Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)

PGS TS Cao Văn Liên

11/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 3.

Hôm sau, cả nhà bận rộn tiếp khách khứa, chủ yếu người trong họ Đặng, các cụ cao niên trong làng đến nâng chén chúc mừng thầy Đặng, chúc mừng Hoàng Hoa Thám và Đặng Thị Nhu kết phu thê, đôi trai tài gái sắc. Hai người thắp nhang vái lạy trước bàn thờ gia tiên để các cụ nhận Hoàng Hoa Thám là con rể trong nhà. Ai cũng khen thật là một đôi trai tài gái sắc.

Sớm hôm sau, Hoàng Hoa Thám, Thống Luận, Đặng Thị  Nhu giã từ thầy Đặng đi lên Phồn Xương gia nhập nghĩa quân Yên Thế. Cuộc chia tay thật là bịn rịn. Cô Nhu ôm lấy cha, nước mắt ngắn dài nói trong nức nở:

-Không có con ở nhà cha nhớ bảo trọng.

ch1ab-1657461392.jpg
Một đồn trại của nghĩa quân Yên Thế. Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Thầy Đặng vỗ vai con gái:

-Đừng khóc, con nhớ chăm sóc bản thân và chăm sóc con rể của ta cho tốt.

 -Dạ, con xin ghi nhớ lời căn dặn của cha.

Hoàng Hoa Thám và Thống Luận cầm tay thầy Đặng:

-Cha nhớ bảo trọng.

-Hai con nhớ bảo trọng, lúc ngừng chiến trận thì về thăm ta.

-Chúng con xin vâng lời cha.

Ba người cầm tay nải bước ra. Thầy Đặng tiễn ba đứa con thương yêu ra tận đường lớn dẫn tới Phồn Xương, nơi đó đang ngập tràn khói lứa súng đạn chiến tranh. Ba người quay lại:

-Chúng con chào cha, Cha nhớ bảo trọng     

Thầy Đặng đưa bàn tay già nua ra vẫy. Mắt thầy mờ đi vì ứa lệ nhìn bóng ba người trên ba con ngựa xa mờ dần đi về hướng Phồn Xương  đầy đồi núi hoang vu và rừng rậm mênh mông vô tận. Đó là một buổi sáng cuối năm 1885.

Mãi tới quá chiều, ba con ngựa khỏe mạnh mới đưa ba người về đến Khánh Nghè, Cầu Gỗ, cửa sông Sỏi, thuộc đất Phồn Xương là căn cứ của nghĩa quân. Với Hoàng Hoa Thám và Thống Luận thì đã quen thuộc nhưng với Đặng Thị Nhu thì hơi lạ lẫm dù cùng chung là đất Yên Thế nhưng ở đây là Thượng Yên Thế nên núi non rừng rậm vô cùng hiểm trở. Giữa rừng núi là hệ thống đồn lũy, chiến hào, bãi chông, lũy tre gai và dây leo đứng xa 100m không trông thấy gì bên trong. Thống Luận đưa hai người về đồn của mình và nói:

-Huynh muội ngồi đợi ở đây, đệ lên trình với Ba Phức và Đề Nắm về việc huynh và đệ đã lên.

Một lát, Thống Luận về và nói:

-Đệ đã báo chúng ta đã có mặt. Sớm mai sẽ họp các thủ lĩnh. Đồn số 5 hiện nay đang thiếu thủ lĩnh. Ngài Đề Nắm cử luôn huynh chỉ huy đồn số 5. Người đâu.

Một cận vệ bước vào:

-Dạ, Thống lĩnh.

-Bảo nhà bếp nấu ba suất cơm nhanh nha. Hôm nay ta có khách.

-Dạ, tuân lệnh.

Ăn cơm xong, Thống Luận đưa Hoàng Hoa Thám và Đặng Thị Nhu về đồn số 5 và hai người nghỉ ngơi.

Sớm hôm sau, tại Trung Đình là tổng hành dinh của nghĩa quân có cuộc hội nghị quan trọng của các tướng lĩnh Yên Thế. Trong gian nhà rộng tường chình bằng đất nện, cột bằng gỗ to, mái lợp ngói vẫy cá kê một chiếc bàn gỗ màu nâu nhìn ra ngoài, đó là bàn ghế của chủ soái. Một dãy bàn kê vuông góc đúng giữa bàn của chủ soái, hai bên cũng kê hai dãy ghế tràng kỷ màu nâu có chạm khắc hoa văn và khảm ngọc trai. Trên tất cả các bàn đặt các bộ ấm trà màu sứ trắng vẽ hoa văn xanh. Sau ghế chủ soái, bức tường cao treo lá cờ màu vàng có đề chữ màu đỏ “Giúp vua cứu nước”. Sau khi các thủ lĩnh đã đến đầy đủ, chắp tay chào nhau, ngồi vào ghế và uống trà. Ngồi ghế chủ soái là Thống đốc quân vụ quân thứ Song Yên, Tán tương quân vụ Thân Bá Phức. Ngồi ghế cạnh Thân Bá Phức là phó chủ soái Lương Văn Nắm, còn gọi là Đề Nắm, phụ trách về quân sự của nghĩa quân. Đề Nắm và Thân Bá Phức nhìn xuống dãy bàn kê vuông góc chạy dài phía trước là các thủ lĩnh dưới quyền. Các thủ lĩnh đầu buộc khăn nâu, áo nâu dài đến thắt lưng, quần nâu. Chỉ có Thân Bá Phức đầu đội khăn thếp màu đen, áo dài màu đen và quần trắng. Sau một lượt trà, Thân Bá Phức nói:

-Thưa các vị thủ lĩnh, thời gian qua, ta vừa phải đánh các cuộc tấn công, càn quét của giặc vừa xây dựng căn cứ, xây dựng hệ thống đồn lũy. Chúng ta đã xây dựng được 4 đồn. Đó là các đồn Tả Dinh, đồn Tiền Dinh, đồn Trung Dinh và Hậu Dinh. Đây là những đồn được coi là tổng hành dinh của toàn quân.

Ngừng lại để uống nước xong, Thân Bá Phức nói tiếp:

-Ngoài ra chúng ta còn xây dựng 5 đồn, được coi là 5 chiến lũy, từ đồn 1 đến đồn 5. Sau đây ta phân nhiệm cho các thủ lĩnh ở các đồn. Các thủ lĩnh chịu sự chỉ huy chung nhưng tương đối độc lập khi chỉ huy tác chiến đánh Pháp để phát huy tính chủ động, sáng tạo linh hoạt trong chiến trận tùy tình hình cụ thể. Nay ta, Thân Bá Phức, Thống đốc quân vụ quân thứ Song Yên, Tán tương quân vụ, thủ lĩnh tối cao của quân thứ, chịu trách nhiệm chung. Sau đây các thủ lĩnh nghe lệnh:

-Đề đốc Lương Văn Nắm.

-Có thuộc tướng.

-Nay ta phong Đề đốc là phó soái, phụ trách toàn bộ về quân sự tác chiến của quân thứ.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Ngoài chỉ huy chung về quân sự, Đề đốc còn trực tiếp chỉ huy đồn số 1. Cho nên đồn số 1 còn gọi là đồn Đề Nắm.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Thủ lĩnh Đề Lâm nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Đề đốc có nhiệm vụ chỉ huy tác chiến và mọi mặt ở đồn số 2. Đồn này còn gọi là đồn Đề Lâm.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Thủ lĩnh Đề Truật nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Ta ra lệnh cho Đề đốc chỉ huy tác chiến và mọi mặt của đồn số 3. Đồn số 3 còn gọi là đồn Đề Truật.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Thủ lĩnh Đề đốc Trung nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Ta ra lệnh cho Đề đốc được quyền chỉ huy tác chiến và mọi mặt của đồn sối 4. Đồn số 4 còn gọi là đồn Đề Trung.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Thủ lĩnh Đề đốc Hoàng Hoa Thám nghe lệnh.

-Có thuộc tướng.

-Nay phong cho Đề đốc chỉ huy tác chiến và mọi mặt của đồn số 5. Đồn số 5 còn gọi là đồn Đề Thám.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

Thân Bá Phức nói tiếp:

Các thủ lĩnh phải quản lý quân sĩ, sẵn sàng đánh bại những cuộc tấn công của quân Pháp.

Tất cả đồng thanh đáp:

-Chúng thuộc tướng tuân lệnh của Thống đốc quân vụ.

II.

 Hà Nội, đầu xuân năm 1892, không khí mát mẻ, cây cối xanh tươi rủ bóng xuống những phố phường, biệt thự. Khu của phủ Thống sứ Bắc Kỳ, những cây cổ thụ hàng trăm năm vươn cao che lấp khung trời. Dưới bóng những tán lá là                  phủ Thống sứ xây dựng theo kiến trúc Pháp nhô lên tráng lệ nguy nga.

  Trong phủ Thống sứ, căn phòng sang trọng nhất là nơi hội họp để quan Thống sứ bàn những công việc quan trọng trong toàn xứ. Những chùm đèn pha lê trên trần rực rỡ. Bên dưới kê những chiếc bàn gỗ quý màu gụ chế tác theo kiểu Phương Đông, chạm khắc tinh vi và khảm ngọc trai. Trên bàn bày la liệt những cốc pha lê óng ánh. Trong từng cốc đã rót đầy rượu vang màu đỏ sẫm. Dưới nền phòng trải thảm đỏ. Hôm nay có cuộc họp quan trọng. Ngồi ghế chủ tọa có Thống sứ Bắc Kỳ Le ông Sa va xi ơ, Thống tướng Pi en chỉ huy quân sự của Đông Dương, Thiếu tướng Voa rông, Đại tá Ba tay và rất đông sĩ quan cao cấp của Pháp ở Bắc Kỳ, quân phục màu xám, quân hàm, quân hiệu vàng chóe. Còn có Công sứ Bắc Ninh Ma hê, Tổng đốc Bắc Ninh Vũ Quang Nhạ. Thống sứ đứng dậy nâng cốc và nói:

-Mời các ngài, chúc các ngài sức khỏe.

Tất cả đứng dậy nâng cốc và đáp:

-Đa tạ ngài Thống sứ, chúc sức khỏe quan Thống sứ.

Tất cả đưa cốc vào những cái mồm rộng mà mép đầy râu ria màu nâu rậm rạp. Sau khi cạn cốc, tất cả ngồi xuống, Thống sứ Bắc Kỳ  L. Sa va xi ơ nói :

-Thưa các ngài, đã 7 năm rồi, kể từ năm 1885, từ khi Thân Bá Phức nổi loạn ở Yên Thế, chúng ta với những lực lượng lớn của bộ binh và pháo binh, lại có sự hỗ trợ đắc lực của quan quân triều đình Huế mà chúng ta không tiêu diệt được vài trăm tay súng ở Yên Thế. Đó là điều kỳ lạ nhất mà ta được thấy ở đây. Bảy năm chiến tranh ta còn chịu nhiều thiệt hại về nhân lực. Điều đó đã làm chấn động giới chóp bu cầm quyền ở Pháp và ở Đông Dương. Cho nên cách đây không lâu, ngài Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh phải tiêu diệt Yên Thế bằng bất cứ giá nào.

-Ngài Pi en, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương hãy cho biết ta đã tác chiến như thế nào mà không có kết quả?

Tướng Pi en đứng dậy và trình bày:

-Thưa ngài Thống sứ Bắc Kỳ, thưa các ngài, tháng 7 năm 1885, khi nghe tin Thân Bá Phức xây dựng căn cứ ở Yên Thế, thành lập quân thứ Song Yên để chống pháp, chúng ta đã nhanh chóng thành lập đạo quân Tĩnh Đạo do Đại tá Đu gen nơ chỉ huy. Ngày 25 tháng 12 năm 1885, quân khởi nghĩa tập trung trên cao nguyên Na Lương bị pháo binh ta bắn cho thiệt hại nặng nề. Từ đó quân Song Yên rút kinh nghiệm không  xây dựng đồn và đóng quân trên những đồi trọc. Họ chuyển sang xây dựng căn cứ ở vùng lầy, rừng rậm, cây cối rậm rạp, những chỗ khó vào nhất của rừng núi, tránh những luồng đạn trực tiếp của pháo binh ta.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn