Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát huy nghệ thuật múa Sênh tiền vùng đất Phủ Vĩnh Tường

Thị trấn Thổ Tang nằm cách Phủ Vĩnh Tường xưa (trung tâm huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chỉ vài cây số về phía Bắc vốn là một làng buôn nổi tiếng gần xa, có lịch sử lâu đời. Các thế hệ người dân nơi đây không chỉ năng động, sáng tạo trong giao thương, buôn bán, mà còn có ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Việc lưu truyền nghệ thuật múa Sênh tiền là minh chứng sinh động.

Múa Sênh tiền càng ngắm càng say

Những ngày đầu tháng Chạp, khi mưa xuân lất phất giăng kín trên những sá cày đang phơi mình chờ đổ ải, chúng tôi lại có dịp ghé thăm Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Văn Thân cùng các Mọ trong Câu lạc bộ (CLB) múa Sênh tiền thị trấn Thổ Tang. Ở đây đất chật, người đông, đường ngõ nhỏ hẹp, đâu đâu cũng thấy hàng hóa bày bán sầm uất. Phải mất nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm đến nhà NNƯT Văn Thân. Căn nhà cấp bốn ba gian hai chái đã nhuốm màu thời gian, sân lát gạch bát, khoảnh vườn nhỏ trước sân trồng bưởi, mộc đang rộ hoa, tỏa hương thơm ngát cùng với tiếng con cu ta cất giọng chào khách,…mang lại cảm giác thật yên bình, trong trẻo. Có lẽ, do biết chúng tôi ghé thăm nên từ sớm, các nghệ nhân đã tranh thủ ra đồng thu hoạch rau đem ra chợ Giang bán, chuẩn bị đồ nghề đợi chúng tôi tại nhà Chủ nhiệm CLB.

mua-senh-tien-1643881766.jpg
CLB múa Sênh tiền biểu diễn tại đình Thổ Tang – Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh Phí Văn Liệu

Chủ, khách cùng ngồi quây quần cạnh ấm trà xanh, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi làm cho không khí Tết dường như đang đến gần. Nghệ nhân múa sênh tiền, xướng lên nghe thật sang trọng, nhưng họ đích thị là những người nông dân bình dị, chân chất, xởi lởi, mến khách.

Những chén nước trà mới ủ xanh ngắt, bốc hơi nghi ngút. Ai cũng nhấp vài ngụm cho ấm, rôm rả ôn lại chuyện ngày xửa ngày xưa. Các Mọ nam giới phường bát âm rít điếu bát ro ro, mắt lim dim nghe mọi người trò chuyện. NNƯT Văn Thân chia sẻ: Kẻ Giang xưa, thị trấn Thổ Tang ngày nay vốn là vùng đất cổ thuộc dải bồi tụ của sông Hồng. Người dân nơi đây rất tôn kính, đời đời phụng thờ Đức Thánh Lân Hổ Hầu Đô Thống Đại vương. Vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội của làng đều có nghi thức tế lễ, múa sênh tiền rất trang nghiêm, thành kính để nghinh rước Đức Ngài. Không ai biết múa sênh tiền ở đây có tự bao giờ, chỉ biết, đời trước trao truyền cho đời sau nghiêm cẩn thực hành nghi thức nghinh rước Đức Thánh tại các ngôi đình, ngôi miếu cổ kính, thâm nghiêm. Ai được tham gia là một vinh dự rất lớn trong đời.

Không giấu được niềm tự hào, đôi mắt của nghệ nhân quầng quậng nước, không khóc mà say sưa như đang gửi gắm tâm tình, sự tôn kính với tiên tổ. Trong miền xúc cảm dâng trào, tiếng nhạc Lưu thủy sênh tiền vang ngân, các nghệ nhân tay cầm xúc xắc uốn lượt, chân nhún đều theo điệu. Tiếng xúc xắc quyện hòa cùng tiếng nhạc làm lay động, mê hoặc người xem. “Các Mọ ơi! Bây giờ các Mọ cần gì nhất, CLB múa Sênh tiền cần gì nhất?”. Các Mọ cười hiền từ, thảnh thơi: “Chúng tôi đều bảy, tám mươi tuổi rồi, được múa Sênh tiền, được Đức Thánh phù trì cho sức khỏe, tuổi cao, vẫn đi làm đồng, vẫn gánh rau ra chợ Giang bán là giàu, là sướng rồi”.

Quê hương, gia đình - cái nôi nuôi dưỡng, gìn giữ “Báu vật” của làng

Qua câu chuyện của các nghệ nhân múa Sênh tiền ở thị trấn Thổ Tang mới biết, người thầy truyền dạy đầu tiên chính là bà, mẹ của mình. Cụ Vũ Thị Thi nói: Năm tôi lên chín tuổi, mười tuổi, mỗi khi đình Thổ Tang tổ chức lễ hội, được theo mẹ xem Bà nội múa Sênh tiền nên rất mê. Lớn lên được bà trực tiếp dạy múa, thành ra, tôi đã thuộc lầu các điệu múa cổ từ bao giờ không biết.  Ngày xưa, múa được các điệu Sênh tiền là một chuyện, nhưng được múa Sênh tiền trong những ngày tết Nguyên đán, lễ hội của làng không phải là chuyện đơn giản, phải được dân làng chọn lựa rất cẩn thận. Ấy phải là người “sạch sẽ”, không vướng tang cớ, gia đình đức độ, đủ gái đủ trai, trang phục biểu diễn phải trang nghiêm,… mới được tham gia. Ngày nay, tuy không khắt khe như trước, nhưng về cơ bản các Mọ vẫn giữ phép xưa, lối xưa khi thực hành nghi thức múa sênh tiền tại đình, miếu của làng.

Thế mới biết, múa sênh tiền ở đây không chỉ đơn thuần là một nghệ thuật mà còn chứa đựng yếu tố tâm linh, nhân văn sâu sắc. Yếu tố tâm linh chính là “sơi dây” cố kết cộng đồng làng xã, có sức sống lâu bền, kết nối nhân tâm các thế hệ dân làng, tựa như “mạch ngầm” văn hóa mải miết chảy cùng thời gian và không bao giờ vơi cạn trong tâm thức của các thế hệ người dân Kẻ Giang.

Người múa Sênh tiền chỉ cần cái tình

Sinh ra và lớn lên ở một làng buôn, nhưng các nghệ nhân CLB múa Sênh tiền ở Thổ Tang vẫn gắn bó với ruộng đồng sớm lúa, chiều rau. Thành ra, thật khó để có thể phân biệt, nhận diện một cách rạch ròi trong mỗi nghệ nhân múa sênh tiền Thổ Tang, ai hoàn toàn là nghệ nhân, ai hoàn toàn là người buôn bán và ai hoàn toàn là nông dân. Sự hòa lẫn cả ba yếu tố trên trong mỗi nghệ nhân là hình ảnh hết sức sinh động của bản chất kinh tế ở nông thôn, của nghệ nhân múa sênh tiền ở Thổ Tang mà không phải ở đâu cũng có.

Cuộc sống vật chất tuy còn khó khăn, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình nghèo. Trái lại, đời sống tinh thần của các nghệ nhân thì thật giàu có, bởi lẽ, khi được hỏi: Các Mọ muốn gì nhất cho mình, cho CLB múa Sênh tiền? Câu trả lời đều giống nhau: “Được Đức Thánh phù trì cho sức khỏe, cháu con đề huề là phúc rồi nên chả thích gì. Chiều chiều ra đồng chăm rau, thu hoạch rau; sáng sớm ra chợ Giang bán gặp bạn già vui như trẩy hội; tối đến vui vầy bên cháu con và dạy múa cho cô con dâu thảo hiền; giờ chỉ mong dịch Covid mau hết để lễ tiệc, lễ hội của làng được tổ chức còn chuẩn bị nghinh rước đức Thánh là vui rồi;…”. Thế mới biết ước mơ có sức khỏe dồi dào, khát vọng về sự sinh sôi nảy nở, con đàn cháu đống của người dân Việt từ kẻ Chợ đến làng quê lớn lao đến nhường nào? Ý nghĩa của cuộc sống là được lao động, là con cháu đủ đầy; mơ ước của cuộc đời là được thực hành nghi thức múa Sênh tiền thật giản dị, đời thường nhưng rất thanh tao, cao quý.

Mặc cho vật đổi sao dời, họ vẫn dốc tâm gìn giữ tục xưa, nếp cũ, giữ “Báu vật” của làng để lưu truyền cho đời sau. Bởi thế, giữa trốn tấp nập, sầm uất của làng buôn nổi tiếng cả một vùng thì vẫn còn đó người cổ, làng cổ, tập tục cổ, nghi thức cổ,… Tất cả được hun đúc, kết tinh thành một tập hợp giá trị văn hóa mang đậm sắc thái văn hóa xứ Đoài, mà một trong nhưng nhân vật chính là các nghệ nhân múa Sênh tiền. Phải chăng, điều mà các Mọ đang cần, múa Sênh tiền đang cần chính là đời sống tình cảm mộc mạc, tình làng nghĩa xóm, sự tôn kính tiên tổ và người có công đức với làng, với nước? Nếu vậy thì lời giải cho “bài toán” bảo tồn nghệ thuật múa Sênh tiền ở đây không chỉ chăm sóc cho nghệ nhân, truyền dạy cho thế hệ trẻ mà phải bảo tồn, mà còn phải gìn giữ không gian thiêng nuôi dưỡng nghệ thuật múa Sênh tiền.