Nhân Ngày Quốc tế Người Cao tuổi (1/10): Chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi

Vũ Xuân Bân

01/10/2021 10:49

Theo dõi trên

 Hôm nay ( 1/10) là Ngày Quốc tế Người cao tuổi và "Tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam". Xin chúc mừng Ngày Quốc tế Người cao tuổi và “Tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam".

 Cả nước đã có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi và Tháng Hành động vì người cao tuổi. Các cuộc vận động hiện nay của người cao tuổi rất thiết thực, hiệu quả.

chu-tich-nuoc-nguyen-xua-1633059500.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng người cao tuổi Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991- 01/10/2021). Ảnh: TTXVN

 

Bác Hồ từng lưu ý: "Tuổi cao, ý chí càng cao", "Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu người cao tuổi tiêu biểu nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi (1-10) và Tháng hành động vì Người cao tuổi vào sáng 28/9/2021, nhấn mạnh: Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là trụ cột của gia đình và xã hội Việt Nam. Trong những năm qua, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung ấm áp, chia sẻ niềm vui trong cuộc sống và dần khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của tổ chức hội nòng cốt cho người cao tuổi cả nước, được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Thực tiễn đã minh chứng, Đảng và Nhà nước ta không chỉ quan tâm đến sức khỏe, đến đời sống vật chất, tinh thần người cao tuổi mà còn chú trọng phát huy vai trò của người cao tuổi để người cao tuổi tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm xây dựng quê hương, đất nước.

nguoi-cao-tuoi2-1633059730.jpg
Người cao tuổi được chăm sóc, phục hồi chức năng cả về sức khỏe và tinh thần. Ảnh: TTXVN

 

Hội Người cao tuổi có tiền thân là Hội Phụ lão Cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, thành lập. Hội có vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử giữ nước và dựng nước. Trong sự nghiệp đổi mới, người cao tuổi ở mọi miền tổ quốc đã dành mọi tâm huyết, trí tuệ, kinh nghiệm của mình, giữ vai trò không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm và dành nhiều nguồn lực chăm sóc cho người cao tuổi, để người cao tuổi được tôn vinh; đồng thời phát huy uy tín, kinh nghiệm trí tuệ cho người cao tuổi vì công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Từ Hiến pháp đến Luật Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn ngày càng được hoàn thiện để phục vụ công tác chăm sóc và phát huy người cao tuổi. Chính phủ có chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và tháng 10 hàng năm đã trở thành tháng hành động về người cao tuổi.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 11,4 triệu người cao tuổi. Trong đó, khoảng 9,7 triệu người tham gia Hội; 656 nghìn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể; hơn 6,5 triệu người trực tiếp tham gia lao động sản xuất… Hội người cao tuổi đã luôn phối hợp tốt với các cơ quan nhà nước, các tổ chức tham gia xây dựng pháp luật, chế độ, nhất là vấn đề liên quan đến chăm sóc, quyền và lợi ích cũng như phát huy vai trò của người cao tuổi và động viên toàn xã hội thực hiện đúng theo đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Các phong trào như “Xóa nhà dột nát cho người cao tuổi”, “1 triệu tấm áo ấm tặng cho người cao tuổi nghèo”, "Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh", "Người cao tuổi tham gia xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở"; “Mắt sáng cho người cao tuổi”… đã kết nối vòng tay nhân ái, chia sẻ, giúp đỡ hàng trăm ngàn người cao tuổi trong cả nước. Các phong trào này đã thúc đẩy người cao tuổi tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền góp phần ổn định chính trị và là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Trong gần 2 năm qua, đặc biệt ở đợt dịch lần thứ tư kéo dài hơn 4 tháng nay, các thế hệ người cao tuổi ở các địa phương, từ khu phố đến xã, phường, đều hăng hái tham gia đóng góp vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 thiết thực. "Hình ảnh những cựu chiến binh 70-80 tuổi, những cán bộ lão thành đã về hưu cần mẫn làm nhiệm vụ ở đầu ngõ, đầu hẻm, canh gác người lạ mặt ra, vào; ân cần nhắc nhở, lưu ý, quan tâm người dân, thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" góp phần kiểm soát tình hình dịch bệnh. Nhiều cụ tích cực tham gia quyên góp từ những mớ rau, ổ trứng để ủng hộ cho những nơi khó khăn do dịch bệnh gây ra tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Tấm lòng đóng góp thảo thơm của các cụ đã phát huy truyền thống dân tộc "bầu ơi thương lấy bí cùng", chia sẻ lẫn nhau trong những lúc khó khăn. Đó là những việc làm rất đáng trân trọng.

ngcao-tuoi3-1633059896.jpg
Các thành viên CLB liên thế hệ tự giúp nhau Chi hội 1, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng tham gia hoạt động thể dục thể thao. Ảnh: kinhtedothi.vn.

 

Nhiều tỉnh triển khai thực hiện tốt các mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, mô hình chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng như các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Hà Giang và Bến Tre...

Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038 nước ta có 20% dân số là người cao tuổi (khoảng 20 triệu người). Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác người cao tuổi còn một số khó khăn tồn tại. Việc triển khai các hoạt động của một số Bộ, ngành, địa phương đối với công tác người cao tuổi vẫn còn hạn chế, chưa chủ động lồng ghép các hoạt động của ngành với công tác người cao tuổi. Đặc biệt là sự phối hợp của các thành viên Ban công tác người cao tuổi ở địa phương còn chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ; một số tỉnh chưa kiện toàn Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh, chưa có quy chế hoạt động và thành lập Ban công tác người cao tuổi cấp huyện theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2014/TT-BNV ngày 19/9/2014 của Bộ Nội vụ.

Một số nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện chính sách pháp luật đối với người cao tuổi; thiếu quan tâm, chỉ đạo, chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động cụ thể. Công tác tuyên truyền còn hạn chế chưa kịp thời, thường xuyên, chưa nhận thức đầy đủ về xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam và tác động của vấn đề này đối với xã hội.

Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí và triển khai thực hiện khám chữa bệnh định kỳ cho người cao tuổi; chưa chỉ đạo, triển khai thực hiện giảm giá vé thăm quan, di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tại các cơ sở do tư nhân đầu tư quản lý theo quy định; phòng đại lý bán vé của các hãng hàng không có nơi chưa thực hiện giảm giá vé máy bay cho người cao tuổi theo quy định tại Thông tư số 71/2011/TT-BGTVT.

Phần đông số người cao tuổi ở nông thôn chưa có chế độ bảo trợ xã hội hoặc trợ cấp khác ở nhà sinh sống phụ thuộc con cháu. Mức sống của người cao tuổi nhìn chung còn thấp, nhiều người còn phải lao động kiếm sống; một số người cao tuổi đang sống trong nhà tạm; đặc biệt ở các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số người cao tuổi có tuổi thọ thấp, số lượng người được hưởng chính sách trợ cấp xã hội còn ít, rất cần sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Việc xã hội hóa hoạt động chăm sóc người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như: hỗ trợ miễn giảm thuế, ưu tiên cho thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ.

Năm 2021, kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam, là năm dự kiến tổ chức Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam. Giai đoạn 2021-2026, Hội sẽ triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phù hợp với nhiệm vụ của Hội trong giai đoạn tới, nhất là xây dựng Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam 2021-2030. Phương hướng chung là "Đoàn kết, sáng tạo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Cùng với việc xác định một số tiêu chí cơ bản, Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai phương hướng đã đề ra với 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 chương trình công tác lớn; thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao: Nâng cao hiệu quả "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam", nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau…

Trước mắt,  Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi, nhất là các cụ hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, ở vùng sâu, vùng xa, để không có người cao tuổi nào chịu thiệt thòi, bị "thiếu cơm, lạt muối, đứt bữa". Hội Người cao tuổi từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của người cao tuổi trong xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu, "kính già, yêu trẻ", "tôn sư trọng đạo". Trong mỗi gia đình, dòng tộc, xóm làng, người già có vai trò "rường cột", là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo học tập.

VXB

Bạn đang đọc bài viết "Nhân Ngày Quốc tế Người Cao tuổi (1/10): Chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn