Năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, các Hội Nông Dân, CCB, Phụ Nữ, NCT của các địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang đã tổ chức hàng 100 đợt ra quân hưởng ứng phong trào "Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp" với hơn 10.000 lượt người tham gia (trong đó có nhiều đợt ra quân cấp huyện), thu gom xử lý hàngchục tấn rác thải, phát quang cây cỏ, thu nhặt bao bì ni-lông dọc các tuyến đường QL14B, QL14G, các tỉnh lộ 601, 602, 605…, đường huyện, đường xã… và các khu công cộng.
Bên cạnh đó, có nhiều sáng kiến, mô hình hay tiếp tục được hình thành, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, như các mô hình "Tuyến đường kiểu mẫu NTM", "Phân loại rác thải tại nguồn"... trong đó, nổi bật là mô hình "Thôn không rác" đã được nhân rộng gần 100% thôn trên địa bàn như các thôn: Bắc An (xã Hòa Tiến), Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn), Phong Nam (xã Hòa Châu), Trà Kiểm (xã Hòa Phước) Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), Đông Lâm (xã Hòa Phú)...
Ông Nguyễn Văn Trình - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bắc An (xã Hòa Tiến) cho hay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài việc hiến gần 4.000m2 đất mở đường, người dân còn tự nguyện tham gia 900 ngày công; đồng thời vận động các mạnh thường quân, các con em xa quê hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng xây dựng các công trình công cộng như khuôn viên cây xanh, trồng hoa ở các tuyến đường, làm mới và nâng cấp các thiết chế văn hóa…
Hiện nay, người dân Bắc An dần có ý thức hơn trong việc giữ gìn sạch sẽ thôn xóm. Như một thói quen, cứ sáng chủ nhật hàng tuần, cả thôn tập trung làm vệ sinh đường làng ngõ xóm và chăm sóc hoa, cây cảnh ở các khu vực công cộng. Khi triển khai thực hiện mô hình "Thôn không rác", nhân dân và cán bộ thôn đã quyết tâm tìm giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nhằm bảo vệ môi trường, làm cho thôn xóm thêm sạch đẹp.
Sau 4 năm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu NTM, mọi người dân đều cảm nhận rõ những đổi thay đến khó tin trong từng hộ gia đình và cả cộng đồng từ đường sá, vườn hộ đến cách sống, cách nghĩ của người dân. Thôn tiếp tục khuyến khích người dân phủ xanh đất vườn bằng các loại rau xanh, cây ăn quả, đường sá được trồng nhiều loại hoa đẹp... với phương châm: “vườn xanh, nhà sạch, cổng đẹp”.
Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Phú Huỳnh Văn Hùng chia sẻ: "Phong trào "Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp" ngày càng lan tỏa trong dân. Các chi, tổ hội luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, cụ thể nhất là vận động hội viên làm hàng rào cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường tạo cảnh quan trong khu vực. Năm 2024, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, hội viên gìn giữ bền vững tiêu chí môi trường .Thấy được lợi ích thiết thực đó của phong trào, nhiều gia đình hội viên đã tự nguyện đăng ký và vận động hàng xóm, bà con cùng tham gia. Từ tổ này đến tổ khác, thôn này sang thôn khác, phong trào ngày càng lan tỏa và nhận được sự đồng tình cao của người dân.
“Sau khi cơ bản bê-tông hóa các tuyến giao thông kiệt hẻm được mở rộng, người dân, hội viên trong thôn còn phân công từng nhóm hộ gia đình bắt đầu liên kết để vệ sinh môi trường hàng ngày, hàng tuần; trông hoa trên các tuyến đường kiểu mẫu, QL14G... Chính vì vậy, đường trong thôn luôn “sáng - xanh - sạch - đẹp” trong tiến trình xây dựng thôn NTM kiểu mẫu…” - Ông Huỳnh Văn Hùng cho hay.
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân cấp trên cũng đã phối hợp Hội ND xã Hòa Phú (H. Hòa Vang) tổ chức lễ phát động xây dựng điểm "Đoạn đường an toàn - văn hóa - văn minh". Theo đó, tuyến ĐH5 từ đầu thôn Hòa Thọ đến giao lộ QL14G (thôn Đông Lâm) dài 1km được chọn là đoạn đường điểm để các cấp hội, đoàn thể địa phương thực hiện việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên ND và quần chúng nhân dân thu gom rác thải, không lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán làm hạn chế và che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng TTATGT; đồng thời trồng hoa, tôn tạo cảnh quan, góp phần gìn giữ môi trường miền núi được “Sáng - xanh - sạch - đẹp”...
Trong tháng 3-2024, Hội Nông dân huyện Hòa Vang đã tổ chức nhiều buổi Lễ phát động và ra quân cải tạo diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang trên địa bàn huyện. 11 HND các xã đã vận động hội viên nông dân của mình khai thác hiệu quả đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn. Hằng năm, Hội viên nông dân trên 11 xã đã khôi phục đất bỏ hoang, những vệt đất ảnh hưởng của dự án từ 01 đến 02 ha.
Theo đó, các xã đã phát động từ năm 2021 đến nay trên toàn huyện đã khôi phục được trên 65 ha đất bỏ hoang, và chỉ từ đầu năm 2024 đã khôi phục được gần 16 ha. Đây là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Hội năm 2024, với nhiệm vụ tuyên truyền và vận động nông dân khắc phục sản xuất diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang mỗi xã ít nhất 2 ha. Ngoài việc tăng thu nhập từ hoạt động nông nghiệp, việc khôi phục sản xuất đất bỏ hoang còn mang lại cảnh quan "sáng, xanh, sạch, đẹp" trong tiến trình xây dựng xã NTM nâng cao, như ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang đã chia sẻ.
Ngoài ra, đường sá vùng cao được mở rộng, giao thương hàng hóa ngày càng phát triển làm nâng cao thu nhập cho người dân. Những thành quả nói trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp Đảng bộ và Chính quyền, sự đồng thuận cao của người dân trong tiến trình duy trì, xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Về các xã của huyện Hòa Vang hôm nay, qua các xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Liên…thấy cảnh quan của một vùng quê tươi đẹp. Hai bên đường thôn, ngõ xóm, những căn nhà tôn rỉ sét, lụp xụp ngày nào nay được thay vào những ngôi nhà tầng xinh đẹp, khang trang; các con “sơn đạo”, ngày xưa nắng bụi, mưa bùn, nay đã 100 % bê tông và nhựa hóa, đường xá khang trang “sáng - xanh - sạch - đẹp”, hoa nở bốn mùa.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, sáng ngày 23/02/2024, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Phan Văn Tôn, cùng với lãnh đạo các ngành chức năng của huyện đã tổ chức buổi làm việc với xã Hòa Phú nhằm đánh giá kết quả của việc xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Đã được xác định rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ là một "đòn bẩy" quan trọng giúp địa phương phát triển. Trong năm 2023, xã Hòa Phú đã chi hơn 6,4 tỷ đồng cho việc xây dựng, nâng cấp và quy hoạch cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cơ bản, từ đó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng.
Điều này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và liên kết với các địa phương lân cận. Đồng thời, xã cũng chú trọng vào việc khai thác tiềm năng từ rừng và các mô hình kinh tế mới, đặc biệt là việc phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã miền núi Hòa Phú đạt 56 triệu đồng/người/năm. Sau quá trình rà soát và thống kê, Hòa Phú đã đạt được 10/19 tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao.
Để tạo điều kiện cho xã Hòa Phú đạt mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao trong năm nay (2024), Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Phan Văn Tôn, đã đề xuất các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Ưu tiên sẽ được đặt vào việc bố trí vốn đầu tư cho các hạng mục như thoát nước, chiếu sáng, nhà họp thôn, và giao thông kiệt hẻm.
Chủ tịch UBND huyện cũng đã yêu cầu địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, chỉ định người phụ trách và xác định mốc thời gian hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đồng thời, cũng cần chú trọng vào việc duy trì và nâng cao chất lượng của các tiêu chí đã đạt được trong tiến trình xây dựng xã NTM nâng cao.
Tóm lại, không chỉ đáp ứng cơ sở hạ tầng văn minh, phát triển; đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập cho người dân... trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) còn từng bước hướng đến một miền quê tươi đẹp, đáng sống, thân thiện với môi trường đồng thời phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội; cải thiện giao thương hàng hóa giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập cho người dân./.