Cậu Câm

Kim Oanh Đào

24/04/2022 10:36

Theo dõi trên

Xe của trung tâm bảo trợ xã hội thành phố đến đón cậu bấm còi đầu ngõ, cậu nhìn lại căn nhà lần cuối, mắt đỏ hoe rớm lệ , thế là cậu phải đi à. Chị Hiền chị gái cậu vỗ vai động viên: Đi, đi em, vào đấy không thích lại về nhé.

minh-hoa2-1650771360.jpg
Ảnh minh họa

Chị Hiền bố mẹ mất sớm, bốn chị em nuôi nhau. Cậu câm là em út, hai thằng em sát chị đua đòi lêu lổng nghiện hút chết hết để lại hai con vợ mất dạy. Một con bán bún đậu đầu phố Gầm cầu, chồng chết lại đi cặp kè với thằng nghiện khác. Một con bán bún dọc mùng đầu phố Hàng Lược đắt hàng như tôm tươi, ngày vài trăm bát nhưng tối nuôi bố lô bố đề hết. Cả hai con sống với cậu Câm trong căn nhà hơn chục mét vuông bố mẹ để lại. Chị Hiền lấy chồng cũng nghèo, đã thế chồng chị lại tai biến nằm liệt giường 18 năm chị vẫn phải chăm sóc hầu hạ.

Chị thương cậu Câm, mồ côi cha mẹ câm điếc bẩm sinh lại có bệnh động kinh nữa . Chả giúp gì em được, thương lắm chỉ thỉnh thoảng lên chơi cho em đi ăn phở hay giỗ bố mẹ mua con gà, thổi ít xôi rồi mấy chị em ăn.

Hàng ngày cậu vẫn lang thang lên chợ hoa quả Long Biên nhặt nhạnh ve chai, bìa các tông bán lấy tiền ăn hàng ngày. Những hôm nắng nóng quá cậu lên cơn động kinh co giật lăn đùng sùi bọt mép, nằm im một lúc cậu tỉnh ,lại như không có chuyện gì xảy ra. Dân chợ họ quen rồi, biết cậu lâu rồi, cậu là người hiền lành tử tế nên họ thương hay gọi cho bìa, cho tiền, cho đồ ăn.

Mà cậu là người tử tế thật, hai bà chị dâu rạch giời rơi xuống bán hàng ăn đắt hàng mà không nuôi nổi thằng em chồng. Cậu cứ lang thang kiếm được thì ăn, không thì nhịn, chúng chẳng quan tâm. Vậy mà cậu đi thương hai ả, sáng đi nhặt rác, trưa về lụi hụi dọn hàng, rửa một đống bát cho con bún đậu. Xong, con dọc mùng tị nạnh lôi cậu xềnh xệch: Ra đây ! Rửa đỡ tôi ít bát. Cậu lại cặm cụi rửa hết đống bát , hôm nào nó ế nó cho ăn một bát cuối cùng gọi là trả công, hết thì thôi.

Chị Hiền thương em cứ mắng:

  Cậu kệ chúng nó, đi mà thuê người rửa, sao cậu phải hầu chúng nó . Chúng nó có nuôi cậu không? Cậu lại giơ tay thanh minh với chị: Em thương, em thương tay chỉ hai con nặc nô, chị để em làm đỡ mất tiền thuê. Chị Hiền phát chán, nói cậu chả nghe, buồn !

Rồi một lần đang rửa bán cậu ngã lăn quay, tai biến nhẹ, ả bún đậu đưa  vào viện Xanh Pôn , cậu có bảo hiểm người tàn tật phường cấp. Chị Hiền tất tả chạy vào thăm em, cô em dâu mồm dẻo quẹo, méo mó trình bày: Em bận bán hàng chị trông chú ý hộ em, nói xong chuồn luôn,sợ phải đóng tiền viện cho em chồng.

Còn mụ bán bún dọc mùng thì tỉ tê em nợ nhiều lắm, nghỉ hàng chiều không có tiền đóng họ ,bọn cho vay lãi nó giết em, lại chuồn nốt. Cậu ăn dè hà tiện có mấy trăm trợ cấp hàng tháng phường cho suốt ngày vay đểu cậu .

Người cùng một nhà mà sống tệ thế bảo sao khổ mãi không ngóc đầu lên được, cậu Câm lại trông vào chị Hiền.

Chị Hiền vừa phục vụ chồng, lại phục vụ em trai, chạy đi chạy lại bằng cái xe đạp tòng tọc đến khổ !

May sao lần ấy hội phụ nữ phường đến thăm thấy hoàn cảnh cậu Câm vậy họ đề xuất chị làm đơn, cho cậu vào trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Chị nghe xong ậm ừ, để hỏi ý cậu Câm đã.

Chị bảo: Cậu bệnh tật ốm đau như này, giờ không đi nhặt rác được nữa đâu, mà ở nhà thì chúng nó không cho ăn thì chết đói, toàn mỳ tôm sống nhai. Nghe chị vào đấy thử xem nếu được thì ở lại, không chị đưa cậu về. Dù không nghe được chỉ nhìn mồm nhìn tay nhưng hiểu hết, cậu khóc. Cậu ra hiệu nhớ nhà, nhớ các chị lắm. Ôi cậu sống tình cảm thế là cùng.

Cậu lên trung tâm Ba Vì được một tuần, chị Hiền đi xe buýt lên thăm, vừa nhìn thấy chị cậu oà khóc như đứa trẻ lâu ngày không gặp mẹ. Hai chị em ôm nhau khóc, chị hỏi có về không? Cậu bảo nhớ chị nhiều lắm nhưng không về, phần vì thương chị vất vả , phần vì ở đây cậu thấy thích. Cậu khoe, ngày được ăn ba bữa no nê, có bác sĩ khám bệnh phát thuốc uống hàng ngày, giơ tay bóp bóp ra đều đo huyết áp. Bốn người một phòng không khí thoáng mát trong lành sạch sẽ. Cậu còn ra hiệu là sáng dậy tập thể dục này, rồi đi trồng rau ăn này, rảnh được chơi cờ này nói chung là cậu thích.

Chị Hiền mang cho cậu khoanh giò sợ em đói thèm, cậu xua tay, trên này cơm ngày nào cũng có thịt đừng mua gì. Sữa hộp mua làm quà cậu bảo lần sau lên đừng mua sữa không chia được mua bánh kẹo cho dễ chia cho mọi người cùng ăn cho vui.

Chị Hiền về, lòng vui phơi phới, vậy là chị yên tâm về cậu Câm.

Nhưng nước mắt vẫn chảy, thương em, tủi thân, mình là chị không lo được cho em phải nhờ đến ông nhà nước lo hộ .

Cậu Câm tiễn chị ra cổng cứ đứng nhìn theo bóng chị xa dần, khuất mới quay vào. Nước mắt cậu cũng chảy dài .

Một giọt máu đào hơn ao nước lã là đây.

Chuyện Quê

Bạn đang đọc bài viết "Cậu Câm" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn