Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai: Kế hoạch “mở cửa” Chí Hòa (Kỳ 3)

Bài, ảnh: Trần Trọng Tri/Thành Đô (Tổng hợp)

18/10/2022 19:09

Theo dõi trên

Đề pô xe lửa, Nghĩa trang Bến Tre, Nhà đèn Thủ Đức, đài Rada Phú Lâm… là những mục tiêu cần sớm phá tan để “mở cửa” Chí Hòa, chuẩn bị cho đợt tổng tiến công Mậu Thân. “Con thoi sắt” đã thực hiện nhiệm vụ của 90C giao như thế nào?

dvh1td-1666094852.jpg
Đường Nguyễn Thông là một trong những tụ điểm thông tin của chính quyền Sài Gòn đã bị nổ tung bởi ổ bánh mì “nhân” TNT của Nguyễn Thị Mai. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đánh Đề pô xe lửa

Tháng 4-1967, Mai nhận nhiệm vụ đánh xưởng Đề pô xe lửa - nơi có 20 đầu máy xe lửa diezel hiện đại nhất của Mỹ mới đưa qua bằng chiến hạm. Theo kế hoạch của chúng, xe lửa này sẽ đưa vũ khí và đội quân tinh nhuệ tiếp viện cho Mặt trận miền Trung. Tổ trinh sát đi điều nghiên, tính vị trí cự ly giữa các đầu xe lửa, số lính gác và giờ giấc. Mai cùng đồng chí Nguyễn Thanh Quang (Chín Quang) thiết kế vũ khí tại nhà anh Hai Dạo ở khu đầm rau muống Hòa Hưng. Tổng cộng 20 khối thuốc nổ, 5kg/ khối cài sẵn kíp axít của Ba Lan. 20 khối thuốc nổ chuẩn bị vận chuyển đến căn nhà số 6/6 đường Lê Văn Duyệt (nay là đường CMT8) sát xưởng Đề pô (căn nhà này Đội biệt động F100 đã mua để phục vụ đánh Đề pô). Đêm 26-4-1967, thuốc nổ chất lên xe, rau muống chất đầy bên trên ngụy trang. Mai kéo càng, anh Chín Quang đẩy phía sau. Kíp nổ được bỏ trong giỏ lác, Mai vác trên vai. Trái nổ được chuyển hai chuyến đến nơi, gắn kíp xong đẩy vô cửa hàng rào kẽm gai chờ đến giờ G. Đến hai giờ sáng, đồng chí Vinh, Thạt lẻn vào gắn ở mỗi đầu xe lửa một trái, bấm kíp nổ liên hoàn theo giờ đã tính toán trước đó. Đúng 4 giờ sáng 27-4-1967, tiếng nổ như sấm vang, khói cuộn nghi ngút cả một vòm trời. Kết quả 17 đầu máy xe lửa, hai xe trục cẩu và hai nhà kho chứa vũ khí lớn đang chờ ngày chuyển ra mặt trận miền Trung đã bị nổ tan tành.

Nghĩa trang Bến Tre là nghĩa trang của người dân Bến Tre tại Sài Gòn, nằm trong khu vực Ông Tạ. Lúc bấy giờ, khu vực này khá vắng vẻ, xa xa có vài chợ nhỏ. Cách đó không xa là đầm lầy hoang vu, đó là điều kiện thuận lợi cho cơ sở ta hoạt động. Tại Nghĩa trang Bến Tre có nhà chờ (nhà dành cho người đi thăm mộ hoặc đưa đám tang nghỉ chân). Về đêm, đây là địa điểm hoạt động của cách mạng. Bọn chúng theo dõi và phát hiện nhiều cán bộ của ta ra vào nên tăng cường theo dõi. Chẳng lâu sau, nhà chờ này trở thành chốt canh gác của chúng. Nắm được giờ giấc, lịch trình của lính gác, kế hoạch đánh, mục tiêu đánh, Mai báo cáo với cấp trên về kế hoạch đánh nhà chờ. Khi cấp trên đã duyệt phương án của Mai đưa ra nhưng Mai cẩn thận hơn, cần thời gian để tìm hiểu thêm. Gần nghĩa trang là nơi cất giấu vũ khí với số lượng lớn, chủ nhà là anh Mười Đạo. Mai đến nhà Mười Đạo chuẩn bị thuốc nổ, kíp và tự thiết kế cho phù hợp. Hay tin Mai đánh Nghĩa trang Bến Tre một mình, không ít người lo lắng nhưng Mai tin là mình sẽ làm được, thắng lớn nữa là khác. Không lo sao được khi thương tích trong người Mai vẫn còn đó. Màn đêm buông xuống, Mai len lỏi qua nhiều ngõ ngách rồi trầm mình dưới đám cỏ lác lầy lội, chẳng mấy chốc Mai đã có mặt ở mục tiêu cần đánh. Mai ngồi đó trên chiếc ghế đặt tại nhà chờ. Mỗi đầu ghế một trái, định giờ nổ đủ thời gian cho Mai lẫn khuất trong hẻm. Bọn lính gác đâu ngờ rằng chỉ vài giây lơ đễnh, chốt gác đã đổ sập hoàn toàn. Mai đang xách nước rửa chân thì tin từ cơ sở báo về đám lính gác gần 50 tên vừa chết vừa bị thương. Mai tự thưởng cho mình bằng mấy gáo nước mát lạnh.

Bánh mì “nhân” TNT

Nhà đèn Thủ Đức cũng là mục tiêu quan trọng “dọn đường” chuẩn bị cho đợt tổng tiến công Mậu Thân 1968. 90C giao nhiệm vụ cho Tổ trưởng Nguyễn Thị Mai và hai tổ viên đánh nhà đèn càng sớm càng tốt. Bộ đồ nghề của thợ hồ gồm xô, thước, xẻng, bay… đã được chuẩn bị từ trước. Hàng rào bên hông nhà đèn lúc chập tối khá vắng, Mai xác định đây sẽ là nơi vào đặt trái an toàn nhất. Mỗi người mang một cái xô đựng 2kg thuốc nổ vào gắn ở các cột đèn lớn quanh nhà đèn. Sau đó hàng loạt tiếng nổ kinh hoàng, điện trên khu vực mất toàn bộ, lính gác chạy nháo nhào, Nhà đèn Thủ Đức phải mất một thời gian dài mới khôi phục được. Trước khi đánh Đề pô xe lửa, Nhà đèn Thủ Đức, Mai đã đánh thành công hai tụ điểm thông tin quan trọng của chúng bằng hai ổ bánh mì. Những năm ấy, chính quyền Sài Gòn đặt ở các điểm tập trung mỗi điểm một truyền hình. Cứ đến 7 giờ tối, chúng cho mở tin tức, xen kẽ phim ảnh cho dân chúng đến xem. Thông tin chính mà chúng muốn tuyên truyền ở đây là các cảnh tra tấn ghê rợn, con người với hình hài quái dị… và những lời bình phẩm đầy rẫy sự xuyên tạc, vu khống do chúng viết. Mục đích của chúng là nhắm vào người dân ít học, lơ mơ trong nhận thức. Mai vào vai cô gái bán vé số, tay cầm ổ bánh mì đến rất sớm tại tụ điểm đặt truyền hình trên đường Nguyễn Thông. Phải tranh thủ sớm trước khi có người dân đến xem truyền hình. Bằng con mắt nhà nghề, vừa đi vừa quan sát, trong tích tắc Mai đã đặt ổ bánh mì “nhân” thuốc nổ TNT bên dưới truyền hình. Mai nhanh chóng rời tụ điểm, vọt thẳng về khu vực Nhà thờ Đức Bà để “thanh toán” một tụ điểm nữa. Mai tính toán chính xác khoảng cách và thời gian đi để định giờ cả hai cùng nổ một lúc. Nửa giờ sau, radio phát bản tin “nóng”, giọng cô phát thanh viên lảnh lót: “Hai tụ điểm thông tin quan trọng của chính quyền Sài Gòn trên đường Nguyễn Thông và Nhà thờ Đức Bà đã bị nổ tung. Nguyên nhân có thể do Việt Cộng cài bom…”. Sau đó, chính quyền Sài Gòn cũng đã lắp truyền hình mới nhưng vì sợ lại nổ nữa nên chẳng ai dám đến coi.

Bến xe hậu cần của Mỹ trên đường Nguyễn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt) cũng đã được Mai ghé “thăm” 4 lần. Chiều hôm ấy, Mai vào vai người tình của đồng chí Bảy lùn dạo mấy vòng quanh chợ Tân Bình. Chúng đâu ngờ rằng cặp tình nhân qua qua lại lại “đú đởn” trông ngứa con mắt đã ném vào trong mấy trái nổ, làm thiệt hại lớn về người và vũ khí.

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai: Kế hoạch “mở cửa” Chí Hòa (Kỳ 3)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn