Bếp củi của Má

Nhớ ngày xưa nhà tôi nghèo, nghèo lắm. Khi tôi biết cảm nhận được mọi thứ, thì tôi đã thấy nhà tôi luôn chụm củi để nấu ăn. Pleiku thì không thiếu củi, rừng thông thì mênh mông, đồi trà thì ngút ngàn. Chỉ đi được lát là đã có một gánh củi đầy, tha hồ mà đốt.

   

bep-cui-1672665583.jpg
Tranh của họa sĩ Thanh Leanh .

 

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi đi học một buổi, một buổi đi lượm củi đem về vừa để nấu ăn, vừa để sưởi ấm. Thời tiết ngoài Pleiku với những cái lạnh cắt da, sương mù thì quanh năm. Có những buổi sáng không đi học, tôi và má hay ngồi phơi nắng ngoài sân, để cho bớt đi cái lạnh. Tối đến thì má tôi đốt một đống củi to đùng trong một cái thau nhôm lớn để giữa nhà, vừa để sưởi ấm vừa để lấy than cho vào từng cái thau nhỏ, rồi đẩy vào gầm giường để ngủ cho ấm.

     Má tôi nấu ăn toàn là chụm củi, vì như vậy thì đở được một khoản tiền mua dầu lữa hay than. Nhưng được cái này thì lại khổ vì cái kia, vì chụm củi nên nồi niêu xoong chảo lúc nào cũng đen thui vì đóng một lớp bọ hóng. Cứ mỗi khi tôi vào bếp,sới dùm cho má nồi cơm thì mặt mày đen thui vì dính đầy lọ nghẹ. Má thấy vậy thì nói : Nhà má có nuôi một con mèo.

     Nghe vậy thì tôi biết là má đang chọc tôi, tôi liền đưa tay lên để lau, nhưng càng lau thì mặt càng dính nhiều lọ nghẹ hơn, thứ lọ nghẹ của củi thông nó có tinh dầu,nên càng lau thì mặt càng dơ. Chỉ khi nào rữa mặt với xà bông hiệu Cô Ba thì mới sạch.

    Nhưng tôi phải công nhận là cơm mà nấu bằng nồi gang, trên bếp than củi thì cực kỳ ngon, cơm cháy thì dày và giòn rụm. Chỉ cần khi cơm chín đậy nắp lại một chút, thì có thể lấy ra cả một giề cơm cháy. Cho một chút mỡ heo thắng chan đều trên mặt cơm cháy,rắc đều thêm một chút muối tiêu vào, thì ai cũng đòi cho được một miếng cơm cháy vàng giòn.

     Dù chụm củi nhưng má tôi lại là người kỷ tính, cứ vài ngày là má tôi lại lấy dao nhỏ cạo bỏ bớt lớp bồ hóng, rồi lấy xơ dừa chấm cùng tro bếp mà chùi nồi cho trắng. Cũng hay là xơ dừa và tro bếp,lại là thứ tẩy trắng cực kỳ hiệu quả mà không phải tốn tiền.

      Trong bếp nhà tôi lúc nào cũng có, một chùm củ hành treo tòn ten để xài quanh năm. Một ít khoai mì và khoai lang, những món ăn vặt của những đứa trẻ con nhà nghèo. Má tôi hay nói là gian bếp nhà tôi giống như một lò sấy, củ hành treo trong bếp sẽ không bị hư vì có khói. Mỗi khi thấy má nấu cơm xong mà than còn hơi nhiều, là anh em tụi tôi cho vào nướng, khi trái bắp hay củ khoai, cũng có khi là những hột mít. Khi ăn thì miệng mồm đứa nào cũng đen xì vì dính đầy than, nhưng vui và ngon lắm. Trời lạnh lạnh có một củ khoai vùi tro, khi ăn thì cứ xuýt xoa nhưng ngon tuyệt vời. Hay những trái bắp, vừa cạp vừa thổi nhưng lại thấy ngon. Tuổi thơ của tôi là như vậy đó, luôn gắn liền với cái bếp củi của má tôi. Cái bếp củi đã cho tôi những bữa cơm ngon, cho tôi được no lòng và lớn lên.

     Sau khi về Sài Gòn dù đời sống có khá hơn, nhưng má tôi vẫn giữ cái thói quen là cứ chụm củi để nấu ăn. Nhưng má tôi lại cải tiến cách nấu củi cho nồi không bị đen vì đóng bồ hóng. Má tôi nhờ những người thợ rèn, cắt cho má những tấm tôn củ sau khi đập dập những làn sóng cho bằng phẳng. Cắt vòng tròn cho ôm theo khuôn đáy nồi, lớn nhỏ vài cái để xài được nhiều nồi khác nhau. Khi đặt nồi lên bếp thì cho một lớp tro bao chung quanh theo vòng tròn của nồi, như vậy thì nồi chỉ bị đen dưới đáy nồi nhưng chung quanh nồi vẫn trắng (đó là cách bảo vệ nồi cho trắng khi nấu củi, nhờ vậy mà sau này má tôi không cực mỗi khi chùi nồi).

     Cả một đời má tôi không rời xa cái bếp củi, má tôi chỉ biết nấu ăn bằng bếp củi mà thôi. Những món ăn má nấu từ bếp củi bao giờ cũng ngon và chính xác, chưa bao giờ tôi thấy má nấu cơm khê hay nhão. Khi nấu cơm bao giờ má cũng chắt ra một tô nước cơm, tô nước cơm như nguồn sữa mẹ, cho tôi được no lòng khi chờ đợi, cho tôi được lớn lên theo dòng đời.

     khi má tôi mất, thì bếp củi lại là một phương tiện. Cho chúng tôi nấu nước pha trà,và nấu ăn trong những ngày ma chay.Bếp củi như một người bạn đồng hành của má, khi má mất đi thì bếp củi cũng không còn. Vì chúng tôi mỗi đứa một nơi, tôi theo chồng các anh chị thì ai cũng có gia đình nấy. Và bếp củi của má như một hoài niệm, của chúng tôi mỗi khi nhớ về Má..

Chuyện Quê