Dẻo thơm hương vị bánh đa Tống Buồng

Bằng những bí quyết riêng, người dân tại khu Tống Buồng, phường Thái Thịnh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã khéo léo làm nên những sợi bánh đa trắng trong, dẻo thơm, có độ dai, giòn tự nhiên, góp phần làm giàu cho quê hương.

Đến Tống Buồng vào bất kỳ thời gian nào trong năm, dọc đường làng đâu đâu cũng có người phơi bánh đa, xe máy chở chạy rầm rầm quanh làng, hương thơm của bột gạo phảng phất khắp nơi. Thương hiệu bánh đa Tống Buồng từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng khắp cả nước bởi bí kíp riêng giữ được sợi bánh đa luôn giòn dai, thơm ngon.

Làng nghề bánh đa Tống Buồng đã có mặt từ trước những năm 1960 và phát triển tới hiện nay. Từ một làng nghề sản xuất dựa vào những phương pháp thủ công truyền thống, làng nghề bánh đa Tống Buồng đã có những thay đổi. Giờ đây, với sự phát triển và nhu nhập của công nghệ tiên tiến, người dân đã không cần phải ngồi cần mẫn tráng từng phên bánh đa mà máy móc đã thay thế những công đoạn này.

picture1-1721405288.jpg

Những người thợ lành nghề đã tạo nên những sợi bánh đa nổi tiếng bởi sự trắng trong, dẻo dai, hương vị mộc mạc mà rất đậm đà

Là một người con của Tống Buồng, bà Trần Thị Mau là một trong những người đưa hệ thống máy tráng bánh vào sản xuất bánh đa tại làng. Hiện xưởng sản xuất do bà Trần Thị Mau là một trong ba hộ có quy mô sản xuất lớn nhất trong làng. 

“Từ ngày có công nghệ mới, năng suất làm bánh đa tăng đáng kể. Nếu như sản xuất bánh thủ công, mỗi ngày chỉ làm được 500 kg bánh đa thì nay làm được tới 3,8 tấn/ngày.

Hiện xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 10 người với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, 20 hộ trong thôn còn nhận bánh đa nhà về thái thuê cũng cho thu nhập từ 200.000 - 280.000 đồng/người/ngày”, bà Mau chia sẻ.

picture2-1721405308.jpg

Toàn bộ dây chuyền làm bánh đa được chạy bằng hệ thống lò đốt hơi

Cũng theo bà Mau, để làm được một mẻ bánh đa, người làm nghề phải chọn hạt gạo Q5 tròn, mẩy, được trồng từ chính mảnh đất Kinh Môn và không lẫn với bất cứ loại gạo nào.

“Gạo phải được ngâm trong 2 đến 3 tiếng để cho chất gạo trở nên mềm mại và đảm bảo sạch sẽ rồi mới được xay thành bột mịn. Sau đó, phần bột gạo mịn sẽ được đưa qua máy tráng rồi theo dây chuyền lên buồng sấy. Thay vì phơi khô như cách làm thủ công cũ, ngày nay làng nghề đã có những dây chuyền tiên tiến hỗ trợ sản xuất như buồng sấy bánh đa”, bà Mau cho biết thêm.

picture3-1721405329.jpg

Bánh đa Tống Buồng trở thành sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc trưng của người dân Hải Dương

Từng sợi bánh đa đều mang hồn cốt của người dân Tống Buồng, bởi nó được làm ra từ sự chăm chút và lòng tự hào tiếp nối truyền thống của cha ông. Là thế hệ tiếp nối từ chính gia đình của mình, anh Trần Văn Đại có mong muốn cải thiện và phát triển mô hình làng nghề vươn xa hơn. 

“Chất lượng của bánh đa hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu, kinh nghiệm kết hợp với sự tài hoa từ bàn tay khéo léo của người dân. Tùy theo nhu cầu của khách mua hàng, chúng tôi sẽ sản xuất bánh đa màu vàng hay giữ màu hơi xám và trong suốt như nguyên bản.

Việc sản xuất bánh đa không chỉ duy trì, phát triển văn hóa làng nghề mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công việc làm nông đơn thuần, đồng thời đem đến thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương. Chính vì vậy, tôi muốn đưa bánh đa trở thành sản phẩm OCOP và dây chuyền hiện đại hơn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, anh Đại nói.

picture4-1721405351.jpg

Làng nghề bánh đa Tống Buồng tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương

Trong những năm vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã có những phương án giải quyết như đầu tư xây dựng các tuyến kênh, thu gom và xử lý toàn bộ những lượng nước thải để đảm bảo chấp hành nghiêm những quy định về an toàn vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất. 

Ông Phạm Bá Tuyến - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Thái Thịnh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư và hỗ trợ tại địa phương để cho làng nghề có thể tiếp tục hoạt động và phát triển. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ đăng ký sản phẩm bánh đa của làng nghề Tống Buồng là sản phẩm OCOP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

picture5-1721405371.jpg

Người phơi bánh đa phải tính hướng gió để đặt phên bánh đa xuôi chiều sao cho gió thổi đều, cuộn từ dưới lên trên

Trải qua bao thăng trầm, làng nghề đã đổi thay nhiều nhưng nét độc đáo của bánh đa Tống Buồng thì vẫn còn được gìn giữ nguyên bằng cả tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết của những con quê hương với nghề truyền thống của cha ông để lại.