Với kết quả đạt được và kinh nghiệp rút ra trong năm 2022 đã củng cố niềm tin, tạo bước đột phá phát triển trong năm Quý Mão - năm bản lề của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Bài 1: Những con số ý nghĩa
Tổng kết cuối năm, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010, năm 2022 Vĩnh Phúc tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước (ước tăng 8%) và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8,0-9,0%); đưa tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt gần 9%/năm (nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước). Trong đó: ngành Công nghiệp - xây dựng tăng 13,41% (trong đó riêng công nghiệp tăng 14,37%), các ngành Dịch vụ tăng 9,61%, ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,23% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,18% so với năm 2021.
Quy mô nền kinh tế ước đạt trên 165,5 nghìn tỷ đồng; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp ‑ xây dựng chiếm khoảng 64,22%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 29,2% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,58% (Năm 2021 lần lượt là: 62,82%, 29,43% và 7,76%).
GRDP bình quân/người ước đạt khoảng 129,4 triệu đồng/người/năm; dự kiến tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cả năm ước đạt 35.700 tỷ đồng(số liệu ước 15/11/2022), bằng 111,94% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021, đây là mức thu đạt cao nhất từ trước tới nay. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 30.000 tỷ đồng, đạt 109,98% dự toán và tăng 6,2% so với cùng kỳ, thu xuất nhập khẩu ước đạt 5.700 tỷ đồng, đạt 123,5% so với dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu các khoản thu nội địa, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 101,7% dự toán và tăng 17,2% so với năm 2021[1]; hầu hết các khoản thu khác đều đạt và vượt dự toán... Căn cứ tình hình triển khai, thực hiện tháng cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Cấp ủy, chính quyền tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thu ngân sách năm 2022 đạt trên 37.500 tỷ đồng. Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 là 20.057,2 tỷ đồng, đạt 110,24% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được chỉ đạo quyết liệt. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh, được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của tỉnh. Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc (tăng 24 bậc); chỉ số cải cách hành chính PARINDEX đứng thứ 5 toàn quốc (tăng 10 bậc).
Để chủ động đón nhận các dòng vốn FDI chất lượng; Tỉnh đã tổ chức thành công một số hội nghị xúc tiến đầu tư quan trọng như “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022”; “Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam‑Nhật Bản năm 2022”; phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp Đài Loan khu vực phía Nam; Tổ chức hội nghị “Vĩnh Phúc - Điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc” năm 2022… Tổ chức thành công một số đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia như: Hàn Quốc, Singapore và Maylaysia.
Vĩnh Phúc cũng đã tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... đến tìm hiểu môi trường của tỉnh và ký kết ghi nhớ hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Ước năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút được 450 triệu USD vốn FDI, bằng 100% kế hoạch năm. Vĩnh Phúc thu hút vốn DDI trong năm qua dự kiến thu hút đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự hồi phục của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.300 doanh nghiệp tăng 13% so với năm 2021 với số vốn đăng ký trên 13,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến 31/12/2022, toàn tỉnh ước có 13.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 160 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 9.500 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương trên 70% doanh nghiệp đăng ký thành lập).
Sản xuất công nghiệp năm 2022 có nhiều khởi sắc do tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát tốt từ quý II.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trong năm qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả Tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông ‑ lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 0,1% so với năm 2021, trong đó: trồng trọt giảm -9,27%, chăn nuôi tăng 5,63%, lâm nghiệp tăng 3,22% và thủy sản tăng 2,02% so với năm 2021.
Các lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch của Vĩnh Phúc đã có những dấu hiệu khởi sắc vào những tháng cuối năm. Khu du lịch Tam Đảo trở thảnh Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022.
(Còn nữa)
V.X.B - N.T.D
Đón đọc Bài 2: 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá