Gặp người nhạc sĩ “canh cho Bác ngủ”

Nguyễn Thị Diệu Huyền – Nguyễn Thị Khánh Linh – Lê Thị Kiều Oanh

17/05/2022 20:46

Theo dõi trên

Có một nhạc sĩ mà có thể tên của ông không nhiều người biết nhưng ca khúc của ông thì vang vọng trong lòng người nghe suốt 46 năm qua, nhất là mỗi dịp tháng 5 lại về, đó là ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người”: “Vinh quang con đứng bên Người/ Canh cho Bác ngủ ngon giấc/ Trên môi như Bác vẫn cười/ Bác vui vì khắp non sông cháu con trở về sum vầy…”. Ở tuổi xấp xỉ 70, tác giả của ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước vẫn coi đó là “món quà” trời ban cho mình ở tuổi 23.

nhac-si-nguyen-dang-nuoc-1-1652795083.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước

Phút huy hoàng của đời người

Như đã hẹn, một buổi sáng cuối tuần tháng 5 như lời ca “Sáng tháng năm trời trong xanh quá”, chúng tôi tìm đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước ở phố Phùng Khoang (Hà Nội) để nghe ông đàn và hát bài hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người”. Phải nói rằng, dù đã được nghe nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện ca khúc này nhưng thú thật chất giọng của ông vẫn mang đến sự khác biệt. Toàn bộ tinh thần bi hùng tráng của bài hát như mặt biển rộng lớn được ông phô diễn tài tình, gây xúc động cho người nghe. Và mỗi khi đàn và hát ca khúc này, trong lòng ông dâng lên niềm tự hào, hạnh phúc khi có một tác phẩm ca ngợi Hồ Chủ tịch mà ai ai cũng biết đến, yêu thích và thuộc lòng.

          Nhạc sĩ Đăng Nước thừa nhận mình hơi ngược đời, hồi còn nhỏ xíu thì suy nghĩ như ông già còn giờ đây khi ở tuổi xấp xỉ 70 thì tâm hồn lại như chàng trai tuổi mới lớn. Đó cũng là lý do mà khi mới 23 tuổi, ông đã sáng tác được ca khúc đầy triết lý về Bác Hồ kính yêu. “Hồi nhỏ, tôi vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ các vị lão thành cách mạng, trong đó có Bác Hồ. Đầu năm 1976, tôi từ chiến trường B Quảng Nam - Đà Nẵng được về phép và ra Hà Nội rồi thăm Lăng Bác Hồ. Được người cha là cán bộ Công an đang được biệt phái sang Ban Bảo vệ công trình xây dựng Lăng Bác giới thiệu tỉ mỉ về các bản thiết kế của các nhà thiết kế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới về việc xây Lăng cùng với việc được chứng kiến công việc thiêng liêng của cha và đồng đội, trong lòng tôi dâng trào nỗi niềm cảm xúc mãnh liệt và cứ thế giai điệu được “bật ra” như một sự vô thức”, ông nhớ lại.

          Để có được phút huy hoàng của đời người như vậy, ông đã trải qua quá trình rèn luyện, học tập hết sức nghiêm túc, chỉn chu ngay từ khi còn bé. Hồi ấy, ông thường đắm say trong những cuốn sách văn học, lịch sử và hát những ca khúc cách mạng, ca ngợi Đảng và Bác Hồ. Đặc biệt, ông thường xuyên nghe chương trình dạy hát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam rồi hát lại cho đến thuộc mới thôi, thậm chí ông còn sáng tạo ra những câu hát vu vơ, mặc dù chưa hề biết một nốt nhạc nào. Mặc dù trong gia đình không có ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng ông lại sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc và mơ ước sẽ trở thành nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp. Bởi với ông âm nhạc chính là “sợi dây kết nối” từ trái tim đến trái tim gần nhất, hữu hiệu nhất.

nhac-si-nguyen-dang-nuoc-2-1652795082.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước bên cây đàn   

Bước ngoặt cuộc đời

Là người khiêm tốn, cầu thị nên để có được bản nhạc hoàn chỉnh như hiện nay, nhạc sĩ Đăng Nước cũng đã nghe theo nhiều ý kiến của các văn nghệ sĩ đi trước. Ông bảo, ban đầu bài hát có tên là “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” nhưng sau đó nhà văn Lê Tri Kỷ đã góp ý để đổi tên bài hát thành “Chúng con bên giấc ngủ của Người”. Ông ngẫm ngợi thấy “canh” chỉ dành cho vua với lính, còn “bên” thì gần gũi hơn như cha với con và thế là ông đồng ý sửa. Và cũng nhờ sự tiếp thu ý kiến từ nhạc sĩ Văn Dung mà ông đã sửa “Bác đang trọn giấc mơ” thành “Bác chưa chọn giấc mơ” vì “giấc mơ” của Bác dành cho dân tộc còn rất mênh mông, lớn lao. Với giai điệu thành kính, cảm động và sâu lắng, ca từ chắt lọc kiệm lời, giản dị, bản phối khí của ca khúc này do chính nhạc sĩ Đăng Nước soạn thảo trên giấy hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bài hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người” đã được nhiều thế hệ các ca sĩ thể hiện, như ở lớp trước có Trần Khánh, Trần Thụ, Hữu Nội, Lê Dung, Thu Hiền…, lớp hiện nay có Trọng Tấn, Việt Hoàn, Viết Danh… Mỗi ca sĩ có cách thể hiện khác nhau nhưng tựu trung lại đều đã lột tả được tình cảm, sự yêu mến của toàn thể dân tộc Việt Nam với Bác Hồ kính yêu. Còn với riêng nhạc sĩ Đăng Nước thì trong những chấm thi ở hội diễn quần chúng trong hoặc ngoài ngành Công an hay đến một vùng đất nào đó, có những giọng hát nghiệp dư cũng đã làm ông rất xúc động. Bởi có thể về kỹ thuật thanh nhạc chưa thuần thục nhưng họ đã hát bằng cái tâm, sự chân thành và tình yêu vô bờ bến với Bác Hồ. Thậm chí ông còn được nghe các bạn trẻ thế hệ 9X, 10X tâm sự, bài hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người” đã được nhiều thế hệ trong gia đình bạn trẻ này yêu thích, ngưỡng mộ và mong muốn một lần được gặp tác giả ngoài đời.

Ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” cũng tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời ông. Từ một Trung sĩ quân đội, ông tuyển dụng vào công tác trong ngành Công an, là cán bộ Phòng Văn nghệ, Cục Công tác chính trị, Tổng cục 3, Bộ Công an từ năm 1978. Bởi thế trong tâm khảm ông đã phần nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và tâm hồn để sáng tác về lực lượng Công an nhân dân. Tính đến nay ông đã có hơn 50 ca khúc về lực lượng Công an nhân dân đã được đơn vị trong lực lượng dàn dựng, biểu diễn trong các hội diễn văn nghệ chuyên và không chuyên trong toàn ngành. Trong đó nổi bật nhất là ca khúc “Nguyện mãi xứng danh anh hùng” mà ông tâm nguyện “thời nào cũng có tội phạm, cũng cần phải đấu tranh, bởi thế các chiến sĩ Công an vẫn không có trận cuối cùng”.

 

Không dễ dãi trong sáng tác

Năm 2007, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã tuyển chọn giới thiệu 71 ca khúc nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Đăng Nước mang tựa đề “Chúng con bên giấc ngủ của Người”. Trong tập sách nhạc này, cố nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu Hoàng Lương viết: “Tác giả Nguyễn Đăng Nước - Tạm dịch nôm ra thì “Đăng” là đèn. Đèn mà thắp trên nước thì dễ tắt nhưng đèn trên nước không tắt được. Một cuộc đời đầy sóng gió, một số phận không thiếu phần hẩm hiu, đắng cay oan trái... Anh không những đã vượt lên trên tất cả, anh còn mang đến cho chúng ta những lời ca yêu Đảng, yêu dân, yêu đất nước, yêu Bác Hồ... Lời ca trong sáng, âm nhạc trong sáng... Tập sách “Chúng con bên giấc ngủ của Người” là những ca khúc viết bằng máu thịt mình và danh dự của âm nhạc chuyên nghiệp”.

Đúng vậy! Bên ngoài nhạc sĩ Đăng Nước thân thiện, cởi mở, dễ gần nhưng với sáng tác âm nhạc thì ông luôn khắt khe, “khó tính”, trong cách dùng từ hay dùng nốt nhạc, ông luôn đắn đo, trăn trở, “nâng lên đặt xuống” rất nhiều, kể cả những ca khúc được viết theo “đơn đặt hàng”. Ông cho rằng đó là cách “nâng” tầm nghệ thuật âm nhạc chân chính cũng như “nâng” đôi tai thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Là người học hành bài bản nhưng ông luôn dặn mình viết không quá bác học, sách vở mà luôn phải có yếu tố cảm xúc, có sự rung động của trái tim. Ông khẳng định, yếu tố cảm xúc chiếm 60-80% sự thành công của ca khúc. Bởi thế mà những ca khúc của ông, trong đó tiêu biểu là “Chúng con bên giấc ngủ của Người” gần nửa thế kỷ qua vẫn được công chúng trân trọng và coi đó là “phương tiện” để giãi bày tâm tư, tình cảm và lòng yêu mến với Bác Hồ kính yêu.

 

Bạn đang đọc bài viết "Gặp người nhạc sĩ “canh cho Bác ngủ”" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn