Du lịch nội địa sẽ bùng nổ khi đại dịch được kiểm soát

TS Nguyễn Anh Tuấn , Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) trao đổi về vai trò của du lịch nội địa trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cùng những giải pháp để du lịch nội địa thích ứng và phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nước ta. Ông chia sẻ:

Du lịch nội địa sẽ bùng nổ khi đại dịch được kiểm soát -0

Du lịch nội địa có vị trí, vai trò rất lớn đối với phát triển du lịch Việt Nam thời gian qua. Nếu năm 2011, khách nội địa mới chỉ đạt 30 triệu lượt thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên 85 triệu lượt (gấp hơn 2,8 lần), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 15%/năm. Khách nội địa ngày càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ sở lưu trú. Thời gian chuyến đi và mức chi tiêu bình quân/ngày của khách du lịch nội địa ngày càng có xu hướng tăng cao.

Tuy nhiên, biến cố đại dịch với những diễn biến phức tạp gần đây đã đẩy du lịch nội địa lâm vào tình trạng rất khó khăn, có tới 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động vì không có khách. Các biện pháp chống dịch, giãn cách cũng khiến cho du lịch không thể hoạt động. Biến chủng mới Delta khiến dịch lây lan nhanh, lượng người mắc gấp nhiều lần so với năm ngoái.

 Trong thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương rất thận trọng với các hoạt động du lịch. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để tiêm vaccine, phải chờ tới khi tạo ra miễn dịch cộng đồng thì lúc đó ngành du lịch mới có thể hồi phục. Nhiều nước bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vaccine”, Việt Nam cũng đang có chủ trương thử nghiệm tại Phú Quốc. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, vẫn chưa thể yên tâm tuyệt đối với mô hình này.

Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương vốn là thị trường trọng điểm của du lịch như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội... Vậy làm thế nào để duy trì được hoạt động du lịch nội địa trong bối cảnh này, thưa ông?

Đối với thị trường nội địa, tôi cho rằng các địa phương an toàn cần chủ động đề xuất các biện pháp khôi phục hoạt động du lịch, thí dụ như lựa chọn nguồn khách từ các vùng không có dịch. Phải có sự hợp tác giữa khách du lịch với chính quyền, phải khai báo y tế trung thực. Khẳng định khi nào hết dịch trong thời điểm này rất khó. Năm ngoái, chúng ta kiểm soát được nguồn lây vì chủ yếu đến từ bên ngoài. Năm nay, do dịch bùng phát từ trong cộng đồng, ai cũng có thể là F0 nên việc thúc đẩy du lịch nội địa sẽ rất khó khăn.

Trước đây, chúng ta từng đặt vấn đề sử dụng “hộ chiếu vaccine” dành cho người nước ngoài, còn bây giờ với khách nội địa đã tiêm vaccine thì nên cho phép họ có thể đi du lịch, chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận và các địa phương cũng nên tiếp nhận một cách nhanh gọn, chính xác, tránh gây phiền hà. Cái này cần sự kết hợp hiệu quả giữa Tổng cục Du lịch và Bộ Y tế.

Sau gần hai năm bị hạn chế vì dịch bệnh, nhu cầu du lịch nội địa đang rất lớn. Bởi thế, chúng ta không cần dùng từ “kích cầu” nữa, chỉ cần bảo đảm điều kiện an toàn cho khách du lịch, bao gồm trong quá trình đi cũng như tại địa phương điểm đến. Những địa phương không có dịch hoàn toàn có thể nghĩ tới biện pháp này. Việc kiểm soát dịch bệnh phải thực hiện từ đầu vào, đội ngũ những người làm dịch vụ du lịch phải được tiêm phòng đầy đủ.

Cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu lưu trú, khách phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine mới được chấp nhận. Ngoài ra, có lẽ nên khuyến khích đối tượng khách du lịch theo đoàn, theo nhóm thay vì khách lẻ để dễ quản lý. Dù thế nào thì điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch nội địa vẫn là phải bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Phải thận trọng, nếu không muốn trả cái giá quá đắt so với lợi ích thu được từ hoạt động du lịch.

Để du lịch nội địa phát huy được vai trò lớn hơn nữa trong sự hồi phục của cả ngành sau đại dịch, cần có chủ trương, chính sách gì và các doanh nghiệp du lịch phải làm thế nào để thích ứng và phát triển trong trạng thái bình thường mới, thưa ông?

Tôi cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chỉ đạo Tổng cục Du lịch yêu cầu các vụ chức năng xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách trong nước để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững. Trong bối cảnh mới, để đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa cần đa dạng hóa sản phẩm và mang đậm tính vùng miền địa phương như du lịch thông minh, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nghệ thuật, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm... Khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch ở các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh miền trung Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long hay khu vực nông thôn của một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Với tình hình hiện nay, chắc chắn sản phẩm du lịch, cách làm du lịch phải thích ứng với điều kiện bình thường mới. Điều này tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp. Cần ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để tạo sự thay đổi. Có những điểm đến có thể di chuyển bằng trực thăng và khách hoàn toàn tuân thủ đúng quy trình của điểm đến đấy.

 Phạm vi di chuyển có thể hẹp hơn và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Đẩy mạnh du lịch tới những vùng xa xôi, vốn ít khách du lịch. Thí dụ, du khách có thể đi thăm hồ Ba Bể ở Bắc Cạn. Đó là xu hướng trở về với thiên nhiên, sống thuận tự nhiên. Phát triển du lịch bền vững bằng cách kiểm soát sức chứa tại các điểm đến, nghĩa là lượng khách vừa phải thôi. Để khách đến quá đông trong điều kiện dịch bệnh tạo ra nguy cơ lây lan rất lớn, bài học với du lịch Đà Nẵng năm ngoái vẫn còn nguyên tính thời sự.

Doanh nghiệp phải giải quyết đồng thời hai thách thức, đó là nguồn nhân lực du lịch đang có xu hướng bị thu hẹp do hậu quả của đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, khả năng áp dụng công nghệ trong cung ứng các sản phẩm du lịch như lưu trú, vận chuyển, ăn uống và các dịch vụ liên quan... còn hạn chế.

Phát triển hạ tầng giao thông tại các trung tâm du lịch và các thành phố lớn rất có ý nghĩa với ngành du lịch và các ngành kinh tế khác. Vì vậy, cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và liên kết giữa giao thông hàng không, đường sắt và đường bộ.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng này cũng giúp ngành du lịch rút ra những bài học, nhìn ra những tồn tại hạn chế của mình để có những thay đổi về chất. Khi du khách ít đi thì môi trường thiên nhiên được bảo vệ tốt hơn, chất thải ít hơn, nhắc nhở ngành du lịch về bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển du lịch nội địa không phải tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá mà phải hài hòa với môi trường thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên.

du-lich-noi-dia-1627669880.jpg
 


Ông đánh giá thế nào về các chương trình kích cầu du lịch nội địa gần đây, vốn được xem như một giải pháp để cứu vãn ngành du lịch giữa đại dịch?

Nhiều công ty du lịch đã kích cầu bằng cách hạ giá thành kịch sàn nhưng không nâng cao chất lượng. Nếu hiểu không toàn diện về kích cầu sẽ làm theo tư duy chủ quan. Du lịch nội địa không thể phát triển bằng cách kích cầu như vậy, căn cơ vẫn phải nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ phải xứng đáng với đồng tiền du khách bỏ ra thay vì khi thấy đông khách lại bớt xén dịch vụ, không coi trọng chữ tín.

Các địa phương chỉ nên kích cầu du lịch vào mùa thấp điểm thôi, tránh kích cầu vào những mùa cao điểm dẫn tới quá tải lượng khách đến trong khi không đủ điều kiện đáp ứng. Thí dụ Hà Giang vào mùa tam giác mạch, công tác xúc tiến du lịch được làm rất tốt nhưng khi khách lên đông thì không có phòng ở, dịch vụ nhếch nhác. Những nơi có tiềm năng lớn, chính quyền địa phương phải có những chính sách để thúc đẩy đầu tư, tạo được cơ sở dịch vụ đáp ứng được yêu cầu, lúc đó mới xúc tiến du lịch. Nếu cứ kích cầu theo cách a dua thì rất nguy hiểm.

Dự cảm của ông về thị trường du lịch nội địa trong tương lai khi đại dịch bị đẩy lùi sẽ ra sao?

Khi dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn thị trường du lịch nội địa sẽ bùng nổ bởi nhu cầu bị nén rất lâu rồi. Đời sống được nâng cao, du lịch trở thành nhu cầu thiết yếu của đông đảo người dân chứ không còn là xa xỉ nữa. Người Việt đã mạnh tay chi tiêu cho du lịch và đây là thị trường chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Trong Chiến lược phát triển du lịch cũng đã nêu rõ vai trò to lớn của du lịch nội địa, nhưng có thể thấy nhiều địa phương vẫn coi trọng du lịch quốc tế hơn.

 Du lịch nội địa là một thị trường lớn cần thúc đẩy phát triển. Cách thức tổ chức, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch nội địa cũng cần văn minh, nâng chuẩn dịch vụ lên. Số lượng nghiên cứu cụ thể về du lịch nội địa vừa rồi cũng chưa nhiều. Năm qua, điều đáng mừng là ngành du lịch cũng tổ chức nhiều diễn đàn về du lịch nội địa. Dịch bệnh làm le lói những cơ hội, nhất là cơ hội thúc đẩy ngành du lịch nhìn nhận lại chính mình để thay đổi.

Trân trọng cảm ơn ông!