Sáng 17/10/2023 (nhằm mồng 3 tháng 9 năm Quý Mão), nhân dịp Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội cơm mới Đền Đông Cuông năm 2023 (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái); được sự cho phép của UBND huyện Văn Yên cùng Ban quản lý Đền Đông Cuông; Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam đã khai mạc chương trình “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Đông Cuông năm 2023”.
Về dự và chúc mừng chương trình, có sự hiện diện đầy hoan hỷ của đông đảo đại biểu khách quý, cùng bách gia trăm họ.
Về phía huyện Văn Yên và Ban quản lý đền Đông Cuông, có: ông Luyện Hữu Chung – Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Văn Yên; bà Lã Thị Liền – Uỷ viên Ban thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban tổ chức Lễ hội đền Đông Cuông; cùng các đồng chí trong ban tổ chức Lễ hội.
Chương trình vinh dự có sự quang lâm chứng minh của Nghệ nhân ưu tú Phùng Văn Thanh - vị thầy đáng kính của Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh.
Về phía Viện nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, có: Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng – Uỷ viên Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình; Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chương trình, Phó Trưởng ban tổ chức chương trình hầu đồng tại Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội cơm mới Đền Đông Cuông năm 2023. Cùng một số Phó Viện trưởng Viện trưởng, phòng, ban của Viện Nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam.
Đặc biệt, là sự góp mặt của đông đảo nghệ nhân, thủ nhang, đồng đền, đồng điện, dân thôn bản hạc.
Phát biểu khai mạc chương trình, Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh - Trưởng Ban tổ chức chương trình đã chỉ ra một số vai trò và ý nghĩa quan trọng của Lễ hội Đền Đông Cuông; lễ hội cơm mới; cũng như thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông,… đều là những hoạt động ý nghĩa, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hoá của dân tộc,…
Kết thúc bài phát biểu, Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh đã gửi lời cảm ơn tới chính quyền huyện Văn Yên; Ban quản lý di tích đền Đông Cuông, đã tạo điều kiện để Viện Nghiên cứu và Phát triển đạo Mẫu Việt Nam tổ chức thành công chương trình. Cảm ơn đại biểu khách quý, nghệ nhân, thanh đồng đạo quan, du khách thập phương đã tham dự và chúc mừng chương trình.
Theo đó, Chương trình “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn tại đền Đông Cuông năm 2023” do Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra trong 2 ngày, 17 và 18/10/2023 (tức mồng 3 và mồng 4 âm lịch).
Theo tài liệu của nhà đền ghi lại: “Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu, đã nổi danh là một trong những ngôi Đền linh thiêng. Ngôi Đền là nơi thờ chính Mẫu Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở Đền Đông Cuông hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thời thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành Đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành Đền. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang Công Chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản, lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói.
Vào đời Vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là Đền Thần Vệ Quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Đông Cuông gồm có: Đền chính, Miếu Cô, Miếu Cậu, Miếu Thần Linh, Động Sơn Trang tại tả ngạn Sông Hồng và Miếu Đức Ông bên hữu ngạn Sông Hồng.
Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia vào năm 2009. Ngày 16/01/2023 Lễ hội Đền Đông Cuông được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Xuân thu nhị kỳ tại Đền diễn ra hai lễ hội lớn vào ngày Mão tháng Giêng với nghi lễ mổ trâu trắng và rước Mẫu sang sông; ngày Mão tháng 9 (âm lịch) với nghi lễ mổ trâu đen.
Hiện nay, Đền Đông Cuông đã được Nhà nước cho phép tu bổ, tôn tạo hạng mục Đền chính từ năm 2018 đến năm 2020 hoàn thành. Ngôi Đền ngày càng được khang trang hơn, phục vụ nhu cầu hành hương, chiêm bái của nhân dân và du khách, cầu nguyện cho Quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.”
Video quang cảnh đền Đông Cuông những ngày đầu tháng 9 âm lịch.
Hình ảnh đàn hoa lung linh sắc màu dâng Thánh tại Đền Đông Cuông: