Đoàn kết là truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.Thực tiễn lịch sử nước ta đã chứng minh rằng, đứng trước những thử thách lớn lao, trước những yêu cầu to lớn của cách mạng, cần phải xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thực hiện đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất, được tổ chức một cách chặt chẽ thì mới có thể đưa cách mạng đi đến thành công.
Trải qua 92 năm kể từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay, vấn đề đại đoàn kết toàn dân luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng ta luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục quán triệt tinh thần, sức mạnh, vai trò, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn hiện nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” nhằm khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhận thức rõ sức mạnh to lớn và vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân đối với sự phát triển của huyện, Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Tường luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, phát huy vai trò trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn toàn dân, vận động, giáo dục quần chúng và thu hút các lực lượng xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của huyện đề ra trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ.
Với vị trí địa lý là huyện đồng bằng, nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, thuộc phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Tường là vùng địa linh, nhật kiệt, có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời. Vĩnh Tường là nơi sinh sống của người Việt cổ, ghi dấu sự phát triển của nền văn minh sông Hồng và là quê hương cách mạng, anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống thực dân, đế quốc, sáng tạo trong lao động sản xuất, là nơi kinh tế phát triển, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, với diện tích tự nhiên 144,02 km2 km2, dân số trên 200 nghìn người với 28 xã, thị trấn. Vĩnh Tường đã phát huy truyền thống đoàn kết của quê hương anh hùng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chinh trị - xã hội, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện Vĩnh Tường luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, thống nhất ý chí và hành động, Nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và phát triển cộng đồng. Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được đông đảo các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và đưa Vĩnh Tường liên tục phát triển với những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực.
Đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Vĩnh Tường trong những năm gần đây, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Tường nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt cao so với kế hoạch, đặc biệt có hai năm 2018 và 2019 tổng thu ngân sách đạt trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2020 thực hiện 413,84 tỷ đồng, tăng 99,217 tỷ đồng, tăng 31,54% so với năm 2015. Chi ngân sách huyện năm 2020 thực hiện 1.457,544 tỷ đồng, tăng 624,456 tỷ đồng (tăng 74,96%) so với năm 2015. Công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp.Trong nhiệm kỳ, toàn huyện đã xử lý được 361/460 trường hợp vi phạm Luật Đất đai phát sinh (đạt 78,5%). Chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thành chi trả đất dịch vụ cho Nhân dân với diện tích đã chi trả được 15,04 ha, đạt 100% kế hoạch. Chỉ đạo thành công chủ trương làm điểm của tỉnh về xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh khắc phục ô nhiễm môi trường tại 02 xã Nghĩa Hưng và Tam Phúc, làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh. Đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được 209 công trình, dự án với diện tích là 330,8ha, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Cơ bản giải phóng mặt bằng xong Cụm công nghiệp Đồng Sóc giai đoạn I, Dự án Chợ đầu mối nông sản thực phẩm (85ha/154,17ha), Dự án Đường trục trung tâm huyện (32,2/32,8ha)...
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục tiếp tục khẳng định vị trí cao trong tỉnh về chất lượng. An sinh xã hội được đặc biệt chú trọng, nhất là công tác chăm lo cho người nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy. Công tác tổ chức, cán bộ có nhiều đổi mới, được triển khai tích cực, hiệu quả. Tính đến hết tháng 5/2020, đã sáp nhập 21 thôn, tổ dân phố thành 10 thôn, tổ dân phố; sáp nhập 20 trường thành 10 trường học; đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 37 cán bộ lãnh đạo, quản lý; giới thiệu 85 đồng chí ứng cử bầu kiện toàn các chức danh lãnh đạo; đã bố trí 17/28 xã, thị trấn có lãnh đạo, quản lý chủ chốt không là người sở tại (đạt 60,7%); 03 xã có Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2015, huyện có 06/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong nhiệm kỳ, tất cả 20 xã còn lại đều được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 26/26 xã (đạt 100%) - và là huyện có số xã về đích NTM nhiều nhất tỉnh (26/112 xã). Đồng thời, quan tâm chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2017, Huyện đã chỉ đạo hoàn thành dồn điền đổi thửa tại 02 xã làm điểm của tỉnh (Ngũ Kiên, Cao Đại) và 3 xã đăng ký thêm, mỗi xã thực hiện 01 thôn (Vũ Di, Phú Thịnh, Tuân Chính). Năm 2018, huyện có thêm 13 thôn ở 05 xã thực hiện dồn điền đổi thửa với tổng diện tích gần 900 ha. Sau hơn 03 năm triển khai, huyện đã chỉ đạo thành công tại 08 xã với tổng diện tích gần 1.300ha- dẫn đầu tỉnh về thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng.
Việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã có nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả, ngày càng được nhân rộng; huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của các các tầng lớp Nhân dân, đoàn viên, hội viên khắc phục khó khăn, đóng góp các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là mô hình “Toàn dân đoàn kết bảo vệ môi trường” tại Thôn Nội - Chấn Hưng, mô hình “Con đường bích họa” tại thôn Đình - Xã Bồ Sao, mô hình “Đoạn đường hoa phụ nữ” đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt cảnh quan công cộng được nhân dân phấn khởi hưởng ứng tham gia và nhiều mô hình khác với những hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình đặc thù của khu dân cư. Từ đó tạo sự lôi cuốn, sức lan tỏa, phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp công sức của từng cá nhân, cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn: Từ năm 2014 đến 2019, Ủy ban MTTQ các cấp huyện Vĩnh Tường đã hỗ trợ xây dựng được gần 200 căn nhà Đại đoàn kết, trao bò sinh sản, sổ tiết kiệm và hàng nghìn suất quà cho 100% hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Đồng hành với MTTQ, các tổ chức thành viên tích cực hưởng ứng chăm lo đời sống cho đoàn viên hội viên nghèo thông qua các phong trào như vận động ủng hộ xây nhà “Mái ấm tình thương” của Hội LHPN, Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh, quỹ “Vì công nhân lao động nghèo” của Công đoàn, Quỹ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ.... Từ nguồn quỹ huy động, các tổ chức đã hỗ trợ xây dựng 53 căn nhà, 50 bò sinh sản cho đoàn viên, hội viên nghèo, hàng trăm xe đạp, xe lăn cho học sinh nghèo, người khuyết tật, duy trì việc phát cháo tình thương tại Trung tâm y tế huyện các ngày trong tuần..... Ngoài ra, thông qua công tác ủy thác cho vay của các đoàn thể đã giúp đỡ hộ nghèo biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Những hoạt động trên đã hỗ trợ các hộ gia đình nghèo thoát nghèo bền vững, sau 5 năm (2014-2019), tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 3,31% xuống còn 1,92%, thiết thực thực hiện Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. MTTQ huyện đã vận động, tiếp nhận trên 2 tỷ đồng vào Quỹ cứu trợ huyện và đã kịp thời hỗ trợ cho đồng bào các tỉnh chịu thiệt hại do thiên tai; kịp thời thăm hỏi, động viên, cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn không may gặp thiên tai, hoạn nạn, mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn với số tiền 1,5 tỷ đồng. MTTQ huyện đã triển khai rà soát lập hồ sơ thẩm định hộ nghèo khó khăn về nhà để xây nhà Đại đoàn kết cho 83 hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí hỗ trợ 5.595.000.000đ. Đến cuối năm 2021, đã bàn giao được 77/83 nhà với tổng số tiền 5,34 tỷ đồng. Tiếp tục rà soát thẩm định thực trạng nhà ở, hoàn cảnh các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở và lập danh sách đề nghị hỗ trợ xây dựng 110 hộ với tổng kinh phí đề nghị hơn 6,65 tỷ đồng. Chủ trì xây dựng Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Nhân dịp tết Tân Sửu 2021, MTTQ Huyện đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên chỉ đạo MTTQ các xã, thị trấn tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, chức sắc tôn giáo tiêu biểu. Kết quả đã tổ chức Chương trình “Tết ấm tình quê hương - Xuân Tân Sửu 2021” ở cấp huyện và cấp xã, trao 638 suất quà cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 1.190.300.000đ, 1069 suất quà cho hộ cận nghèo với tổng số tiền 538.500.000đ, 126 suất quà cho hội viên Hội TNXP và địch bắt tù đày với tổng số tiền 63.000.00đ. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị-xã hội huyện và MTTQ các xã, thị trấn cũng đã trích quỹ Hội, quỹ Vì người nghèo của địa phương tặng 584 suất quà với tổng giá trị 295.000.000đ. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện tổ chức thăm, chúc tết tặng quà cho 51 cá nhân tiêu biểu trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán.
Công tác khuyến học, khuyến tài được Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 500 dòng họ học tập; 76 cộng đồng học tập; 42.999 gia đình học tập, (tăng 23.001 gia đình so với đầu nhiệm kỳ). Vận động 100% khu dân cư đóng góp hàng chục tỷ đồng để trao thưởng, tặng quà cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Đến nay, trên 80% khu dân cư trên địa bàn không có trẻ em bỏ học. MTTQ các cấp hướng dẫn thực hiện việc đăng ký, bình xét gia đình văn hóa đúng quy trình, thời gian, công khai, dân chủ.
Công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm và có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc; thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thể hiện sự tích cực tham gia hoạt động xã hội của các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp, tôn giáo trong và ngoài huyện cùng chung tay chăm lo thiết thực cho các đối tượng chính sách cả về tình cảm, tinh thần và đặc biệt là các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, tặng quà, hỗ trợ lên đến hàng chục tỷ đồng. MTTQ tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng; sống và làm việc theo pháp luật, tích cực hưởng ứng phong trào vì an ninh tổ quốc tham gia phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, về an toàn thực phẩm.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai chủ động tới các cấp, các ngành, từng địa phương. Thông qua Cuộc vận động, đã từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong các cộng đồng dân cư. Nhận thức của đại bộ phận người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các cơ quan về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa, ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, mở rộng thị trường nội địa được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp trong huyện đã chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, sản xuất ra những mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Các kênh phân phối được hình thành một cách đa dạng, có sự liên kết theo ngành, lĩnh vực, khu vực địa lý, góp phần đưa hàng hóa trong nước đến với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng hàng Việt có chất lượng tại khu vực nông thôn.
Thực hiện phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, Mặt trận các cấp đã triển khai tuyên truyền trong các tổ chức thành viên, cơ quan, đơn vị và nhân dân thi đua “Đoàn kết sáng tạo” nâng cao hiệu quả công tác, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong hệ thống chính trị; nâng cao năng lực quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội; nâng cao năng suất lao động, nghiên cứu khoa học trong các đơn vị lực lượng vũ trang, sự nghiệp; doanh nghiệp, hộ gia đình… Kết quả bước đầu đã ứng dụng các sáng kiến, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác, sản xuất kinh doanh; thu hút sự tham gia đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân đạt hiệu quả.
Hưởng ứng các nội dung của các cuộc vận động, phong trào do MTTQ Việt Nam phát động, nhiều phong trào thi đua của các tổ chức thành viên được thực hiện có hiệu quả như: phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; Cuộc vận động xây dựng nhà “Mái ấm tình thương”, “Đoạn đường hoa phụ nữ” của Hội Liên hiệp phụ nữ ; Phong trào Thanh niên tình nguyện với các nội dung “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu chiến binh; Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Liên đoàn Lao động; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ. Hội Người cao tuổi với phong trào thi đua “Tuổi cao trí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Nhiều cuộc vận động có ý nghĩa kinh tế, xã hội của các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội khác được nhân dân hưởng ứng và đánh giá cao.
Công tác hỗ trợ phòng, chống dịch covid-19: Để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước chung tay phòng, chống dịch covid-19, san sẻ phần nào khó khăn, giúp người dân Vĩnh Tường đang sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Được sự đồng ý của Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường, Uỷ ban MTTQ huyện đã phát động ủng hộ người dân Vĩnh Tường hiện đang lao động, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khó khăn do dịch Covid- 19 được 3,1336 tỷ đồng và 53 tấn gạo từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đặc biệt là Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn. Tính đến ngày 10/9/2021 đã hỗ trợ 53 tấn gạo cho 2650 công dân Vĩnh Tường sinh sống, lao động, học tập tại thành phố Hồ Chí Minh và hỗ trợ hơn 2,7 tỷ đồng cho hơn 5400 công dân Vĩnh Tường đang sinh sống, lao động, học tập 19 tỉnh phía Nam (bằng hình thức chuyển khoản và chuyển cho người thân của công dân) và trích Quỹ hỗ trợ 02 hộ gia đình có người thân qua đời do dịch Covid tổng số tiền là 30.000.000đ.
Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Tường trong những năm qua đã thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Trong thành quả chung về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân có sự đóng góp to lớn của các tầng lớp Nhân dân trong huyện.
Giai cấp công nhân trên địa bàn huyện ngày càng phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong lao động được nâng lên, luôn thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Giai cấp nông nhân với truyền thống cần cù, sáng tạo, vượt khó, nông dân trên địa bàn luôn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, là lực lượng chủ yếu trong xây dựng nông thôn mới.
Lực lượng Cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu, tích cực giữ gìn an ninh trật tự, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; cùng với cựu thanh niên xung phong luôn nêu gương sáng cho thế hệ trẻ.
Người cao tuổi có vai trò quan trọng và là chỗ dựa tinh thần cho gia đình và xã hội, luôn nêu cao tinh thần “tuổi cao - gương sáng”, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh.
Các lực lượng vũ trang nhân dân luôn phát huy truyền thống trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và chế độ, là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Để tiếp tục đạt được những kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, xa hơn, toàn diện hơn nữa trong những năm tiếp theo của thế kỷ XXI - thế kỷ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đang từng ngày, từng giờ tận dụng tối đa sự phát triển của khoa học, công nghệ, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH gắn với kinh tế tri thức để phấn đấu đưa Vĩnh Tường trở thành trung tâm dịch vụ thương mại sầm uất, văn minh đúng với giá trị thương hiệu Vĩnh Tường thời hội nhập. Phấn đấu đến năm 2030 Vĩnh Tường trở thành đô thị tiên phong dẫn đầu trong tỉnh Vĩnh Phúc, đưa Vĩnh Tường phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành đô thị loại IV như mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Bên cạnh việc tranh thủ những nguồn lực bên ngoài, cần phát huy sức mạnh nội lực. Đó là sự đồng thuận của toàn xã hội, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Chỉ có trên nền tảng sự đồng thuận xã hội, trên nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở lấy Nhân dân làm gốc, dựa vào Nhân dân và coi trọng lợi ích của Nhân nhân thì mọi mục tiêu mới có thể thực hiện thành công.
Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở Vĩnh Tường
04:54 17/12/2022
Sau đây là tham luận của ThS.Nguyễn Thị Hoa - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc “Phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở Vĩnh Tường” tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.