Sáng ngày 16.10.2022, tại nhà hàng Cafe AZ số 175 Tây Sơn - Đống Đa - Hà Nội. Hội ĐHNA tại Hà Nội, cùng với nhóm “Vinh Xưa” đã tổ chức một buổi triển lãm 50 bức ảnh và báo cáo kết quả hai năm, bắt đầu từ ngày 10.4 2020 kết quả tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, dấu ấn về “ Vinh Xưa”; Với hơn 2.000 người đóng góp, 39.800 người tham gia, tương tác; Đã tạo dựng ra một kho tư liệu đồ sộ, phong phú, quý hiếm về “Vinh Xưa” cho hôm nay và mai sau.
Tại cuộc triển lãm và lan toả “Vinh Xưa”, Sau khi xem kỹ 50 bức ảnh quý hiếm, gần 150 đại biểu yêu Vinh đã nghe nhà nghiên cứu về Vinh - Phạm Xuân Cần báo cáo 60 phút về kết quả sưu tầm, những việc đã làm và sẽ làm của nhóm “Vinh Xưa”. Đó là một báo cáo bằng ngôn ngữ, chữ viết và hình ảnh sinh động, trí tuệ, công phu rất thuyết phục. Tôi đã nghe chăm chú, đam mê không bỏ sót một tư liệu nào và sau 10 ngày suy ngẫm, tôi có vài lời tổng hợp xin chia sẻ với các bạn như sau.
Năm 1927, toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Vinh-Bến Thuỷ, trên cơ sở sáp nhập 3 trung tâm đô thị: Vinh - Trường Thi - Bến Thuỷ. Đến nay TP Vinh đã có tuổi đời 95 năm.
Tôi có 6 điều tổng kết về TP Vinh - Bến thuỷ như sau:
1. Vinh là một thành phố công nghiệp.
Trước năm 1946, TP Vinh đã có hàng chục nhà máy công nghiệp hiện đại. Ở Miền Bắc, TP Vinh chỉ đứng sau hai TP lớn là Hà Nội và Hải phòng. Với hàng loạt nhà máy hiện đại như:
1. Nhà máy sửa chữa đầu máy và toa xe lửa Trường Thi. Đây là một trong 3 nhà máy hiện đại nhất Đông Dương lúc bấy giờ là Gia Lâm, Trường Thi và Dĩ An. Nhà máy Trường Thi lúc đó có hơn 4.000 công nhân.
2. Nhà máy Diêm Bến Thuỷ sản xuất mỗi năm 200 triệu bao diêm xuất khẩu ra khắp Thế Giới.
3. Nhà máy chế biến Gỗ Vinh mỗi năm xuất khẩu 7.000 m3 gỗ.
4. Nhà máy Điện Vinh, lúc đó gọi là nhà máy Đèn Vinh.
5. Nhà máy Nước Vinh.
6. Nhà máy in rất hiện đại, đến mức Nhà Thơ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiến) thời đó thường xuyên ôm bản thảo vào Vinh in tại Nhà in Vương Đình Châu.
7. Nhà máy sản xuất thịt hộp Lapique tầm cỡ Thế Giới sử dụng thịt bò, thịt lợn của 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Vương Quốc Lào sản xuất cung ứng cho Quân đội Pháp.
Vì thế sản lượng tiêu thụ điện của TP Vinh thời đó chiếm 50% của Trung Kỳ, gấp hai lần TP Đà Nẵng, gấp 7 lần tỉnh Thanh Hoá, gấp 8 lần Vương Quốc Lào.
2. Vinh là một thành phố thương mại sầm uất.
Thời đó TP Vinh đã thu hút rất nhiều thương nhân trong nước và Thế Giới về đầu tư mở mang nhiều khách sạn nhà hàng lớn như các nhà đầu tư Phó Đức Thành, Vương Đình Châu, Phạm Văn Phi… cùng các nhà đầu tư của 3 Quốc Gia: Hoa, Pháp, Ấn. Nhiều nhà trí thức tiêu biểu như Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, Nhạc sỹ Trọng Loan, Nhà Thơ Chính Hữu, các nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái, đều là con cháu những người từ đất bắc vào Vinh lập nghiệp, sinh ra và trưởng thành ở TP Vinh. Thời đó TP Vinh đã có rất nhiều các đoàn tàu, thuyền ra bắc vào nam buôn bán, thuyền tập kết ở bến sông Cửa Tiền và tàu tập kết ở bờ sông Lam Bến Thuỷ.
