Cuộc trao đổi tư liệu Việt - Mỹ xung quanh vụ tập kích ở Sơn Tây (Kỳ 1)

Từ tháng 11 năm 2001 đến tháng 7 năm 2002, tác giả cuốn sách “Phi công Mỹ ở Việt Nam" đã có cuộc trao đổi tư liệu với Giáo sư Benjamin F. Schemmer, Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nổi tiếng của Mỹ. Ông từng phục vụ tại Viện Hàn lâm quân sự Mỹ, Cố vấn Bộ Quốc phòng, Chủ bút Tạp chí Các lực lượng vũ trang, Tổng biên tập Tạp chí Chiến lược… Ông cũng là khách mời bình luận thường xuyên của các hãng truyền hình nổi tiếng như: ABC, CNN, NBC, BBC và CBC.
chuy-trai-tim1-1637899415.jpg
Cuốn sách “The Raid” (tức "Vụ tập kích Sơn Tây", từng được Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành dưới hình thức "tài liệu tham khảo nội bộ” sau năm 1975) do Benjamin F. Schemmer gửi tặng Đặng Vương Hưng năm 2002, khổ sách 10,5cm x 17,5cm, chỉ trong lòng bàn tay..Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đặc biệt, Benjamin F. Schemmer là tác giả của cuốn sách “The Raid” (tức "Vụ tập kích Sơn Tây", từng được Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành dưới hình thức "tài liệu tham khảo nội bộ”) và nhiều tác phẩm khác viết về chiến tranh Việt Nam...

Nhận thấy đây là một cuộc trao đổi khá thú vị, trên tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử, chúng tôi xin được kể lại và cho công bố một số bức thư riêng về cuộc trao đổi tư liệu hi hữu nói trên cùng bạn đọc.

Chuyện bắt đầu từ một lá thư và một tờ séc “đặt cọc” mua tư liệu, trị giá 100 đô-la

Một ngày đầu tháng 11 năm 2001, bộ phận Bạn đọc của Báo An ninh thế giới chuyển đến cho tôi một lá thư lạ được gửi từ Mỹ (có đóng dấu tròn của bưu điện Naples và hình chim đại bàng). Người gửi và địa chỉ: Benjamin F. Schemmer, 2405 Crayton Road, Naples, FL 34103-4705.

chuy-tr-t2-1637899808.jpg
Tờ séc cá nhân 100 đôla, do chính tay Benjamin F. Schemmer viết ngày 9 tháng 10 năm 2001, bằng mực đen, nét bút run run... Chỉ có mấy chữ AN NINH THE GIOI REVIEW và dòng mệnh giá ONE HUNDRED là được viết kiểu chữ in hoa, nhìn rõ, còn lại được viết tháu rất khó đọc. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thư được viết bằng tiếng Anh. Bản dịch như sau:

Thưa các ngài,

Ông David Monk, cố vấn về những vấn đề xã hội của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội có gợi ý tôi liên hệ với các ngài.

Tôi được biết khoảng giữa năm 1999 (thực ra là cuối năm 1998 - Tác giả), các ngài có cho in một loạt bài báo về cuộc tập kích của quân Mỹ vào trại tù binh Sơn Tây, cách Hà Nội 21 dặm về phía Tây.

Tôi là tác giả của cuốn sách “Harper and Row” và đặc biệt là cuốn "The Raid", viết về cuộc đột kích Sơn Tây. Tôi đang có kế hoạch tái bản cuốn sách này, với mong muốn nó sẽ được bổ sung đầy đủ hơn. Vì thế, tôi rất muốn có được bản copy loạt bài báo nói trên và bản dịch bằng tiếng Anh.

Tôi sẽ trả tiền tư liệu cho loạt bài báo đó và cả tiền dịch ra tiếng Anh. Xin hãy cho biết cụ thể số tiền là bao nhiêu, tôi sẽ gửi cho các ngài ngay lập tức. Trong khi chờ đợi, mong các ngài vui lòng chấp nhận 100 USD như là khoản “đặt cọc” của tôi.

Các ngài có thể liên hệ với tôi bằng E-mail, hoặc thư thường theo địa chỉ bưu điện ở phía dưới. Xin cảm ơn!"

Đã ký: Benjamin F. Schemmer.

Gửi kèm trong thư là một tờ... séc cá nhân, mệnh giá 100 đô-la! Tờ séc do chính tay ông Benjamin F. Schemmer viết ngày 9 tháng 10 năm 2001, bằng mực đen, nét bút run run... Chỉ có mấy chữ AN NINH THE GIOI REVIEW và dòng mệnh giá ONE HUNDRED là được viết kiểu chữ in hoa, nhìn rõ, còn lại được viết tháu rất khó đọc.

Đọc lá thư nói trên xong, Nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập nói:

- Cái ông Ben này (tức Giáo sư Benjamin F. Schemmer) rắc rối quá. Bài báo đã in công khai, có gì bí mật nữa đâu! Nếu ông ấy cần, thì cứ trao đổi tư liệu. Đây cũng là một dịp tốt để góp phần mở rộng thông tin cho dân Mỹ hiểu đúng về chiến tranh Việt Nam...

Hồi âm bằng thư được gửi qua mạng internet

Mấy ngày sau, tôi đã quyết định gửi cho Giáo sư Ben một lá thư qua đường E-mail, nội dung như sau:

Kính gửi ngài Benjamin F. Schemmer

Thưa ngài, trước hết, tôi xin cảm ơn ngài vì đã quan tâm đến loạt bài viết của tôi mang tựa đề “Sự thật về vụ tập kích cứu Phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970” đã được đăng tải nhiều kỳ trên tờ An ninh thế giới hồi cuối 1998.

Bài viết nói trên khá dài (đã được in vào tập sách “Chạy trốn và mất tích”, phần viết về Sơn Tây tới hơn 100 trang); nhưng tôi rất vui lòng chuyển qua đường E-mail toàn bộ phần tư liệu mà ngài quan tâm. Ví dụ:

- Chuyện về hai nhà tình báo Việt Nam đã biết trước thông tin về vụ tập kích Sơn Tây?

- Trong đêm đổ bộ xuống trại tù binh Sơn Tây, lính biệt kích Mỹ đã thảm sát dã man những thường dân ở đây như thế nào?

- Những nạn nhân người Việt Nam ở Sơn Tây sau hơn 30 năm bây giờ họ sống ra sao?

- Đặc biệt, tôi có thể chuyển cho ngài 15 tấm ảnh tư liệu rất quý, có liên quan đến cuộc tập kích Sơn Tây, do phía Việt Nam chụp được và một số cá nhân đã lưu giữ chúng trong suốt 30 năm qua.

Xin cảm ơn ngài đã lưu ý đến khoản thù lao. Chỉ xin ngài vui lòng gửi trả cho chúng tôi 1.000 USD tiền tư liệu và những bức ảnh quý hiếm có liên quan đến cuộc đột kích.

Được biết, ngài không chỉ là một Giáo sư sử học, mà còn là một Nhà văn, Nhà báo, Nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Mỹ. Nếu có thể, xin ngài gửi cho chúng tôi một bức chân dung mới nhất của mình, kèm theo đoạn viết ngắn tiểu sử. Tôi muốn được giới thiệu ngài với bạn đọc Việt Nam.

Nhận được thư này, xin ngài vui lòng cho biết ý kiến của mình. Ngài có thể viết thư theo địa chỉ E-mail của tôi: dangvuonghung@gmail.com.

Rất cảm ơn ngài,

Đặng Vương Hưng

Tái bút: Vốn tiếng Anh của chúng tôi có hạn, nên diễn đạt chưa hết. Mong ngài lượng thứ và cố hiểu về những điều tôi muốn nói.

chuy-tr-tim3-1637900030.jpg
Bút tích của Giáo sư Benjamin F. Schemmer gửi Đặng Vương Hưng, cuối năm 2002. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Lá thư trên, tôi đã nhờ cô con gái nhỏ của tôi dịch ra tiếng Anh. Khi đến đoạn... “Chỉ xin ngài vui lòng gửi cho chúng tôi 1.000 USD tiền tư liệu và ảnh”, con gái tôi bảo:

- Bố ơi, người Mỹ giàu lắm! Nghe nói, có cuốn sách xuất bản ở bên đó họ trả nhuận bút tới hàng triệu đô la... Với một Giáo sư Mỹ, thì vài ngàn đôla chẳng là gì đâu. Bố cho phép con “nâng giá” từ 1.000 USD lên thành 1.500 USD nhé? Nếu ông ấy gửi tiền, thì bố thưởng 500 USD cho cả nhà may quần áo, đi nghỉ hè nữa...

Tôi cười và nói với con gái mình:

- Bố đồng ý. Nhưng con nên biết rằng người Mỹ rất thực dụng và nhiều người Mỹ cũng “ki bo” lắm đấy!

“Liệu ngài có thể… giúp tôi không”?

Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 7 tháng 11 năm 2001, tôi đã nhận được thư hồi âm của Giáo sư Benjamin F. Schemmer được gửi qua đường E-mail:

“Chào người đồng nghiệp đáng kính!

Xin cảm ơn về sự cộng tác nhiệt tình của ngài, khi trả lời đề nghị của tôi về những bài báo liên quan đến vụ tập kích Sơn Tây năm 1970. Tôi thực sự vui mừng và cảm thấy bị cuốn hút bởi những đề nghị của ngài là cung cấp bản copy bài báo và cả cuốn sách có in những tư liệu về cuộc tập kích Sơn Tây. Đặc biệt là 15 tấm ảnh tư liệu quý mà ngài đã giới thiệu. Tiếng Anh của ngài thực sự là tuyệt vời; hơn hẳn khả năng có giới hạn của tôi về tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga...

Trong khi chờ đợi sự phản hồi từ phía Nhà xuất bản của tôi để biết liệu họ có đồng ý trả khoản tiền 1.500 USD cho những tài liệu trên; xin ngài làm ơn nói rõ một số vấn đề tôi đang còn thắc mắc. Cụ thể như sau:

1. Những tài liệu ngài sẽ gửi cho tôi là bằng tiếng Anh chứ? (Tôi e rằng máy tính của tôi sẽ không thể in được những văn bản bằng tiếng Việt).

2. Liệu ngài có thể chuyển được những tài liệu dài như vậy qua đường E-mail? Tôi đang sử dụng phần mềm Microsoft Word, và phần mềm này giới hạn khả năng tải xuống của nó trong phạm vi những văn bản chỉ dưới 1.000 từ. Vậy liệu ngài có thể cho gửi những tài liệu trên bằng cách chia nhỏ chúng ra thành những file văn bản khoảng độ 1.000 từ?

3. Liệu chuyển bằng cách trên có dễ hơn bằng đường thư hàng không?

4. Liệu ngài có thể chuyển qua E-mail cho tôi một trang mẫu của tờ An ninh thế giới và 2 chiếc ảnh trong số những tài liệu mà ngài đã đề cập tới? (Chúng tôi cần mẫu ảnh để có thể biết rõ chất lượng in thử của chúng ở đây. Tôi xin đảm bảo với ngài rằng: Chúng tôi sẽ không công bố bất cứ tài liệu nào, dưới bất kỳ hình thức nào, trừ phi có được sự đồng ý về bản quyền của tác giả).

5. Liệu bài báo của ngài (hoặc cuốn sách in lại bài báo đó) có đề cập tới chi tiết một lực lượng biệt kích Mỹ đã đổ bộ xuống một khu nhà, cách trại tù binh Sơn Tây 400 mét về phía Nam? Mà tại đó, một bộ phận lực lượng biệt kích giải cứu tù binh của Mỹ đã nhầm lẫn và thất bại trong khi hạ cánh.

6. Về khoản tiền 1.500 USD ngài đã đề cập tới, liệu đó có phải là sự cho phép sử dụng những tài liệu ấy chỉ trên đất Mỹ? Hay trên phạm vi toàn thế giới? Và chúng tôi có được phép yêu cầu một sự bảo hộ về bản quyền của Mỹ về những tài liệu nêu trên?

Tôi có sự lo ngại, khi cung cấp cho bạn đọc của mình những quan điểm của phía Việt Nam, về cuộc tập kích Sơn Tây trong lần tái bản cuốn sách, nhưng tôi lại bị cuốn hút bởi những thông tin mà ngài đã đề cập.

Tôi bảo đảm rằng sẽ gửi lời phúc đáp ngài sớm nhất, có thể ngay sau khi nhận được những thông tin chi tiết, để làm rõ hơn những vấn đề từ phía ngài.

Tôi thực sự xúc động khi ngài đề nghị được cung cấp ảnh và tiểu sử của tôi. Tôi đã gửi cho ngài ngay ngày hôm nay bằng đường thư máy bay và rất vui mừng nếu được ngài giới thiệu với độc giả Việt Nam.

Tôi có một yêu cầu nhỏ: Liệu ngài có thể gửi cho tôi (qua thư máy bay hoặc E-mail) những bản sao của bất kỳ bài báo nào đã viết về cuốn sách của tôi mà ngài biết. Nếu ngài có quan tâm tới việc mua bản quyền một phần, hoặc toàn bộ cuốn The Raid; chỉ phát hành trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc phát hành trên toàn khu vực Đông Nam Á, thì xin hãy thông báo cho tôi biết sớm.

Tôi rất mong hồi âm của ngài.

Kính thư. Benjamin F. Schemmer.

Hai ngày sau, tôi đã viết cho Giáo sư Benjamin F. Schemmer bức thư trả lời:

“Trước hết, xin cảm ơn ngài đã hồi âm rất nhanh cùng những lời quá khen đã dành cho tôi. Nhân đây tôi cũng được xin được làm rõ hơn những điều ngài còn thắc mắc:

1. Tài liệu mà tôi sẽ gửi cho ngài được dịch ra tiếng Anh.

2. Bài viết của tôi khá dài (khoảng trên 30.000 từ), nhưng tôi sẽ cố gắng rút gọn còn vài ngàn từ và chỉ lược trích phần tư liệu mà theo tôi cho là ngài sẽ quan tâm.

3. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngài về kỹ thuật thu nhận, khi gửi số tài liệu trên qua E-mail, tôi sẽ chia nhỏ chúng ra thành từng phần (dưới 1.000 từ mỗi file, như yêu cầu của ngài).

4. Những bức ảnh tôi dự kiến chuyển cho ngài đều là ảnh đen trắng, chất lượng ảnh không được tốt lắm, nhưng rất có giá trị về mặt lịch sử (tôi sẽ cố gắng thử chuyển cho ngài một, hai bức ảnh và một trang báo trong thời gian sớm nhất qua đường E-mail).

5. Nếu qua đường E-mail không gửi được ảnh, tôi sẽ chuyển qua đường hàng không.

6. Một lực lượng biệt kích Mỹ đã đổ bộ xuống một khu nhà cách trại tù binh Sơn Tây 400 mét về phía Nam... cũng là một chi tiết nhỏ trong bài viết của tôi.

7. Tôi cho rằng bài viết mà tôi sẽ chuyển cho ngài (kể cả ảnh) không phải là tác phẩm mà chỉ là tài liệu tham khảo. Và hơn thế nữa, đó là một phần của sự thật lịch sử.

Nghĩa là, tôi không chỉ bán mà quan trọng hơn là muốn góp phần giúp những người đọc ở Mỹ hiểu đúng những gì đã diễn ra tại Sơn Tây hơn 30 năm trước. Và vì vậy, khi nhận được những tài liệu đó, ngài hãy sử dụng chúng sao cho có hiệu quả và ý nghĩa nhất!

8. Nếu có hân hạnh được viết bài giới thiệu ngài với bạn đọc Việt Nam, nhất định tôi sẽ gửi cho ngài bài báo đó.

9. Tôi cũng rất hân hạnh nếu được giới thiệu cuốn The Raid mà ngài sắp tái bản với một số nhà xuất bản ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng xin được nói với ngài rằng việc phát hành sách nói chung của chúng tôi hiện nay đang còn gặp khó khăn, vì số lượng in rất hạn chế.

Nhưng hy vọng là ngài sẽ có một sự hợp tác xuất bản tốt đẹp ở Việt Nam.

Kính chúc ngài sức khỏe và luôn thành công.

Đặng Vương Hưng.

“Nếu có hứng thú, thì ngài có thể mua bản quyền cuốn sách nói trên”?

Ngay sau khi cho gửi bức thư trên qua mạng internet, tôi đã tiến hành việc dịch ra tiếng Anh 2 trang sách, đồng thời cho scan 3 trong số 15 bức ảnh tư liệu về vụ đột kích Sơn Tây và thử gửi chúng theo đường E-mail cho Giáo sư Benjamin F. Schemmer.

Chỉ một ngày sau, tôi đã nhận được thư hồi âm, nội dung như sau:

“Ngài Đặng Vương Hưng kính mến,

Chúng tôi đã nhận được 2 lá thư với khoảng 650 chữ nói về Sơn Tây của ngài gửi. Chúng tôi đánh giá cao sự cộng tác nhiệt tình của ngài. Nhưng hiện tôi đang còn hội ý với Nhà xuất bản về việc có mua bản quyền những bài viết có kèm theo ảnh minh hoạ của ngài hay không? Tuy nhiên, tôi vẫn có một đề nghị là xin ngài cung cấp cho chúng tôi ngày phát hành loạt bài báo viết về Vụ tập kích Sơn Tây của ngài, cũng như ngày đăng ký bản quyền của những ấn phẩm đó. Xin được nói thêm rằng: Nếu thỏa thuận giữa hai bên ngã ngũ, khi sử dụng những bài báo của ngài, chúng tôi sẽ phải biên tập lại theo yêu cầu của Nhà xuất bản...

Riêng về 3 bức ảnh ngài nói đã gửi theo file kèm theo, chúng tôi đã cố hết khả năng, nhưng vẫn không thể nào lấy chúng ra được. Xin cho biết ngài đã sử dụng chương trình phần mềm nào để mã hóa cũng như chuyển tải những bức ảnh nói trên?

Trân trọng,

Benjamin F. Schemmer.”

Khi tôi nói về những “trục trặc” 3 bức ảnh nói trên, theo lời phàn nàn của Giáo sư Benjamin F. Schemmer, thì những nhân viên kỹ thuật của báo An ninh thế giới hết sức ngạc nhiên. Họ đều bảo: Người Mỹ giỏi vi tính lắm cơ mà. Sao chỉ có mỗi việc nhỏ thế mà họ cũng không làm được nhỉ? Tôi giải thích: Ông Benjamin F. Schemmer là Giáo sư sử học, là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự... chứ đâu phải chuyên gia kỹ thuật vi tính!

Một nữ nhân viên của chúng tôi đã phải kiên trì viết 2 lá thư bằng tiếng Anh, hướng dẫn tỉ mỉ cho vị Giáo sư Mỹ, và gửi đi gửi lại mấy lần những bức ảnh đẹp nhất... ông ấy mới mở được file kèm ảnh như ý muốn.

Đó là ngày 14 tháng 12 năm 2001. Giáo sư Benjamin F. Schemmer đã lập tức viết thư cảm ơn:

"Thưa ngài Đặng Vương Hưng!

Cảm ơn ngài rất nhiều vì đã gửi cho tôi những bức ảnh về vụ tập kích Sơn Tây. Tôi rất vui vì đã có thể tải chúng xuống từ mạng Internet và in những bức ảnh đó ra...

Những lời chú thích gửi kèm của ngài cũng đã giúp được tôi rất nhiều.

Nhà xuất bản của chúng tôi đang tích cực xem xét để có thể sử dụng từ 2 đến 3 trong số những bức ảnh ngài đã gửi, cũng như khoản tiền thù lao sẽ dành cho ngài.

Tôi hy vọng có thể sẽ trả lời ngài trong thời gian sớm nhất vào tuần tới.

Một lần nữa xin cảm ơn sự nhiệt tình của ngài.

Benjamin F. Schemmer."

Số chữ của những tài liệu còn lại cần phải gửi lớn gấp 10 lần số chữ đã gửi đi... Để công việc dịch sang tiếng Anh tiến hành được nhanh chóng, tôi đã quyết định mang tài liệu ra một Trung tâm dịch vụ có uy tín của Hà Nội ở đường Hai Bà Trưng, thuê họ với giá 800.000 đồng, với yêu cầu trong 3 ngày phải xong. Nhưng kết quả là họ đã phải làm trong 7 ngày, vì người nhân viên giỏi nhất bị ốm.

Khi trao chiếc đĩa đã copy kết quả dịch cho tôi, ông chủ của Trung tâm dịch thuật ấy hồ hởi nói: “Tôi từng được đọc bài anh viết in trên báo từ mấy năm trước... Hấp dẫn và xúc động lắm! Nói thật là tôi làm bài này không chỉ vì tiền, nên đã dồn hết tâm huyết của mình để hiệu đính lại chữ nghĩa văn phong cho hay nhất. Phải cho cái ông Giáo sư Mỹ này... tâm phục, khẩu phục chúng ta!”

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Độc giả có nhu cầu có thể đến địa chỉ café Lục Bát 6/40 Võ Thị Sáu, TP. Hà Nội; hoặc trực tiếp qua điện thoại (có Zalo): 0913210520 của nhà văn Đặng Vương Hưng, "Phi công Mỹ ở Việt Nam" (có phiên bản tiếng Anh) giá lẻ 200.000đ/c (cả cước phí), có lưu bút của tác giả, sẽ được gửi đến tận nhà theo đường bưu điện.

Theo Trái tim người lính