1. Đặt vấn đề
Văn miếu là nơi thờ Tiên thánh, Tiên hiền của Nho giáo, những vị có công khai mở việc học ở Trung Hoa thời cổ đại. Văn miếu du nhập vào Việt Nam từ đời Lý, chép trong sách Đại Việt sử ký toàn thư:“ Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ 2 (1070) […], Mùa thu, tháng 8, làm Văn miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng Thái tử đến học ở đây” . Đó là sự ra đời của văn miếu cấp trung ương ghi nhận trong chính sử, còn văn miếu cấp phủ ở nước ta, trong đó có phủ Vĩnh Tường không thấy đề cập. Trong quá trình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, văn miếu cấp phủ ở nước ta có vai trò làm cầu nối trong bước trung chuyển từ cấp phủ sang cấp tỉnh ở thời Nguyễn, thể hiện rõ nhất chính là văn miếu của phủ Vĩnh Tường. Bài viết này chúng tôi đề cập đến vấn đề đó dựa trên nguồn tư liệu Hán Nôm do Học Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm vào đầu thế kỷ XX, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sau đó nêu giá trị của văn miếu phủ Vĩnh Tường trong hệ thống Văn miếu cấp phủ ở nước ta.
2. Lịch sử Văn miếu phủ Vĩnh Tường
Phủ Vĩnh Tường ra đời vào ngày Giáp Ngọ, tháng Quý Mão, năm Nhâm Ngọ, tức ngày 18, tháng 2, năm Nhâm Ngọ, theo dương lịch là ngày 11, tháng 3, năm 1822, thuộc đời vua Minh Mệnh (1820-1840), trên cơ sở đổi tên từ phủ Tam Đa vào năm 1821 . Khi đổi tên là phủ Vĩnh Tường, phủ kiêm quản 3 huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch và Tam Dương, trong đó có văn miếu của phủ Tam Đới đặt ở xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường).
Hiện tại chưa rõ văn miếu phủ Tam Đới được xây dựng vào năm nào. Tư liệu sớm nhất đề cập đến Văn miếu phủ Tam Đới cũng chỉ nói khi trùng tu văn miếu phủ Tam Đới vào năm 1667, nơi đây chỉ còn lại nền móng cũ và cho biết: “ Quy mô ban đầu còn nhỏ, chưa được đổi thay rực rỡ” . Trước đây có ý kiến cho rằng, văn miếu phủ Tam Đới “được thiết lập muộn nhất vào năm 1414 dưới thời Minh thuộc” . Chúng tôi cho rằng, thời điểm xây dựng văn miếu phủ Tam Đới phải muộn hơn thời điểm 1414, bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, thời điểm vào năm 1414, khi nước ta nằm dưới ách đô hộ của nhà Minh, nhà Minh có bắt nước ta xây dựng hệ thống văn miếu như ở Trung Quốc là thực tế được ghi nhận trong chính sử nước nhà. Tuy nhiên, đây là điều không dễ thực hiện với nhà Minh vì đến năm 1428, ách đô hộ của nhà Minh bị lật đổ. Do vậy, trong hơn chục năm thống trị Đại Việt, tính từ năm 1414 đến năm 1428, là quãng thời gian rất ngắn khiến nhà Minh khó có thể bắt người Việt Nam xây dựng Văn miếu tại các phủ, châu, huyện theo mô hình của nhà Minh ở chính quốc.
Thứ hai, hiện chúng tôi đã có tư liệu thành văn nói về việc xây dựng văn miếu tại các trấn, lộ của nước ta, do nhà khoa bảng Nguyễn Tông Khuê viết trên bia tại Văn miếu phủ Kinh Môn vào năm 1751: “ Bản triều ta, khoảng niên hiệu Thuận thiên (1428-1433) và Thuận Bình (1434-1439) bắt đầu sai quan ở các trấn, lộ dựng văn miếu làm nơi thờ tự, theo nghi thức như ở nhà quốc học. Hiệu quan ở các phủ huyện sửa đủ lễ vật mang đến lễ bái” . Theo tư liệu này thì phải sau khi nước ta giành độc lập, tự chủ từ cuộc kháng chiến chống quân Minh, người Việt Nam mới xây dựng văn miếu tại các trấn, lộ, cho dù đây là mô hình tiếp thu từ chính Trung Hoa.
Thứ ba, văn miếu của một phủ khi được xây dựng phải dựa trên sự phát triển dân trí trong vùng, cụ thể là của phủ Tam Đới. Phủ này, vào thời Lê Sơ (1428-1527), đặc biệt trong niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), vốn là nơi phát đạt về khoa bảng. Chỉ tính riêng các huyện Bạch Hạc, Yên Lạc và Lập Thạch của phủ Tam Đới thời đó đã có 46 vị đỗ đại khoa. Số này so với số đại khoa của toàn tỉnh Vĩnh Phúc đỗ trong lịch sử khoa cử Việt Nam (1075-1919) là 86 vị, chiếm đến 53% (46/86). Đây cũng là giai đoạn phát triển mạnh nhất trong lịch sử giáo dục, khoa cử Việt Nam thời quân chủ.
Với ba lý do như vậy, chúng tôi cho rằng văn miếu phủ Tam Đới được xây dựng vào thời Hồng Đức là hợp lý.
Mặc dù thời điểm xây dựng văn miếu phủ Tam Đới mới chỉ dừng ở mức độ giả thiết nhưng từ năm 1669 trở về sau, tư liệu đề cập đến Văn miếu phủ Tam Đới ngày càng phong phú. Theo đó, sau lần trùng tu được coi là lần đầu tổ chức vào năm 1667, do Tri phủ Nguyễn Duy Chí cùng người dân trong phủ đóng góp công đức, qua một năm tôn tạo mới hoàn thành:“ viện Văn miếu được làm mới, chế độ hoàn hảo, không phải chạm xà, vẽ cột mà tự trang nghiêm, không dùng đá lạ hoa đẹp mà tự rạng ngời. Lại đắp và tô vẽ tòa tượng của Tiên thánh, Tiên hiền đoan nghiêm, sừng sững, khí tượng ung dung, khiến chiêm ngưỡng thêm sùng kính” . Kết quả đã tạo ra một văn miếu mới, theo kết cấu hình chữ nhị, tức có tiền đường và bái đường.
Trải trên 30 năm, sau lần trùng tu thứ nhất, Văn miếu phủ Tam Đới trùng tu lần thứ hai. Đợt trùng tu này diễn ra vào niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), đời vua Lê Hy Tông (1676-1705), với sự đóng góp công đức của 18 Hội Tư văn ở một số xã và nha môn tại các huyện thuộc phủ Tam Đới, cùng 260 quan chức và dân thường ở khắp nơi trong nước. Sau 6 năm tôn tạo, văn miếu phủ Tam Đới hoàn thành vào năm 1702, tạo ra một quần thể được xem là tiêu biểu cho văn miếu cấp phủ ở Việt Nam thời đó. Đó là “chỗ nào chưa hoàn bị thì sửa sang thêm, chỗ nào chưa đẹp thì trang trí. Năm gian chính điện, dùng bằng son để tăng lộng lẫy. Ba gian tiền đường, chắp hình dải quạt, dùng gỗ thay tre. Làm hai dải vũ ở hai bên tả hữu, mỗi dải ba gian. Tạo một chiếc cầu bắc qua ao, cầu gồm 7 gian, là do tạo mới. Điện đường trong ngoài, lợp bằng ngói, sửa lại những chỗ bị dột. Tường bao trong ngoài, xây bằng gạch, là do làm mới. Nghi môn làm trước đây vốn gần ao, nay đưa sát gần đường, tu sửa thêm. Còn hai cánh cửa, chạm gỗ vẽ rồng cho thêm lộng lẫy. Lại đắp và tô tượng Thánh hiền, dáng tượng từ cũ mà được làm mới. Thiết lập thêm mười tòa Thập triết mà trước đây chưa có. Tái tạo một biển đại tự, đề ba chữ văn miếu điện, biển sơn son, chữ thếp vàng, treo ở giữa tiền đường” .
Như vậy, qua hai lần trùng tu vào những năm 70 của thế kỷ XVII và những năm đầu của thế kỷ XVIII cho thấy bức tranh toàn cảnh về kiến trúc của văn miếu phủ Tam Đới bao gồm hai tòa chính điện và tiền đường chạy song song được coi là công trình chính. Hai dải vũ đặt phía trước tòa tiền đường cũng chạy song song cùng chiếc hồ, phía trên bắc cầu vượt gồm 7 gian và nghi môn được coi là công trình phụ.
Đến cuối thời Lê, tư liệu cho biết có đợt trùng tu văn miếu phủ Tam Đới diễn ra vào vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 (1777), đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Sang triều Tây Sơn, vào năm Canh Thân (1800), niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1801), nhân trùng tu lần thứ tư, người dân mở hội đúc chuông, đúc khánh, bưng trống cung tiến vào văn miếu bản phủ.
Cũng qua tư liệu cho thấy, đối tượng thờ tự trong văn miếu phủ Tam Đới là Khổng Tử, nhà giáo dục lỗi lạc của Trung Hoa thời cổ đại, cùng Thập triết, tức 10 học trò ưu tú của Khổng Tử. Tượng thờ của các vị này đều được đắp bằng đất, không dùng tượng gỗ. Theo quy chế đương thời, tại văn miếu các phủ, hễ vào ngày Đinh đầu tiên của tháng 2 và tháng 8 Âm lịch hằng năm đều tổ chức tế lễ Tiên thánh, Tiên hiền. Những Sinh đồ ở các phủ, huyện, xã thuộc bản phủ có trách nhiệm phải đến Văn miếu của phủ giúp việc làm lễ. Văn miếu phủ Tam Đới thời đó đương nhiên có hoạt động này. Như thế có nghĩa thông qua việc trợ tế đã giúp sĩ tử phủ Tam Đới, trong đó có sĩ tử của huyện Bạch Hạc biết ngọn nguồn sự học, từ đó nuôi chí, luyện rèn, phấn đấu vươn lên trong học tập và thi cử.
3. Sự chuyển đổi từ văn miếu phủ Vĩnh Tường thành văn miếu tỉnh Vĩnh Yên
Tại Trung Quốc, quê hương của Khổng Tử, văn miếu – Khổng miếu được thiết lập tại các châu, quận, huyện hầu như không có sự chuyển đổi về chức năng quản lý hành chính từ cấp độ này sang cấp độ khác. Trong khi ở Việt Nam có sự thay đổi về đơn vị hành chính, kéo theo đó là sự thay đổi về tên gọi của di tích. Lấy phủ Tam Đới liên quan đến bài viết làm ví dụ: phủ này được thành lập từ năm 1469, thuộc niên hiệu Quang Thuận thứ 10, trong cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Đến năm thời vua Minh Mệnh, như nói phần trên, vào năm 1821, đổi tên thành phủ Tam Đa. Năm sau, 1822, đổi tên là phủ Vĩnh Tường.
Lúc này, văn miếu của phủ Tam Đới vẫn đặt tại địa điểm ban đầu là xã Cao Xá, huyện Bach Hạc, trên danh nghĩa không còn tên gọi cũ nên đã được chuyển thành tên gọi mới là văn miếu phủ Vĩnh Tường. Thời điểm chuyển giao chưa được xác định nhưng quyền sở hữu về văn miếu này thuộc phủ Vĩnh Tường, ghi nhận trong bài minh Vĩnh Tường Văn miếu chung 永 祥 文 廟 锺. Bài minh khắc năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), do Lê Duy Trung, người xã Thượng Phúc, huyện Thượng Phúc, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838), giữ chức Tri phủ phủ Vĩnh Tường soạn. Nội dung cho biết Văn miếu phủ Vĩnh Tường đặt trên khu đất yên tĩnh ở xã Cao Xá thuộc bản huyện. Nhân vì chuông cũ của văn miếu phủ Tam Đới do trải lâu đời bị hỏng, nay các vị quan chức trong phủ Vĩnh Tường tập hợp mọi người trong phủ góp công đức đúc thành chuông mới cung tiến vào Văn miếu của phủ Vĩnh Tường . Thông tin này cho thấy, vào đời vua Thiệu Trị (1841-1847), phủ Vĩnh Tường đã sở hữu văn miếu cũ của phủ Tam Đới.
Cũng vào thời Thiệu Trị, chúng ta còn biết thêm một số hoạt động của văn miếu phủ Vĩnh Tường ghi nhận qua Vĩnh Tường tế điền ký 永 祥 祭 田 記. Đây là văn bia thứ hai, cũng do Lê Duy Trung soạn, dựng cùng niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841). Văn bia bị mờ nhòe, mất nhiều chữ, phần chữ còn đọc được cho biết văn miếu phủ Vĩnh Tường vào khoảng thời gian này, ngoài thờ Khổng Tử, Tứ phối, Thập triết, còn thờ Sĩ Nhiếp.
Về Sĩ Nhiếp, còn gọi là Sĩ Vương, tự Ngạn Uy, người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô, tổ tiên của ông là người Vấn Dương, nước Lỗ, do loạn Vương Mãng mà lánh sang nước ta, đến ông là sáu đời. Cha ông là Tứ, từng làm Thái thú cho Hán Hoàn đế ở Nhật Nam. Lúc nhỏ ông chuyên trị sách Tả thị Xuân thu, được cử làm Hiếu liêm, bổ làm Thượng thư lang nhưng bị bãi chức. Sau khi cha mất, ông được đề cử làm Mậu tài, bổ chức quan lệnh tại Hàm Dương. Đến thời Hán Hiến đế, ông được điều chuyển làm Thái thú Giao Châu. Khác với các viên đô hộ người Hán đương thời, ông luôn quý trọng nho sĩ, kể cả nho sĩ là người Hán chạy loạn sang cư trú tại Giao Châu. Khi qua đời, ông được coi là “ Nam giao học tổ” (ông tổ của việc học nước Nam). Đây là điều đáng chú ý bởi hệ thống văn miếu, văn từ và văn chỉ nước ta chủ yếu thờ Khổng Tử, Tứ phối và Thập triết, ít khi thờ ông.
Song, đáng chú ý hơn, vẫn theo tư liệu văn bia nói trên, là thờ những vị đỗ đại khoa và trung khoa của phủ Vĩnh Tường. Đại khoa của bản phủ vào thời gian này, nếu căn cứ vào Đăng khoa lục sẽ thấy đó là các vị đỗ Tiến sĩ thuộc các triều Lê, Mạc và Lê Trung Hưng ở 3 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch và Tam Dương. Trong đó huyện Bạch Hạc là 21 vị, huyện Lập Thạch là 22 vị và huyện Tam Dương là 1 vị. Còn trung khoa, gồm những vị đỗ Hương cống thời Lê và Cử nhân thời Nguyễn (tính đến thời điểm đó, đều đã mất). Số này khá nhiều, hiện chưa thống kê nhưng chủ yếu là người thuộc huyện Bạc Hạc.
Như vậy, văn miếu phủ Vĩnh Tường vào thời điểm khoảng giữa thế kỷ XIX, dù chưa lập bia đề danh Tiến sĩ của phủ nhưng đã đưa người đỗ khoa trường của phủ vào phối thờ với Tiên thánh, Tiên hiền của Nho giáo. Việc tế lễ ở đây giao cho Hội Tư văn và Tư võ của phủ đảm nhận, lấy hai ngày Đinh của tiết xuân thu hằng năm là ngày lễ chính, theo thông lệ đương thời.
Vào thời điểm này, văn miếu phủ Vĩnh Tường sở hữu khá nhiều ruộng phục vụ cho hoạt động tại văn miếu và được phân thành nhiều loại khác nhau. Chẳng hạn như ruộng thu xôi, rượu dùng vào việc tế (Tư thình tế tửu điền 粢 盛 祭 酒 田), gồm 2 mẫu đặt tại xã Cao Xá; ruộng thu hoa lợi dùng tế lễ quanh năm (Tuế thời lễ điền 歲 時 禮 田), gồm 1 mẫu 2 sào, đặt tại xã Cao Xá; ruộng tế dùng vào tiết xuân thu (Xuân thu tế điền 春 秋 祭 田) gồm 1 mẫu đặt tại xã Định Hương. Hoặc quy định về sắm lễ vật dùng trong các lễ tiết của năm, như 3 ngày tết nguyên đán (mua lễ vật trị giá 3 quan); tiết Thanh minh, Đoan ngọ (mua sắm lễ vật trị giá 3 quan); tiết Thường tân, ngày sóc, vọng (mua lễ vật trị giá 5 mạch), giao cho cán sự lo liệu.
Tiếp đến có Tu tập Từ vũ bi 修 葺 祠 宇 碑, tạo niên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843), do Bùi Quang Địch, người xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường), đỗ Cử nhân năm 1841, soạn, ghi việc trùng tu Văn miếu của phủ, bởi văn miếu của phủ vào giai đoạn này do trải lâu năm bị hư hại. Việc tu sửa văn miếu giao cho hai Hội Tư văn và Tư võ của phủ đảm nhận. Họ tên của các vị cùng quan chức trong phủ cũng như người dân được ghi lại khá nhiều trên bia .
Năm 1890, chính quyền Thực Dân Pháp cho thành lập tỉnh Vĩnh Yên trên cơ sở giữ nguyên phủ Vĩnh Tường cùng 4 huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương và Bình Xuyên. Nhu cầu về một văn miếu cấp tỉnh lại được đặt ra cho quan chức của tỉnh Vĩnh Yên, thể hiện trong Vĩnh Yên tỉnh văn miếu bi ký 永 安 省 文 廟 碑 記, do Nguyễn Văn Bân, người xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1901, soạn. Ông cho biết: “ Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập từ niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890), các cơ quan đã được phân hoạch, riêng Văn miếu thì chưa có địa điểm. Tôi [Nguyễn Văn Bân] phụng mệnh làm Tuần phủ ở đất này bàn bạc với các vị đồng liêu muốn di dời văn miếu cũ từ Vĩnh Tường về gò Giác Lạc ở phía bắc xã Định Trung thuộc phạm vi tỉnh thành. Sau đó do bận công việc nên chưa thực thi. Mùa đông năm Ất Sửu, niên hiệu Khải Định (1925), Trung thừa Phạm Văn Thúy thay tôi đảm trách công việc di chuyển văn miếu về đây, sửa sang nội tẩm, ngoại cung, tế đường, bên phải là nơi thời Khải Thánh, bên trái là nhà Hội đồng, phía trước là đại môn xây bằng gạch” .
Sau này, vào năm 1938, trong kê khai bằng tiếng Việt về Văn miếu của tỉnh Vĩnh Yên đặt trên địa bàn xã Định Trung, tổng Định Trung, huyện Tam Dương, Lý trưởng làng Định Trung thời đó là Hoàng Văn Ngọ cho biết: “ Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên ở địa phận thôn Yên Lập có xáu [sáu] cái nhà. Văn miếu này làm từ thời Cảnh Hưng Đinh Dậu niên ở bên phủ Vĩnh Tường, xã Cao Xá, đến năm Thiệu Trị Ất Tỵ đã xửa [sửa] lại, năm Bảo Đại Bính Dần thì hàng tỉnh mang về xã Định Trung và sang xửa [sửa] trỉnh [chỉnh] đốn lại” .
Hiện nay, văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xây dựng trên cơ cở của văn miếu cũ nhưng đặt tại Gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, cách vị trí cũ gần 2 km về phía đông bắc.Tỉnh cho khắc 18 văn bia đề danh Tiến sĩ ghi về 86 vị đỗ Tiến sĩ ngạch văn và 5 vị Tiến sĩ ngạch võ của tỉnh, trong đó có các vị đại khoa của huyện Vĩnh Tường nhằm tôn vinh, tưởng niệm những trí thức Nho học của quê hương Vĩnh Phúc, đồng thời là nguồn di dưỡng tinh thần để các thế hệ học sinh trong tỉnh tiếp tục phấn đấu học tập, noi gương tiền nhân, trở thành công dân có ích cho đất nước.
4. Kết luận
Văn miếu phủ Vĩnh Tường với tiền thân là văn miếu phủ Tam Đới tồn tại trong giai đoạn từ năm 1822 đến 1925 được ghi nhận qua nguồn tư liệu Hán Nôm. Khi chuyển giao cho phủ Vĩnh Tường, Văn miếu vẫn giữ chức năng là nơi thờ Tiên thánh, Tiên hiền của Nho giáo, nhằm biểu dương văn hiến, truyền thống tôn sự trọng đạo của người dân trong vùng. Văn miếu phủ Vĩnh Tường còn là nơi thờ Sĩ Nhiếp, ông tổ của việc học nước Nam cũng như đưa người bản phủ đỗ đại khoa, trung khoa vào phối thờ nhằm động viên, khuyến khích tinh thần học tập cho học sinh bản phủ. Đến đầu thế kỷ XX, Văn miếu phủ Vĩnh Tường chuyển thành văn miếu tỉnh Vĩnh Yên đặt tại địa phận xã Định Trung huyện Tam Dương nhằm nối giữ truyền thống hiếu học và khoa bảng của tỉnh. Điều này có nghĩa từ văn miếu phủ Tam Đới đến văn miếu tỉnh Vĩnh Yên thì văn miếu phủ Vĩnh Tường là bước trung chuyển trong sự chuyển đổi đó. Đây là điều đặc biệt chỉ thấy ở Văn miếu cấp phủ tại Việt Nam thông qua trường hợp cụ thể là văn miếu phủ Vĩnh Tường. Đó là điều chúng tôi thu nhận trong quá trình nghiên cứu vệ hệ thống văn miếu, văn từ, văn chỉ ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huyện ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường (2018), Địa chí Vĩnh Tường, NXB. Thế giới, Hà Nội.
1. Nguyễn Hữu Mùi (2011), Truyền thống hiếu học và hệ thống Văn miếu Văn từ Văn chỉ ở Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
2. Nguyễn Hữu Mùi (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
3. Nguyễn Hữu Mùi (2021), Hoạt động khuyến học ở Việt Nam thời quân chủ, NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội.
4. Tỉnh ủy- Hội đồng nhân dân- Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc (2012), Địa chí Vĩnh Phúc, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.