Nghề thủ công truyền thống
Đối với người Tày, nghề đan lát được xem như một nét văn hóa rất riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Người Tày Hà Giang chọn sử dụng các vật dụng bằng đan lát trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và chú trọng phát triển các sản phẩm để phục vụ du lịch. Với mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình, những nghệ nhân xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã tích cực khôi phục nghề đan lát.
Từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Tra, 60 tuổi, nghệ nhân đan lát thôn Nà Thài, xã Phương Tiến đã biết đến nghề đan lát qua người cha của mình. Trong một lần cùng cha đi vào rừng để tìm kiếm các vật dụng làm gùi, bà đã bị hấp dẫn bởi những câu chuyện xung quanh nghề đan lát mà cha kể lại. Do đó, bà đã kiên trì học hỏi từ cha mẹ và tự tay mình đan thành công một chiếc gùi vào năm 13 tuổi.
Sau khi lập gia đình riêng, hầu như tất cả các vật dụng trong gia đình như: chiếu cót, rổ, rá, nong, nia… đều do bà tranh thủ đan vào dịp nông nhàn. Các sản phẩm bà đan đều bền đẹp nên “tiếng lành đồn xa”, ban đầu là các gia đình trong xóm, rồi trong xã và các xã lân cận tìm đến bà để đặt làm sản phẩm đan lát. Cứ như vậy, nghề đan lát “ngấm vào máu” của bà lúc nào không hay.
Theo bà Tra, các sản phẩm đan lát của người Tày là những đồ dùng thường ngày, thể hiện óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo của người đan. Trong gia đình của người Tày đây không chỉ là việc của phụ nữ, đàn ông cũng có thể tạo ra những sản phẩm như: Nón, giỏ đựng đồ, nôi… rất tinh xảo. Do vậy, từ lúc biết cầm dao đi rẫy, đi rừng, thanh niên người Tày đã được truyền dạy cho cách đan những vật dụng trong gia đình.
Để tạo ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh và có tính thẩm mỹ cao đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian, từ 5 - 7 ngày mới đan xong một cái gùi; còn rổ, rá, nia thì khoảng thời gian 2 - 3 ngày, các sản phẩm tinh xảo hơn có khi mất cả tháng.
Muốn có một sản phẩm đan lát chất lượng. Khâu chọn nguyên liệu phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người đan phải vào rừng chặt nguyên liệu như giang, nứa, vầu… Họ phải tìm được cây thẳng, không bị sâu mọt, không già mà cũng không non, chặt thành từng khúc dài ngắn tùy theo kích cỡ to nhỏ của vật dụng, nhưng chủ yếu có chiều dài khoảng 80 cm - 1m...
Những khúc giang, nứa được chẻ thành nan mỏng, phơi sương cho ngả màu đẹp. Từng nan giang, tre, nứa qua đôi bàn tay của nghệ nhân dần dần thành hình chiếu cót với nhiều hoa văn đẹp mắt: hình ô vuông, bàn cờ, ô ngựa, hoa 6 cánh... và được căn chỉnh chuẩn xác, vuông vắn.
Việc tạo hoa văn trên các sản phẩm công đoạn khó và rất cần thiết thể hiện sự khéo léo, kinh nghiệm đã đan lâu năm của nghệ nhân. Thường thì hoa văn trên gùi được thực hiện theo các mô típ hình tam giác, hình vuông…, được tạo nên bởi cách cài màu kết hợp hài hòa với nhau.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh, thôn Sửu (Phương Tiến), chia sẻ: Không phải ngẫu nhiên mà người Tày gọi nghề đan lát là nghề “khéo tay, hay làm”. Bởi ngoài biết đan những đường cơ bản thì người đan phải có óc sáng tạo và khéo tay thì mới tạo ra những đường nét hoa văn tinh tế. Ngoài khéo tay thì người đan cần phải chịu khó, cần cù để luyện tay nghề để rút ngắn được thời gian tạo ra các sản phẩm.
Bảo tồn và phát huy nghề đan lát
Dù mang lại nhiều giá trị về vật chất lẫn tinh thần, song nghề đan lát của đồng bào Tày tại Phương Tiến đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thế hệ trẻ của đồng bào Tày nơi đây không quá mặn mà với nghề đan lát truyền thống.
Anh Cấn Văn Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến cho hay: Người Tày tại xã Phương Tiến là dân tộc chiếm số đông. Hiện trên địa bàn xã còn ít người biết và duy trì nghề đan lát. Đa số những người còn duy trì được nghề đan lát truyền thống là những nghệ nhân lớn tuổi. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát cần rất nhiều thời gian, công sức, do vậy giới trẻ không mặn mà với nghề vì thu nhập không cao. Những người trẻ bây giờ học xong không chịu áp dụng nên dần dần quên nghề, những người già biết đan lát như bà Tra cũng đang dần mất đi.
Để bảo tồn nghề truyền thống, xã Phương Tiến đã cho thành lập Hội Nghệ nhân dân gian, tập hợp các cá nhân tiêu biểu của cộng đồng. Tổng số hội viên của xã hiện có 155 hội viên trong đó lĩnh vực tín ngưỡng dân gian 41 hội viên; lĩnh vực văn hóa dân gian 62 hội viên; lĩnh vực nghề truyền thống 52 hội viên. Số hội viên phát triển trong giai đoạn 2016 – 2020 là 126 hội viên, tăng 230% so với thời kỳ đầu thành lập hội. Nhiều lớp học về đan lát truyền thống được mở ra, vì vậy công tác bảo tồn nghề đan của người Tày nơi đây đã có những bước phát triển mới.
Anh Cấn Văn Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến khẳng định: Trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Phương Tiến, xã xác định việc bảo tồn và phát triển nghề đan lát truyền thống, không chỉ góp phần phát triển du lịch, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của địa phương. Do đó, Hội Nghệ nhân dân gian thành lập nhằm quy tụ những nghệ nhân và những thợ lành nghề trong các thôn bản, hình thành nên sản phẩm đan lát truyền thống mang thương hiệu Phương Tiến. Trong hành trình đến với mảnh đất này, du khách sẽ được tận mắt trải nghiệm các nghệ nhân trình diễn các công đoạn của nghề đan lát truyền thống.