Qua đó, góp phần quan trọng cùng tỉnh thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Phóng viên Cổng TTGT-ĐT tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Hiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Là cơ quan chủ trì, tham mưu tỉnh trong lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiệm vụ này như thế nào để có thể tạo nền móng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngay từ đầu nhiệm kỳ?
Ông Nguyễn Bá Hiến: Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế được xác định là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021-2026 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra. Căn cứ vào thực tiễn cùng những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu tỉnh ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là ngay những tháng đầu năm 2021, đã tham mưu xây dựng Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025 và được HĐND tỉnh khóa XVII thông qua tại Kỳ họp thứ 2 (Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 03/8/2021). Cùng với đó, đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu, trình HĐND tỉnh một số cơ chế, chính sách về thúc đẩy dịch vụ công mức độ 4 trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc. Khi được ban hành, các nghị quyết này sẽ trở thành cơ sở pháp lý, dẫn dắt, định hướng cho công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Xác định việc chuyển đổi số sẽ phải được thực hiện tổng thể, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp; tích cực nghiên cứu, hợp tác để làm chủ công nghệ; tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư nền tảng số và hạ tầng công nghệ thông tin...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến đầu tháng 8/2021, toàn tỉnh đã thiết lập và kết nối được 296 thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đã có tổng số 580.432 văn bản đến và 136.302 văn bản đi được luân chuyển trên hệ thống văn bản điện tử, đồng thời kết nối liên thông với trục văn bản Quốc gia, trong đó, có 129.396 văn bản đi được ký số, chiếm 94%. Đồng thời, xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các sở, ban, ngành, đơn vị cấp huyện và cấp xã, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, nhất là trong thời điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Kinh tế số của tỉnh cũng bắt đầu hình thành với các doanh nghiệp công nghệ số và hoạt động thương mại điện tử; với gần 7.200 doanh nghiệp đăng ký ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, với nhiều mức độ khác nhau; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt (POS); nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin của tỉnh liên tục được đầu tư, nâng cấp theo sự phát triển chung của hạ tầng viễn thông quốc gia. Với 2.700 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G, đã lắp đặt xong 02 trạm 5G của Viettel chuẩn bị đưa vào sử dụng; tỷ lệ số thuê bao điện thoại và tỷ lệ số thuê bao điện thoại di động thông minh trên 100 dân lần lượt là 115% và 75,4%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng cố định là 65%. Dù chịu tác động lớn của dịch bệnh song doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt trên 620 tỷ đồng. Trong khi đó, các dịch vụ phát hàng thu tiền COD, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chuyển tiền nhanh, tiết kiệm bưu điện, logistics, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... đang được 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính đẩy mạnh, góp phần đưa doanh thu bưu chính 6 tháng đầu năm đạt 180 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được ngay trong những tháng đầu tiên bước vào giai đoạn mới cùng những kế hoạch, mục tiêu được hoạch định cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực và ở từng giai đoạn cụ thể sẽ là tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số.
PV: Không chỉ có cách tiếp cận mạnh mẽ và chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động chuyển đổi số, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương chủ động triển khai các nền tảng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông có thể nói rõ hơn về kết quả đã đạt được?
Ông Nguyễn Bá Hiến: Đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, toàn ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc nhận định đây là một thách thức rất lớn, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành khẳng định vai trò chủ lực, tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động xây dựng Chuyên trang về phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh tại địa chỉ covid.vinhphuc.vn nhằm thông tin kịp thời quan điểm, chủ trương, định hướng của tỉnh trong phòng chống dịch Covid-19; hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; phản ánh nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị; thông tin giám sát cộng đồng; xử lý vi phạm; khuyến cáo người dân... Phối hợp với Công ty Cổ phần VNG hỗ trợ công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 thông qua ứng dụng Zalo thông qua các nhãn như “Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Vĩnh Phúc”, “Tổ truyền thông Covid-19 Vĩnh Phúc” để kịp thời cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng Zalo những thông tin mới, nhanh nhất liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; chủ trì tham mưu phương án thành lập 09 điểm khai báo y tế điện tử bắt buộc với người dân đến Vĩnh Phúc tại 09 chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tỉnh; triển khai nền tảng tiêm chủng Covid-19 trên địa bàn tỉnh…
Từ sự tham mưu của Sở Thông tin và Truyền thông, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai đưa ứng dụng Bản đồ số dịch tễ Covid-19 tại địa chỉ https://covidmaps.vinhphuc.gov.vn vào hoạt động. Các dữ liệu công khai, minh bạch trên bản đồ không chỉ giúp lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn có thông tin kịp thời, tổng quan về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có giải pháp ứng phó phù hợp mà còn cung cấp thông tin để người dân biết, nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch. Sở đã chủ trì phối hợp với các đơn vị triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát tại 31 khu cách ly tập trung của tỉnh với 349 camera kết nối với hệ thống giám sát tập trung Quốc gia phục vụ việc kiểm soát, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện 45 triệu tin nhắn SMS đến tất cả các thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh liên quan đến các thông tin về phòng chống dịch bệnh Covid-19; Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh thường xuyên rà quét, giám sát các tin giả, tin xấu liên quan công tác phòng, chống Covid-19 của tỉnh trên không gian mạng. Đặc biệt, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khi thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều công dân Vĩnh Phúc đang sinh sống, học tập, làm việc xa quê gặp khó khăn. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã thành lập các kênh thông tin trên mạng để kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ người dân của tỉnh đang ở các vùng dịch, sau hơn 1 tuần thiết lập, các kênh thông tin này đã tiếp nhận trên 1.000 phản ánh từ người dân đang gặp khó khăn về y tế và đời sống.
Trong công tác tuyên truyền, Sở Thông tin và Truyền thông đã rất sáng tạo khi tạo lập nhóm “Thông tin nhanh về Vĩnh Phúc” trên mạng Zalo để cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Nhóm này đã tập hợp được hơn 200 phóng viên của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương và kịp thời cung cấp thông tin về các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; định hướng thông tin truyền thông một cách nhanh nhất, chính xác nhất từ đó định hình nên góc nhìn đúng đắn của dư luận nhân dân trong tỉnh và cả nước về công tác phòng, chống dịch tại Vĩnh Phúc. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về truyền thông, Sở đã tập trung chỉ đạo Đài PT-TH, Báo Vĩnh Phúc, Cổng TT-GTĐT tỉnh, hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, hệ thống thông tin cơ sở thường xuyên cập nhật, tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền tình hình dịch bệnh và các chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục; tăng cường tần suất, thời lượng tuyên truyền liên tục trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã; phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo cấp xã khắc phục 554/3100 cụm loa hỏng, bảo đảm thông suốt để tuyên truyền trong dịp bầu cử và dịch bệnh Covid-19.
Có thể khẳng định, việc triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua không chỉ hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn mà còn bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của tỉnh những tháng đầu năm 2021.
PV: Trước dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp gì để đồng hành cùng tỉnh thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong thời gian tới thưa ông?
Ông Nguyễn Bá Hiến: Trên cơ sở cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trước mắt là góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021, ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đã xác định nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện thời gian tới là chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; tích cực phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, bảo đảm an toàn thông tin; thực hiện tốt công tác quản lý nội dung thông tin đăng, phát sóng cũng như việc thực hiện quy định của pháp luật đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông tại địa phương.
Những tháng còn lại của năm 2021, bên cạnh làm tốt nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Sở tranh thủ tận dụng thời cơ, thúc đẩy hiện đại hóa hạ tầng số, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số như: Duy trì, phát triển ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, an toàn, an ninh thông tin trên nền tảng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh; triển khai xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc; triển khai nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với các Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai hoạt động thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin tại Trung tâm thông tin giám sát, điều hành (IOC), Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng hạ tầng nền tảng số và dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng nền tảng như: Thông tin dịch bệnh online, bản đồ số dịch tễ Covid-19, thông tin dịch bệnh qua tin nhắn SMS, khai báo y tế điện tử, nền tảng tiêm chủng, nền tảng xét nghiệm, giám sát khu cách ly, tổ chức sử dụng các dịch vụ trực tuyến như hội họp, học tập, khám chữa bệnh, mua sắm, thanh toán...
Xác định rõ sứ mệnh của mình trong tình hình mới, hiện toàn ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất hướng tới mục tiêu đến năm 2025, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước; kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt hơn 20%; 100% doanh nghiệp hướng tới nền sản xuất, kinh doanh thông minh; có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 90%; mỗi người dân có danh tính số, mỗi hộ gia đình có địa chỉ số…
Xin trân trọng cảm ơn ông!