Chút hồi ức con con về một người rất lớn

Lê Ngọc Minh

11/04/2022 13:50

Theo dõi trên

Nhà văn, Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ là cây cổ thụ của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông là người Kinh Bắc, dòng dõi nhà quan Huấn đạo; có các người anh rất nổi tiếng trong làng báo, làng văn và làng họa như Hoàng Tích Chu, Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh…

276018690-1334303350379344-5669166898476066055-n-1649598719.jpg

Khán giả Điện ảnh Việt Nam, kể cả khán giả trẻ hôm nay, chắc chắn vẫn còn thích thú với các bộ phim: Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông… do NSND Hải Ninh làm đạo diễn trên các kịch bản của ông. Cây cổ thụ của Điện ảnh Việt Nam đã ngã xuống vào ngày 20/3/2022.

Ôi! Thương thay!

Xin thượng hưởng!

CON CON MỘT CHÚT HỒI ỨC

Sau mười hai ngày chống chọi với Covid- 19, sức khỏe hậu Covid thật đáng báo động. Đôi chân có thời đã dãi dầu thiên lý vạn lý, đã làm trụ để vác trên vai cái nòng DKZ mà thường ra phải hai lính pháo binh mới khiêng nổi, nay, cái thân trên đôi chân ấy phải bám tường bằng hai tay mỗi khi lên xuống cầu thang.

Chán! Nhưng chán nhất là thứ thói quen luôn bị thức dậy lúc ba giờ và rất khó ngủ lại.

Đêm qua 20.3 vẫn thế, đành đọc mạng để may ra tìm được giấc ngủ bù, dù nó chỉ ngắn như một tiếng nấc làm dứt tạm thứ thói quen tệ hại hậu cúm.

Choáng!

Bởi thấy trên trang facebook của Hoa Linh Tuệ, tức nhà văn Lê Thị Bích Hồng, đưa tin, ảnh Nhà văn, Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã khoác hành trang 92 tuổi trời cho cùng rương kịch bản mấy chục bộ phim sang chuyến đò âm dương đến với miền cực lạc.

Buồn đau đến ứa nước mắt.

Tôi được gặp Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ năm 1981 tại tư gia của Nhà văn Lê Lựu ở dốc 70 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, khi đang về phép để tìm kiếm “thực tế” làm bài tốt nghiệp. Nói tư gia để gọi là “nói chữ” thôi, chứ thực ra đó chỉ là một gian đầu hồi, không có vách ngăn chỗ tiếp khách và buồng ngủ nhà cấp 4 loại 2 cạnh cửa hàng bán thực phẩm rau quả của mậu dịch XHXN cấp ngách của phường. Nhà văn Lê Lựu giới thiệu tôi với Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ rằng, như này…, như này và như này…. Ông cười hiền bảo, nhìn nước da đủ biết có bơ sữa tây (Dạo đó kinh tế rất khó khăn, người mình, kể cả dân thủ đô đều gầy và da bị xám vì thiếu dinh dưỡng). Nghe tôi định viết kịch bản tốt nghiệp về đề tài diệt chủng của Polpot ở Campuchia, ông rất động viên và hẹn khi nào viết xong thì gửi ngay về cho ông. Ông mở sổ xé tờ giấy ghi địa chỉ: “Hoàng Tích Chỉ, Xưởng trưởng Xưởng làm phim 1, Xí nghiệp phim truyện Việt Nam, 4 Thụy Khuê, Hà Nội”, đưa cho tôi và dặn: “Học xong thì về xưởng 1 làm việc với chú”.

Nhân đây cũng nói thêm chút. Tôi viết đề tài Campuchia bởi một lần nhà thơ Thu Bồn qua Moscva, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh có gửi tặng tôi tập thơ in chung với Thu Bồn với tựa đề Một tiếng Samakhi. Nhà thơ Thu Bồn trong lúc uống rượu, cao hứng đã đọc đoạn “ Pumthat hỡi cánh đồng chưa gặt hái/ Tiếng xe trâu cút kít điệu nhạc buồn/ Lăn mải miết trên con đường đất đỏ/ Campuchia lăn mãi đến bao giờ?”. Đọc rồi, ông kể về những trí thức trẻ Campuchia bị giết ở những cánh đồng như cánh đồng Pumthat. Trong số đó có một chàng trai vừa du học ở Pháp về bị mất mạng chỉ bởi cặp kính cận “ trí thức”. Tôi “bắt” số phận của người trí thức trẻ đó và dự định viết thành kịch bản Tuần trăng mật (Trong tiếng Nga gọi Tuần trăng mật là Tháng trăng mật mà phải là Tháng trăng mật ong- Medovưi Mexiatx) để bảo vệ tốt nghiệp.

Trở về trường tôi viết xong Tuần trăng mật và bảo vệ được bằng ưu trước Hội đồng chấm thi do Nhà văn, Nhà Biên kịch nổi tiếng Evgheni Gabrilovits, tác giả cuốn “Viết kịch bản phim truyện ngắn - Rabota nad Kinonovelloi” mà bất cứ trường đại học điện ảnh nào trên thế giới cũng đưa vào danh mục giảng dạy và tham khảo làm chủ tịch (Cuốn này đã được Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh dịch đăng nhiều kỳ trên tạp chí Điện ảnh Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1960).

Tôi đã không gửi kịch bản Tuần trăng mật về địa chỉ số 4 Thụy Khuê cho Xưởng trưởng Xưởng phim I, NBK Hoàng Tích Chỉ vì nghĩ, nó là bài tốt nghiệp, chỉ là kiến thức học trò thôi mà.

Tôi học xong về, lúc còn đang đợi có quyết định phân công từ Bộ Văn hóa thì NBK Hoàng Tích Chỉ đã nhắn Nhà văn Lê Lựu, bảo tôi đến gặp ông vào ngày thứ 3 bất kỳ nào tại Xí nghiệp phim truyện Việt Nam, số 4 Thụy Khuê.

Tôi đến ngay với tất cả sự háo hức. Nhà biên kịch Xưởng trưởng nhắc về kịch bản Tuần trăng mật và trách tôi thờ ơ với lời hứa. Tôi thưa tôi ngại lắm vì tri thức và vốn sống để viết kịch bản phim của tôi đang non nớt lắm; vả lại, tôi chỉ có kịch bản bằng tiếng Nga, ông bảo kể luôn bằng tiếng Việt cho cả nhà văn danh tiếng Dương Thu Hương đang là Biên kịch hàng đầu của số 4 Thụy Khuê và của Xưởng I nghe cùng. Tôi kể xong, Nhà BK Hoàng Tích Chỉ bắt tay tôi và nói: “Hấp dẫn có thân phận, cháu chuyển ngay sang tiếng Việt, ba ngày nữa, nộp chú”. Nói thế rồi ông mới hỏi nhà văn Dương Thu Hương: “Thế nào mẹ Đốp?”. Chị Hương cười nhạt: “Cũng được! Nhưng hình như cậu ấy viết qua lời kể của người khác”. Để “mẹ Đốp mát lòng” tôi thú nhận, motiv thì tôi “bắt” từ nhà thơ Thu Bồn còn một phần chuyện trước khi bịa thành cốt truyên hoàn chỉnh, tôi nghe từ một bạn sinh viên người Campuchia ở trường Ngoại giao quốc tế MGIMO kể về chính người chị ruột của bạn ấy bị bọn Angka sát hại mùa hè năm 1976. Chị Hương khuyên tôi: “Em cần đi thực tế, viết cái gì thật đáng viết ngay tại quê mình, làng mình, phố mình, những người mình thấu cảm hoặc căm ghét đến độ, chứ những chuyện chân mây góc bể khó chạm vào lòng người đọc được chứ đừng nói là lên phim có hàng triệu người xem”.

Nhà Bk Xưởng trưởng “răn” Nhà văn Dương Thu Hương, rằng đừng có “phá đám” và vẫn yêu cầu tôi, sau 72 giờ nữa phải nộp kịch bản cho ông.

Tôi nộp bản tiếng Việt Tuần trăng mật đúng hẹn và vẫn ghi nhận lời khuyên của “Mẹ Đốp” phải viết về những gì đã thấu cảm...

Một tuần sau, tôi nhận được hai tin vui. Tin thứ nhất Xưởng trưởng Hoàng Tích Chỉ đã nhờ nhà văn Nguyễn Quang Sáng đọc hộ Tuần trăng mật (có trả thù lao đọc theo quy chế) và ông nhà văn này bảo đã giới thiệu Tuần trăng mật cho trưởng phòng biên tập NXB Quân đội, Nhà văn Đỗ Gia Hựu để in thành sách; Tin thứ 2 là tôi sẽ được đi công tác bảy ngày, một dạng đi thực tế hồi ấy với chính Xưởng trưởng Hoàng Tích Chỉ, Xưởng phó, Nhà biên tập Nguyễn Thị Lợi, Đạo diễn NSUT Nguyễn Ngọc Trung. Điểm đến đầu tiên là “dinh cơ” của Nhà văn, Nhà biên kịch Phù Thăng ở Tứ Kỳ, Hải Dương.

Khi chúng tôi đến đầu làng dừng lại hỏi thăm đường thì trẻ con ríu rít chỉ về phía một ông lão gầy gò cởi trần, gầy đến mức bụng dán sát vào lưng, tranh nhau nói: Ông Phù đấy! (Ở quê Tứ Kỳ người ta gọi Phù Thăng là Ông Phù).

Nhà Bk Phù Thăng họ trâu, vác cày đưa chúng tôi về nhà, một ngôi nhà ba gian hai chái có hiên rộng đổ trần. Ông khoe đó là “dinh cơ” được làm bằng nhuận bút cuốn Phá vây. Trong bữa cơm thịt gà cá gáy vườn nhà ao nhà, Phù Thăng sôi nổi kể về sự thú vị của nhà văn tay cày tay bút ở vùng đất nghèo (Nhà văn Phù Thăng hưởng lương xưởng phim và ngồi viết tại quê). Ông đang viết một trường thiên kịch bản phim truyện có tên là Đất nghịch…

Cơm nước xong, nhân lúc các bậc trưởng lão tranh thủ nghỉ ngơi trên mấy chiếc võng đay ở vườn nhà Ông Phù tôi đi dạo quanh làng gặp một gia đình vừa bỏ khu kinh tế mới về, dựng lều “trụ” tại một gốc duối già. Một gia cảnh thật là nheo nhóc bần hàn. Lát sau, thấy có mấy anh dân quân do trưởng thôn dẫn đến định hót cả hộ lên xã để “trao trả” cho phía khu kinh tế mới nhưng rồi thấy chủ nhân bị ốm, nồi cháo để vữa ra chẳng buồn ăn, trưởng thôn dúi vào tay bà vợ “chục bạc” rồi nháy mắt cho đám “đàn em” bỏ đi.

Bối cảnh ấy khiến tôi nhớ lại, ngày trước ở quê mình, ruộng bỏ hoang bỏ hóa nhiều mà dân vẫn bị “xúc” đi khai hoang trên miền núi với kiểu theo kế hoạch mỗi năm là bao nhiêu. Phần lớn người “bị kế hoạch” đều bỏ về sau khi rời quê không lâu. Nhiều hoàn cảnh diễn ra rất thương tâm.

Thế là trong tôi một ý tưởng được hình thành để trả lời cho câu hỏi: Tại sao không để cho người dân làm “kinh tế mới” ngay tại đồng đất quê hương mình?

Trên xe đi công tác tiếp về hướng Hải Phòng, Xưởng trưởng Hoàng Tích Chỉ “truy” tôi có thu hoạch được gì từ câu chuyện của Ông Phù không? Hứng chí kiểu gà choai mới học đạp mái, tôi kể cho mọi người nghe cái gọi là ý tưởng của mình. Nghe xong, ông Xưởng trưởng phán một chữ: “Trúng!”. Đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung cười ầm lên nói câu pha trò về “đặc trưng” của ba xưởng phim trong Xí nghiệp Phim truyện số 4-Thụy Khuê hồi đó mà không biết ai đã đặt thành vè: “Xưởng 3 là xưởng tình người/ Xưởng hai khóc khóc cười cười tiến lên/ Xưởng 1 thì chớ có quên/ Đường lối chính sách để lên hàng đầu”. Rất trúng chủ trương chính sách của Xưởng I rồi!

Xưởng trưởng Hoàng Tích Chỉ bảo tôi là 10 ngày phải viết xong kịch bản trình ông; xưởng phó Nguyễn Thị Lợi thì nới chút: “Cho cậu ấy ba tuần đi, sếp”. Ông Chỉ không đồng ý và nói phải khẩn trương, hồi ông viết kịch bản Em bé Hà Nội chỉ mất có…ba ngày. Nếu tôi viết xong sớm, hy vọng năm nay sẽ có phim.

Mất đúng hai tuần, tính cả tuần đi công tác tôi trình kịch bản lên hai lãnh đạo Xưởng. Tôi cũng bí mật đưa một bản đánh máy F2 cho “Mẹ Đốp” mong lĩnh thánh ý. Chị Hương đọc rất nhanh và bảo: “Còn mỏng nhưng cậu viết về nhà quê có duyên đấy, viết thoại cũng được. Sau này chán phim thì đi viết kịch để thêm đồng ra đồng vào”.

Đúng như Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ “phán”, năm 1984 kịch bản Người đi tìm đất của tôi được đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn dựng thành phim. Bối cảnh để quay phim là một làng ở ngoại vi Hải Phòng, trong phim có những diễn viên tên tuổi vào vai như Trịnh Thịnh, Tuấn Tú, Mạnh Sinh, Huyền Thanh…

Hôm họp báo ra mắt phim Người đi tìm đất, Nhà LLPB phim Trịnh Mai Diêm nói ngoài lề: “Hai thằng tây học (đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn cũng học ở Nga) mà làm phim về nông thôn Việt Nam, “chất” ra phết”.

Cái kịch bản tốt nghiệp Tuần trăng mật thì đến năm 1986 mới được in thành sách tại NXB Quân đội do nhà văn Nguyễn Quang Tính biên tập.

Tôi viết “con con hồi ức” này để dâng nhang kính tiễn NV, NBK Hoàng Tích Chỉ về MIỀN CỰC LẠC. Và, cũng là tấm ơn tạ những NGƯỜI HIẾU TÂM đã giúp tôi từ buổi mới bước vào nghề biên kịch điện ảnh.

4h sáng 21/3/2022 LNM

Bạn đang đọc bài viết "Chút hồi ức con con về một người rất lớn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn