Chậm sửa quy định “hàng hóa thiết yếu” ngày nào gay go ngày đó

Nguyễn Quỳnh

30/07/2021 20:50

Theo dõi trên

Ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu” rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay, nhưng cần triển khai nhanh chóng

Thời gian qua, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, quy định Danh mục “các mặt hàng thiết yếu” tại mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Để xử lý vấn đề nêu trên, mới đây Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận đề xuất ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu” rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay, nhưng cần triển khai nhanh chóng với danh mục các mặt hàng đưa ra thật rành mạch, tạo thuận lợi cho khâu triển khai tại các địa phương.

Ủng hộ đề xuất này của Bộ Công Thương, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đề xuất này giống như tinh thần của Luật Đầu tư hay Luật Doanh nghiệp. Trong các luật này không nêu ngành nghề nào được phép kinh doanh mà chỉ nêu ngành nghề nào cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh.

“Đề xuất của Bộ Công Thương mô phỏng cách làm trong 2 Luật đó, ngành nghề nào không bị cấm thì người dân được phép kinh doanh. Tương tự ở đây, những hàng hoá nào không nằm trong danh mục cấm thì được phép lưu thông. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hoá”, ông Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Quốc Phương đánh giá, Việt Nam đang đối mặt với đại dịch chưa từng có nên thời gian qua không tránh khỏi những lúng túng cho việc lưu thông hàng hóa. Đây là điều hoàn toàn bình thường, quan trọng là đánh giá, nhìn nhận lại những mặt được và chưa được để sẵn sàng điều chỉnh. Do đó, đề xuất này của Bộ Công Thương cần được sự đồng ý và phải ban hành sớm. Bên cạnh đó, danh mục hàng hóa không được phép vận chuyển cũng không phải là ít nên cần càng chi tiết càng tốt.

“Phương án này thuận lợi hơn nhưng phải lập nhanh nếu không chậm ngày nào là gay go ngày đó, không chỉ cho cuộc sống người dân mà cả doanh nghiệp, người sản xuất… Ngoài ra, việc thực thi tại các chốt kiểm soát cũng không phải đơn giản”, ông Lê Quốc Phương nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, đề xuất của Bộ Công Thương là hướng tiếp cận rất phù hợp. Việt Nam có thể tham khảo danh mục các nước áp dụng, nếu liệt kê danh sách hàng hóa cho phép lưu thông sẽ không bao giờ đủ được vì các mặt hàng rất đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, đề xuất cũng phải tính đến bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương nên cần cách triển khai cần nhanh nhất. Do vậy, Danh mục hàng hóa càng rành mạch, càng rõ ràng sẽ tạo thuận lợi hơn cho các địa phương. “Các doanh nghiệp cũng phải hiểu rằng, chiến tranh hay dịch bệnh là tình huống nguy cấp, sẽ có trục trặc khi triển khai, song tốc độ lắng nghe, sửa đổi chính sách của cơ quan nhà nước cũng phải nhanh hơn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Kiểm soát danh mục "cấm lưu thông" cũng là cả một vấn đề!

Đánh giá cao danh mục theo đề xuất của Bộ Công Thương theo hướng chọn bỏ mà không chọn cho là một ý tưởng tốt, có tính mở hơn so với việc đưa ra danh mục hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cũng bày tỏ băn khoăn khi các địa phương sẽ thực hiện kiểm soát danh mục hàng hoá “cấm lưu thông”.

Bởi theo phân tích của bà Thảo, danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” đưa ra cũng khá dài, nên việc kiểm tra là cả một vấn đề lớn. Tại các trạm chốt kiểm soát còn hạn chế về con người cũng như trang thiết bị kỹ thuật, nên việc nhận diện hàng cấm vận chuyển hay không sẽ gây áp lực cho các cửa ngõ kiểm dịch.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương, chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong quá trình thực hiện văn bản trước đây cho thấy, thực tế có hàng nghìn chủng loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cần thiết cho mỗi gia đình Việt Nam và các doanh nghiệp sản suất kinh doanh dịch vụ. Vì vậy, danh mục hàng hóa thiết yếu sẽ không tồn tại vĩnh viễn, luôn luôn phát sinh và luôn luôn thay đổi…

Tuy nhiên ông Phú không nhất trí như trong đề xuất của Bộ Công Thương có thêm quy định: “Căn cứ vào các phụ lục trên, các tỉnh, thành phố sẽ cấp thẻ xanh để các doanh nghiệp cá nhân lưu thông hàng hóa trong địa phương, tỉnh hoặc tỉnh này qua tỉnh khác”. Bởi nếu có thêm quy định này sẽ đồng nghĩa với việc vừa “cởi trói” cho những thủ tục phiền hà, rắc rối và dễ hiểu lầm khi thực hiện văn bản trước đây, lại “đẻ” ra một loại thủ tục mới là thẻ xanh là việc làm không cần thiết.

“Các đơn vị kiểm soát vận chuyển và giao thông trên đường chỉ cần có 2 Phụ lục của Bộ Công Thương và giấy tờ của cơ quan y tế để xác định được đi và không được đi mà thôi. Các cơ quan hữu trách và dư luận xã hội cần quan tâm đề xuất này để công tác vận chuyển hàng hóa được thông suốt, góp phần vào công tác chống dịch và phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài của đất nước”, ông Phú nói./.

 

Bạn đang đọc bài viết "Chậm sửa quy định “hàng hóa thiết yếu” ngày nào gay go ngày đó" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn