Độc đáo và sự trường tồn tri thức dân gian lịch Tre của người Mường Hòa Bình

Di sản tri thức dân gian lịch tre (lịch Đoi/Roi) có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của người dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử của người Mường và hội tụ giá trị độc đáo, tri thức dân gian lịch Tre (lịch Đoi/Roi) của người Mường Hòa Bình đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay.

Lịch tre của người Mường xuất hiện trong các áng Mo Mường

Dựa vào các phân kỳ thời gian trong một năm và cách tính toán trên cơ sở sự vận động của mặt trăng kết hợp với các sao, người Mường Hòa Bình khám phá ra những quy luật tự nhiên, ứng dụng trong trong đời sống hàng ngày.

1-1715645917.jpg

Nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình nắm giữ và sử dụng lịch Tre xem ngày tốt cho các công việc của mường

Chỉ cho tôi cách xem lịch Đoi trong cuộc sống người Mường, thầy mo Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi đã được ông nội dạy cách xem lịch Đoi. Đến năm 1983, tôi bắt đầu làm thầy mo thì việc sử dụng lịch Đoi để xem ngày gieo mạ, cấy lúa, bắt cá, dựng nhà, cưới hỏi, lễ hội, tránh ngày hao, ngày lỗ... càng trở nên quan trọng". Cũng theo ông Lựng, để làm ra một bộ lịch đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự tỉ mỉ. Lịch Đoi được làm từ tre, luồng, bương ngâm hoặc để trên gác bếp lâu ngày để không bị mối mọt.

2-1715645945.jpg

Thầy mo Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình xem lịch Đoi mỗi khi có việc quan trọng

Theo nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, lịch Tre có vai trò đặc biệt trong cuộc sống cộng đồng người Mường, là khối tài sản về tri thức dân gian vô giá. Bên cạnh cách tích lịch Tây thông dụng, tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người, mỗi gia đình người Mường ở Hòa Bình đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch Tre.

Năm 2015 nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Lựng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú – Nghệ nhân loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng tỉnh Hoà Bình.

3-1715645965.jpg

Nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Lựng được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú – Nghệ nhân loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng tỉnh Hoà Bình năm 2015

Bộ lịch Tre của người Mường Hòa Bình gồm 12 thẻ, tương ứng với 12 tháng âm lịch, làm từ những thanh tre được dóc, vót, đánh bóng cẩn thận. Trên thẻ tre có khắc các khắc, vạch, chấm (gọi chung là các ký hiệu, biểu tượng) biểu thị ngày, tháng và các hiện tượng quy luật  trong tự nhiên hàng tháng trong năm. Trên mỗi thẻ tre có các bộ phận chính gồm: gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thẻ tre đều khắc 30 khắc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng. Theo cách tính lịch, các ngày từ 1-10 gọi là "ngày cây”, từ ngày 11-20 gọi là "ngày lồng”, từ ngày 21-30 gọi là "ngày cuối”. Ở vùng Mường Bi nói riêng, các vùng Mường khác nói chung, người Mường thường tổ chức việc quan trọng vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ.  

Trên mỗi thanh tre có ghi tháng đủ, tháng thiếu, ngày Roi vào,  Roi ra, từ đó để tránh ngày mưa gió, ngày xấu, chọn ngày tốt. Người Mường quy ước tháng Thớm ngàng tương ứng với tháng giêng; tháng Cây trong tương ứng với tháng 2 và tháng 3; tháng Thớm trong tương ứng với tháng 4; tháng Kim trong tương ứng với tháng 5, tháng 6; tháng Khóa rỏ tương ứng với tháng 7; tháng Kim tha tương ứng với tháng 8, tháng 9; tháng Thớm tha tương ứng với tháng 10; tháng Cây tha tương ứng với tháng 11 và tháng 12. 

Dựa trên cơ sở thông tin được khắc trên các ký tự trong bộ lịch tre của các vùng, người Mường áp dụng vào trồng trọt, cấy hái mùa vụ nông nghiệp, đánh bắt cua cá, săn bắn, coi ngày tháng đẹp, xấu, kiêng kỵ… những giá trị này vẫn còn được ứng dụng trong đời sống của người Mường trên địa bàn tỉnh cho đến ngày nay.

Hiện nay, ngoài sử dụng trong các hộ gia đình, bộ lịch được lưu giữ tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Bảo tàng tư nhân Văn hóa Mường trên địa bàn thành phố Hòa Bình nhằm bảo tồn, giới thiệu đến người dân và du khách.

Để bộ lịch độc đáo này không bị mai một, thất truyền, tỉnh đã lập hồ sơ khoa học về di sản văn hóa. Cùng với Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, tri thức dân gian lịch Tre của người Mường Hòa Bình được chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

4-1715645987.jpg

Trụ sở UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình

Bà Bùi Thị Tiệp - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc cho biết, “Năm 2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với "Tri thức dân gian Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) của người Mường" tỉnh Hòa Bình và Lễ hội truyền thống "Lễ hội Khai hạ của người Mường" huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn, huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình”.

“Tại các quyết định này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giao Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”. Bà Bùi Thị Tiệp cho biết thêm.

Lịch tre - khẳng định sự trường tồn của tri thức dân tộc Mường

Di sản tri thức dân gian lịch tre (lịch Đoi/Roi) có vai trò đặc biệt trong cuộc sống của người dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh. Tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người... đều dựa vào cách tính cát hung của bộ lịch tre.

9-1715646245.jpg

PV Tạp chí điện tử Văn hoá & Phát triển và Nghệ nhân Mo Bùi Văn Lựng, xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình

Việc đưa di sản văn hóa lịch tre vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy sự ghi nhận đây là một tài sản văn hóa quý giá mang tầm cỡ quốc gia, góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay.

Để xác định xuất xứ lịch tre của người Mường Hòa Bình có thể dựa trên các yếu tố: Lịch tre của người Mường xuất hiện trong các áng Mo Mường: Trong chương Mo Náng Thuool Wan - Nang Tuôi Vạn thuộc hệ thống Mo Sử thi Đẻ đất - Đẻ nước có nói về việc người Mường làm ra lịch. Tuy nhiên, đây chỉ là thần thoại, huyền sử. Lịch tre cũng được xuất hiện trong huyền thoại của người Mường Bi.

Bảo tồn và phát huy giá trị lịch tre trong cuộc sống hôm nay.

Bà Bùi Thị Tiệp - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc nhấn mạnh, “Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đưa Lễ hội Khai hạ trở thành Lễ hội cấp tỉnh và công bố 02 quyết định trên trong Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 tại huyện Tân Lạc; huyện chú trọng làm tốt công tác truyền thông nên đã góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương biết đến và trải nghiệm”.

Từ khi Nhà nước ban hành quy định sử dụng lịch phương Tây (Dương lịch) làm lịch chính thức, thì người Mường cũng bị ảnh hưởng, hạn chế trong các hoạt động khi sử dụng theo lịch Dương. Do đó, lịch tre bị thu hẹp vì có sự ảnh hưởng của lịch âm (lịch phương Đông) nhưng vẫn tồn tại song hành trong đời sống dân tộc Mường và trở thành một di sản của dân tộc Mường.

Di sản văn hóa phi vật thể tri thức dân gian lịch tre của dân tộc Mường Hòa Bình hiện vẫn còn có nguyên giá trị và được một bộ phận người dân lưu giữ, đa số là bậc cao niên giữ làm lưu niệm và các thầy cúng, thầy mo lưu giữ đề hành nghề.

Theo thống kê của ngành Văn hoá – Thể thao và Du lịch, hiện nay, trong toàn tỉnh chỉ còn 5 bộ lịch tre cổ có từ hàng trăm năm và khoảng trên 100 bộ lịch tre sao chép làm mới đang được lưu giữ, sử dụng. Số người còn xem được lịch tre, am hiểu, giải mã được toàn bộ thông tin trong bộ lịch còn rất ít, chỉ khoảng trên 10 người, tập trung vào các thầy mo, thầy mỡi của dân tộc Mường.

Tuy vậy, bên cạnh những yếu tố văn hoá tốt đẹp nêu trên được lưu giữ và phát huy trong đời sống của người Mường, giá trị tri thức lịch tre cũng như các di sản khác bị ảnh hưởng bởi đời sống hiện đại và có nguy cơ bị mai một.

5-hdc-1715646015.jpg

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trao Bằng chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho Tri thức dân gian Lịch tre và  Lễ hội truyền thống Khai Hạ của người Mường tỉnh Hoà Bình

Tại Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 7/2022 vừa qua, Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận cho 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho tỉnh là: Tri thức dân gian Lịch tre (lịch Đoi/Roi) và Lễ hội truyền thống Khai hạ của dân tộc Mường theo Quyết định số 1756/QĐ-BVHTTDL, ngày 26/7/2022.

6-vtax-1715646171.jpg

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Quyền phó Chủ tịch nước phát biểu tại Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022

Tại buổi lễ, khẳng định giá trị của lịch tre, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: “Tri thức dân gian lịch tre và được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, thể hiện trình độ phát triển cao, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Mường ở khắp mọi miền đất nước, mà còn là niềm vui chung của các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Những giá trị văn hóa đặc sắc này chính là sợi dây cố kết cộng đồng, là cội nguồn sức mạnh được gìn giữ, bồi đắp, trao truyền từ đời này qua đời khác, giúp cho người dân ở mảnh đất này vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vững bước đi lên, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp”.

7-bi-thu-tinh-uy-1715646186.jpg

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại chương trình “Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022

Phát biểu tại chương trình “Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022 Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Việc được công nhận "Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” và "Lễ hội Khai Hạ của người Mường” huyện Tân Lạc, huyện Lạc Sơn, huyện Cao Phong, huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia là niềm tự hào của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Hoà Bình. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình sẽ quyết tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, phấn đấu xây dựng Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển khá, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

8-1715646215.jpg

Huyện Tân Lạc luôn tuyên truyền khuyến khích các nghệ nhân biết làm và có kiến thức về Lịch đoi duy trì nhiệm vụ bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ con cháu nắm giữ di sản văn hóa quý giá này

Bà Bùi Thị Tiệp - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc chia sẻ, “Đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị "Tri thức dân gian Tri thức Lịch Đoi (Lịch tre) của người Mường", huyện Tân Lạc luôn chú trọng công tác tuyên truyền, trưng bày quảng bá tại Lễ hội Khai hạ hàng năm hoặc trưng bày quảng bá tại các địa phương khác trong các sự kiện khi được mời tham dự. Đồng thời, huyện luôn tuyên truyền khuyến khích các nghệ nhân biết làm và có kiến thức về Lịch đoi duy trì nhiệm vụ bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ con cháu nắm giữ di sản văn hóa quý giá này”.

“Việc bảo tồn, không để mai một di sản văn hóa lịch Tre cần được tiếp tục tăng cường. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên cứu để đưa vào thực tiễn, truyền dạy, ứng dụng trong đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, đưa di sản văn hóa lịch Tre và các di sản văn hóa đặc sắc khác trở thành tài nguyên du lịch nhân văn, có giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử to lớn gắn với phát triển du lịch”. Bà Bùi Thị Tiệp khẳng định.

Lịch Tre (lịch Đoi/Roi) của người Mường Hòa Bình là kho tàng tri thức trong nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân đã được đúc kết qua hàng nghìn đời nay và trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và là một trong những mốc biểu hiện văn hóa và văn minh của dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch tre trong cuộc sống hôm nay.