Vĩnh Phúc: Chiến khu Ngọc Thanh - Cách nhìn đồng đại

Đại tá, TS Lê Thanh Bài - Trưởng phòng Lịch sử tư tưởng, tổ chức quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

06/12/2021 15:35

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận " Chiến khu Ngọc Thanh - Cách nhìn đồng đại "  tại Hội thảo "Di tích chiến khu Ngọc Thanh, bảo tồn và phát huy giá trị"  do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức ngày 25/11/2021.

ngoc-thanh-cach-nhin-dong-dai-1638779507.JPG
Ảnh tư liệu được trưng bày tại Hội thảo "Di tích chiến khu Ngọc Thanh, bảo tồn và phát huy giá trị" ngày 25/11

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trên địa bàn xã Ngọc Thanh thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng nơi đây thành chiến khu, phát huy vai trò là căn cứ địa cho cuộc kháng chiến. Với cách nhìn đồng đại, so sánh với các căn cứ, chiến khu cùng thời điểm cho chúng ta thấy được những nét đặc sắc của Chiến khu Ngọc Thanh và rút ra những kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng khu vực phòng thủ hiện nay cũng như giới thiệu cho du khách về sự khác biệt của chiến khu này.

Từ khóa: chiến khu, căn cứ địa, hậu phương, Ngọc Thanh. Lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, huy động sức mạnh cả dân tộc chiến đấu giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi cuối cùng. Để làm nên chiến thắng đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng xây dựng hậu phương, tạo được chỗ dựa vững chắc, huy động sức mạnh nhân dân chiến thắng kẻ thù mạnh gấp nhiều lần. Hậu phương trong kháng chiến chống Pháp bao gồm những vùng tự do rộng lớn, có tính chiến lược như Việt Bắc, Liên khu 4, Liên khu 5, Đồng Tháp Mười,... nhưng cũng có những hậu phương tại chỗ, nằm sâu trong vùng địch chiếm, đó là những căn cứ, những chiến khu tại các tỉnh, các huyện. Chiến khu Ngọc Thanh (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), là một trong những hậu phương như thế, hậu phương tại chỗ, hậu phương cơ sở cho cuộc kháng chiến trên địa bàn.

Được hình thành trong thời kỳ vận động đấu tranh giành chính quyền, với vị trí bản lề giữa khu vực núi rừng và đồng bằng, án ngữ trên con đường từ châu thổ sông Hồng lên căn cứ địa Việt Bắc, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Ngọc Thanh đã phát huy vai trò không chỉ căn cứ địa cấp cơ sở mà còn là vị trí tiền tiêu của ATK Việt Bắc. Nơi đây trở thành trạm trung chuyển nằm trên đường giao liên có tính chất huyết mạch giữa căn cứ địa Trung ương, thủ đô kháng chiến Việt Bắc với các tỉnh trong vùng địch chiếm.

Do vậy, Ngọc Thanh trở thành chiến khu điển hình, là nơi có các kho tàng quan trọng như Kho bạc được xây dựng cuối năm 1946, tại khe núi Đá Đen, thôn Thanh Lộc. Đây là nơi cất giữ ngân khố quốc gia, được Trung đội du kích Ngọc Thanh do đồng chí Tô Văn Thắng chỉ huy, bảo vệ chặt chẽ. Cùng với Kho bạc, tại thung lũng Đá Bia, giáp ranh với Thái Nguyên, nơi có rừng già rậm rạp được chọn để lập kho quân lương, tiếp nhận lương thực từ các tỉnh đồng bằng để vận chuyển lên Việt Bắc.

Cùng với các kho tàng, ở Ngọc Thanh còn có Trạm Quân y dược, được thành lập từ tháng 6-1947, do bác sĩ Nguyễn Đình Cát phụ trách. Đây là một chi nhánh của Viện nghiên cứu chế tạo dược phẩm ở Tuyên Quang, do bác sĩ Đỗ Tất Lợi đứng đầu. Trạm quân y dược đặt tại nhà bà Lý Thị Hai (dân tộc Sán Dìu), thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh. Cán bộ, nhân viên của Trạm đã khai thác dược liệu từ núi rừng Ngọc Thanh, bào chế thuốc cho ngành Quân y, cũng là nơi điều trị sơ cứu kịp thời cho thương binh, người bệnh trước khi chuyển lên tuyến trên.

Tháng 4-1947, Hội nghị Cán bộ Trung ương đề ra chủ trương “Động viên nhân dân ủng hộ nguyên liệu và tham gia vào việc sản xuất vũ khí. Chú trọng chế vũ khí phá xe tăng, chặn cano (badôca, mìn, địa lôi,v.v.) và vũ khí thô sơ (lựu đạn, súng kíp)”. Thực hiện chủ trương trên, Bộ Chỉ huy Khu I đã quyết định lập một xưởng sản xuất vũ khí tại khu vực Đông Dà, thôn Ngọc Quang, xã Ngọc Thanh, Xưởng Quân khí gồm 3 dãy nhà, gồm 300 công nhân do đồng chí Phúc Thái phụ trách, chế tạo các loại vũ khí thông dụng, kịp thời cung cấp cho các đơn vị.

Với những cơ sở như kể trên, Chiến khu Ngọc Thanh đã trở thành một căn cứ hậu cần, kỹ thuật cho cuộc kháng chiến, không chỉ đáp ứng vai trò của chiến tranh nhân dân trên địa bàn mà còn cả khu vực. Bên cạnh đó, đây là đóng quân của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và ủy ban các xã: Sơn Lôi, Bá Hiến, Tam Canh, Phúc Thắng, Cao Minh. Cũng là nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh Phúc Yên như Trung đoàn 2, Trung đoàn 46, Đại đội Hoàng Văn Thụ, Đại đội Trần Quốc Tuấn và một số đội du kích các xã lân cận. Khu rừng Móc Son, thôn Thanh Lộc trở thành trung tâm của chiến khu, bởi nơi đây có nhiều cơ quan và các đơn vị của lực lượng vũ trang đóng quân.

Phát huy thắng lợi Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục mở một số chiến dịch lớn nhằm tiến công tiêu diệt sinh lực địch, phá kế hoạch củng cố, bình định của thực dân Pháp, phát triển chiến tranh du kích, giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Vùng trung du được lựa chọn làm hướng tiến công. Trung du nằm giáp ranh giữa vùng đồng bằng và miền núi, cách Hà Nội không xa, do vậy đòn tiến công của ta vào trung du sẽ gây cho địch những chấn động nặng nề, khiến chúng lúng túng và sẽ có tác động nhất định đến cục diện chung. Tiến công vào Trung du thắng lợi, ta sẽ thu hẹp được phạm vi chiếm đóng của địch, phá vỡ một phần kế hoạch củng cố và bình định đồng bằng của chúng, đánh phá âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, đồng thời đẩy mạnh được phong trào chiến tranh du kích ở vùng địch tạm chiếm. Tuy nhiên, việc ta tiến công vào trung du sẽ vấp phải sự phản ứng và đối phó quyết liệt của địch, sẽ phải tác chiến trên địa bàn mà địch có thuận lợi về cơ động lực lượng, phát huy được ưu thế binh khí kỹ thuật.

Sau khi cân nhắc tình hình các hướng ở chiến trường Bắc Bộ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã phê chuẩn phương án tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch tại Trung du nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch. Mở rộng khu lương thực, phát triển du kích chiến tranh. Tranh thủ thời gian, phá kế hoạch củng cố của địch, tạo điều kiện mới để tiêu diệt sinh lực địch nhiều hơn nữa”. Hướng chính là Trung du (từ Việt Trì đến Bắc Giang) và hướng phụ là Liên khu 3, vùng Duyên hải Đông Bắc. Dự kiến lực lượng tham gia gồm Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165), cùng 3 liên đội pháo 75 ly. Bộ chỉ huy chiến dịch xác định, trong thời kỳ đầu, hướng chính chiến dịch là vùng Trung du từ Việt Trì đến Bắc Giang, trong đó hướng tiến công chủ yếu nhằm vào khu vực tỉnh Vĩnh Phúc. Các đơn vị được giao nhiệm vụ như sau:

- Đại đoàn 308 được phối thuộc 2 đại đội sơn pháo 75 ly, hoạt động từ Bắc Giang đến Phúc Yên; phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên phát triển chiến tranh du kích, tiến công các vị trí địch quanh phố Ni (Đa Phúc), dọc đường số 2 từ Kim Anh tới Hương Canh, Hữu Bằng; mặt khác, một bộ phận hoạt động ở Yên Phong, tiến công các vị trí địch vùng giáp ranh giữa Bắc Ninh và Phủ Lỗ.

- Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) được phối thuộc một đại đội sơn pháo 75 ly, hoạt động từ Vĩnh Yên tới Việt Trì, phối hợp với bộ đội, dân quân du kích Vĩnh Yên phát triển chiến tranh du kích, cô lập địch ở Vĩnh Yên - Việt Trì, nếu thuận lợi sẽ tiến công địch ở thị xã Vĩnh Yên.

Vào cuối tháng 12-1950, sau một thời gian chấn chỉnh, huấn luyện ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) bắt đầu hành quân về Trung du, chuyển dần về khu vực tập kết ở Vĩnh Yên, Phúc Yên. Yêu cầu của chiến dịch là tiến hành đánh “bôn tập”, bộ đội sẽ đóng quân cách mục tiêu tiến công khoảng 15km, ngoài tầm pháo của địch, bất thần tiếp cận ban đêm, tiêu diệt quân địch, giải quyết chiến trường trong vài giờ, quay trở về căn cứ xuất phát trước khi trời sáng. Cách đánh này cho phép ta hạn chế uy lực hoả lực máy bay, đại bác địch, đặc biệt là hoả lực máy bay. Do đó, một số đơn vị của hai đại đoàn đã chọn Chiến khu Ngọc Thanh làm nơi tập kết. Tại đây, bộ đội đã ngày đêm tập luyện kỹ chiến thuật tác chiến, nhất là chiến thuật mới đánh vận động chiến để áp dụng vào chiến trường ở đồng bằng, trung du nơi địch đóng trong những lô cốt, hầm kiên cố.

Bước vào Chiến dịch, ngày 26-12-1950, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 cùng bộ đội địa phương Vĩnh Phúc từ rừng Móc Son (Ngọc Thanh), tiến công quân Pháp tại Xuân Trạch, đánh gãy mũi tiến công cuộc hành quân Becasin của chúng. Liên tục trong ba đêm (27, 28 và 29 tháng 12), từ các vị trí đóng quân ở Ngọc Thanh và các căn cứ trong vùng, các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đã thực hành chiến thuật “bôn tập”7 tổ chức tiến công, lần lượt tiêu diệt đột xuất Gò Âu (Hữu Bằng) Tú Tạo (đồi Cà Phê) (đêm 27/12); Đồi Thằn Lằn (đêm 28/12); Đại đội 460 của Tiểu đoàn chủ lực tỉnh tấn công tháp canh Bảo Hoàng (đêm 29/12).

Trong trận tiến công đồi Thằn Lằn, một trong những vị trí quan trọng của địch nằm trên dải đất thuộc ranh giới phía Tây Nam xã Ngọc Thanh, án ngữ con đường từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do, nên địch xây dựng hết sức kiên cố với lô cốt, hầm ngầm và đường hào dây thép gai chằng chịt. Đêm ngày 28/12/1950, 35 du kích Ngọc Thanh cùng các đơn vị của Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308), từ rừng Móc Son tổ chức ba mũi tiến công, tiêu diệt toàn bộ vị trí Thằn Lằn, diệt và bắt sống 2 trung đội Âu Phi trong đó có viên quan hai Malat, 1 đại đội bộ binh, thu toàn bộ vũ khí, khí tài, hồ sơ tài liệu của địch. Cùng thời điểm, cách vị trí Thằn Lằn 3 km, Tiểu đoàn 23 đã cắt cầu Khả Do, chặn đứng đại đội Âu Phi ứng chiến, diệt hơn 1 trung đội, buộc chúng phải tháo chạy về thị xã Phúc Yên.

Thắng lợi của trận đánh vị trí Thằn Lằn đã khẳng định vai trò của Chiến khu Ngọc Thanh, là nơi xuất phát tiến công, là nơi để lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực; là sự đóng góp của nhân dân khi cử người theo dõi sát sao, nắm vững tình hình địch, kịp thời báo cho bộ đội chọn đúng thời cơ nổ súng, bảo đảm đánh chắc thắng. Phục vụ thiết thực cho trận đánh, nhân dân các dân tộc xã Ngọc Thanh đã ủng hộ bộ đội 13 con bò, hàng trăm chiếc sọt, 100 thang và cáng thương, huy động 40 dân công tham gia hỗ trợ chiến đấu. Ngay trong đêm bộ đội chủ lực đánh bốt Thằn Lằn, du kích hai xã Ngọc Thanh, Cao Minh còn cùng bộ đội huyện Kim Anh vũ trang tuyên truyền giải tán ban tề ở các thôn.

Như vậy, dựa vào Chiến khu Ngọc Thanh, các đơn vị tham gia Chiến dịch Trung du đã chiến đấu giành thắng lợi trong đợt 1. Sau khi chiến dịch kết thúc, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang địa phương Vĩnh Phúc dựa vào Chiến khu để củng cố, phát triển lực lượng đẩy mạnh chiến tranh du kích trên địa bàn góp phần đưa kháng chiến đi đến thắng lợi. Dựa vào Chiến khu, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân xã Ngọc Thanh đã chiến đấu 58 trận, tiêu diệt 105 tên địch, phá hủy 3 xe quân sự; san phẳng 6 vị trí tháp canh của địch; tiến hành công tác binh vận, gọi hàng trăm tên địch đảo ngũ, rã ngũ, làm binh biến; thu hơn 100 súng các loại, hàng tấn đạn dược, quân trang, quân dụng'.

Với cách nhìn đồng đại cho chúng ta thấy những hoạt động đóng góp của Chiến khu Ngọc Thanh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã vượt qua quy mô của căn cứ địa cấp cơ sở. Đó là ngoài căn cứ cho cuộc kháng chiến trên địa bàn, nơi đây còn là cơ sở hậu cần của Trung ương. Cùng với nơi đóng quân của các cơ quan dân chính đảng, lực lượng vũ trang tỉnh; Chiến khu còn là nơi trú quân, là điểm xuất phát của các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ. Những hoạt động hữu hiệu của các cơ quan đơn vị này đã tạo nên một diện mạo khá hoàn chỉnh về một chiến khu cách mạng; một hình ảnh tiêu biểu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, anh dũng và tự lực cánh sinh của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo. Cùng với các chiến khu Lập Thạch, Tam Dương, .. của Vĩnh Phúc Chiến khu Ngọc Thanh đã có những đóng góp to lớn với cuộc kháng chiến trên địa bàn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong suốt cuộc kháng chiến đồng bào dân tộc ít người trong Chiến khu Ngọc Thanh đã đóng góp hàng chục tấn lương thực, gần 1.000 con trâu, bò; Trạm Quân y dược đã sản xuất hàng trăm tấn thuốc tân dược phục vụ cho mặt trận; Xưởng Quân khí tích cực sản xuất hàng loạt vũ khí như: mìn, lựu đạn, súng, mã tấu, dao găm để phục vụ chiến đấu!!. Cùng với các chiến khu Lập Thạch, Tam Dương, .. của Vĩnh Phúc, Chiến khu Ngọc Thanh đã có những đóng góp to lớn với cuộc kháng chiến trên địa bàn. Ngọc Thanh trở thành chiến khu khá điển hình, được xây dựng toàn diện, phát triển nhiều mặt.

Thành công đó đã khẳng định tính đúng đắn chủ trương xây dựng hậu phương kháng chiến của Đảng. Đó là Đảng đã không xây dựng hậu phương theo nghĩa thông thường của chiến tranh quy ước, hiện đại, có chiến tuyến rõ rệt, mà có sự phát triển mới về lý luận, với những điểm sáng tạo, độc đáo, đó là xây dựng hậu phương tại ngay trong vùng địch chiếm đóng, là nơi dự trữ tiềm lực của chiến tranh, cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá; nơi huy động nhân vật lực cho kháng chiến và tạo chỗ dựa về tinh thần cho cuộc kháng chiến ở địch hậu. Thực hiện chủ trương đó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân trên địa bàn xây dựng và phát triển các căn cứ địa, trong đó có Chiến khu Ngọc Thanh đã phát huy vị trí địa lý, huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị đưa Chiến khu Ngọc Thanh vượt qua khuôn khổ căn cứ địa cấp cơ sở, trở thành cứ cứ địa cho cả vùng. Đây cũng là kinh nghiệm để vận dụng trong xây dựng khu vực phòng thủ hiện nay và cũng là yếu tố đặc sắc khi giới thiệu về Chiến khu Ngọc Thanh với du khách đến tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử này.

Để phát huy giá trị của Chiến khu Ngọc Thanh trong giáo dục lịch sử, truyền thống cần có sự nghiên cứu tổng thể, phục dựng lại quá trình hình thành, phát triển và đóng góp của Chiến khu đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để khắc phục cho tình trạng hiện nay tài liệu đề cập về Chiến khu chưa thống nhất, chưa phác họa được bức tranh toàn cảnh cũng như chi tiết của các sự vật, hiện tượng từng xảy ra. Ngay cả trận đánh Đồi Thằn Lằn cũng không có tài liệu ghi chép đầy đủ, kể cả lịch sử của địa phương cũng như đơn vị thực hành tác chiến. Để làm được vấn đè này cần có đề án nghiên cứu, nhân lực, thời gian và kinh phí.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Chiến khu Ngọc Thanh - Cách nhìn đồng đại" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn