Dọc theo quốc lộ 5A, đoạn qua phường Bần Yên Nhân (Mỹ Hào - Hưng Yên), tương Bần (có tên chính hiệu là tương Cự Lẫm) được bày bán dọc hai bên đường - đặc sản ẩm thực độc đáo của vùng đất này. Tương Bần không chỉ là một món ăn truyền thống mà còn là niềm tự hào của người Hưng Yên. Trải qua thời kỳ vàng son, xưa kia là món đặc sản tiến vua, nay đã trở thành loại nước chấm nổi tiếng, được ưa chuộng từ Nam ra Bắc.
Lịch sử tương Bần
Theo một số tài liệu ghi chép, từ khoảng thế kỷ XII - XIII, tương Bần đã được làm ra và khá phổ biến với một số bộ phận người dân. Đến đầu thế kỷ XX, tương bần trở nên nổi tiếng và được mua bán, trao đổi rộng rãi. Cùng với nhãn lồng, gà Đông Tảo,... thì tương Bần cũng là một trong những đặc sản tiến vua. Vào năm 1935 – 1940, người đầu tiên đóng tương Bần thành chai để bán trên trục đường 5A là cụ Thân Thị Lựu. Thời đó, cụ Lựu được biết đến là người đảm đang, khéo tay và có biệt tài làm tương rất ngon. Lợi thế nhà mặt đường lớn, người qua lại đông đúc, nên cụ bày tương ra bán thử. Không ngờ, khách hàng gần xa truyền tai nhau, tấp nập đến mua về ăn hoặc làm quà biếu. Nhận thấy tiềm năng phát triển, cụ đã nhân rộng quy mô sản xuất và lấy tên hiệu cho tương của mình là Cự Lẫm, đây cũng là chính hiệu đầu tiên của tương làng Bần.
Trải qua hàng trăm năm, ngày nay, tương Bần vẫn giữ được vị ngọt thơm của đỗ tương và gạo nếp. Nguyên liệu dễ kiếm, nhưng quá trình làm tương lại đòi hỏi sự công phu và tay nghề cao. Tương Bần không chỉ là một món ăn, mà còn là truyền thống, niềm tự hào được truyền từ đời này qua đời khác.
Khái quát công đoạn làm tương Bần
Với ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương, người làng Bần tận dụng những nguyên liệu tự nhiên như gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối để tạo ra hương vị thơm ngon đặc trưng. Thời tiết cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình làm tương. Để làm ra mỗi mẻ tương, phải mất từ một đến hai tháng.
Đặc điểm nổi bật của tương Bần
Tương Bần không chỉ đặc biệt với thành phần tự nhiên mà còn thu hút người thưởng thức bởi màu vàng như mật vô cùng quện mắt, thơm ngon, ngọt bùi và ngậy. Nếu dùng làm nước chấm, có thể tùy chỉnh khẩu vị theo sở thích gia đình, từ mặn, nhạt đến cay, ngọt. Nhiều người cho rằng, Tương bần có hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được, điều này đến từ bí quyết gia truyền của làng nghề.
Món ngon từ tương Bần
Tương Bần, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều món ăn ngon như: rau muống luộc, cà muối, bánh đúc, bánh tẻ, thịt lợn luộc, thịt vịt,… tất cả trở nên phong phú hơn khi kết hợp với hương vị đặc trưng của tương Bần. Ngoài ra, tương Bần còn được sử dụng trong các món kho xào như: cá măng kho tương, thịt bò om tương, tương rim đậu...
Tương Bần trong thời đại 4.0
Hiện nay, ngoài cách bán hàng truyền thống, tương Bần còn được bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như: Shopee: Lazada, Facebook; Tiktok Shop;… đây được xem là hình thức quảng bá đặc sản tương Bần một cách sâu rộng, đa dạng hình thức bán hàng, gia tăng thu nhập. Đồng thời, giúp người dân làng nghề thêm vững tin, trân trọng, bảo tồn và phát triển nghề hơn nữa. Hiện tại, trên thị trường, tương Bần có giá bán giao động khoảng từ 25.000đ - 60.000đ/1 lít, tuỳ từng loại.
Dù thời đại phát triển, tương Bần vẫn giữ được vị ngon truyền thống, một phần không thể thiếu của ẩm thực Việt Nam. Được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, cách chế biến truyền thống, tương Bần là sự kết hợp hoàn hảo giữa quá khứ và hiện đại, là niềm tự hào của người Việt trên mọi miền đất nước.
(Ảnh Internet)