Xuân Hải và em

Tản văn của Ngô Đức Hành

04/06/2021 14:53

Theo dõi trên

Biển Xuân Hải như một cô gái đẹp đã được đánh thức, bừng tỉnh. Suốt 12 km đường bờ biển Xuân Hải được ke bờ cẩn thận với bãi cát dài thoai thoải và những rừng phi lao lùi sâu vào đất liền.

bien-va-em-1622793143.png

Tác giả (phải ảnh) bên biển Xuân Hải

 

Con đường từ Nghèn xuống bãi tắm Xuân Hải, xã Thạch Bằng, Lộc Hà nay đã gần hơn, chỉ chưa đầy 15km. Đường vừa được nâng cấp, xe chạy êm ru. Đúng là giao thông luôn nhận sứ mệnh “đi trước một bước”. Không đầu tư giao thông trước thì mọi tiềm năng đều “ngủ”.

Lộc Hà là một huyện mới, thành lập năm 2007, được sát nhập bởi 7 xã của huyện Can Lộc và 6 xã của huyện Thạch Hà. Tuy là một huyện ven biển song Lộc Hà lại được hưởng sự phong phú của điều kiện tự nhiên, mang đầy đủ nét đặc trưng bao gồm cả đồi núi, đồng bằng và biển cả. Bãi biển Xuân Hải thực sự là “món quà” thiên nhiên ban tặng.

Biển Xuân Hải như một cô gái đẹp đã được đánh thức, bừng tỉnh. Suốt 12 km đường bờ biển Xuân Hải được ke bờ cẩn thận với bãi cát dài thoai thoải và những rừng phi lao lùi sâu vào đất liền. Bãi biển Thạch Bằng được đánh giá là một trong sáu bãi biển đẹp, sạch và bằng phẳng ở Hà Tĩnh. Nước biển trong xanh, độ mặn vừa phải,không có vùng nước xoáy hay dòng chảy nguy hiểm. Vốn nằm khá xa khu dân cư nên biển sạch và còn mang đậm nét hoang sơ.

Phía Nam của bãi biển Xuân Hải là núi Bằng (dân địa phương gọi là rú Bờng) nhoài ra biển. Bằng Sơn, hay rú Bờng - dãy núi nổi lên giữa vùng đồng bằng ven biển Lộc Hà, là dãy núi huyền bí gắn liền với nhiều sự tích được lưu truyền từ bao đời về khe Hương, khe Bầu, đá Ông, đá Mụ, đá Muỗng, đá Trống... là nơi táng mộ tổ quận công Nguyễn Hữu Chỉnh. Nổi bật giữa lưng chừng núi Bằng Sơn là di tích chùa Kim Dung. Chùa được xây dựng từ đời Trần. Tương truyền thời Trần, Hưng Đạo Vương kinh lý phía Nam qua đây thấy cảnh đẹp nên đã dừng thuyền ngắm cảnh, uống rượu và chơi cờ.

Miền Bắc đang ở những ngày nóng nhất. Hà Tĩnh lại là một trong những “tâm nhiệt”. Không ai là không ao ước có mặt bên bờ biển những ngày này. Nhiều địa phương đang căng mình chống dịch Covid-19, Hà Tĩnh đang an toàn nhưng không chủ quan. Trên đường xuống biển Xuân Hải, tôi nhìn thấy nhiều tốp thanh niên ra đường không đeo khẩu trang đã bị lực lượng chức năng ách lại, xử lý.

Có mặt tại bãi tắm Xuân Hải vào những ngày này mới thấy được lượng du khách đổ về ngày càng đông. Chiều xuống, bãi biển sống động và náo nhiệt. Mặt trời xuống dần, thiu thiu ngủ trên ngọn phi lao. Chạng vạng bao trùm trên bờ cát, tô lên mặt biển một thứ màu xanh lạ lùng. Thứ màu xanh an nhiên, xóa đi một ngày nắng nôi, cực nhọc. Cùng nhà giáo ưu tú Võ Đức Đại và nhiều anh em khác từ Nghèn xuống, tôi ùa vào lòng biển. Nhiều cô gái xinh đẹp, còn đeo cả khẩu trang ngay cả lúc tắm biển.

Biển Xuân Hải thân thiện, mở nước ôm những đứa con vào lòng, vỗ về, ru hời bằng giai điệu sóng, trút bỏ mọi muộn phiền, lo toan xuống lòng biển, để lên bờ với một tâm thế nhàn hạ, vô ưu. Dưới nước, trên bờ đều đông. Gia đình, bố mẹ, con cái, bạn bè là cư dân Lộc Hà, Can Lộc xuống, thành phố Hà Tĩnh ra; lác đác vài nhóm khách du lịch trong mùa Covid vẫn vào được đây, cùng ùa vào lòng biển. Cánh thanh niên mắc lưới chơi bóng chuyền, đá bóng trên cát. Trẻ con nghịch nước, nhảy sóng. Tiếng cười nói í ới rộn rã cả một vùng.

Tắm biển xong, có thể tiếp tục ngồi hóng gió; ngắm những đôi nam thanh, nữ tú dập dìu. Những bờ ngực non mách bảo; những đôi chân dài gợi sóng. Du khách có thể thoải mái tắm biển và cùng nhau thưởng thức các món hải sản mang đặc trưng của vùng cửa biển Thạch Kim, bãi ngang Thịnh Lộc với giá cả rất ổn định. Đặc biệt còn được mời ăn món nhút nổi tiếng của mảnh đất miền Trung, nay đã không còn là món ăn nghèo đói trong quá khứ mà đã là một đặc sản được biết đến gần xa. Món cà muối xào thịt, kho cá biển cũng đầy dư vị quê hương.

Từ cổ chí kim, rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ sáng tác về biển. Thơ về biển, nếu hỏi “ông google”, ngay trong 0,38 giây sẽ gần 48 triệu kết quả. Nhiều nhà thơ tự phong cho mình danh phận “nhà thơ của biển”, tuy nhiên tôi vẫn nhớ bài thơ “Biển” của “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, nhà thơ gốc Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnh. Trước biển, con người quá đỗi nhỏ bé. Trước biển, con người ngộ ra phải liên kết. Nhóm “liên kết” lý tưởng nhất có lẽ là hai người, một nam, một nữ. Vì thế, “không gian” biển là không gian của tình tự lứa đôi, không gian của thèm khát ái ân. “Anh không xứng là biển xanh / Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng”, (Biển, thơ Xuân Diệu).

...

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi

 

Đã hôn rồi, hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt...

(Biển, thơ Xuân Diệu)

Chiều nay, đứng bên biển Xuân Hải (Thạch Bằng), tôi đọc bài thơ này của Xuân Diệu. Tự bài thơ về trong tâm thức, bắt buộc trái tim ngân lên. “Để những khi bọt tung trắng xoá / Và gió về bay toả nơi nơi / Như hôn mãi ngàn năm không thoả, / Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!”./.

 

Hà Tĩnh, ngày 3/6/2021

NĐH

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Xuân Hải và em" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn