Chuyện hai con đường bờ đạp

Trịnh Quang Cảnh

27/10/2021 15:04

Theo dõi trên

Người làng tôi gọi chúng là bờ đạp, cũng có nhiều người học nói tiếng phổ thông thì gọi là bờ đập, tuy nhiên khi nói về nó, chúng tôi vẫn gọi là "bờ đạp". Ngày nay, những người trẻ lớn lên có khi chẳng có mấy người biết hai con đường ấy gọi là bờ đạp nữa. Bởi có bờ đạp trở thành dĩ vãng, bờ đạp kia nghênh ngang vinh dự thành đường chính cổng làng.

chuyen-hai-con-duong-1635321456.jpg

Làng Thành Phú nằm ở bờ tây bắc, còn đồng làng nằm ở bờ đông nam dòng Mạn Định cũ. Sau này một phần dân làng chuyển sang bờ đông nam sinh sống nên đa phần người dân đi làm ruộng đều phải đi qua những cái hồ, được ngăn dòng từ con sông ấy. Để tiện đi lại, người ta đắp đường ngang "sông" để đi lại cho dễ. Đường số 1 ở giữa làng nên được đắp to hơn, đa phần dân cư trong làng đều đi qua đó. Còn bờ đạp số 2 không phải là trung tâm, người ta chỉ đắp tạm ngăn chia hồ nước, chỉ những người đi bộ mới hay tắt cho nhanh. Tuy nhiên, nếu để lựa chọn, đa phần đều chọn đường số 1 cho đẹp, cho nhanh.

Khi còn thơ bé, tôi cũng hay đi học qua bờ đạp số 1. Học mẫu giáo (ngày trước không gọi là mầm non), rồi sau này học tiểu học, tôi thường xuyên làm bạn cùng nó. Bạn bè í ới gọi hẹn nhau đi đường số 1. Tán mát hàng dừa, bờ tre bên đường che mát lối chúng tôi đi. Xe bò chở lúa vàng ùn ùn nô nức, xe ra đồng tránh xe chở nặng mùa màng đem về làng trong. Những ngày hè, chúng tôi cũng thích ra đường bờ đạp chơi đùa. Trò dính chuồn chuồn, chơi khăng, đá cù, chơi ô quan hay kể cả nhảy ngựa, cõng nhau đẩy ngã. Con đường bờ đạp cũng là nơi nhiều mẹ, nhiều chị thích ra đặt te kéo tép. Những buổi trưa không ngủ rủ nhau ra đường bờ đạp mò ốc, bắt cua...

Con đường bờ đạp số 2 cô đơn cỏ mọc um tùm. Mùa mưa đất lở, nước thông giữa các hồ, đất bùn nhão nhoét. Chúng tôi chỉ thích ra lùa nhau trốn tìm hoặc dính chuồn chuồn từ bẫy mủ mít. Câu cá rô, đòng đong rất thích, ghét nhất mấy con cá thia cờ làm loạn lưỡi câu. Những hôm đi vội vào nhà ngoại, tôi mới đành "nhắm mắt đưa chân" vào bờ đạp số 2, chẳng là nhà tôi ở bờ nam, mà ngoại tôi lại giữa làng bên bờ tây. Con đường bờ đạp này hợp nhất lúc chăn trâu bò. Cỏ nhiều, lại không lo lũ trâu bò ăn lúa, chúng tôi thì được tranh thủ dồn nhau chơi trò đá cỏ gà. Ấy vậy mà nhẩm lại cũng đã mấy chục năm.

Khi tôi đang học tiểu học, huyện lị chuyển về quê tôi. Một nửa làng phía bắc hình thành thị trấn, còn nửa phía nam vẫn nằm ở xã Định Tường. Bờ đạp số 1 đã về thị trấn, người dân trong làng ngại vòng ra đường số 1, vì đồng ruộng của làng nay chủ yếu lại ở phía nam. Đường số 2 được đắp rộng ra, dân làng chỉ còn đi đường này cho tiện. Con đường số 1 bỗng chốc mồ côi, thưa thớt người đi rồi dần vào quên lãng. Nước hai hồ làm lở hai bên bờ, dân thị trấn chẳng ai có nhu cầu đi qua đó nữa, vì có việc gì cứ phóng xe qua đường phố trải thảm nhựa "đi cho sướng". Bờ đạp số 1 gầy ốm dần, nay chỉ còn đủ để ngăn cách hai hồ của nhà thầu hồ nước mà thôi. Đến nay, người làng tôi không ai đặt chân vào con đường đó nữa.

Từ khi bờ đạp số 2 trở thành đường chính, ngoài được mở rộng, nó còn được trải thảm mặt đường, kè hai bờ bằng các tấm bê tông vững chắc. Phần dân bị cắt ra thị trấn ít có hoạt động chung với làng Thành Phú. Bờ đạp số 2 lại trở thành lối người làng "ra thị trấn". Họ xây cổng làng, trồng hoa, cây cảnh đặt hai bên. Bờ đạp số 2 trở thành nàng công chúa diễm lệ. Chẳng ai còn nhận ra cô ta từng xấu xí vô cùng.

Hai con đường, hai số phận khác nhau. Ai mà ngờ cuộc đời thay đổi hẳn. Con người chúng ta cũng vậy. Lúc này chúng ta đang còn gặp khó khăn, cũng đừng chán nản, biết đâu có một ngày, đời nhận ra mình có giá trị hẳn sẽ trân trọng nâng niu. Cũng đừng quá ảo tưởng khi sống trong hào quang, khi ta chẳng còn giá trị với đời, sẽ như bờ đạp số 1, trôi vào dĩ vãng mà thôi.

Theo Chuyện làng quê

 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện hai con đường bờ đạp" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn