Từ đó đến những ngày đầu Xuân Nhâm Dần, những lúc rảnh rỗi, tôi lại mở sách đó đọc và suy ngẫm về tập tuyển thơ Hạo Nhiên do Nhà báo Trần Đình Thảo tuyển chọn 243 bài thơ trong di cảo từ năm 1942 khi ông 17 tuổi đến năm 2000 (58 năm). Trong số này mới tập hợp và xuất bản tập “Trăm bài bốn câu” do NXB Thanh niên ấn hành năm 2000 trước khi ông về cõi vĩnh hằng. Đây là kỳ công của Nhà báo Trần Đình Thảo kết hợp với con cháu và người thân của thầy Nguyễn Mạnh Hào tuyển chọn trong di cảo còn lưu giữ, in thành cuốn sách thơ dày dặn quý giá để lại cho muôn đời sau mà các thế hệ học trò như chúng tôi đều tôn vinh ông là “Giáo Sư” Nguyễn Mạnh Hào với những dấu ấn, suy tư của một trí thức qua những giai đoạn rất đặc biệt của mỗi con người, nhất là trong những tháng năm gian lao kháng chiến cứu nước cũng như trong hòa bình, đổi mới, xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Lớp phóng viên chiến trường GP 10 chúng tôi gồm sinh viên vừa tốt nghiệp 3 trường đại học danh tiếng khi đó gồm Đại học Tổng Hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội) được TTXVN tuyển chọn về học nghiệp vụ báo chí Thông tấn tại nơi sơ tán xã Hạ Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) từ tháng 8/1972 đến `16/3/1973 thì lên đường vào chiến trường miền Nam. Chúng tôi còn nhớ như in thầy Nguyễn Mạnh Hào tóc bồng bạc trắng, giọng Huế đầm ấm, truyền cảm, giảng giải hấp dẫn về lý thuyết cơ bản các thể loại báo chí thông tấn. Thầy đã nêu nhiều dẫn chứng minh họa những yếu tố cấu thành một tin thông tấn; đặc trưng của các thể loại tin viết theo “Mô hình Kim Tự Tháp ngược”. Thầy còn say sưa truyền dạy viết bài đặc tả, điều tra, tường thuật, ghi nhanh...; phương thức phóng viên cùng nhiều kiến thức cơ bản khác khi tác nghiệp. Những kiến thức khai mở do thầy Hào truyền dạy đã theo chúng tôi trong suốt đời làm nghề phóng viên báo chí.
Có dịp đọc tuyển thơ Hạo Nhiên càng gợi nhớ, ký ức trong tôi thuộc thế hệ học trò lớp phóng viên chiến trường GP10 nay đều đã ở tuổi U70 và U80, những lời trao truyền kiến thức tâm huyết của thầy Nguyễn Mạnh Hào như vẫn vang vọng đâu đây: Nghề làm báo phải luôn luôn có sản phẩm ‘phơi bày’ cho bạn đọc và công chúng xem bằng chữ nghĩa, hình ảnh tĩnh và động, không thể che giấu được. Do đó, phóng viên là phải ‘săn tin’, lăn lộn trong thực tiễn phản ánh hơi thở của đời sống xã hội, phải ‘nhanh – đúng – trúng- hay’, phải học nhiều, biết rộng, ít nhất là "biết mười chỉ chắt lọc viết được một" thì mới có chất lượng, hấp dẫn bạn đọc và công chúng.
Qua những bài giảng nghiệp vụ báo chí Thông tấn và qua tuyển tập thơ Hạo Nhiên càng chứng tỏ thầy Nguyễn Mạnh Hào là người học nhiều, biết rộng, kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực. Ông không chỉ làm thơ bằng tiếng Việt mà còn làm thơ bằng tiếng Pháp, được bạn thơ người Pháp tập hợp xuất bản tập thơ tiếng Pháp của tác giả Hạo Nhiên. Tài năng của ông còn thể hiện viết nhiều về thể loại văn chương, bút ký văn học, nghiên cứu, dịch thuật, viết giáo trình nghiệp vụ báo chí, trực tiếp giảng dạy nghề báo, là người truyền lửa nhiệt thành cho nhiều thế hệ phóng viên, nhất là TTXVN, trở thành lực lượng xung kích của báo chí cách mạng.