3. Vinh có một nền văn hoá tâm linh, tín ngưỡng phong phú.
Rất nhiều đền thờ, chùa chiền, miếu mạo được dựng lên rất khang trang như: Võ Miếu, Văn Miếu, nhà thờ Cầu Rầm, Chùa Diệc, Chù Cần Linh, Chùa Tập Phúc, Thành Cổ Vinh…
Nhưng nay chỉ còn Võ Miếu là đền Hồng Sơn. Chùa Diệc Cổ chỉ còn phế tích cửa Tam Quan. Văn Miếu Vinh chỉ còn mấy vì kèo làm kho của công ty In. Thành Cổ còn 3 cửa chính (Cửa Tiền, Cửa Tả, Cửa Hữu) và hào thành đang được phục dựng lại. Tiếc nhất là chùa Tập Phúc mới đập phá cuối năm 1970. Tất cả không còn gì như chưa hề tồn tại trong lịch sử; Bởi hai lần triệt phá, lần 1 là tiêu thổ kháng chiến năm 1947 của ta và lần 2 là 8 năm chiến tranh phá hoại của Mỹ (1964- 1972).
4. Vinh có một nền văn hoá thể thao báo chí lớn nhất Trung kỳ.
Vinh thời thuộc Pháp có rất nhiều công trình văn hoá tấm linh như đã kể ở trên. Vinh có Trường Quốc Học (thời đó cả Trung Kỳ chỉ có ba trường Quốc Học đặt ở Vinh – Huế và Quy Nhơn) đã đào tạo ra rất nhiều nhà cách mạnh và văn hoá lớn như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thái Mai…Vinh có đội bóng đá áo vàng chuyên nghiệp thành lập từ năm 1926. Nền báo chí Vinh phát triển mạnh với 17 tờ báo, 2 Tạp chí của Người Việt, Người Hoa và Người Pháp…hoạt động rất chuyên nghiệp và sôi động.
5. Vinh là một TP đa sắc màu văn hoá.
Đầu Thế Kỷ XX Vinh có 12.000 dân thì có hơn 600 người nước ngoài làm ăn sinh sống (chiếm 5% dân số). Năm 1940 TP Vinh có 20.000 dân, thì có 481 người Âu, 38 người Ấn, hàng ngàn người Hoa. Người Hoa sống tập trung ở cổng chợ Vinh, phố Cửa Bắc và đường AnBeSaRo nay là đường Cao Thắng. Thời đó Vinh đã thu hút người của cả nước và Thế Giới đến đầu tư và làm giàu cho Vinh. Bài học thu hút nhân tài cho Vinh đầu thế kỷ XX cao hơn nhiều so với Vinh nay. Đây là bài học nóng hổi cho Vinh hôm nay và mai sau.
6. Vinh là một TP có rất nhiều nhà cao tầng và nhà vườn sinh thái.
Trước năm 1945, TP Vinh có 235 công sở, 324 toà nhà cao tầng, 1.263 biệt thự của thị dân. Tất cả đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp và Châu Âu. Đây là số liệu chính xác được thống kê để làm nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến của ta đầu năm 1947.
Tóm lại Vinh là một TP văn minh, hiện đại thời thuộc Pháp rất đáng ngưỡng mộ và tôn vinh. Vì thế Hội ĐHNA tại Hà Nội đang có khát vọng tạo dựng lại một TP “Vinh Xưa Ảo” bằng tài năng của các chuyên gia về CNTT cho các thế hệ yêu Vinh muốn nghiên cứu tìm hiểu về “Vinh Xưa” để tự hào và xây dựng Vinh nay ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Để có được những thông tin vô giá kể trên chúng ta nhớ biết ơn nhóm “ Vinh Xưa “ và nhà nghiên cứu về Vinh - Phạm Xuân Cần đã làm được một việc vô cùng trân quý, mà trên mạng xã hội fb tôi đã tặng anh Phạm Xuân Cần 4 câu thơ:
Về hưu mở trang “Vinh Xưa”
Bao người ngưỡng mộ kính thưa đàng hoàng.
Mai sau được lên Thiên đàng
Vẫn còn lưu mãi trang vàng “Vinh Xưa”.
Nhóm “Vinh Xưa” đã và đang xuất bản Tủ sách Vinh Xưa, gồm nhiều tác phẩm giá trị về Vinh; Đề xuất và được đặt tên 5 nhân vật của Vinh Xưa cho 5 con đường ở Vinh; Tặng đường ảnh “Chặng đầu Quốc học” cho trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, nhân kỷ niệm 100 năm Quốc Học Vinh – Huỳnh Thúc Kháng và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Thiết kế & Concept: Bình An