Đường 7

Nguyễn Thế

22/06/2022 19:24

Theo dõi trên

Đường 7, con đường Quốc lộ chạy dài theo chiều dài biên giới thuộc tỉnh Kongpong Cham (Campuchia) giáp với tỉnh Tây Ninh, đường Trần Lệ Xuân (tên đường nhân dân địa phương đặt) phía VN được nối thông với con đường này. Đường bẩy được trải nhựa phẳng phiu rất thuận lợi cho vận tải cung cấp lương thực, vũ khí, cho bộ đội.

duong-bay-1655900605.jpg
Ảnh tác giả cung cấp.

           

Trong hết thời gian năm 1978, Trung đoàn 28 cùng các đơn vị khác của Sư 10 quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ: thường xuyên hành quân vận động luồn sâu truy kích, không cho Khmer đỏ có cơ hội xâm lấn sang vùng đất của ta nên ta đã làm chủ con đường.

             Về chiến sự, suốt quãng thời gian trước mỗi ngày một thêm căng thẳng, xin trích dẫn một số thông tin từ tài liệu:

             Ngay khi ta vừa thống nhất Đất nước 30 tháng 4 năm 1975, ngày 10/5  Pol Pot đã dùng tàu đổ bộ LSM cùng các tàu tuần tra PCF tấn công đảo Thổ Chu của Phú Quốc, dồn 500 dân đang sinh sống trên đảo mang đi thủ tiêu... mãi 4 năm sau 1979 khi Khmer đỏ bị lật đổ mới tìm thấy họ, thông qua việc xác định những giấy tờ còn sót lại khi phát hiện những bãi xác người ở các đảo hoang. Dọc biên giới của tỉnh Tây Ninh chúng cũng thường xuyên đưa người sang quấy phá hoặc trà trộn giả tìm thân nhân để dò la, rồi đêm 24 rạng sáng 25/9/1977 với quân số lên tới nhiều tiểu đoàn chúng bất ngờ tấn công thảm sát dân ta ở Xa Mat Tân Biên, 592 người đã bị sát hại dã man bằng nhiều cách man rợ mà chúng nghĩ ra... sau khi bị đánh đuổi chúng vẫn ngoan cố tìm cách tràn sang và liên tục nã pháo. Ngày 18/4/1978 chúng lại gây ra một vụ thảm sát nữa ở xã Ba Chúc của An Giang trong có 12 ngày từ 18- 30/4/1978 chúng đã giết 3157 người, có gia đình thậm chí cả dòng họ không còn một ai... cuộc chiến tranh biên giới tây nam thực sự bắt đầu từ đây.

              Để yên ổn cho nhân dân dọc vùng biên giới, ta thực hiện chủ trương đưa chiến tranh về đất chúng.

              Lực lượng của ta lúc này gồm có: 2 quân đoàn chủ lực 3 và 4 mỗi quân đoàn có 3 sư bộ binh cộng lữ đoàn pháo binh, lữ tăng thiết giáp, lữ công binh và các đơn vị trực thuộc khác như quân y, vận tải, thông tin... ngoài 2 quân đoàn chủ lực trên ta còn có quân khu 7, quân khu 9 với các lực lượng địa phương, sau đến tháng 11/1978 để chuẩn bị giúp bạn tổng tiến công tiêu diệt chế độ diệt chủng ta đưa thêm một sư đoàn của quân khu 5 vào tăng cường.

             Được sự hậu thuẫn và viện trợ vũ khí thực hiện những mưu đồ của TQ, tập đoàn Khmer đỏ đứng đầu là Polpot đang thực sự khát máu, ngày càng điên cuồng chúng đã dồn toàn bộ binh lực trong cả nước, có lúc lên tới 21 sư đoàn thêm quân khu 203 thiện chiến của chúng, không ngừng liên tục tấn công ta. Những vị trí chiến lược quan trọng thời gian này ta vẫn đều làm chủ như: đường 7, đặc biệt là toàn bộ khu vực gần ngã ba giao cắt giữa đường 7 và đường 72, đường nối thông với quốc lộ 22b của ta ở cửa khẩu Xa Mát. Từ vị trí này ta kiểm soát được toàn bộ đường quốc lộ 7, cắt đứt mọi vận chuyển bằng cơ giới từ thị xã Kongpong Cham tới vùng biên. Nên bằng mọi giá chúng tấn công để lấy lại, một đơn vị của sư 320 được giao chốt giữ đã phải căng mình trước các đợt tấn công của địch, pháo cối chúng liên tục nã thương vong từng giờ, đỉnh điểm có thời gian đơn vị chỉ còn 7 tay súng nhưng vẫn kiên cường trụ vững. Bản Phôm Sâm (Phum Sâm) nằm ở đầu vị trí này (theo hướng từ cao điểm 62) đã đi vào huyền thoại của lính thời gian ấy (lính gọi là bản máu).

             Dọc theo đường: - phía tây phía Kongpong Cham, nằm rải rác là những bản nhỏ cùng gò hoang, bãi ngô, xa xa là những ruộng lúa, thấp thoáng có hàng cây thốt nốt. Do có chiến tranh nên bản không có dân ở, bếp ăn của các đơn vị thường đóng trú ở đây, ngày hai buổi có đội gùi cơm lên chỗ dừng quân, lúc sáng sớm và chiều tối có khi tận nửa đêm, khi đơn vị dừng nghỉ (đặc thù của nhiệm vụ vận động chiến đấu)

             - Phía đông, là những lô cao su theo hàng bỏ hoang thẳng tắp, có đoạn đường chuối lại mọc thành rừng âm u, ẩm ướt. Sâu hơn nữa phía VN là rừng tre, những bụi tre gai hoặc rừng rậm có nhiều loài cây, nơi có đường Trần Lệ Xuân. Các trạm phẫu quân y tiền phương của các sư đoàn, các đơn vị vận tải cùng kho tàng, các đơn vị thanh niên xung phong của quân khu 7 làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu đều nằm trong những cánh rừng này.

             Đường Trần Lệ Xuân gập ghềnh, lầy lội... có đoạn lòng đường phải lấy những thân cây, lát ngang cho bánh xe khỏi bị lún. Nếu ai có đi trên con đường này vào thời điểm ấy, sẽ gặp những chiêc xe vận tải quân sự như GMC chẳng hạn, sau khi chở lương thực, vũ khí, lúc quay về trên thùng xe là những tử sỹ được bó trên cáng, một đầu cáng gác trên thành trước của thùng xe. Hoặc là xe đang chạy, hay lái xe dừng nghỉ bên đường vì quá mệt, do phải chạy suốt đêm kịp cung ứng khí tài cho mặt trận.

             Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho tuyến đường, thời gian sau này khi lực lượng phản chiến do Hengsom Rin lãnh đạo được hình thành (10/1978) E28 lại cùng các đơn vị của F10 và toàn bộ các đơn vị khác trong quân đoàn giúp bạn xây dựng lực lượng.

             Những nguy cơ tiềm ẩn từ những phần tử được cài của địch cũng rất lớn khi số dân đi theo rất nhiều, chúng trà trộn kích động, gây chia rẽ đòi hỏi những đáp ứng phi lí mang tính hưởng thụ, ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo. Thời gian đầu ta bố trí để bạn (lực lượng nổi dạy của Hengsom Rin) thành lập khu kháng chiến ở thị trấn Memot có doanh trại riêng, mặc dù được cấp lương thực đầy đủ nhưng dân ở vòng ngoài vẫn bị đói. Khi cử người đi kiểm tra hỏi nguyên nhân nhưng bị ngăn không cho vào. Trước sự hỗn loạn có nguy cơ mất kiểm soát để loại những phần tử được cài, ta cho nổ bộc phá xung quanh và đưa tăng gầm rú giả như Polpot đưa quân tấn công... phát hiện binh lính bên trong có rất nhiều tay súng lấy vải đỏ quấn quanh nòng làm ám hiệu, dấu hiệu số này có ý định bắt liên lạc với Polpot. Nhân tiện tay sư đoàn trưởng đang là cấp cao nhất ( Hengsom Rim sư đoàn phó kiêm bí thư) yêu cầu được về thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đám cưới, ta đáp ứng... dùng trực thăng đón hắn, số dân còn lại ta đưa về trong nước lập thành các khu riêng cho họ.... (còn nữa)

“Không Tên” bản nhỏ nằm kia

Nép bên đường bẩy Cao Miên mịt mùng

Ngày đêm tiễu quyét truy lùng

Hai mùa đỏ lửa cả vùng biên cương

 

*Bản không có đặt tên trong bản đồ quân sự, lính thường gọi bản “Không Tên “.

* Đường Trần Lệ Xuân: Con đường xuyên rừng chạy theo tuyến biên giới này, do Trần Lệ Xuân mở ra nhằm vận chuyển gỗ và hàng lậu từ Campuchia về VN, thời gian Ngô Đình Nhu làm cố vấn đang nắm quyền, thời Việt Nam Cộng Hoà. Đường chỉ được phát quang và lát ngang bằng những thân cây xong trong thời gian này trở thành con đường chiến lược để chuyên chở lương thực, vũ khí, phục vụ cuộc chiến Tây nam của bộ đội ta.

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Đường 7" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn