Sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người cần sự chung tay, đóng góp từ nhiều phía khác nhau. Đặc biệt đối với trẻ trong độ tuổi từ 3 – 5 cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và nhà trường.
Gia đình - môi trường văn hoá đầu tiên của trẻ
Yếu tố gia đình chịu trách nhiệm ban đầu đối với quá trình xã hội hóa của con trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của các bé.
Gia đình là tổ ấm - nơi tràn đầy tình yêu thương ruột thịt, là nơi sinh hoạt, là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con trẻ. Gia đình là tế bào của xã hội. Đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Mỗi gia đình trở thành cái nôi, nền tảng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam. Trong những thành tố của văn hóa gia đình, việc tổ chức cuộc sống có nề nếp, trật tự, gia phong cũng như việc dạy dỗ, ứng xử, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên gia đình thuộc các thế hệ rất quan trọng. Nhân cách, đạo đức, lối sống của các thành viên trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến con trẻ.
Ngày nay, một số gia đình có tư duy chỉ cần giao con em mình cho nhà trường, cho giáo viên từ sáng sớm đến chiều muộn là hoàn toàn yên tâm trong việc xây dựng kiến thức và nhận thức. Tình trạng này diễn ra do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Đầu tiên là do gia đình quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái nên họ cho rằng việc học tập ở trường là đủ và toàn diện rồi. Tiếp theo là ý kiến chủ quan của các bậc phụ huynh là nhà trường chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc dạy dỗ trẻ và các cô giáo mới đủ kiến thức và kinh nghiệm giáo dục các em một cách bài bản nhất.
Tuy nhiên, trong thực tế không phải vậy. Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại. Trong hành trình đó, lứa tuổi ấu thơ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình là giai đoạn quan trọng. Mặc dù khi đó, nhân cách chưa được thể hiện rõ ràng song thông qua hành vi bắt chước hành động của người lớn, con trẻ bắt đầu thu nhận các tương tác để hình thành nhân cách của mình. Để con trẻ trở thành một người có nhân cách tốt, việc giáo dục của mỗi gia đình đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, giáo dục con trẻ không chỉ dừng lại ở lời nói hay mà phải bằng những cử chỉ, việc làm đẹp, bởi mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của các em.
Văn hóa gia đình chính là thành lũy kiên cố để bảo vệ và giúp con trẻ duy trì, phát huy được những giá trị chân, thiện, mỹ. Đồng thời khơi dậy cho con trẻ những ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh, góp phần vào quá trình giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách con người.
Trường học là ngôi nhà thứ 2 của trẻ
"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - câu khẩu hiệu quen thuộc được treo trước cổng nhiều trường học. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đã và đang làm rất tốt việc hiện thực hoá điều đó. Lãnh đạo nhà trường cùng các giáo viên liên tục xây dựng giáo án bài giảng sáng tạo nhằm tiếp cận trẻ tốt nhất. Bởi tính chất đặc thù của trẻ mầm non không giống với các cấp học khác nên chương trình đào tạo cần có những đặc tính riêng. Các em đang trong độ tuổi rất nhỏ, là những trang giấy trắng nên cần khéo léo kết hợp giữa học và chơi để các em có thể tiếp thu hiệu quả nhất. Các hoạt động ngoại khoá bổ ích được tổ chức dựa trên tiêu chí học mà chơi-chơi mà học được sự hỗ trợ và ủng hộ nhiệt tình từ phía các bậc phụ huynh.
Mỗi gia đình hãy chung tay cùng thầy cô và nhà trường hướng đến quyền lợi và sự phát triển của con em chúng ta thông qua những điều nhỏ nhặt nhất. Có vậy việc giáo dục trẻ mới trở nên toàn diện, hiệu quả.