36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 14)

PGS TS Cao Văn Liên

01/12/2022 06:08

Theo dõi trên

 

Trân trọng giới thiệu sách “36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

KỲ 14

SỰ KIỆN 15: THĂNG LONG-ĐÔNG KINH THỜI HẬU LÊ (1428-1789).

Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo đã hoàn toàn thắng lợi, giành lại độc lập dân tộc. Từ Đông Quan trong những ngày đen tối, Thăng Long được giải phóng lại trở lại Đông Đô-Thăng Long, lại phục hưng trong ánh hào quang chiến thắng.

Xã Tắc từ đây vững bền

Giang sơn từ đây đổi mới

Càn khôn đã bỉ mà lại thái

Trời trăng đã mờ rồi lại trong

Để mở nền muôn thuở thái bình                                  

Để rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn[1].

dh1ahanglong3-1669795365.jpg
Hoàng thành Đông Kinh thời Lê Sơ (1428-1527) được mở rộng gấp đôi so với Hoàng thành thời nhà Lý và thời nhà Trần. Ảnh: covatvietnam.info

 

   Sau chiến thắng chống Minh hoàn thành giải phóng dân tộc, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua xưng là Lê Thái Tổ, định quốc đô ở Thăng Long, quốc hiệu Đại Việt. Năm 1430 Lê Lợi đổi Thăng Long thành Đông Kinh. Cấu trúc Đông kinh thời Hậu Lê vẫn dựa trên khuôn viên cũ thời Lý-Trần-Hồ để xây dựng lại sau bao năm bị chiến tranh tàn phá. Bên ngoài vẫn là thành Đại La, trong thành Đại La là Thăng Long Thành. Không gian giữa hai thành này là khu thị nhưng thời Hậu Lê phát triển thành 36 phố phường, bao gồm Phủ Phụng Thiên và  hai huỵên Quảng Đức và Vũ Xương (sau đổi là Thọ Xương) được qui hoạch lại. Phường là nơi tập trung những người cùng nghề, nhà nước cũng tận dụng phường làm cấp hành chính cơ sở. Cư dân 36 phường gồm cả thị dân, thợ thủ công, thương nhân. Kinh đô có nhiều chợ buôn bán, có những phường làm nghề thủ công nổi tiếng như Nghi Tàm dệt vải, Yên Thái làm giấy, Hàng Đào nhuộm điều.

          Mịt mờ khói toả nghìn sương

          Nhịp Chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ[2].

          Dân số Đông Kinh ngày càng tăng lên do số người về kinh đô buôn bán làm ăn ngày càng đông đúc.

          Trong Thăng Long thành xây dựng nhiều công trình mới, lâu đài cung điện, cơ quan. Những công trình đó mang tên như những triều đại trước như điện Kính Thiên, nơi Lê Lợi và sau này là các Hoàng Thái tử  lên ngôi.

          Trong Cấm thành có cung Diên Thọ, Đông cung nơi ở của Thái tử, điện Vạn Thọ, Hậu Lâu cung là nơi ở của Hoàng gia và cung nữ.

          Triều Hậu Lê, Nho giáo đã thành tư tưởng chính thống của nhà nước nên Quốc Tử Giám được mở rộng để đào tạo nhân tài, là nguồn chủ yếu để lựa chọn quan lại các cấp, rường cột của bộ máy nhà nước, của chế độ. Nhà Hậu Lê đặt ra các lệ, các thủ tục để vinh danh người đỗ đạt cao: Tiến sĩ, Trạng nguyên. Như lệ Xướng danh, người của Bộ Lễ ăn mặc đẹp đi loa khắp kinh thành tên người đỗ, lệ ghi tên những người đỗ vào bảng vàng, khắc tên người đỗ vào bia đá lưu danh muôn đời. Ở Thăng Long còn 82 bia Tiến sĩ, Trạng nguyên ở Quốc Tử Giám, lệ vinh qui bái tổ, người đỗ đạt được mang áo mũ vua ban, ngựa xe rực rỡ theo nghi lễ nhà nước về quê, quan chức địa phương và nhân dân phải ra đón, phải cắt đất làm nhà cho Tiến sĩ, Trạng nguyên ở, nhà to như đình nghè nên người đỗ đạt cao còn được gọi là ông Nghè. Trường dạy chữ Nho được mở khắp các địa phương, có cả trường nhà nước và trường tư của các nhà Nho nhưng Thăng Long vẫn là trung tâm đào tạo Nho học, đào tạo nhân tài cho đất nước. Thăng Long còn là nới phát triển văn học, đặc biệt là dòng văn học chữ Hán, văn học chính thống. Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã thành lập “ Nhị thập bát tú Tao đàn” do chính nhà vua làm Chủ soái làm thơ Đường để ca ngợi chế độ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc.

          Thời kỳ Lê Sơ của nhà Hậu Lê (1428-1527) đánh dấu sự hoàn thiện, phát triển cao nhất của chế độ phong kiến Việt Nam dựa trên cơ sở kinh tế địa chủ, tá điền mà đỉnh cao là Triều Lê Thánh Tông. Lê Thánh Tông đã cải cách bộ máy nhà nước Quân chủ chuyên chế tập quyền hoàn thiện đến cao độ theo nguyên tắc “ Tôn quân quyền”. “Bộ Quốc triều hình luật”- Luật Hồng Đức (niên hiệu vua Lê Thánh Tông) là đỉnh cao nhất của nền pháp chế phong kiến Việt Nam. Bộ luật mang nhiều yếu tố tiến bộ như đã đề cập đến quyền lợi của phụ nữ mặc dù luật đề cao xây dựng gia đình phụ quyền gia trưởng phong kiến. Điểm tiến bộ này rất khó tìm thấy trong các bộ luật phong kiến nhiều nước trên thế giới.

(Còn nữa)

CVL

---------------------

[1] . Nguyễn Trãi. Bình Ngô đại cáo. Sách đã dẫn.Tr. 261.

[2] . Ca dao.

Bạn đang đọc bài viết "36 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội (Kỳ 14)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn