Đền Thượng Lào Cai – Hào khí Đông A nơi cửa ngõ biên giới

Đền Thượng Lào Cai được tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu (đỉnh Mai Lĩnh), phía sau là núi Mai Lĩnh, phía trước là sông Nậm Thi hiền hòa trong xanh, gắn liền với những dấu ấn lịch sử liên quan đến hoạt động của Trần Hưng Đạo ở mảnh đất biên giới Lào Cai trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thế kỷ XIII của nhà Trần.
2-den-thuong-1675316924.jpg
Đền Thượng Lào Cai  

Từ Thánh Trần Từ đến di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia

Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) có tên Thánh Trần Từ, trước thuộc phố Bảo Thắng, châu Thủy Hoa, tỉnh Hưng Hóa, nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Vào năm 1794, giặc Thanh sang cướp nước ta. Tại vùng đất Lão Nhai, ông Hoàng làng (tức ông Sét) đã chiêu mộ bính lính đánh đuổi giặc, đồng thời lập đình thờ vọng Đức Thánh Trần, cầu mong vong linh Ngài giúp sức. Đình thờ được xây dựng đơn sơ ngay chân đồi Hỏa Hiệu. Năm 1836, dân làng Lão Nhai đã góp công, góp của tôn tạo ngôi đình. Đến năm 1917 (năm Khải Định thứ 2), các bô lão và dân chúng lại tôn tạo ngôi đình mở rộng quy mô để tỏ lòng ngưỡng vọng các bậc thánh hiền, cũng tỏ rõ ý chí noi theo các bậc tiền nhân mà giữ gìn bờ cõi. Năm Giáp tý (1923), các vị tiên chỉ chức sắc, lão nhiêu, anh em các cấp trên dưới và nhân dân ở thôn Tân Bảo, xã Lao Kay, châu Bảo Thắng cùng hội họp đồng tâm chung sức tu tạo đình Thượng. Sau khi tu tạo đình uy nghi, bề thế, Tiên chỉ Hoàng Đình Ninh đã tổ chức một đoàn người về Kiếp Bạc xin âm phúc, bát nhang Đức Thánh Trần rước lên đặt tại đình Thượng để thờ phụng. Từ đó, đình Thượng chuyển thành đền Thượng. Năm 1996, di tích  đền Thượng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Đền Thượng sừng sững nơi miền biên viễn là tượng đài chiến thắng, là cột mốc vĩnh hằng của lòng yêu nước, ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Âm hưởng Hào khí Đông A nhà Trần vẫn vang vọng trong núi, trong sông, trong lòng người Lào Cai.

1-le-hoi-den-thuong-1675316985.jpg

Lễ hội Đền Thượng (ảnh: Mạnh Cường)

                   Từ hội làng Lão Nhai đến di sản văn hóa phi vật thể  quốc gia

          Từ đầu thế kỉ XIX, để tưởng nhớ ân đức của Đức Thánh Trần, cứ đến mùa xuân, người dân Lão Nhai lại tổ chức lễ hội làng Lão Nhai. Sau nhiều năm gián đoạn do chiến tranh. Mùa xuân năm 1999, lễ hội đền Thượng quy mô cấp tỉnh được tổ chức nhằm khôi phục lại lễ hội của làng Lão Nhai xưa. Kể từ đó đến nay, lễ hội Đền Thượng được tổ chức thường niên, Rằm tháng Giêng là ngày chính hội.

Vào sáng ngày 15 tháng Giêng, nghi lễ rước kiệu Đức Thánh Trần và các loại kiệu thánh khác được tổ chức từ Ủy ban nhân dân thành phố về sân lễ hội. Tại sân lễ hội, du khách thập phương và nhân dân được chứng kiến màn trình diễn tái hiện lại quá trình đưa quân lên trấn ải biên cương, bảo vệ bờ cõi của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo và các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Sau đó, đoàn rước kiệu và các lễ vật sẽ tiếp tục rước lên trên sân đền. Tại đây, chủ tế tiến hành dâng hương, đọc chúc văn khái thuật lại công lao của Đức Thánh Trần và dâng vật phẩm của đội tế.

Khu vực dưới chân đền Thượng, ven sông Nậm Thi đều ầm vang tiếng trống, tiếng chiêng và các trò chơi ngày hội. Trung tâm của khu vực vui chơi là cây nêu có hình nhật nguyệt, nơi hội tụ trai gái ném còn. Ở góc sân gần chân đền Thượng là cây đu dây (đu tiên) đưa các chàng trai cô gái bay bổng lên cao. Trẻ em, người già cùng vui vẻ bên cây đu quay (bập bênh). Lễ hội đền Thượng còn chọn lọc một số trò chơi đặc sắc của các dân tộc như đánh quay, đẩy gậy của dân tộc Hmông; ném còn của dân tộc Tày, Thái, Giáy; kéo co ở làng Trung Đô – Bắc Hà và làng Làn – Văn Bàn để tổ chức. Vào ngày hội, các cô gái Nùng Dín ở Mường Khương đều xúng xính trong bộ váy áo nhuộm chàm vừa ngồi đu bay cao vừa khoe bộ trang sức bằng bạc có nhiều biểu tượng đặc sắc của tộc người mình. Các chàng trai Hmông ở Bản Phố (Bắc Hà) thi nhau biểu diễn những kiểu đánh quay hấp dẫn chỉ có ở vùng cao, vui nhất, thu hút được nhiều người tham gia nhất chính là các đội kéo co của người Tày, người Giáy. Đó là đội hình kéo co giữa người già với người trẻ, giữa người nữ với người nam, giữa trai tráng ở đầu suối và cuối suối. Trong không khí náo nhiệt nhưng linh thiêng ấy, các đội kéo co của người già, phụ nữ, người đầu nguồn suối đều phải thắng để năm đó được mùa. Niềm tin của người dân, chất thiêng của nghi lễ đã thổi hồn vào chiến thắng của đội kéo co. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và mỗi xã, mỗi phường  của thành phố đều mang về lễ hội những sản vật, đặc sản tinh túy nhất của địa phương mình, góp phần tạo nên một không gian văn hóa đậm hương và sắc của vùng cao, biên giới.

3-tam-quan-den-thuong-1675317061.jpg

Tam quan Đền Thượng

Có thể nói, lễ hội Đền Thượng đã trở thành tâm điểm hội tụ sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc Lào Cai. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Thượng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016.

Đầu xuân, du khách hành hương về đền Thượng, hòa mình vào lễ hội lớn của thành phố biên giới để mang theo về âm hưởng, hào khí Đông A cho một năm mới tràn đầy hy vọng, khởi sắc.