VH&PT - Bác là thầy - thầy là bác. Bác là Tổng biên tập - Tổng biên tập là thầy. Nghe có vẻ hại não, nhưng đó là những danh từ, mà tôi vẫn thường gọi Ts Phạm Việt Long - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển.
Để hiểu hơn về tiểu sử và cuộc đời của bác, độc giả có thể lên Google và Search: Phạm Việt Long. Hàng loạt chức danh và vai trò khác nhau của bác sẽ hiện lên, như: Nhà văn; Nhà báo; Nhạc sĩ; Chủ tịch; Giám đốc; Ts Phạm Việt Long - cùng vô số bài báo và thông tin liên quan khác, nào là: Những bài hát hay nhất của Phạm Việt Long (Nhac.vn); Phạm Việt Long và ''cơn khát'' sáng tạo (Hà Nội mới); Tuổi 70 vẫn cuốn người khác sống trẻ theo mình (Sức khoẻ đời sống); Nhà văn Phạm Việt Long: Sống với nhiều đam mê (Công an nhân dân); Nhà báo Phạm Việt Long, người say trong nhiều nỗi đam mê (Văn hoá và đời sống);…vv… Nói chung, là còn nữa. Phải thú thật, nhiều lần tự hỏi mình: “Không hiểu bác lấy đâu ra thời gian, ý tưởng cùng lòng nhiệt huyết để sống với đam mê nhiều và bền đến thế?”.
Từ Thông tấn xã Việt Nam, rồi Chánh văn phòng Bộ Văn hoá, đó là những cơ quan và vị trí mà bác từng kinh qua. Kể ra cũng tự hào, nhưng đôi lúc cảm thấy khá áp lực, vì đi đâu, tôi cũng trình ra “cái mác” là học trò của bác. Làm tốt không sao, không tốt thì bác bị ảnh hưởng ít nhiều.
Lại nói về chuyện thầy - trò. Bác chỉ dạy tôi nhiều thứ, từ “trường báo” tới “trường đời”. Bác không nói “toẹt” ra như ai, mà thông qua những câu chuyện bác kể, và bài viết bác gửi tôi biên tập - Ở đó hàm chứa nhiều bài học, buộc tôi phải suy ngẫm. Cơ hội để tôi trau dồi chuyên môn, cùng kiến thức cuộc sống. Với trình độ cử nhân đại học, được một Thạc sĩ chỉ dạy nghề, đã là hạnh phúc. Còn đây, là một “Tiến sĩ già” hẳn hoi - “cây đa cây đề” trong “nghề viết”. Vậy, còn gì “sướng” hơn!.
Đạo đức và nhân cách của người làm báo, luôn được bác coi trọng. “Nghề báo không khác gì những nghề chân chính khác. Và đã là chân chính, thì nghề nào cũng cao quý. Hãy cứ yêu nghề và luôn tận hiến với nó. Nếu người không phụ nghề, thì nghề cũng không phụ người” - bác vẫn khuyên tôi, đại khái như vậy. Những lời của bác, chẳng bỏ đi câu nào. Vì ngoài kia còn không ít nhà báo, phóng viên, lợi dụng chức danh làm điều không đúng, ảnh hưởng đến xã hội và vướng vào lao lý. Rồi, thi thoảng lại được lên báo, “báo lên báo”… Ờ!…. thế mới “hay”!
Nói về giản dị, cá nhân tôi thấy: bác là một trong những Tổng biên tập giản dị nhất, mà tôi biết. Vẫn chiếc xe cúp 82 huyền thoại, vẫn hộp nhựa đựng đồ gắn đuôi xe, vẫn rong ruổi khắp Thành phố Hà Nội, khi cần. Bác Ngân - bà xã, thi thoảng lại “bốc phốt” bác: “Ông ý có cái quần mặc ở nhà, đã cũ, lại không đẹp. Bác khuyên bỏ đi, quần mới có nhiều ko mặc. Ông nói còn tốt, mặc mát”.
Nhân tiện, xin phép nói ngắn gọn về bác Ngân. Bác có một giọng nói rất đặc biệt, Bắc - Trung hoà quện, thêm nét đặc trưng của một cán bộ Thông tấn xã Việt Nam xưa - nơi bác từng công tác. Cũng phải nói thêm, bác rất hiền, vui, khoẻ, trẻ và yêu đời. Bác Ngân!
Vậy là năm nay “Báo chí cách mạng Việt Nam” đã bước sang tuổi 97 (21/6/1925 – 21/6/2022). “Báo già - báo trẻ” lại gặp nhau. “Báo già” kể cho “Báo trẻ” nghe về một thời gian khó. Tâm sự về tình yêu với nghề, rồi tình yêu đôi lứa “nực mùi bom đạn”. Hay: “Bố mẹ cháu khoẻ chứ? Vợ cháu sao rồi?”. Giỏ hoa kia đẹp, lại thơm. Quả mận này ngọt. Vải thiều kia nhiều nước, hạt nhỏ, không sâu đầu. “Tương cháu cho rất ngon, bác chiết ra chai nhỏ, đem cho bớt mọi người”. 2 bác động viên cháu: cố gắng, tận tâm, tận tuỵ, giữ vững đạo đức và nhân cách nghề nghiệp - cháu thì chúc 2 bác: nhiều sức khoẻ và hạnh phúc. Buổi gặp mặt kỷ niệm: có hoa, có quả, có trà, có tiếng cười, nói râm ran - thế thôi! Mà chỉ nghe tiếng cười, đố ai đoán ra tuổi.
Mấy thầy trò - bác cháu cùng nhau “vui ngày báo chí”!
Video bài hát: Tâm sự người làm báo