Anh Trà rời trại DAVIS

Thiếu tướng HỒ QUANG HÓA (Nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu)/Thành Đô (tổng hợp)

03/11/2022 08:08

Theo dõi trên

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi tham gia làm việc trong phái đoàn 4 bên với bí danh Hoàng Hoa. Tôi ở đoàn quân sự Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sáng 28-1-1973, tôi lên máy bay C130 của Mỹ bay từ Hà Nội vào trại Davis để thực thi nhiệm vụ.

Do tính chất nhiệm vụ, phái đoàn ra tiễn chúng tôi chỉ có một số người, tôi đọc được trên từng khuôn mặt của mọi người sự lo lắng cho chúng tôi. Lần này phải vào tận hang ổ của kẻ thù đòi hỏi sự sáng suốt trong mọi hoàn cảnh. Nhưng trong ánh mắt của mỗi người, chúng tôi cũng thấy niềm tin chiến thắng. Riêng gia đình của tôi thì có mặt đầy đủ trên sân bay: Người vợ hiền lành, chịu thương, chịu khó và hai đứa con thơ dại. Vợ chồng tôi cố nén xúc động, nuốt những giọt nước mắt cho chảy lặn vào trong tim.

dh2ac2-1667437571.jpg
Xe chở đồng chí Trần Văn Trà đi trên đường phố Sài Gòn năm 1973. Ảnh tư liệu.

 

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ, chiếc máy bay vận tải quân sự C130 hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Cái nắng khô khốc của Sài Gòn, hơi nóng của sân bay phả vào mặt chúng tôi rát rạt. Nhưng khó chịu nhất đối với chúng tôi là những nhân viên hải quan của ngụy quyền Sài Gòn mặt mũi lạnh tanh cứ khăng khăng đòi bắt chúng tôi làm giấy nhập cảnh vào Việt Nam cộng hòa. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh bởi tại Paris đã thỏa thuận là đoàn đi theo danh sách, không có chuyện phải làm giấy nhập cảnh. Cuối cùng chúng cũng phải chịu nhưng có vẻ hằn học lắm.

Trên xe bịt kín, chúng tôi vào trại Davis. Ở trong trại, cả hai phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được bố trí ở gần nhau. Mùa khô Sài Gòn ở trong nhà mái tôn, xung quanh là ván gỗ, nóng như rang, song công việc cuốn hút, chúng tôi không còn đủ thời gian để cảm nhận cái nóng Sài Gòn trong những ngày ấy.

Thực hiện Hiệp định Paris đối với chúng tôi là cả một nhiệm vụ lớn, trong đó 4 bên cần phối hợp giải quyết: Thỏa thuận việc ngừng bắn, trao trả tù binh, rút quân Mỹ, phá hủy căn cứ quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng điều này rất khó thực hiện trọn vẹn. Với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, Mỹ, ngụy không thực hiện ngừng bắn. Ở nhiều nơi, Mỹ vẫn tiếp tục chỉ đạo cho ngụy lấn chiếm, giành đất, giành dân. Hằng ngày, chúng tôi thường xuyên báo cáo ra Bộ Tổng Tham mưu các vấn đề này. Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo cho toàn quân, toàn dân ta kiên quyết đánh trả.

Còn anh Trần Văn Trà, Trưởng phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại trại Davis, đang có vai trò quan trọng đối với cách mạng miền Nam trong giai đoạn này. Mỹ, ngụy rất muốn giữ anh lại càng lâu càng tốt. Chúng tôi báo cáo với Bộ Tổng Tham mưu đề nghị rút anh ra và điều anh Hoàng Anh Tuấn ở khu vực Pleiku về thay. Nhưng rút và thay bằng cách nào là một việc rất phức tạp và khó khăn, đặc biệt là nếu đối phương phát hiện ra ý định của ta. Một lần đi thể dục sáng, anh Lưu Văn Lợi, lúc này là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao tranh thủ nói với anh Trà: Anh không nên ở lại nữa, bọn chúng có thể giữ anh như giữ con tin... Sau đó, chúng tôi hội kín hai đoàn và thống nhất với nhau là phải tìm mọi cách đưa bằng được anh Trà rời trại Davis để ra Bắc. Làm được như vậy sẽ đạt hai mục đích, vừa giải thoát được anh Trà, lại vừa để cho anh được báo cáo trực tiếp tình hình trong này với Bộ Tổng Tham mưu, còn việc rút anh Trà ra như thế nào thì chúng tôi thống nhất là phải tận dụng cơ hội của việc Hội nghị 4 bên đang bàn trong đó có điều khoản về trao trả tù binh. Chúng tôi báo cáo với Bộ Tổng Tham mưu và được Tổng hành dinh đồng ý phương án.

Chả là, trong việc này, phía Mỹ-ngụy đang rất muốn đòi ta trao trả Đại tá Nguyễn Văn Thọ bị bắt trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971; phía ta kiên quyết phủ nhận bởi Đại tá Thọ bị bắt làm tù binh ở đất Lào và do bạn Lào quản lý số tù binh này. Chúng tôi nói với đoàn Mỹ là người giải quyết được việc này phải là anh Trà, vì vậy đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ cử anh Trà để ra đàm phán với Chính phủ Lào càng sớm càng tốt. Lúc đầu, Trưởng phái đoàn quân sự Mỹ, Thiếu tướng Gilbert Woodward và Trưởng phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng hòa, Trung tướng Dư Quốc Đống còn ngần ngại muốn đề nghị ta cử người khác thay thế. Chúng tôi không chấp nhận đề nghị từ phía họ và giải thích thêm, nếu muốn Nguyễn Văn Thọ sớm được trao trả thì phải để anh Trà đi, chỉ có anh Trần Văn Trà mới có thể đàm phán được với Chính phủ Lào về việc này. Chắc lúc này nghĩ về thân phận của một đại tá tù binh, người đã từng bợ đỡ quan thầy Mỹ cũng như từng phụng sự cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, biết đâu khi về lại bổ sung vào đội ngũ những “chiến sĩ lỗi lạc chống cộng khét tiếng”, nên Mỹ muốn tỏ ra ban phát cho Thọ một ân huệ, đồng thời cũng là để quảng bá, trấn an cho các sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng hòa khi mà họ đang ngán ngẩm trước sự thoái lui của quan thầy Mỹ nên chúng đã đồng ý. Ngay ngày hôm sau, chiếc C130 chở đồng chí Trần Văn Trà kẻ một đường bay thẳng tắp hướng ra Bắc. Tôi lặng đi trong sung sướng, mải mê nhìn vệt khói trắng của máy bay tan vào không trung xanh ngắt lúc nào không biết.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Anh Trà rời trại DAVIS" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn