Bài 3: Mở lối thoát nghèo cho bà con dân tộc thiểu số

Xác định nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích là chìa khoá mở ra hướng đi đúng đắn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, thời gian qua Đảng ủy – UBND huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là một trong những giải pháp hiệu quả để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

6-can-bo-xa-yang-bac-dak-po-trao-bo-sinh-san-cho-ho-ngheo-1692936450.JPG

Cán bộ xã Yang Bắc - Đăk Pơ trao bò sinh sản cho hộ nghèo 

 

Chủ trương đúng bắt nguồn từ cơ sở

Với mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Pơ (Gia Lai) đã ra nghị quyết, quán triệt và triển khai đến các Đảng bộ cơ sở về “Xây dựng, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hoạt động của chi bộ thôn làng DTTS”, đây là con đường gần nhất để đưa cán bộ, đảng viên về với dân, gần dân, giúp dân hiểu rõ hơn và thực hiện hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, đoàn kết chung sức lao động, sản xuất ổn định cuộc sống và Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững". Đến nay, sau gần ba năm thực hiện nội dung nghị quyết trên và Cuộc vận động đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai, nhân rộng, giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Thị Thanh Mai, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ cho biết: Đăk Pơ nằm dưới chân “cổng trời” Mang Yang, có diện tích tự nhiên hơn 50.000ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 42.000 ha, chiếm 84% diện tích, nguồn nhân lực dồi dào, người lao động cần cù, sáng tạo, có kinh nghiệm trong việc sản xuất canh tác. Đất đai ở đây không màu mỡ như những địa bàn khác, nhưng với quyết tâm “cải tạo đất” của cấp ủy chính quyền và người dân địa phương, vùng đất sỏi đá khô cằn đã trở thành vùng sản xuất rau, cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Gia Lai. 

Đăk Pơ có diện tích tự nhiên hơn 50.000ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 42.000 ha, chiếm 84% diện tích. Để phát triển đúng hướng, Huyện ủy đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội, ứng dụng công nghệ cao cho nông dân trồng rau sạch. Trên cơ sở thực tế tại địa phương, Huyện ủy đặt mục tiêu đến năm 2025 cứng hóa đường trục chính nội đồng trên 80%; diện tích gieo trồng cây rau các loại đạt 6.915ha, diện tích cây ăn quả là 685ha; đàn bò lai trên địa bàn đạt 14.780 con, tỷ lệ lai chiếm 89% so với tổng số đàn bò; hình thành mô hình, điểm đến du lịch gắn với nông nghiệp như: Vùng trồng cây ăn trái Đá Lửa; vườn cây ăn trái đường vào đồi thông Hà Tam; vùng chuyên canh rau Tân An. Huyện cũng xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Hiện trên địa bàn huyện có 5 dự án đã hoàn tất thủ tục, chờ UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư, cùng với nhiều dự án có nhà đầu tư đăng ký thực hiện và dự án huyện đang kêu gọi đầu tư, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

1-dong-chi-bi-thu-huyen-uy-nguoi-dung-ben-trai-den-tham-kiem-tra-trai-giong-cay-o-yang-bac-1692936450.jpg

Đồng chí Bí thư Huyện ủy (người đứng bên trái) đến thăm kiểm tra trại giống cây ở Yang Bắc 

 

Với quan điểm “Hạ tầng đi trước một bước”, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, những năm qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đăk Pơ còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xác định nhiều giải pháp đồng bộ để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 hồ chứa (2 hồ chứa loại lớn, 14 hồ chứa loại nhỏ); 2 trạm bơm điện; 2 đập dâng và nhiều ao, hồ, đập. Tổng diện tích tưới theo thiết kế của các công trình thủy lợi là 490ha cây trồng các loại. Chỉ trong giai đoạn 2015-2020, huyện Đak Pơ đã huy động các nguồn vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng để phát triển các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và kiên cố hóa kênh mương. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu vận chuyển nông sản, tưới tiêu chủ động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay huyện Đak Pơ có 20 làng đồng bào DTTS. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án và ngân sách địa phương để hỗ trợ các làng xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất. Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2022, từ nguồn vốn xây dựng NTM, huyện đã triển khai 156 công trình với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó, hơn 55% công trình tập trung cho các làng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh cho người dân; hỗ trợ vay vốn, cây-con giống, phân bón, kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng phân công các cơ quan, đơn vị, đoàn thể phụ trách làng để có kế hoạch giúp đỡ, đặc biệt là giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên.

Bên cạnh tập trung thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững, Huyện ủy – UBND huyện Đak Pơ đang triển khai phương châm “Cán bộ hướng về cơ sở, về thôn làng”, nhằm tìm ra những hướng đi mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó ưu tiên phát triển vùng trồng rau, cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển đàn bò lai theo hướng công nghệ cao; phát triển du lịch kết hợp với trải nghiệm nông nghiệp sạch...

Thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, xây dựng nhà màng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; phát triển các mô hình: Trồng cây quýt đường, cây na dai hạt lép kết hợp với tưới tiết kiệm, trồng thâm canh cây nhãn; liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao... góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ năm 2020 đến nay ước đạt 7,66%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 44,7 triệu đồng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

 Đến thăm, làm việc và đi kiểm tra một số công trình dân sinh trên địa bàn huyện Đăk Pơ, đồng chí Hồ Văn Niên – UVBCH Trung ương Đảng , Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của huyện Đak Pơ trong thời gian qua. Trong đó việc Huyện ủy, UBND huyện đã thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ, đảng viên xuống thôn, làng để nắm bắt tình hình, giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định cuộc sống; từ bám nắm cơ sở nên đã xác định và triển khai hiệu quả nhiều dự án, mô hình, cách làm hay, phù hợp với điều kiện địa lý, thời tiết, nhất là bà con người DTTS Ba Na, qua đó mở lối để người dân yên tâm sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, gắn bó với quê hương.
3-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-gia-lai-nguoi-dung-o-dau-dang-chi-tay-ve-phia-cong-trinh-cung-doan-cong-tac-den-kiem-tra-cac-cong-trinh-o-dak-po-1692936740.jpg

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (người đứng ở đầu đang chỉ tay về phía công trình) cùng đoàn công tác đến kiểm tra các công trình ở Đăk Pơ 

 

          Nụ cười của người dân trên cánh đồng

         Ấn tượng của chúng tôi khi đến những địa bàn của huyện Đăk Pơ lần này là cây xanh đã phủ đầy những ngọn đồi, các tuyến đường liên xã, nội thôn đã được đổ bê tông phẳng lì, hai bên đường là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang.

Cùng đi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Hơn, Phó chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Huyện ủy- UBND huyện đã chỉ đạo và triển khai cho cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền và hướng dẫn người dân, nhất là bà con đồng bào DTTS các thôn làng chủ động, linh hoạt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh phong trào sản xuất giỏi, gắn với thực hiện có hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ hội viên về kỹ thuật, vốn, ứng dụng công nghệ số, hợp tác, liên kết. Phát huy tinh thần đoàn kết trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân thoát nghèo bền vững. Nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo việc làm cho bà con DTTS. Trong đó, tập trung tuyên truyền phong trào sản xuất gắn với thị trường; thay đổi tư duy kinh tế từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, liên kết, hợp tác; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết hợp tác trong SXKD để mang lại hiệu quả cao hơn.

4-anh-dinh-van-nhoac-nguoi-mac-ao-vang-o-lang-jro-ktu-xa-yang-bac-gioi-thieu-mo-hinh-tuoi-nuoc-tiet-kiem-1692936450.jpg

Anh Đinh Văn Nhoắc (người mặc áo vàng) ở làng Jro Ktu, xã Yang Bắc giới thiệu mô hình tưới nước tiết kiệm 

 

Đến nay toàn huyện có 2.779 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD) giỏi các cấp; 345 mô hình trang trại, gia trại và dịch vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; 14 hợp tác xã; duy trì 2 cánh đồng mẫu lớn trồng mía tại xã Tân An và thị trấn Đak Pơ. Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện đã trực tiếp giúp 62 hội viên thoát nghèo; phối hợp với các hội, đoàn thể giúp đỡ 261 hội viên thoát nghèo; xây dựng và sửa chữa 7 căn nhà dột nát cho hội viên ND nghèo các xã: Ya Hội, Yang Bắc, An Thành.

5-cac-phong-vien-dang-tac-nghiep-tai-xa-yang-bac-dak-po-1692937030.jpg

 Các phóng viên đang tác nghiệp tại xã Yang Bắc - Đăk Pơ 

 

Theo bà Phạm Thị Thúy – Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc (Đăk Pơ): Trên cơ sở chỉ đạo của Huyện ủy- UBND huyện, chúng tôi đã làm tốt công tác vận động để bà con địa phương chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Từ năm 2021 đến nay, người dân ở các làng: Klăh Môn, Jro Ktu, Đak Yang, Jun, Jro Dơng và Kruối Chai đã chuyển đổi 16 ha mía kém hiệu quả sang trồng rau màu. Qua đánh giá, các loại cây trồng ngắn ngày đã mang lại thu nhập ổn định và cao hơn so với cây mía, cây lúa. Thấy được lợi ích kinh tế, lại được các ban, ngành của huyện và xã tuyên truyền, vận động, đến nay, 135 hộ dân đã đầu tư lắp đặt mô hình tưới tiết kiệm nước trên diện tích trồng rau màu và cây ăn quả.

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt, ông Đinh Truynh (dân tộc Ba Na), ở làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ phấn khởi khoe với mọi người: "Trước đây, 4 sào lúa của gia đình mình chỉ thu được khoảng 1,2 tấn. Hiện nay, nước tưới bảo đảm và được cán bộ các cấp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên lúa cho năng suất cao hơn, đạt 1,6-1,8 tấn/vụ. Gia đình mình không chỉ đủ lúa ăn mà còn dư để bán ra thị trường, có nguồn tiền tích lũy". Không riêng ông Đinh Truynh mà 137 hộ dân làng Đê Chơ Gang, trong đó có 124 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Làng có sự khởi sắc này là nhờ hệ thống thủy lợi được nâng cấp dẫn nước từ hồ chứa Tờ Đo và hạ tầng giao thông phát triển. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện Đak Pơ đã đầu tư, hỗ trợ làng Đê Chơ Gang sửa chữa đập thủy lợi, tặng cây giống, con giống, phân bón với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã Phú An cũng huy động các nguồn lực bê tông hóa, cứng hóa các tuyến đường nội thôn.

Một trong những cán bộ được tăng cường về cơ sở lâu năm nhất và cũng để lại cho bà con DTTS địa phương nhiều sản phẩm ấn tượng nhất, như giống lúa lai, bắp lai…, bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đak Pơ-cho biết: 5 năm qua, UBND huyện đã triển khai nhiều dự án hiệu quả, hợp lòng dân, thu hút nhiều hộ gia đình tham gia. Dự án “Phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm giúp nông dân tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập” được triển khai ở các xã: Tân An, Cư An, Phú An, Yang Bắc, Hà Tam và thị trấn Đak Pơ đạt hiệu quả cao. Trong đó, hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 50-70% kinh phí (từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng) lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, phần còn lại người dân đối ứng. Từ tháng 10-2018 đến nay, dự án đã xây dựng được 235 mô hình/235 hộ, mỗi mô hình lắp đặt 1.000 m2 hệ thống tưới tiết kiệm nước để tưới cho hoa màu. Ngoài ra, dự án còn tuyên truyền, quảng bá, kết nối doanh nghiệp với nông dân để các hộ tự đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước. Hiện có 786 hộ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong vùng dự án.

7-niem-vui-cua-nguoi-dan-ba-na-o-dak-po-khi-chuyen-doi-cay-trong-hieu-qua-1692936450.jpg

 Niềm vui của người dân Ba Na ở Đăk Pơ khi chuyển đổi cây trồng hiệu quả 

 

Giới thiệu với chúng tôi căn nhà mới xây và chiếc xe máy mới mua để đi làm, anh Đinh Văn Nhoắc (người Ba Na) ở làng Jro Ktu, xã Yang Bắc bộc bạch:  Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau màu và được hỗ trợ 3,5 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, cuối năm 2018, tôi đã chuyển đổi 1,5 sào mía sang trồng ớt. Sau 4 tháng cần mẫn chăm sóc, anh thu được hơn 2 tấn quả. Với giá bán 50-60 ngàn đồng/kg, anh lãi khoảng 100 triệu đồng. Từ năm 2020 đến nay, anh Nhoắc luân canh gối vụ các loại cây trồng khác nhau trên mảnh đất hơn 3 sào, mang lại thu nhập cho gia đình 100-150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Anh cho biết: “Với hệ thống tưới tiết kiệm nước, mình có thể bón phân qua đường ống, vừa giảm thất thoát phân bón, vừa đỡ tốn công lao động nhưng năng suất cây trồng lại tăng 50-70%. Chính vì vậy, không chỉ gia đình mình mà trong làng có 60 hộ đã lắp đặt hệ thống tưới này để chuyển đổi, luân canh đa dạng cây trồng. Nhờ đó, đời sống bà con được nâng lên”.

Cũng tâm trạng mừng vui, anh Đinh Jram (làng Jro Ktu) cho chúng tôi biết thêm, năm ngoái trên phần đất hơn 1,5 sào này, anh trồng ớt cho thu nhập hơn 60 triệu đồng. Năm nay, anh chuyển qua trồng dưa leo. Theo tính toán của anh, sau 1 tháng trồng, dưa leo sẽ cho thu hoạch. Nếu giá ở mức cao thì sẽ mang lại thu nhập đáng kể bởi 1 năm có thể trồng được 3-4 vụ. “Việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ tốn 2,5-3 triệu đồng/sào nhưng sử dụng được đến 2 năm, vừa tiết kiệm phân bón, nước tưới, vừa giảm công chăm sóc mà cây trồng lại sinh trưởng và phát triển tốt, thu nhập cao.

“Đăk Pơ từ một huyện mới được tách ra, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, nhưng được sự đầu tư của Đảng, nhà nước, của Tỉnh ủy- UBND tỉnh Gia Lai cùng với những chủ trương, chinh sách sát đúng với thực tiễn địa bàn, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; cán bộ quân và dân địa phương đã đoàn kết, phát huy nội lực, chung lòng, chung sức phấn đấu đưa Đăk Pơ phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh”. Đồng chí Bùi Văn Khánh-Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ chia sẻ khi nắm chặt tay chúng tôi trở về.

2-nguoi-dan-dak-po-trong-rau-sach-huu-co-1692936450.jpg

Người dân Đăk Pơ trồng rau sạch hữu cơ 

 

(Hết)