Vĩnh Phúc: Công diễn vở chèo Quốc mẫu Tây Thiên

Tối 12/1, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc ( Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công diễn vở chèo Quốc mẫu Tây Thiên.

img-3395-1705069341.jpeg

Một cảnh diễn của vở chèo " Quốc mẫu Tây Thiên" nói về cuộc sống nơi tiên giới trước khi hạ phàm của thần nữ

Ông Vũ Duy Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vở chèo Quốc mẫu Tây Thiên (Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu) tác giả kịch bản là Nguyễn Văn Điệp, bút danh là Hồng Mặc Cát. Nội dung của vở chèo ca ngợi công đức của vị thần nữ được phụng thờ ở Tây Thiên - Tam Đảo theo thuyết tích Hùng triều Ngọc phả. Bà là vợ của vua Hùng Vương thứ VII, người đã dạy dân trong vùng biết gieo trồng hái lượm; phòng chống thú dữ, thuỷ quái quấy nhiễu; lấy lá làm thuốc,… khiến dân trong vùng no ấm bình an; bà còn giúp vua đánh giặc, giữ yên bờ cõi. Để tưởng nhớ công đức của bà, nhà vua xuống chiếu cho lập miếu và truyền cho con dân cả nước đời đời hương hoả phụng thờ tại quê hương.Thông qua vở chèo Quốc mẫu Tây Thiên để tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa nhân văn đến người dân và du khách thập phương về nhân vật lịch sử, danh thần của Vĩnh Phúc đó là Quốc mẫu Tây Thiên.

img-3397-1705069341.jpeg

Cảnh diễn cứu người dân khỏi trăn cuốn

Tác giả Mạc Hồng Cát cho biết: Khác với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc với sự kết hợp của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Hát Chèo là lối hát sân khấu, có thể đơn ca, song ca hoặc đồng ca. Giai điệu của các làn điệu hát chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt. Vở chèo Quốc mẫu Tây Thiên có thời lượng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Khi diễn Chèo các diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng nhiều nhạc cụ như trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục… tạo hiệu ứng lan tỏa của lời hát. Về Quốc mẫu Tây Thiên, tên thật là Lăng Thị Tiêu, bà là chính Vương Phi của Vua Hùng Vương thứ VII. Tương truyền, khi trong nước loạn giặc Thục, bà đã có công chiêu mộ binh sĩ, phò Vương cứu nước, dạy dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị. Khi mất, bà thường hiển linh, âm phù trợ giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước.

quoc-mau-tay-thien-1705070071.jpg

Một cảnh diễn tái hiện cảnh giặc đến cướp bóc của cải của nhân dân

Chị Nguyễn Khánh Linh ở Tp Vĩnh Yên chia sẻ, vở chèo đã miêu tả được tính cách của nhân vật và những công ơn to lớn của bà đối với nhân dân. Khi xem vở chèo do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Vĩnh Phúc biểu diễn, tôi đã được tận hưởng những phút giây thư giãn đầy tiếng cười, mà còn được trải nghiệm và suy ngẫm về sự đời. Mặc dù, các nhân vật trong trong vở diễn chỉ mang tính ước lệ, nhưng chứa đựng nhiều tính nhân văn, hướng thiện, tình yêu quê hương, truyền thống chống gặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước bình yên.