Ngày còn nhỏ, quê tôi rậm rạp rừng rú... Đêm đêm thường nghe tiếng hổ gầm. Những đêm vắng tiếng “hắn”, là chỉ mấy ngày sau thấy người ta nói “hắn” vừa bắt trâu ở Nà Khương. Đất đai Nà Khương tốt, chưa khai phá; dân thưa thớt, chỉ có dân tộc Dao sinh sống. Họ cần cù, tốt bụng; chủ yếu trồng lúa và cây Bông vải. Lúa thì một phần lúa nước, phần nhiều là lúa nương... Sản vật khá nổi tiếng của Nà Khương là vải bông tấm tự dệt, quả bông vải, giấy bản và cả vôi nữa... Họ đem những hàng này ra xã bán để mua muối ăn, dầu thắp và những vật dụng thiết yếu khác, đôi khi họ đổi lấy cả sắt vụn, lưỡi cày hỏng... Đó là những nguyên liệu cho nghề rèn nông cụ và súng hỏa mai... Đường xa, đèo dốc, đa phần là ngủ trọ dọc đường. Vải, bông chưa bán được họ gửi lại người quen, sau này họ gửi ở cửa hàng kinh tiêu xã bán giúp...
Cha tôi ngày ấy cùng nhiều người vào Nà Khương giao lưu, kết bạn thân và tăng gia. Cha tôi cùng chú rể nghĩ ra cách gỡ khó khăn có vẻ bền vững, đó là đem trâu nái vào gửi bạn chăn thả và chia nhau khi trâu sinh sôi (bây giờ người ta gọi là nuôi giẽ). Nhờ đó mà nhà tôi qua được nhiều phen thiếu thóc gạo “vàng mắt”. Thật vậy, Nà Khương đối với tôi như một ân nhân. Khi học lớp Bốn, nhiều bạn ở Nà Khương ra xã học, tôi lại có thêm bạn nam, bạn nữ tíu tít trong lớp học dưới gầm sàn nhà dân thời chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Một năm sau đó Nà Khương mở hệ phổ thông cấp hai, các bạn ấy về quê hương. Trước khi tạm biệt, chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào một ngày không xa... Cho đến tận bây giờ, chúng tôi chưa thực hiện được. Vậy là còn nợ nhau một lần gặp. Nà Khương như trách móc, vẫy gọi...
Nà Khương có phiên chợ vào ngày thứ Năm hàng tuần. Tôi rủ thằng cháu vào chơi, nó đồng ý. Hai bác cháu lên đường từ sáng sớm. Trên đường đi nó bảo ở trong đó có bán loại ốc ruộng ngon lắm. Từ nhà vào Nà Khương gần hai chục cây số, qua thôn Chì và thôn Bản Tát của xã Xuân Giang. Hồi học sinh, tôi đã một lần đến Bản Tát cùng lớp vào khiêng bàn ghế của đơn vị trại giam để học. Cả đi, cả về hết một ngày trời. Lúc đó đường dốc ngoằn ngoèo, quanh co, lội qua mấy khúc suối sâu, không có dân ở. Nay đã trở thành một thôn dân cư khá đông đúc, có cả quán bán hàng tạp hóa tổng hợp, to hơn cả cái kinh tiêu của xã ngày xưa. Đường bê tông, rải nhựa rộng rãi uốn lượn theo những cánh rừng trồng Keo, Chẩu, Bồ đề... vượt qua các con suối xưa kia rậm rạp, um tùm Nứa, Giang. Khău Thung đây rồi. Đó là địa điểm phân định ranh giới giữa Bản Lệch và Bản Tát. Dưới chân Khău Thung là thác nước ầm ầm tung bọt, từng đàn cá Dầm xanh, Chày đất, Mương... tung tăng quần tụ. Nay nó đã không còn như xưa... Bản Tát đã thành một thôn. Trước đây dân xã tôi chỉ vào làm nương, không định cư. Từ những năm Bảy mươi, đồng bào vùng cao khó khăn về đất canh tác đã được Nhà nước bố trí về định cư... Trước tiên là đồng bào dân tộc La Chí, sau này có thêm Nùng, Mông... Họ đến rồi đi, rồi đến. Giờ thì họ đã trở thành cư dân bản địa của vùng đất này cùng với người Tày Xuân Giang làm nên thôn Bản Tát xinh đẹp.
Vượt núi Khau Trà là đến đất Nà Khương - cha tôi hay kể về cái địa điểm này, nào là rừng lá Han rậm rạp, con vắt xanh bám vào người hút máu về đến nhà vẫn còn chảy; dắt trâu đi xước cả móng; rồi ngửi thấy mùi nước dải của “hắn” chua chua như mùi măng chua vậy... Đúng vậy. Một khu rừng chắn ngay trước mặt khi đến cuối thôn Bản Tát. Con đường phải qua nhiều dốc tức và nhiều khúc cua. Thằng cháu phải về số mấy lần mới bò lên được. Tôi có cảm giác mát lạnh khi lên cao dần. Con đường rải nhựa có chỗ bị bồi lấp đá và cát núi bởi trận mưa đêm. Nước chảy róc rách theo khe mương ta luy dương bị nước làm xói mòn có chỗ sâu hoắm. Mấy con cua núi giương đôi càng đỏ xoay theo hướng có tiếng động. Tôi mường tượng ngày xưa nơi này chắc nhiều gỗ lắm, giờ vẫn còn sót lại những cây Chò to đứng chênh vênh bên vực... Bất giác tôi như thấy cha tôi với đôi chân trần, gánh mấy cum lúa dò từng bước xuống núi... nước mắt tôi trào ra. Thằng cháu bảo: Đến đất Nà Khương rồi.
Rặng núi đá vôi Già Nàng sừng sững - một rừng cây nguyên sinh quý giá. Dưới chân núi là ba thôn: Bản Thau, Nà Béng, Nà Pẻng. Đồng ruộng, đồi cây khá bằng phẳng, con suối uốn lượn theo những vạt ruộng quanh co. Con suối này rêu đá vẫn còn mọc, nghĩa là vẫn chưa bị ô nhiễm nhiều. Vào những mùa rêu mọc, người dân nhặt bán tại chợ Xuân Giang. Trung tâm xã thuộc thôn Khản Nhờ... Một khu nhà xây hiện ra thật gọn gàng. Cái chợ được tổ chức ngay ngã tư đường. Hàng hóa thật phong phú theo cách riêng của Nà Khương... Cái quán ăn ngay cạnh chợ rất ngon. Một cụ ông cùng bốn đứa cháu ngồi ăn phở, ông cụ nói với các cháu gì đó trước khi ăn, ông bẻ thêm vào mỗi bát phở hình như là một miếng cơm và thịt gà... Hai bác cháu tôi ăn phở. Phở Nà Khương ngon không kém gì phở nơi thành thị. Có lẽ mải đi đường vừa đi vừa ngắm cảnh nên chợ đã muộn. Những món từ nhà ấn định mua thì không còn. Tôi ngồi nói chuyện, hỏi thăm với các chị ngồi chợ thì biết Nà Khương có thôn. Hỏi những người bạn cũ của tôi thì họ lắc đầu. Một lúc sau tôi mới định thần lại mình hỏi không đúng người rồi, vì những người đó là người La Chí, họ mới về định cư sau, không thể biết được. Tôi cảm ơn mọi người. Có một cô gái nhìn tôi hỏi dò: Bác là... Chưa kịp trả lời, thằng cháu nói: Ông trước làm nhà báo. Cô ta vẻ mặt mừng rỡ nói, bạn cháu cũng là nhà báo đấy, nó làm ở tỉnh, nhà nó gần nhà cháu ở thôn Vi. Vậy là nơi đây ngoài bè bạn xưa, tôi lại có người đồng nghiệp nữa. Mảnh đất với tôi từ trước là ân nhân, là bè bạn nay còn là quê hương của một nữ đồng nghiệp người dân tộc La Chí xinh đẹp...
Bác cháu tôi không mua được sản vật gì, nhưng với tôi đó là một trong những chuyến đi được nhiều thứ nhất... Ai về Nà Khương một lần sẽ gặp bao điều mới lạ và thân thương.