Riêng tôi, cảm thức ban đầu về tuyển tập thơ Hạo Nhiên phần nhiều là Tạp cảm, tự sự, là lời nói chân tình thốt lên từ trái tim rung động, nhậy cảm với tư duy phóng khoáng, triết lý sâu sắc, luôn hướng tới chân, thiện, mỹ. Chẳng hạn bài “CHUYỆN BỂ DÂU” khi ông nhận được bài thơ “Hồng Điệu” của Vũ Hân gửi Hạo Nhiên năm 1976 và ông phản hồi:
Ví thử đời không có chuyện bể dâu
Muôn xưa y hệt với nghìn sau ?
Cùng thông họa phúc chung nguồn ngọn
Biến dịch buồn vui chẳng cuối đầu
Hạnh phúc đọng hoài e lạnh đá
Đoạn trường quằn mãi lại ngời châu.
Sinh sinh chi (chữ Kinh dịch)… đến hồi chi mệnh
Ươm hái hoa đời kịp vó câu.
Rồi cuộc sống luân hồi có lúc ông cũng suy tư, bộc bạch triết lý sâu lắng không ảo tưởng về bản thân trong bài “TỰ VẤN” (Lắng lại mình trước khi trao… H.N)
Hạo Nhiên! Ơi Hạo Nhiên!
Chậu lồng vẫn ấp ủ vô biên
Hai bàn tay trắng vờn hư ảo
Một mái đầu xanh mộng nhão huyền
Thới khắc thẹn thùng chưa góp tuổi
Hải hồ khấp khổi đã trao tên
Ngựa xe hia hốt cười rơm rác
Sau trước chừng e mãi chứng điên.
Và trong lời tự sự, ông rất tự hào, tin tưởng, gửi gắm niềm tin vào con gái UYÊN HƯƠNG (nay nối nghiệp ông là phóng viên TTXVN) trong bài "KHÓM TRÚC":
Mươi gố hoa gọi là chơi cảnh
Con lên hai thuộc hết mặt cây
Lan hồng cúc... dành cho con tất cả
Riêng để Ba mỗi khóm trúc gầy...
Theo Nhà báo Bảo Dân: Trong lời bạt cuốn “ Trặm bài bốn câu”, Hồ Hoàng Thanh nhận xét: Trong những cảm nhận tiếp thu thơ ông (Hạo Nhiên) dường như nổi đậm hơn cả là một tấm lòng hiền hòa, nhân hậu, đằm thắm yêu thương con người, sự sống, một tâm hồn cháy bỏng say mê, nhiều khi sôi sục nhục cảm, một thứ trí lực soi thấu bóng tối đau thương của kiếp người nhưng lại là một thái độ an nhiên tự tại gần như thoát tục trước nhân thế nhân sinh…
Khép lại 76 năm trên cõi thế, Nhà báo Mạnh Hào - Nhà thơ Hạo Nhiên không để lại cho vợ con tiền tài danh vọng và không nhiều những tấm huân chương, huy chương. Điều ông để lại cho đời, cho người thân, bạn bè, học trò là nhiệt huyết, là tình đời và tình người. Tập di cảo thơ này coi như nén tâm nhang tưởng nhơ ông vào dịp nhớ ông sau 22 năm…
Tác giả Hạo Nhiên (Nguyễn Mạnh Hào) sinh ngày 3/11/1925 tại Huế, tham gia cách mạng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chưa đầy 20 tuổi, ông đã tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An. Rồi tòng quân, đi học trường võ bị Quảng Ngãi nhưng học xong không trở thành sĩ quan quân đội mà được chuyển đi dạy học. Ông trở thành nhà giáo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa và là nhà báo. Nguyên danh ông là Tôn Thất Mạnh Hào. Vì những lý do tế nhị thời cuộc, ông tự cải danh thành Nguyễn Mạnh Hào để tham gia kháng chiến. Hạo Nhiên, Vy Vy, Nhất Nguyên, Trà Hương là bút danh sau này của ông khi làm thơ, viết văn, khảo cứu, dịch thuật. Hạo Nhiên là tên mượn từ Mạnh Hào Nhiên nhà thơ lừng danh ngang ngửa với Lý Bạch đời nhà Đường bên Trung Hoa cổ. Ông qua đời lúc 6 giờ 55’ ngày 15/11/2000.
|
VXB