1. Họa sỹ Vi Quốc Hiệp gọi tôi đến quán café mé Đại học Công đoàn vào một sáng cuối tháng 10. Niệm tình vì nhiều nhẽ. Ông vẫn vậy, mái tóc dài, nghệ sỹ và tất bật. Ông mang tranh ra dự Triễn lãm Mỹ thuật toàn quốc 2023.
“Triển lãm mỹ thuật toàn quốc trước đây 5 năm tổ chức một lần, gần đây 3 năm một lần, em à, nhưng anh mới tham gia 5 lần. Triễn lãm lần này hình như có 5.000 tác phẩm các tác giả gửi đến, nhưng chỉ chọn được 300. Có tác phẩm được chọn là vinh dự lắm rồi”, ông nói rành rẽ, đủ đầy.
Dứt lời, ông mở smartphone cho tôi xem bức tranh “Thiên nhiên hoang dã”, khuôn khổ 90cmx1m, chất liệu Acrylic được chọn, giới thiệu. Tôi không hiểu lắm về mỹ thuật, nhưng ngắm một lúc cũng ngộ ra thông điệp từ rừng, muông thú...Mỹ thuật, nhất là siêu thực, ấn tượng...không khác gì thơ. Hiểu được “văn bản” là cả quá trình nhận thức.
Vi Quốc Hiệp là họa sỹ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1984. Phải ưu tiên gọi nghề “cầm cọ” của ông. Trước là vì thời gian ông đắm đuối với màu sắc, sau là thành tựu với hội họa.
Mê vẽ từ bé. Ước nguyện của ông được “đánh dấu” bằng việc tháng 9/1960, Vi Quốc Hiệp được tuyển vào Trường Mỹ thuật. “Khi đó anh mới 12 tuổi nên vào hệ sơ cấp. Thầy cô giáo là hai họa sỹ Đào Trọng Khang và Ý Nhi”, ông hồi ức. Cứ thế, qua sơ, trung, năm 1966 thì Vi Quốc Hiệp học khóa 10, hệ Đại học. “Do khóa học đặc biệt nên thời gian cũng rút ngắn, chỉ còn 5 năm. Năm 1971 thì anh ra trường”, ông chia sẻ.
Vác ba lô lên mà đi. Họa sỹ Vi Quốc Hiệp xung phong lên Hà Giang. Vi Quốc Hiệp như “hổ được thả về rừng”. Tâm hồn lãng mạn, bay bổng của ông được “tắm” trong “bức tranh” hùng vĩ của núi rừng, không khác gì được trở về cố thổ. Vi Quốc Hiệp là người Tày, gốc Lạng Sơn, hàng này mở mắt ra đã thấy núi, nghe được tiếng đàn Then. Cứ thế, ông chìm đắm vào màu sắc.
Và, bức họa thành công đầu tiên của Vi Quốc Hiệp chính là chân dung Nữ dân quân người Tày (1972). Cô gái người Tày rắn rỏi giàu giấu sức sống, khoác trên vai khẩu súng biểu tượng cho phẩm chất không chỉ của người phụ nữ dân tộc. Đó còn là hình ảnh trữ tình, lắng đọng nơi biên cương, luôn có những người con sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc thân yêu, bất kể trai, gái. Tác phẩm này là thành công đầu tiên, bắt đầu giới thiệu “chân dung” Vi Quốc Hiệp. Ông đi từ hiện thực lãng mạn đến siêu thực.
Tới năm 1975 khi Hà Giang, Tuyên Quang nhập tỉnh thành Hà Tuyên, Vi Quốc Hiệp chuyển về TP. Thái Nguyên, lúc đó thuộc tỉnh Bắc Thái. Ở đó 3 năm, năm 1978, họa sỹ Vi Quốc Hiệp tham gia vào đội ngũ văn nghệ sỹ do Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) điều động tăng cường cho các tỉnh Tây Nguyên.
Vi Quốc Hiệp và vợ cùng “quẩy tráp”, địu con vào Lâm Đồng. Ông công tác ở Phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa và Thông tin Lâm Đồng cho đến lúc nghỉ hưu. Ông kể rằng, ban đầu Bộ chủ quản tăng cường có nhiệm kỳ 3 năm, nhưng vì mê Lâm Viên quá, nên xin ở lại luôn. Đà Lạt mộng mơ, huyền ảo cũng chọn Vi Quốc Hiệp. Đó là một hành trình bươn chải trong khó khăn để nuôi đam mê. Vợ ông được tiếp nhận vào làm cán bộ Thư viện tỉnh Lâm Đồng (chức vụ khi nghỉ hưu của bà là Giám đốc Thư viện tỉnh).
“Hàng ngày anh mưu sinh bằng vẽ pano, quảng cáo, vẽ truyền thần ngoài chợ. Thậm chí anh còn đi viết nhạc cho cơ sở kiếm tiền. Ai thuê gì làm nấy. Có tiền lương thiện nuôi mình, nuôi vợ con là làm”, ông cười thánh thiện. Đêm đến, Vi Quốc Hiệp lại ký thác mình vào giá vẽ.
Cho đến nay, “gia tài” mỹ thuật của họa sỹ Vi Quốc Hiệp đã có hàng trăm bức tranh. Tư gia của vợ chồng ông ở Phường 9, TP. Đà Lạt thực sự là một Gallery, tranh treo, tranh xếp từ chân tường ngồn ngộn, mê hoặc. Tranh Vi Quốc Hiệp đủ loại chất liệu: Sơn dầu, Acrylic, Màu bột...
Đáng kể nhất là ông đã có 10 tác phẩm “có chỗ đứng” ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Việt Bắc, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...kể cả Bảo tàng ở Thái Lan. Đó là “giải thưởng lớn”, Vi Quốc Hiệp tự hào, dẫu ông đã từng được tặng 4 loại Huy chương vì sự nghiệp văn hóa của các tổ chức và được Đà Lạt vinh danh “Công dân ưu tú”, nhân kỷ niệm 120 năm thành phố.
Cho đến nay, họa sỹ Vi Quốc Hiệp đã mở 24 triển lãm cá nhân, trong đó ở Hà Nội 3 lần, TP. Hồ Chí Minh 3 lần. Ông còn có 2 lần tổ chức triển lãm cá nhân tại Thái Lan và Hàn Quốc. Hỏi ông, bán được không, bức cao tiền nhất là bao nhiêu; Vi Quốc Hiệp cười thánh thiện: “Bán chứ, không lấy tiền đâu chi phí? Tranh anh chưa siêu đâu, bức cao nhất mới được 5.000 đô la.”
2. Thực ra, Vi Quốc Hiệp liên tài. Ông là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng, “thành viên” của nhiều chi hội. Về thơ, họa sỹ Vi Quốc Hiệp đã in 9 tập (chưa kể việc có mặt trong bốn tuyển tập thơ khác). Tôi mới đọc tập thơ và trường ca mới nhất “Vạt nắng cuối trời”, NXB Thanh Niên, của ông.
Thơ ông là tiếng nói chân thành, dung dị, gần gũi. Về mặt này, tôi nhất trí như nhận xét của nhà thơ Trúc Linh Lan: “Câu chữ không nhiều, không ngôn từ bóng bẩy nhưng thơ Vi Quốc Hiệp là một chuỗi suy tư, trăn trở, đau đời, đau phận người”, (Trúc Linh Lan: Nổi sóng bức tranh đời với những gam màu ấm nóng).
Ở tuổi thất thập nhưng Vi Quốc Hiệp ngoài mải miết vẽ, còn mải miết làm thơ tình. Dường như trái tim ông luôn cựa quậy những khát khao tươi trẻ. Dẫu vậy, dù viết về tình yêu, thơ ông luôn chứa chất “thông điệp mở”.
...
Em có đến khi tàu anh cập bến
Mắt bão buồn trên cánh gió cô đơn
Hạnh phúc không đồng hành với ai kia vô cảm
Nhưng đâu dễ mỉm cười với người có trái tim
(Bão)
Về nhạc, nhạc sỹ Vi Quốc Hiệp đã có gia tài hơn 100 ca khúc. “Em cứ mở Youtube, gõ từ khóa nhạc sỹ Vi Quốc Hiệp sẽ thấy có hơn 40 ca khúc đã thu âm hoặc làm MV hẳn hoi trên nền tảng số”, ông xởi lởi.
Đoạn, ông mở tôi nghe ca khúc mới nhất “Đà Lạt sương tím”, (phổ thơ Trương Nam Hương) cho tôi nghe. “...Em cứ lẫn trong sương huyền ảo thế. Như vầng trăng non vừa lẫn trong chiều.... Được gặp em hồn anh như lạc mất”, giọng ca sỹ Minh Vỹ cất lên mềm mại, nhớ nhung. Nghe bài hát, tôi không thể không nhớ lại những chuyến du ngoạn núi Lang Biang, miên man giữa núi rừng Lâm Đồng.
Đặc biệt, trong “gia tài âm nhạc” của mình, ông tự hào về ca khúc Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn đã mang về cho chủ nhân 12 giải thưởng, ở các cuộc thi trong hơn mười năm qua. “Bài hát Đà Lạt thành phố bốn mùa hoa của nhạc sỹ Doãn Nguyên phổ thơ anh thì được phát liên tục trên đài phát thanh Lâm Đồng”, Vi Quốc Hiệp xởi lởi. Ông có nụ cười thánh thiện của cỏ cây, hoang sơ của nguyên sinh.
Và, Vi Quốc Hiệp hát tôi nghe. Ông khoe mình từng là Đội trưởng văn nghệ của Trường Mỹ thuật Việt Nam từ giữa những năm 60. Hát hay và chỉ huy dàn đồng ca, đều khá. “Người ta nói nếu anh không đi theo hội họa thì ắt hẳn sẽ là nhạc sĩ không thể khác được”, ông cười tít mắt.
3. Tháng 9 vừa rồi tôi được sát cánh cùng họa sỹ Vi Quốc Hiệp trong một hành trình dài “xuyên Việt” bằng ô tô. Tôi nể ông, quý ông ở đam mê. Đến đâu, thời gian dừng chân dù ít ỏi ông cũng vẽ.
Còn nhớ buổi trưa một ngày nắng xôn xao, bên bãi biển Bình An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Khi anh em trong đoàn tranh thủ nghỉ lưng thì ông vẽ. Phát hiện ra mẫu, được mẫu đồng ý, Vi Quốc Hiệp “tranh thủ” ngay. Nhìn ông vẽ, tôi cứ ước ao, giá chi mình cũng có năng khiếu và học vẽ từ bé?
Vi Quốc Hiệp là họa sỹ nổi tiếng, có “thứ bậc” trong “làng” mỹ thuật về ký họa chân dung bằng phấn màu. Ông kể, đó cũng là cái “duyên”. Một lần ra Hà Nội, ông gặp họa sỹ Nguyễn Chính, người rất giỏi phấn màu. “Trước đó anh chỉ vẽ chân dung bằng màu nước, bút chì, bút sắt. Ông Chính thấy anh mê và vẽ khá, ông cho luôn hộp phấn màu của Nhật”, ông kể.
Nhớ lại, lần Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang, ông đến Nhà sáng tác Đà Lạt, vẽ tặng cho tất cả an hem, chị em nhà văn, quên cả giờ ăn, dù thành phố lên đèn.
“Em cứ ngồi lặng lẽ / Hồ thu nước trong veo / Đôi mắt lành như lá / Mà nghiêng cả nắng chiều”, (Chân dung, thơ Vi Quốc Hiệp). Lúc ngồi bên giá vẽ, Vi Quốc Hiệp được đắm mình cả và thơ ca, âm nhạc, với tất cả thánh thiện./.
Hà Nội, 18/11/2023
NĐH