Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Buổi trần ai của Minh

Phạm Việt Long

07/08/2021 11:24

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương hai

ĐẢO ĐIÊN TRONG VÒNG XOÁY

 

 

Buổi trần ai của Minh

 

Tham gia Liên doanh, Đản có cả một thời hoàng kim. Cũng tham gia Liên doanh. Minh lại gặp buổi trần ai. Bao phiền toái, khốn khổ khốn nạn cái thân. Phải là người đầy sức mạnh, phải có thần kinh thép, Minh mới có thể vượt qua được chặng đường địa ngục này. Nhờ trời, Minh có một sức vóc hơn người và một tính cách mạnh mẽ. Thân hình cao to, rắn rỏi. Khuôn mặt đầy đặn, cương nghị. Giọng nói sang sảng, phóng khoáng. Phong cách thoải mái, tự tin. Tính khí phổi bò, ăn to nói lớn, cười vang. Một con người giầu lòng thương người, đầy tinh thần trách nhiệm, chỉ phải cái hay nói, thiếu một sự kín đáo, chín chắn cần thiết của một người lãnh đạo. Cách ứng xử của Minh là cách ứng xử làng xóm trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường.Tính cách mạnh mẽ, luôn luôn tin ở sự chiến thắng của cái thiện mà Minh có được trong quá trình vượt bao khó khăn, gian khổ thời bao cấp nhờ sự đùm bọc của gia đình, đồng chí, chính là nguồn sức mạnh vô biên giúp chị vươn lên chiến thắng cái ác của thời kinh tế thị trường.

Minh băn khoăn mãi một câu hỏi là tại sao Liên doanh mở ra ngày nào, lỗ ngày ấy. Hồi còn ở Bộ, Minh đã thấy mấy lần vấn đề Liên doanh được nêu trong các cuộc họp giao ban, nhưng lại có thông tin rằng ta không có quyền kiểm tra, bởi vì Liên doanh đã được kiểm toán quốc tế xem xét. Tham gia Liên doanh, Minh mới có điều kiện tìm hiểu sâu vào cơ chế hoạt động của nó. Bất hợp lý nhiều quá. Sơ hở nhiều quá. Tại sao Tổng Giám đốc được quyền chi tới hai trăm ngàn đô la Mỹ không phải báo cáo. Vì thời kỳ đầu đang trong quá trình xây dựng cơ bản, chi nhiều, chi to, Tổng Giám đốc cần phải có quyền quyết định. Đành rầng cần phải có quy định như vậy, nhưng khi xây dựng xong, chuyển qua giai đoạn kinh doanh, phải quy định lại chứ. Lại nữa, tại sao người lao động cho tới nay vẫn chỉ đứng ở mức lương từ khi vào làm việc. Mà tại sao họ chỉ được ký hợp đồng lao động từng năm một? Hàng loạt câu hỏi được Minh đưa ra trao đổi với Đản. Đáp lại, là sự thờ ơ. Bởi vì nó thế. Điên tiết, Minh quát tháo ầm ĩ. Sao mà vô trách nhiệm thế. Mình tham gia Liên doanh là để kiểm tra, là cùng quản lý, chứ không phải là để làm bù nhìn. Mặt Đản sạm lại. Cái miệng chúm của gã càng chúm hơn. Cái lưỡi nhọn thò thụt nhanh như lưỡi rắn càng tăng nhịp độ thò thụt. Đôi mắt hơi mờ sương, hậu quả của quá trình ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng, lúc này cũng cố long lên, hắt ra những tia sáng yếu ớt. Gã là con người sống kín như bưng và ưa hành động. Ít nói. Chỉ nghĩ thầm trong bụng. Mưu toan trong bụng. Rồi hành động. Hành động quyết liệt. Táng tận lương tâm. Không lùi bước. Như cái chuyện tìm trinh nữ cho Đại Sư phụ Hoàng Phu, gã dâng em gái vợ cho lão già trác táng này không một phút đắn đo, không một thoáng chần chừ, không một giây nghĩ lại. Người chất bao cấp như Minh mà gặp loại người chất thị trường như Đản, thì gọi là gặp đối thủ không cân sức, làm bị bông cho người ta thụi, hay gọi là võ sĩ mồi, giơ mặt cho người ta đấm nốc ao. Cáu sườn như vậy. Gắt toáng lên như vậy. Nhưng làm thế nào để dẫn dắt Khách sạn thoát khỏi con đường thua lỗ thì Minh chưa nghĩ ra. Mới qua vài tháng trời làm lãnh đạo nơi này, Minh chưa thể hiểu sâu vào bản chất của Đản để có cách ứng phó. Đối tác thì cứ ở lỳ bên Đài Loan, có sang bàn bạc gì đâu. Tất cả phó mặc cho Tổng Giám đốc Cheng An và Phó Tổng Giám đốc Lê Đản. Mãi gần đây mới thay Cheng bằng Tổng Giám đốc Chin Thục Phương, vợ của Chủ tịch Tập đoàn. Rồi, đùng một cái, xảy ra vụ mại dâm bị bắt quả tang tại Khách sạn. Nháo nhào cả lên. Riêng Đản, trở thành người hùng chống tệ nạn, vênh vang, hợm hĩnh. Không phải chỉ có thế. Nghĩ rằng mình đã là kẻ mạnh, đang ở thế thượng phong, Đản mở ra hẳn một chiến dịch tấn công Minh với cái đích là chị này phải vào tù, hoặc ít ra là mất chức.

Thực ra, chỉ qua mấy tháng trời, Minh đã có một số việc làm khá hữu hiệu nhằm đổi mới quản lý liên doanh. Minh đã một thân một mình sang Đài Loan bàn bạc với đối tác để tăng cường quản lý Khách sạn Bạch Liên. Thực sự, đây là một cuộc đấu tranh. Minh rất nhớ lời anh Trực căn dặn: làm kinh tế, liên doanh với nước ngoài cũng là làm công tác hợp tác quốc tế, luôn luôn phải ghi nhớ phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh, đấu tranh cũng là để hợp tác, hợp tác trong đấu tranh. Nếu không đấu tranh, đối tác có thể lấn tới, làm tổn hại lợi ích quốc gia. Nhưng đấu tranh thô bạo, thì sẽ mất hợp tác, làm tổn hại đến môi trường đầu tư của đất nước. Minh cảm thấy rằng Đản đã hành động trái ngược với phương châm này. Cái gì có lợi cho gã, thì gã ngậm miệng ăn tiền. Cái gì động chạm đến quyền lợi của gã, thì gã nhảy nhổm lên, mạt sát cả Tổng Giám đốc, cả Chủ tịch người nước ngoài. Khuyên bảo, thì Đản không nghe, lại còn xấc xược chị biết gì mà nói. Chính trong chuyến công tác đầu tiên tới Đài Loan ấy, Minh đã biết thêm rất nhiều thông tin. Đối tác không đến nỗi keo bẩn và rắn mặt như Đản nói. Đề xuất việc giảm mức chi không phải xin phép của Tổng Giám đốc từ hai trăm ngàn đô la Mỹ xuống mười ngàn đô la nếu Tổng Giám đốc là thành viên Ban Lãnh đạo, và sáu trăm đô la nếu là Tổng Giám đốc thuê, trên mức ấy, chi tiêu gì, Tổng Giám đốc phải được sự đồng ý của cả hai phía Việt Nam và Đài Loan, thì đối tác ô kê liền, ghi ngay vào Nghị quyết Ban Lãnh đạo. Riêng chuyện yêu cầu tăng lương và ký hợp đồng lao động đúng pháp luật cho toàn thể nhân viên Khách sạn có gặp đôi chút trở ngại. Cũng là do lo lắng đến hiệu quả kinh doanh mà thôi. Nguyên tắc cần tuân thủ trong hoạt động kinh tế, là mức hưởng thụ của người lao động phải tương xứng với hiệu quả kinh doanh. Kinh doanh lỗ, làm sao tăng lương. Công việc giảm, làm sao tăng người. Công việc không ổn định, làm sao hợp đồng lao động ổn định. Bàn cãi sôi nổi, căng thẳng hai ngày liền. Họp suốt từ sáng sớm tới nửa đêm. Ăn ngay trên bàn Hội nghị. Phải tìm cách thuyết phục các vị này. Phải chỉ ra viễn cảnh tươi đẹp của nền kinh tế nước ta nói chung và triển vọng sáng sủa của Liên doanh nói riêng. Phải kiên định lập trường. Anh Trực đã dặn, lần đi này phải đạt được hai mục tiêu quan trọng là giải quyết thoả đáng chế độ cho người lao động, và tăng cường quản lý tài chính Liên doanh.

Có những lúc Minh cảm thấy cô đơn đến lạnh mình. Chỉ có Minh và cô phiên dịch ở tại Khách sạn trên vùng đảo xa xôi này. Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của các anh lãnh đạo từ nhà, sang đây phải tự vận dụng mọi biện pháp mà thực hiện. Không xin ý kiến ai được. Không trao đổi, tâm sự được với ai. Một khách sạn có cái hành lang tối mờ mờ, dài hun hút, càng làm cho Minh cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Lúc nghỉ họp, Minh cũng không chợp được mắt. Minh nhớ da diết thời bao cấp ấm áp tình người. Hồi chiến tranh, Minh yêu Giáp, một chiến sĩ rađa. Thân hình cô bé Minh lúc ấy mảnh mai, nhẹ nhõm chứ không đồ sộ như bây giờ. Mảnh mai vậy, nhưng cô cũng lặn lội vào tới sát Giới tuyến 17 thăm Giáp. Đồng đội của Giáp là những chàng trai vui tính, chu đáo. Họ dựng ngay cho Minh một căn lều trong rừng cách không xa trận địa lắm. Hôm Giáp và Minh đang tâm sự trong lều thì lũ máy bay Mỹ tấn công trận địa rađa. Ba chiếc F.105 bay thấp bất ngờ ào đến trút bom, tạo nên những cột khói bụi và quầng lửa dữ dội. Giáp và Minh vội vã băng về trận địa. Minh ôm ngực nghẹn ngào nhìn đồng đội của chồng hy sinh, bị thương... Cái ngày mồng ba tháng tư ấy đã trở thành ngày giỗ chung của đồng đội Giáp. Khi đất nước hoà bình thống nhất, những đồng chí cùng tiểu đội với Giáp còn sống đều tụ tập về nhà Minh thắp nén nhang cho đồng đội và uống với nhau chén rượu chúc nhau bình an. Minh nấu ăn rất khéo. Cứ vào cái ngày ấy, chị lại trổ tài nấu nướng, lại bê bê dọn dọn, chăm bẵm đồng đội của chồng với tình yêu thương vô bờ bến. Tiểu đội mười hai người của anh, bây giờ hội tụ được sáu, mà cũng không toàn vẹn, hai người thiếu chân, một người thiếu tay, một người thiếu mắt. Các anh ơi, các anh cứ vui với nhau đi, em phục vụ, em sung sướng được phục vụ các anh. Cứ ở lại nhà em mà chơi, mấy ngày cũng được, nhà em rộng rãi, có xe máy để các anh đi. Minh lại nghĩ tới cái hồi khó khăn bảy tám bảy chín. Đất nước lại lâm vào chiến tranh. Lương thực thực phẩm đều thiếu thốn. Phải ăn bo bo thay gạo. Bìa đậu, con cá cũng phải mua theo tem phiếu. Hôm nào mua được cân cá đồng tiền tự do, không phải trả tem phiếu, là sướng lắm (giống cá bé tí tì ti, chỉ nhỉnh hơn đồng xu, xương cứng, thịt ít vốn chỉ để nghiền làm thức ăn cho gia súc). Hồi ấy, với bản tính hay lam hay làm, chịu khó chịu khổ của một cô gái nông thôn ra thành thị, Minh không quản ngại lao động thêm để cải thiện cho gia đình. Chị cũng nuôi lợn như nhiều gia đình cán bộ công nhân viên khác. May có khoảng đất trống trước nhà, giáp với Đội Xe cơ quan, Minh làm một cái chuồng lợn con con, nuôi một lúc hai chú lợn bột. Được cái Minh mát tay, nuôi lứa nào lứa ấy lớn nhanh như thổi. Chỉ phải cái vất vả về chuyện thức ăn cho lợn. Thời ấy, người còn thiếu thức ăn, nói chi gia súc, làm gì có những loại thức ăn đóng bao sẵn như loại thức ăn hiệu Con cò như bây giờ. Chị đặt thùng lấy cơm thừa canh cặn gọi là nước gạo ở mấy bếp tập thể, cứ chiều về là lại đạp xe đi đổ dồn vào đôi thùng buộc hai bên bóp ba ga chiếc xe Phượng Hoàng chinh chiến. Có hôm xô phải bác xích lô, mất thăng bằng, Minh loạng choạng khiến cho cả hai thùng nước gạo bung ra, lăn xuống đường. Cơm thừa canh cặn, cấn cá lá rau chứa trong hai cái thùng làm bằng lốp ô tô xả ra ấy tung toé cả một đoạn đường, bốc mùi chua lợm. Mồ hôi mồ kê ướt đầm cộng với nước gạo bắn lên dây vào khiến bộ quần áo Minh chuyển mầu, toả ra mùi thum thủm. Những lúc ấy cực lắm, tủi thân lắm, nhưng không thấy căng thẳng như lúc này. Hồi ấy, thiếu thốn thế cho nên cái gì cũng phân phối. Xà phòng, thuốc đánh răng cũng phân phối. Có những mặt hàng được cung cấp thêm, mọi người phải bốc thăm để cho việc phân phối được công bằng. Thế mà nhiều người lại nhường nhau chút hàng mua được ở căng tin. Bao thuốc, cân đường, cái bát cũng nhường nhau. Minh nhớ hồi cưới mình, anh chị em hai bên cơ quan dồn hết tiêu chuẩn thuốc lá cả hai tháng cho mình. Nghĩ mà chảy nước mắt. Chẳng mấy ai tranh giành, mặc dù ai cũng thiếu thốn. Khó khăn về chỗ ở, về điện, nước là tình trạng chung. Khốn khổ nhất là nước. Cả khu tập thể dùng chung một vòi nước công cộng, nước chảy nhỏ giọt. Nhiều đêm, hai vợ chồng phải thay nhau trực bên vòi nước, mất mấy tiếng đồng hồ mới hứng được một xô. Nỗi sợ khan hiếm nước ám ảnh dai dẳng đến nỗi sau này có nhà cửa đàng hoàng, nước máy dồi dào rồi mà Minh vẫn có thói quen tích trữ nước vào xô, vào chậu. Còn nhà ở lúc đó, gia đình Minh chỉ được phân phối căn buồng cấp bốn rộng chín mét vuông ở khu tập thể Mai Hương. May nhờ hai chú thợ nề Ngà,Vinh nhặt nhạnh gạch vỡ, gạch rơi vãi ở công trường quây tiếp cái hè ba mét làm thành cái bếp, thành ra nhà rộng mười hai mét vuông. Nghĩ mà thương thằng Bạch. Hồi ấy cứ đi làm là Minh nhốt cu cậu trong nhà. Nhốt ở phần bếp có mái vẩy thấp lè tè. Mùa hè, ở trong nhà cũng nóng như ngoài trời cho nên thằng Bạch thường bị cảm nắng. Rồi nó bị viêm màng não... Nghĩ tới đây, Minh bật khóc, không kiềm chế được, người rung lên bần bật, nước mắt rơi lã chã.

Hôm sau, Minh lại một mình một diễn đàn thảo luận với đối tác.

  • Người lao động phải được ký hợp đồng lao động đúng pháp luật.
  • Đồng ý thôi, nhưng trước hết, phải sa thải năm mươi trong số một trăm rưởi lao động đang có mặt tại Liên doanh.
  • Tình hình đang khó khăn, cần động viên toàn thể lao động, nếu sa thải nhiều người thế, sẽ gây nên sự hỗn loạn, hậu quả khôn lường.
  • Vậy thì chấm dứt hết hợp đồng, ký lại từ đầu.
  • Nhưng không được sa thải ai, chấm dứt hợp đồng rồi ký lại ngay.
  • Cũng được.
  • Cần tăng lương đồng loạt cho tất cả cán bộ nhân viên Liên doanh.
  • Tăng lương đại đa số thôi, đó là những người có mức lương thấp. Người có mức lương cao sẽ bị giảm xuống.

Đó là nội dung được bàn qua bàn lại bao nhiêu lần giữa Minh và đối tác. Biết rằng mình ở thế yếu với số vốn mười lăm phần trăm, đối tác chấp nhận những yêu cầu như thế là rất đạt yêu cầu, Minh đặt bút ký thoả thuận với đối tác. Vốn chí công vô tư, chị chỉ nghĩ đến quyền lợi của một trăm năm mươi người lao động Việt Nam tại Liên doanh sắp được nâng lên, chỗ làm bảo đảm hơn mà mừng, chứ không thấy một hiểm hoạ tiềm ẩn trong các điều khoản đó, hiểm hoạ dẫn chị đến vụ vu cáo chính trị kinh khủng mà cuộc đời chị chưa từng biết đến. Còn một việc khiến chị bắt đầu cảnh giác với Đản: qua đây họp, chị mới biết ngoài khoản lương Phó Chủ tịch Liên doanh bốn trăm đô la, chị còn một khoản trợ cấp lương Uỷ viên Ban Lãnh đạo sáu trăm đô la. Chị vẫn uỷ nhiệm cho Đản nhận thay mình các khoản thu nhập tại Khách sạn và hàng tháng gã vẫn giao cho chị bốn trăm đô la. Thế là gã này đã ăn chặn của chị sáu trăm đô la mỗi tháng rồi.

Đêm trước khi lên đường về nước, Minh đi ngủ sớm. Nhưng chị lại trằn trọc không chợp mắt được. Chuyện phát hiện Đản ăn chặn tiền, chị không thể nào tin. Khi buộc phải tin rồi thì chị ghê tởm quá. Bây giờ, con người có thể sống với nhau lọc lừa như vậy sao? Ngày xưa có bao giờ xảy ra chuyện đó đâu. Ngày xưa và ngày nay, cũng trên đất nước này, mà sao cuộc sống khác thế. Những mối đe doạ đối với cuộc sống con người, với gia đình, đã khác nhau quá xa. Minh cảm thấy những mối đe doạ đối với gia đình, với con người trong cuộc sống hôm nay còn đáng sợ, nguy hiểm hơn thời chiến tranh. Thời chiến tranh, mối đe doạ với sinh mệnh con người hiển hiện thành thằng địch với bom mìn, súng đạn. Cuộc sống được chia thành hai chiến tuyến rõ ràng. Phía bên này là ta. Phía bên kia là địch. Cứ là ta thì thương yêu, đùm bọc nhau. Cứ là địch thì chiến đấu tiêu diệt. Rõ ràng, phân minh và đơn giản. Ngày xưa, mối quan hệ gia đình sao mà bền chặt thế. Cha mẹ con cái vợ chồng có thể mỗi người mỗi nơi, kẻ chiến tuyến người hậu phương, nhưng vẫn có mối liên hệ keo sơn với nhau và họ cảm thấy luôn luôn gần nhau, luôn luôn là nguồn động lực của nhau giúp nhau vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh. Hồi ấy, Minh có chị bạn thà chịu khổ còn hơn làm cho chồng mất lòng tin. Đó là chị Hồng. Khi Hồng có thai hai tháng thì chồng chị đi chiến trường. Thai lớn dần. Khi khám thai, bác sĩ nghe tim thai rồi lắc đầu khuyên chị: "Thai yếu lắm, sinh ra, con sẽ khó phát triển, chị nên huỷ đi!". Nghĩ tới chồng đang một sống một chết nơi chiến trường, chị băn khoăn: rồi anh ấy sẽ nghĩ sao khi mình không giữ được giọt máu của anh ấy? Chị từ chối huỷ thai. Anh bác sĩ, vốn là bạn thân của gia đình, phải nói thật rằng cái thai trong bụng chị khi ra đời có thể sẽ là một đứa trẻ chậm phát triển, cần huỷ đi. Nhưng, chị kiên quyết giữ lại, cho dù sẽ phải chịu đựng bao khổ ải, miễn là giữ được lòng trung thành với chồng. Nay, cái thai ấy đã trở thành một phụ nữ bốn mươi tuổi nhưng trí tuệ chỉ như đứa trẻ lên ba. Khổ thế, nhưng giữ được lòng tin, giữ được tình yêu thương, và gia đình vẫn hạnh phúc. Còn bây giờ, mối liên hệ trong nhiều gia đình trở nên lỏng lẻo vô cùng. Càng có điều kiện vật chất sung túc, mối liên hệ gia đình càng lỏng lẻo. Cùng một nhà đấy nhưng mỗi người một buồng, cách bức nhau. Cha mẹ vào phòng con cái phải gõ cửa, kẻo bị nó chê cho là thiếu văn minh. Trong quan hệ nam nữ tiền hôn nhân, tình yêu nhạt nhẽo đi, nhường chỗ cho các mối quan hệ tình dục ngày một bừa phứa và mạnh mẽ lên. Người ta phá thai vô tội vạ, bất kể đó là thai khoẻ mạnh hay thai dị dạng. Số trẻ vị thành niên trở thành mẹ bất đắc dĩ hoặc phá thai ngày một tăng. Ngoài xã hội, càng phức tạp. Mọi thứ trộn lẫn vào nhau hết, tốt xấu, đúng, sai. Thậm chí tên gián điệp cũng giống như nhà từ thiện. Mối nguy hiểm đối với gia đình rình rập khắp nơi, trên mọi lĩnh vực, khó mà đề phòng. Ma tuý là loại kẻ thù vào loại nguy hiểm nhất bây giờ, nguy hiểm hơn B52, hơn chất độc điôxin của thằng Mỹ ngày xưa. B52 hoạt động còn có quy luật, còn tránh, đánh được. Điôxin cũng hạn chế trong những vùng nhất định. Còn ma tuý, nó hiện diện khắp nơi, nó nhảy xổ vào nhà nào thì chết nhà ấy. Đùng một cái phát hiện ra thằng con trai nghiện ma tuý, hỏng cả một đời, hết phương cứu chữa, cả nhà thất điên bát đảo. Trên báo đài liên tục đưa tin phá án ma tuý. Vụ sau bao giờ cũng lớn hơn vụ trước. Kẻ mua bán ma tuý, tức là kẻ thù của nhân dân, lại sống nhởn nhơ trong xã hội, xen kẽ với người lương thiện. Đó có thể là cậu thanh niên bảnh trai. Cũng có thể là cô thiếu nữ xinh đẹp. Lại có thể là anh công an nghiêm trang. Rồi, cô con gái măng tơ, đột nhiên lên mạng chát chít, đột nhiên hẹn hò chơi bời qua đêm với bạn chát, đột nhiên bị bạn chát cướp trọn đời con gái. Cái thời buổi thị trường này sao mà khủng khiếp thế. Cái gì cũng tiền. Tiền dẫn dắt hành động của con người. Tiền chà đạp lên đạo lý. Thậm chí trong không ít trường hợp, tiền còn hạ bệ cả pháp luật. Nghĩ mà rùng mình. Thôi, đừng nghĩ nữa. Minh nhủ mình cố ngủ đi, mai còn dậy sớm ra sân bay.

Về nước, báo cáo với Bộ, với Tập đoàn kết quả đàm phán, Minh được đồng tình. Minh yên tâm triển khai những bước thay đổi tại Liên doanh. Suốt hai tháng ròng, Minh cùng một số nhân viên xoay trần ra làm lại hồ sơ của từng lao động để tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng, trả trợ cấp, ký lại hợp đồng đối với người lao động. Minh khấp khởi mừng thầm, bởi vì người lao động ở đây sẽ được trợ cấp một khoản khá, tuỳ theo thời gian mà họ làm việc ở Liên doanh, người ít, được vài chục triệu đồng, người nhiều cũng được dăm sáu chục triệu đồng. Và rồi, họ sẽ được ký hợp đồng lao động ba tháng, một năm, cuối cùng là không thời hạn. Lương người lao động, thế là được tăng bình quân ba mươi phần trăm. Riêng có một người không những không được tăng lương mà còn bị giảm. Người đó sau này sẽ trở thành ngòi nổ làm nổ tung không khí vốn đã không bình yên của khu vực đầm Bạch Liên lên. Người đó cũng sẽ là tên lính xung kích tả xung hữu đột trong trận chiến vu cáo, bôi nhọ, hạ bệ Minh. Người đó, không ai khác, chính là Nguyễn Tuấn Lặng, Giám đốc Nhân sự, Chủ tịch Công đoàn Liên doanh. Chính cái mác Chủ tịch này giúp hắn có thêm xung lực tấn công không thương tiếc một người phụ nữ giàu lòng thương người. Hai quan thầy chỉ đạo hắn trong chiến dịch này, không ai khác, là Hoàng Phu và Lê Đản.

Nghe đâu Lặng có người anh làm lái xe cho một vị Lãnh đạo. Cũng nghe đâu Lặng làm đặc tình gì đó cho cơ quan hữu trách. Chỉ nghe thôi. Nhưng người Việt ta có thói sợ khỉ vì oai cọp cho nên khá nể sợ Lặng. Cũng không hiểu có phải vì thế hay không, mà dù chỉ là Giám đốc Nhân sự (tương đương chức Trưởng phòng Tổ chức), nhưng Lặng có mức lương cao gấp ba mức lương Giám đốc khác. Đã vậy, Lặng còn được đặc quyền bao thầu toàn bộ dịch vụ cho thuê xe chở khách - lúc nào cũng có vài ba chiếc xe của gia đình Lặng trực ngoài cổng Khách sạn đón đưa khách. Các đặc quyền đặc lợi khác, thì Đản và Lặng cùng một duộc, như ta đã biết ở trên. Khi Minh họp với những nhân vật chủ chốt của Khách sạn để phổ biến tình hình đổi mới sắp tới, tất cả đều tán thành. Bản thân Lặng còn giục Minh tiến hành nhanh chóng việc chấm dứt hợp đồng để hắn được lĩnh năm chục triệu đồng tiền trợ cấp. Xong xuôi, khi ký lại hợp đồng, bắt đầu có trục trặc. Bên đối tác chỉ đồng ý ký lại hợp đồng với Lặng theo mức lương hợp lý, cao hơn các Giám đốc khác, nhưng chỉ bằng hai phần ba mức lương hắn vẫn hưởng thời gian qua. Minh bắt đầu thấy lo. Tay này chúa cá nhân, đụng vào hắn chắc phiền to. Chị mail qua đối tác, thuyết phục rằng Lặng làm việc lâu nhất Liên doanh, có công gây dựng Khách sạn, có trình độ ngoại ngữ tốt, cho nên cần được hưởng mức lương như hiện nay. Bên đối tác dứt khoát không nghe. Cuối cùng, Lặng cũng đành ký hợp đồng, nhưng thầm oán Minh vì đã đạo diễn ra cái trò ký lại hợp đồng lắt léo này. Hừ, chỉ vì mụ mà ta bị một vố đau. Mụ còn muốn gì nữa đây?

Những ý nghĩ uất hận trào lên trong lòng Lặng. Suốt mấy năm qua, hắn cùng Đản làm vua một vùng. Đản sinh hoạt Đảng ở Văn phòng Tập đoàn, chẳng ai biết mô tê gì về công việc cũng như tư cách, phẩm chất của gã. Còn Lặng, với chức danh Giám đốc Nhân sự, lại là Chủ tịch Công đoàn, hắn cũng thét ra lửa. Hồi đó, thằng cha Lê Xuân Định làm cái chức như mụ Minh này bây giờ, có khi nào dòm ngó đến công việc. Mỗi tháng lão ta đảo qua Khách sạn một, hai lần, nhận tiền, vào mát xa, rồi là biến mất dạng. Thời ấy sao mà thú vị. Một Liên doanh tách rời khỏi các sinh hoạt của hệ thống Đảng, chính quyền trong nước, giống như một vương quốc, một vương quốc nhỏ bé nhưng tự do và đầy mầu mè bổng lộc. Chẳng phải họp hành, kiểm điểm, phê bình. Chẳng lo ai uốn nắn, bảo ban. Chỉ nhận lệnh và ra lệnh. Nhận lệnh của Ban Giám đốc, nhưng chủ yếu là từ Phó Tổng Đản thân thiết này. Còn ra lệnh, thì một trăm rưởi người dưới trướng phải nghe răm rắp. Rồi thì nhận tiền, nhận tiền và ăn chơi. Ăn chơi cho bản thân. Và cũng ăn chơi cho công việc nữa. Đó là lúc tiếp đãi các nhân vật quan trọng có liên quan đến hoạt động của Khách sạn, của bản thân. Như lão Chủ tịch Hoàng Phu trác táng ra mặt này. Hay như các sếp cơ quan chức năng, kế hoạch, thuế. Hoặc một số tay phóng viên nổi tiếng về châm chỉa. Sơ sơ, số đầu mối phải thường xuyên giao tế là mười lăm. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi cách tiếp khác nhau. Nhưng tựu trung, điểm xuất phát đều là từ đồng tiền. Cách tiếp đãi nào cũng phải sử dụng đến tiền. Tiền đã tạo nên những mối liên hệ quan trọng của con người.     

Nghĩ mà tiếc, mà lo. Thời hoàng kim sắp qua chăng? Không, không đời nào. Một mình mụ Minh sức đâu mà bẻ nạng chống trời. À, cũng phải cảnh giác. Lão Chủ tịch mới của Tập đoàn Tri thức, có vẻ khó nhằn lắm. Hôm Khách sạn này mừng lão mới nhậm chức, có mời lão xuống phòng Karaôkê. Các cháu nõn nà đón tiếp các sếp thật là chu đáo. Cháu xinh nhất, ngon nhất đã sà vào lòng Chủ tịch, thế mà lão lại đứng dậy, móc điện thoại từ trong túi ra, áp vào tai, rồi từ từ đi ra ngoài. Nhìn lão, Lặng biết ngay lão giả vờ nghe điện thoại để rút lui. Đúng một trăm phần trăm, lão ra rồi biến luôn. Không biết phải cư xử với lão này theo kiểu nào đây!

Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn bí. Lặng tìm lên buồng Phó Tổng Giám đốc. Hai gã chụm đầu vào nhau thì thào. Đản ít nói, đó là bản tính của gã. Phải hành động. Hành động quyết liệt, dằn mặt cả lũ đối tác lẫn con mụ Minh. Bước đầu cứ như thế, như thế....

Trong khi Đản và Lặng đang thì thầm bàn mưu hại Minh, thì Giao rủ Minh đi Trung Quốc. Giao là Giám đốc một Công ty bán đấu giá danh tiếng, lại là Luật sư, tuy mới quen Minh, nhưng đã nhanh chóng trở thành bạn thân thiết. Duyên bạn bè bén rễ chính từ những ngày tiến hành giải thể Công ty Hân Hoan. Như chúng ta đã biết, Giám đốc Lê Xuân Định là một tay đại liều và vô nguyên tắc trong làm ăn. Nếu ví mảnh đất Hoàng Lan mà Công ty Hân Hoan sử dụng như một cánh đồng mầu mỡ, thì phải nghĩ đến việc cày cấy, gieo trồng để thu hoạch. Định thường nói phải kiếm trâu về cày giúp đất nhà mình. Trâu cày, chính là các đối tác hợp tác kinh tế. Anh ta để ý tìm trâu. Chẳng lâu la, có Hội Chớp Bóng của thành phố giới thiệu cho Định một con trâu cực béo. Đó là ông Giơri, một nghệ sĩ điện ảnh người Mỹ nhưng lại làm đại diện cho một hãng truyền thông của Sinhgapo muốn vào làm ăn ở Việt Nam. Lạ nước lạ cái, ông này chẳng biết luật lệ Việt Nam ra sao, cứ răm rắp làm theo những lời chỉ bảo của Định. Kể cả tiền, ông ta cũng tin cậy trao cho Định hết chục ngàn đô la này đến chục ngàn đô la khác để lo thủ tục, lo đầu tư vào khu trụ sở Công ty Hân Hoan. Hỡi ôi, sau một thời gian hoạt động, chưa thu được đồng vốn nào, Câu lạc bộ Quốc tế của ông đã bị cơ quan hữu trách Việt Nam yêu cầu đóng cửa vì hoạt động không phép! Ông này khóc dở mếu dở, chạy cầu cứu khắp nơi. Đã đổ biết bao tiền của đầu tư vào nơi này, chưa kể tiền lo lót, đi ngầm không tính xuể. Hoá ra, con trâu béo này không được dùng để cày bừa mà bị mổ thịt ngay tắp lự cho Giám đốc Định xơi tái. Cùng hoàn cảnh tương tự, Giao đã giao một khoản tiền kha khá cho Định để hợp tác làm ăn ở khu vực Hoàng Lan. Khác một điều, đây là đối tác Việt Nam nên cũng rành rẽ đường đi nước bước của các dân làm ăn, không đến nỗi bị sụm lưng như anh Mỹ gộc kia. Nghe thông tin Công ty Hân Hoan sắp bị giải thể, mà dự án hợp tác Công ty của Giao chẳng được đả động gì tới, Giao vô cùng bất bình. Có lẽ phải kiện Tập đoàn ra toà vì đã phá vỡ hợp đồng của Công ty thành viên. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, Giao quyết định gặp gỡ lãnh đạo Tập đoàn trước để thăm dò. Hẹn đến lần thứ ba, Giao mới được gặp Minh. Gặp thôi, chưa bàn gì cả. Bởi vì Minh xoay như chong chóng trước công việc. Loáng một cái, có điện thoại. Loáng một cái, lại có người vào xin chữ ký. Rồi lại loáng một cái, có người vào xin ý kiến xử lý công việc. Minh giải quyết công việc băng băng, miệng thì la lối om sòm. Kiên nhẫn ngồi đợi, lúc đầu Giao thấy hết sức khó chịu. Thế nhưng nghe những câu đối thoại của Minh, nhìn cách xử lý công việc của Minh, Giao thấy có thiện cảm. Là người lãnh đạo một Công ty có uy tín, anh hiểu ngay rằng Minh xử lý công việc một cách công tâm, vô tư. Đó là con người của công việc. Cũng chính vì thế, khi vào việc chính thức với Minh, Giao có đường thoát ngay. Minh nói với Giao: "Chú chưa biết chị, nhưng chị đã biết rất rõ về chú. Anh chị em ở Công ty xác nhận chú đã đóng tiền vào Công ty Hân Hoan để chuẩn bị đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động tại khu vực Hoàng Lan". Được lời như cởi tấm lòng, Giao ra về và mấy hôm sau đem toàn bộ hồ sơ sang gặp Minh. Quyết định cuối cùng là Tập đoàn tiếp tục liên kết với Công ty Cổ phần bán đấu giá để khai thác khu Hoàng Lan. Khi Giao đã ký văn bản hợp tác với Tập đoàn mà người đại diện là Tổng Giám đốc Lý Ngồ Ngộ rồi, bỗng được Minh báo rằng Chủ tịch Trực yêu cầu gặp. Giao giật mình vì sự khinh suất của mình - đã không gặp Chủ tịch Tập đoàn trước khi ký văn bản hợp tác. Theo nguyên tắc, thì những việc đầu tư như thế này, phải có ý kiến của Ban Lãnh đạo. Trong thời buổi nhiễu nhương này, Giao đã có quá nhiều bài học về cách thức ứng xử theo lối thủ tục đầu tiên - tiền đâu? Tuy nghe Minh giới thiệu Chủ tịch Trực là người công tâm, nhưng vốn đã vấp váp nhiều trong trường đời, Giao thấy cần cảnh giác. Bàn bạc với một số người tham gia dự án, ai cũng khuyên Giao nên đem theo phong bì khi gặp Trực. Nước Việt chúng ta thời mở cửa đã sinh ra thứ "văn hoá phong bì" mang đặc trưng Việt Nam. Trong truyền thống người Việt, miếng trầu là đầu câu chuyện. Còn thời hiện đại này, phong bì là chìa khoá vạn năng. Phong bì đi thay lời nhờ vả. Phong bì đi thay lời cảm ơn. Phong bì đi thay lời mặc cả. Phong bì dẫn dắt sự hợp tác. Trăm thứ đều cần đến cái phong bì mỏng manh, còn ruột của nó có thể là tiền Việt, có thể là tiền Mỹ, có thể dầy, có thể mỏng tuỳ theo yêu cầu của công việc. Tuy không phải là "đệ tử" của "văn hoá phong bì", nhưng trước tình thế này Giao đành chuẩn bị sẵn hai cái phong bì với hai loại ruột khác nhau - một cái mỏng, một cái cực dày. Với tâm thế đối phó, Giao gõ cửa phòng Chủ tịch Trực và được nghe một câu mời nhẹ nhàng: "Mời vào!".  Cửa mở, trước mắt Giao là một con người giản dị, quần kaki May Mười, áo sơ mi Việt Tiến, chân đi đôi dép da Vina giày. Với nụ cười hồn hậu, Trực mời Giao ngồi, rồi rót nước - thứ nước vối hãm trong cái ấm tíchơs Bát Tràng ủ trong cái ấm giỏ bằng tre. Sau khi nghe Giao trình bày sơ bộ dự án hợp tác với Tập đoàn, Trực nói:

- Mình đã nghe danh tiếng Công ty của ông. Chị Minh cũng đã báo cáo chi tiết cho mình về dự án liên kết với ông. Về nguyên tắc, mình chấp nhận dự án này. Nhưng mình có một điều kiện, một điều kiện mà ông nhất thiết phải thực hiện, coi đó là điều kiện tiên quyết cho dự án...

Dừng lại quan sát Giao một lúc, rồi Trực mời:

- Ấy, uống nước đi chứ!

Tự cầm chén nước lên nhấp một hụm, Trực nói với vẻ phân trần:

- Có những việc mặc dù không nằm trong quy định của pháp luật, nhưng trên thực tế lại cần giải quyết với nhau cho thấu tình đạt lý. Cho nên, mình muốn ông...

Giao lặng nhìn Trực với con mắt dò xét. Trong đầu Giao chợt bùng lên một ý nghĩ u ám khiến anh kín đáo đưa tay vào túi, nắn nắn chiếc phong bì dày.

Trực nhấp thêm một hụm nước, rồi nói:

- Kể ra, phải thông cảm với nhau, không nên làm khó cho nhau, nhưng...

Trực lại ngừng nói, chậm rãi nhìn Giao như muốn đọc ý nghĩ của anh qua đôi mắt. Giao định rút phong bì ra. Anh cảm thấy mồ hôi tay đã bắt đầu thấm nhơm nhớp cả hai mặt chiếc phong bì. Ngay lúc ấy, Trực nghiêm giọng nói tiếp:

- Nhưng mà thôi, đã là công việc, thì cứ phải thẳng thắn với nhau. Điều kiện tiên quyết, đó là khi sắp xếp lại tổ chức, ông phải ưu tiên sử dụng người lao động ở Công ty Hân Hoan.

Giao vội rụt tay ra khỏi túi và thở phào, nhẹ nhõm. Nâng chén nước nóng hổi do Trực trao, Giao cảm thấy toàn thân ấm lên và mạch máu chạy rần rần. Trấn tĩnh một lúc, Giao hứa:

- Sắp xếp nhân lực, bao giờ chả là chuyện khó hở anh. Nhưng em sẽ bố trí đến mức cao nhất công việc cho những anh chị em cán bộ công nhân viên của Công ty Hân Hoan.

Trực động viên:

- Ông cứ mạnh dạn bố trí công việc cho anh chị em. Họ tốt lắm, một lòng một dạ với Nhà nước. Nếu là người không gắn bó với Nhà nước, họ đã bỏ đi từ lâu rồi. Chỉ phải cái, họ hơi cũ. Bố trí công việc, rồi cố gắng đào tạo lại tay nghề và phong cách, họ sẽ trở thành cốt cán của ông đấy! À, mà chỗ ông Giơri thế nào nhỉ? Nhân làm dự án này, ta có thể cứu được ông ấy không?

Hai người bị cuốn hút vào công việc đến nỗi quên cả giờ giấc, gần một giờ trưa mới thôi bàn luận. Và phương án gắn hoạt động phổ biến văn hoá của ông Giơri vào dự án đã được vạch ra, tạo khả năng vừa giải thoát được đối tác khỏi những phiền phức về thủ tục hành chính, vừa giúp dự án có thêm nội dung hoạt động. Khi Giao chuẩn bị ra về, hai chiếc phong bì vẫn cồm cộm trong túi quần. Anh không dám rút chiếc phong bì nào ra để đưa Trực. Giao thấy hãi quá, sợ rằng làm như vậy sẽ xúc phạm một con người có nhân cách đáng nể. Nhưng cũng từ đó, Giao trở nên gắn bó với Tập đoàn, coi việc của Tập đoàn như việc của mình. Gặp khúc mắc gì khi triển khai dự án, Giao hay trao đổi với Ngộ, Minh. Khi bí lắm thì lại lên xin ý kiến Trực. Có lần, xin ý kiến cả ba người thì được ba hướng giải quyết khác nhau và Giao xử lý công việc theo ý kiến của Trực. Đó là lần Tổ Dân phố kiện Ban Quản lý dự án, đòi để cho những hộ dân ở xen trong khu Hoàng Lan được lên sân thượng của Công ty phơi phóng quần áo như trước kia và đòi được nhận số tiến trích từ phí trông xe đạp hàng tháng. Hỏi Ngộ, Ngộ ào ào:

- Họ đòi bao nhiêu thì cho mẹ nó đi!

Minh lại cứng rắn:

- Họ đòi hỏi vô lý, mình đúng, sợ gì. Không đáp ứng gì hết!

Còn Trực lại khuyên:

- Cần gặp riêng một số quần chúng ở đó để hỏi cho rõ ngọn ngành, rồi họp với Tổ dân phố. Nguyện vọng chính đáng của bà con thì cần đáp ứng. Đòi hỏi vô lý thì không đáp ứng. Nhưng phải phổ biến công khai, kêu gọi quần chúng ủng hộ mình.

Quả thật, khi họp, nghe phổ biến về Dự án, bà con trong tổ dân phố hiểu ra, rút lui ý kiến. Tuy vậy, Ban Quản lý Dự án cũng thể hiện sự ưu ái với bà con bằng cách trích cho Tổ mỗi tháng năm trăm ngàn đồng từ tiền trông xe để lập quỹ làm vệ sinh chung.

Qua công việc là hiểu người. Giao hiểu và kính trọng Trực. Giao cũng hiểu và quý mến Minh. Biết hoàn cảnh của Minh, Giao tìm cách giúp. Giao đã từng sang Bắc Kinh lấy thuốc ở một ông thày thuốc Trung Hoa có biệt tài chữa bệnh về thần kinh. Vì thế, Giao rủ Minh đi sang bên đó cắt thuốc cho con. Nghe tin Minh sắp đi Trung Quốc, Đản giãy nảy lên. Thế là mụ ta sẽ không đi theo sự sắp xếp của ta, tránh được cái bẫy mà ta đang giương lên chờ. Ngồi thừ ra một lúc, gã bình tâm trở lại. Gã bấm số điện thoại gọi Minh, bảo Minh đem giấy tờ để Liên doanh làm giúp thủ tục. Bận túi bụi với công việc cổ phần hoá, thấy Đản bảo vậy, Minh liền đưa giấy tờ của Minh và Giao bảo cậu Đặng đem xuống Liên doanh nhờ Đản cho làm thủ tục giúp. Thế là lại thêm một cái bẫy được giương lên. Chưa yên tâm, Đản giăng tiếp một cái bẫy nữa. Gã đề nghị với đối tác cấp tiền bồi dưỡng cho Minh vì Minh đã có công làm sổ sách, hồ sơ cho lao động Việt Nam suốt hai tháng. Chủ tịch Liên doanh liền ra quyết định bồi dưỡng cho Minh hai nghìn đô la. Đản xui Cheng và Thuỳ đánh xe đem lên tận nơi giao cho Minh. Gã biết lúc này Minh đang rất cần tiền để chi cho chuyến đi lấy thuốc diệu vợi kia. Minh từ chối thế nào cũng không được. Thuỳ và Cheng dúi xấp tiền vào cuốn sổ đặt trên bàn Minh rồi vội vã ra về. Tần ngần một lúc, Minh cầm xấp tiền sang nộp cho phòng Tài vụ.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương hai - Buổi trần ai của Minh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn