Ký ức chiến tranh: Vào trận - P29

CCB Vương Khả Sơn/Thành Đô (biên tập- giới thiệu)

10/06/2023 06:31

Theo dõi trên

Trận Xa Thia - Công Pông Tra Béc, ghi thêm một trong những bài học thất bại đắt giá cho Trung đoàn 271 chúng tôi. Tôi chợt nhớ đến một câu nói muôn thuở: "Hiện thực của chiến tranh luôn nằm ngoài quy luật thông thường!"

Công Pông Tra Béc thất bại, nhưng có một câu chuyện về tình đồng đội cưu mang nhau trong chiến đấu và hoạn nạn ở trận đánh này thì đã trở thành một huyền thoại, một bài ca bất tử về tình người, tình đồng đội và lòng dũng cảm; viết thêm truyền thống tốt đẹp vào trang sử quân đội ta. Khi chúng tôi thoát khỏi làn hỏa lực khủng khiếp ấý, rất nhiều đồng chí của ta bị thương, nằm lại trận địa, không có cách gì cứu được. Họ bị địch bắt rồi giết hết. Riêng có hai đồng chí ở tiểu đoàn 9 bị thương, kẹt lại trong lòng địch (tiếc rằng tôi không còn nhớ được tên của hai đồng chí đó nữa vì họ ở tiểu đoàn khác, hơn nữa đã quá lâu rồi). Họ cố gắng dìu nhau lết bò ngược chiều, rồi lánh được trong sự lùng sục ráo riết của địch. Sau khi tìm được vị trí kín đáo và tương đối an toàn, họ tìm kiếm cái ăn để tồn tại và tần tảo nuôi nhau. Người bị thương vào mắt thì cố bò đi tìm cái gì đó có thể ăn được để nuôi người bị thương vào chân, nằm tại chỗ. Người bị thương vào chân thì ban ngày không ngủ, cảnh giới cho người bị thương vào mắt, nghỉ lấy sức...

b1td1adf-1686318947.jpg

 Tác giả tặng sách cho độc giả 

 

Họ lẩn trốn như vậy suốt mấy tháng trời trong lòng địch. Ban ngày, ẩn nấp thật kín. Ban đêm, chờ đến khuya mới dò ra rồi lẻn vào nhà dân Campuchia, tìm kiếm cái gì có thể ăn được như cơm nguội hoặc lấy bớt trứng gà trên ổ. Thậm chí phải ăn cả cám nấu cho heo. Vì họ nằm ngay trong lòng địch nên bọn chúng hoàn toàn không có sự nghi ngờ. Vết thương thì tìm lá rịt lại; lấy muối cho vào nước lã rồi rửa sát trùng. Điều kì lạ nhất là vết thương của họ tiến triển rất khả quan qua thời gian. Cuối cùng cũng kín miệng rồi liền sẹo. Có thể nói, đây một điều khó tin nhưng lại là sự thật như nó vốn có. Bởi trong điều kiện bình thường cũng khó giữ được vô trùng, huống gì trong môi trường hết sức đặc biệt ấy! Phải chăng, sức mạnh của tình người, tình đồng đội và bản năng tự tồn đã làm nên điều kỳ diệu (?!) Sau đó mấy tháng, trong một chiến dịch khác, Công Pông Tra Béc được giải phóng, hai đồng chí thương binh ấy được cứu ra. Bấy giờ, họ như những người rừng, tóc dài như tóc phụ nữ, râu ria lởm chởm; cơ thể suy nhược và gầy như vượn. Họ được đưa đi điều dưỡng và sau đó được trở về hậu phương miền Bắc.

Trận bại chiến ấy lùi xa vào quá khứ đã 1/3 thế kỉ, nhưng mỗi lần nhớ lại, ký ức về nỗi đau và sự thất bại cay đắng lại dào lên, chúng tôi không ai bảo ai, đều cúi đầu bùi ngùi tưởng nhớ những đồng đội đã khuất. Di cốt của họ giờ đây liệu có thể đã được đưa về đất Mẹ hay vẫn vĩnh viễn nằm lại trong lòng bùn đất bưng biền Công Pông Tra Béc của đất nước Campuchia xa xôi? Và có thể họ cũng như biết bao đồng đội của chúng tôi hiện đang mất tích, đã được bố sung vào danh sách của gần 300 ngàn liệt sỹ của cả nước đến giờ vẫn chưa tìm thấy mộ (?!)

Trận đánh đã để lại một dấu ấn về sự thất bại không đáng có trong tâm khảm của mỗi người lính chúng tôi. Có thể nói đó là một trận "Oateclô" của Trung đoàn bộ binh 271 trong kháng chiến chống Mỹ ở thế kỷ XX. Thật cay đắng bởi một đội quân thiện chiến như chúng tôi lại thua đau trước một lực lượng quân đội Lon Nol ô hợp với kỹ năng chiến đấu và kỹ, chiến thuật vào hạng tồi.

(Còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức chiến tranh: Vào trận - P29" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn