Có ai về tắm ao quê

Trần Mạnh Trung

20/03/2022 10:21

Theo dõi trên

Ở nông thôn không phải nhà nào cũng có một cái ao riêng nên mới có một cái ao chung cho mọi nhà, người ta gọi nôm na là ao làng.

ao-que-1647746426.jpg

Cụm từ “ao làng” gắn liền với nhiều cụm từ có chữ “làng” như “giếng làng”, “đình làng”, “cổng làng”, “miếu làng”, “hội làng”, … mang những nét văn hóa, hồn quê của làng Việt. Cụm từ “ao làng” hay được so sánh với “biển lớn” khi người ta ngụ ý về tư duy của ai đó quá hạn hẹp, không biết “nhìn xa, trông rộng”. Thuở bé, khi lần đầu ra đến biển lớn tôi mới thầm thốt lên “Đúng là biển rộng hơn cái ao làng mình thật !!!.”

Đối với tôi, ao làng chỉ là nơi đã lắng sâu những kỷ niệm của thời “cởi truồng tắm ao”, đã trôi qua quá lâu rồi.

"Nhớ những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được. . .

Chưa đánh roi nào đã khóc!"

(Quê hương - Giang Nam)

Ngày nay, chỉ những người đi làm xa, sống xa quê, còn yêu làng quê, yêu ao làng mới thích nghe hay đọc câu ca dao đã xưa cũ:

“Ta về ta tắm ao ta,

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Những người đã quen tắm bồn tắm hiện đại gia đình, những bể bơi sang trọng, hay tắm biển mới thường nói rằng “Tắm ao làng làm gì! Nước bẩn lắm! Không chỉ ghẻ lở khắp người mà con đau mắt nữa!”. Mặc cho những người - yêu - ao - làng vẫn cố gắng giải thích một cách tuyệt vọng bằng ca dao rằng:

“Toét mắt là tại hướng đình.

Cả làng toét mắt chứ mình ta đâu!”

Ao làng, thực ra, cũng là nguyên nhân gây chứng toét mắt do bệnh mắt hột của cả làng vì cả làng tắm rửa chung một cái ao. Trong tiểu thuyết “Bước đường cùng” của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan, hẳn ai đọc cũng biết là cả làng nhà anh Pha chết rất nhiều người khi dịch tả hoành hành vì lấy nước ăn, rửa rau, rửa mặt, giặt quần áo của bệnh nhân dịch tả đều chung cái ao làng đó.

Mùa hè, thỉnh thoảng cũng có những trường hợp đuối nước thương tâm của trẻ con tắm ao hoặc ra cầu ao chơi, sơ sẩy chân, thiếu sự để mắt trông chừng của cha mẹ, người thân. Rồi còn những “tai nạn … thầm kín” từ ao làng nữa chứ! Bạn cùng làng tôi, có mấy đứa trai có, gái có đã từng bị đỉa ao chui vào chỗ … khó nói ấy, khiến cho người thân hốt hoảng tìm nhiều cách mãi mới lôi được con đỉa “mất dạy” đó ra mới “thoát nạn”. Chỉ thấy ghi nhận những trường hợp trẻ con bị đỉa chui … thôi! Người lớn, chắc là “tự xử”, chả thấy ai “khoe” cả.

Nói vậy thôi, nhưng ao làng cũng là nơi tụ tập của dân làng nên cũng trở thành “trung tâm thông tấn xã truyền ... miệng” vừa chính thống – tin từ báo đài, chính quyền, vừa không chính thống – tin đồn từ mọi người trong làng rỉ tai nhau. Do đó, chuyện tốt hay xấu, tin lành hay tin dữ sớm muộn cả làng đều biết hết. Anh bộ đội trong bài thơ “Núi đôi” (Vũ Cao) nhận được “tin sét đánh” rằng “giặc giết em rồi, dưới gốc thông” khi vừa về đến “đầu ao” đó thôi! Thông tin từ “ao làng” nhanh thật!

Cái ao làng tôi ngày xưa khá rộng. Tôi nhớ bản thân đã từng đo chu vi ao làng, mỗi chiều cũng bằng mấy chục bước chân trẻ con. Ngày trước, các cụ phụ lão trồng nhiều loại cây ăn quả ở bốn bờ ao, làm nhiều cầu ao ở xung quanh ao, thả cá, thả bèo tây ở giữa ao để làm trong sạch nước. Cầu ao thường được làm bằng cây tre trồng trong làng. Người ta đóng hai cọc tre xuống ao, đặt ngang một đoạn tre, dài chừng bốn hay năm gang tay người lớn, dùng dây thép buộc chặt vào cọc, sau đó đặt dọc bốn hay năm đoạn tre khác, buộc cố định vào thanh ngang, thành một nhịp cầu. Mỗi cầu ao thường có hai hoặc ba nhịp, soi bóng xuống ao.

Trên mặt nước ao, có rất nhiều con gọng vó đi đi, lại lại trên mặt nước, nhanh thoăn thoắt như những nghệ sĩ trượt băng nghệ thuật tôi từng xem trên phim Liên Xô chiếu ở bãi đất đầu làng thời đó. Thỉnh thoảng có những con chuồn chuồn kim đẻ trứng lên mặt nước ao, bọn trẻ chúng tôi gọi là “chuồn chuồn nắc nước”. Khi ấy, thấy ai làm gì đó nhanh và liên tục, chúng tôi cũng ví von như vậy nhưng không để ý đến khái niệm “nắc nước” là gì (Sau này tôi mới biết là đẻ trứng nha! Còn "nắc" là gì chỉ có người thôn quê mới hiểu !!).

Làng tôi xa sông, nên chiều cả làng kéo nhau ra ao làng “sinh hoạt cộng đồng”. Chỗ này, mấy mẹ, mấy chị giặt đồ, bọt xà phòng trắng xóa trôi lềnh bềnh tan nhanh. Chỗ kia, bọn con trai, con gái từ nhỏ đến lớn đang huyên náo tắm mát, nước bắn tung tóe. Cái cầu ao xa xa kia là chỗ mấy anh chị gánh nước về đánh phèn để nấu ăn vì giếng nhà đào bị nổi váng đỏ quạch, không dùng được. Một cầu ao khác lại có ai đó đang rửa rau hay làm thịt gà hay cá khiến bầy cá lòng tong nổi lên đớp mồi tíu tít mặt nước. Có một cái cầu ao xa tít, được mấy hàng cây che chắn khá kín đáo, là nơi các cô gái làng đang tắm nhưng … mặc nguyên quần áo. Chỉ khi các chị, các cô bước lên bờ người ta mới thấy hiện ra những đường nét thanh xuân của cơ thể do quần áo ướt dán chặt lên người. Nhiều anh thanh niên làng không nhìn thì … tiếc nhưng ngắm kỹ thị bị chửi … “đồ … máu gái!” hay “đồ dê cụ!” (Oan cho con dê quá, làm gì liên quan đâu nhỉ!).

Tình yêu nam nữ làng quê cũng có “bối cảnh” ở ao làng. Nhà thơ Nguyễn Bao đã mô tả chuyện tình yêu làng quê khá thơ mộng, hai người yêu nhau, gặp nhau bên bờ ao, soi bóng hai người xuống nước:

“Rửa chân hai buổi cầu ao

Em vội cúi đầu khoả sóng:

Đôi bóng người rung, khóm bèo chao động

Ánh mắt thẹn thùng lặn xuống đáy sâu!”

(Nguyễn Bao – Hoa chanh)

Làng tôi từ khi lên phố, nhà tầng dần dần mọc lên san sát nhau. Cái ao làng vẫn còn nhưng những nhà bên cạnh ao người ta “hồn nhiên” cho nước sinh hoạt chảy ra ao, vứt xác súc vật chết xuống ao nên không ai dám tắm ao làng nữa. Bây giờ, người ta dùng nước máy và tắm trong nhà rồi. Không còn nghe thấy bọn trẻ con rủ nhau đi tắm tiên ở ao nữa! Ao làng tôi bây giờ chỉ còn cái tên thôi! Không biết bao giờ cái tên đó cũng mất luôn!?

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Có ai về tắm ao quê" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn