầu đẫm máu của Đề Sặt giơ lên. Các thủ lĩnh chắp tay kính cẩn:

-Dạ, chúng mạt tướng xin ghi nhớ lời của chủ tướng.

Đề Thám nói tiếp:

-Hôm nay lo tang lễ cho Đề đốc Lương Văn Nắm, ngày mai xin mời các thủ lĩnh về sảnh đường ở Hố Chuối bầu ra người lãnh đạo quân sự tối cao thay cho Đề Nắm.

Tất cả đồng thanh đáp:

Xin tuân lệnh của tướng quân.

Bài vị của Đề Nắm được Đề Thám đưa về đình Hà, làng Thế Lộc thờ như một vị thành hoàng, lễ hội là ngày 15-16 tháng giêng âm lịch.

Sớm hôm sau, trong đại sảnh đường ở đồn Hố Chuối, tập trung đông đủ các thủ lĩnh của Yên Thế. Trước ghế chủ với chiếc bàn lớn nhìn ra sân, một dãy bàn kê dọc với hai dãy ghế tràng kỷ dài. Trên các bàn đặt những bộ ấm trà. Căn cứ Hố Chuối vẫn hiểm trở như xưa được Đề Thám cho xây dựng lại sau khi căn cứ sông Sỏi sụp đổ. Cây cối vẫn tươi tốt um tùm xung quanh và trước sân đại sảnh. Một vài giọt nắng long lanh lọt xuống giữa một rừng rậm trùm kín bao quanh. Ngồi ghế chủ là Thân Bá Phức, là người khởi xướng phong trào Cần Vương Yên Thế năm 1885. Qua 8-9 năm lăn lộn với trận mạc, bây giờ nom ông già sọm hẳn đi, ý chí anh hùng hảo hán, ham muốn xông pha giữa trận tiền thời thanh xuân bây giờ đã hết, chỉ còn nét mệt mỏi trên khuôn mặt gầy và mái tóc trắng bạc phơ.

Ngồi hai hàng ghế dưới là các thủ lĩnh. Ngay gần Thân Bá Phức là Đề Thám, kế đến là Đề Lâm, Đề Tuất. Ghế đối diện là Đề Chung, Thống Luận, bà Ba Cẩn Đặng Thị Nhu đã được thừa nhận là một nữ tướng từng làm cho quân Pháp khiếp đảm, bà còn lo vũ khí, lương thực cho toàn bộ nghĩa quân Yên Thế, kế đến là Cả Dinh, con nuôi của Hoàng Hoa Thám, cả Trọng, con cả của Hoàng Hoa Thám với bà vợ cả. Sau một lượt trà, Thân Bá Phức nói:

-Thưa các thủ lĩnh, đợt tấn công của quân Pháp vừa qua gây cho chúng ta nhiều tổn thất, trong đó lớn nhất là do tên Đề Sặt phản bội đã giết chết thủ lĩnh tối cao quân sự tài giỏi của chúng ta là Đề Nắm. Đề Nắm trong 8 năm lãnh đạo quân sự Yên Thế đã đánh bại 1 vạn quân Pháp do các tướng Gô đanh, Voa rông, Priedelinle chỉ huy khiến quân Pháp rất khiếp sợ. Ta ngày nay đã 70 tuổi, đã mệt mỏi qua 9 năm xông pha chiến trận. Sắp tới có lẽ ta sẽ cáo lão về vui thú điền viên sơn dã, rửa tay gác kiếm. Cho nên hôm nay các thủ lĩnh hãy bầu ra một thủ lĩnh quân sự có tài năng để gây dựng lại sự nghiệp của Yên Thế. Mong các vị sáng suốt lựa chọn.

Đề Chung đứng dậy nói:

-Thưa các anh hùng hảo hán, qua 9 năm chống Pháp ở Yên Thế, ta thấy rằng chỉ có Đề Thám thay được Đề Nắm dắt dẫn chúng ta trên con đường đại nghĩa.

Thân Bá Phức hỏi:

-Các vị khác còn ý kiến tiếp.

Tất cả các thủ lĩnh đều đáp:

-Nhất trí cử Đề Thám làm thủ lĩnh quân sự tối cao lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế.

Thân Bá Phức nói:

-Các thủ lĩnh đã nhất trí lựa chọn, ta hoàn toàn nhất trí. Xin mời tướng quân Đề Thám lên nhận trách nhiệm.

Đề Thám với dáng vẻ đậm khỏe, uy nghi quắc thước, đầu quấn khăn đen, mặc áo dài đen, quần trắng bước lên hành lễ với Thân Bá Phức và nói:

-Kính thưa nghĩa phụ, thưa các thủ lĩnh. Đa tạ nghĩa phụ và các thủ lĩnh đã tín nhiệm. Thám tuy bất tài nhưng sẽ làm hết sức mình để không phụ sự ủy thác của nghĩa phụ và các huynh đệ. Ngày mai, xin kính mời nghĩa phụ và các huynh đệ làm lễ tế cờ ở đình làng Đình Đông. Tiếp theo lễ tế cờ là lễ ăn thề ở Đền Thề. Chúng ta thề sẽ sống chết cùng nhau, thề trung thành với sự nghiệp trung nghĩa. Xin đa tạ nghĩa phụ, xin đa tạ các vị.

(Còn nữa)

CVL

                                                                                    

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn