Thượng tướng Đào Đình Luyện – Người “anh cả” của phi công tiêm kích Việt Nam (Kỳ 3): NGƯỜI CHỈ HUY NHỮNG NHIỆM VỤ LỊCH SỬ ĐẶC BIỆT CỦA KHÔNG QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đặng Vương Hưng

03/12/2021 09:40

Theo dõi trên

Là người trực tiếp chỉ huy bộ đội Không quân từ cấp Trung đoàn đến Tư lệnh Binh chủng, Đào Đình Luyện đã có mặt tham gia nhiều sự kiện nổi tiếng: Tháng 9 năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông đã thay mặt lãnh đạo Binh chủng Không quân giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 921 tổ chức một đội bay đặc biệt bay trong Lễ tang.

chuy-trai-tim2a-1638499140.jpg
Thượng tướng Đào Đình Luyện (1929 - 1999), người được đồng đội suy tôn là "anh cả" của phi công tiêm kích Việt Nam.. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhiều năm sau này, cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ đã xúc động kể lại với phóng viên Tiền Phong:

Sáng ngày 3 tháng 9 năm 1969, toàn bộ phi công của 3 phi đội thuộc Trung đoàn 921 tập trung trực tiếp nghe đồng chí Đào Đình Luyện khi đó là Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân và đồng chí Nguyễn Xuân Mậu – Phó Chính uỷ Quân chủng phổ biến nhiệm vụ. Khi đó, tôi mới biết là Bác Hồ đã mất và nhiệm vụ của chúng tôi là bay trong lễ tang của Người. Cuối buổi nhận lệnh, Phó Tư lệnh Quân chủng nói nhiệm vụ rất quan trọng, khó khăn, anh em có sẵn sàng nhận lệnh và hoàn thành tốt hay không? Tất cả đều đồng thanh: Sẵn sàng!

Trong số gần 50 phi công lái MiG 21 khi đó, đơn vị chỉ chọn 12 phi công ưu tú nhất, những người đã có nhiều giờ bay, tham gia chiến đấu nhiều trận với không quân Mỹ.

Theo kế họach, chúng tôi chia làm 3 biên đội. Biên đội 1 do Phi công Nguyễn Hồng Nhị - chỉ huy, các phi công khác là: Lê Toàn Thắng - số 2, Phạm Đình Tuân - số 3, Nguyễn Đức Soát - số 4. Tôi bay ở vị trí số 4 của biên đội 2, những đồng chí còn lại gồm: Nguyễn Văn Lý - chỉ huy, Phạm Phú Thái - số 2, Lê Thanh Đạo - số 3. Biên đội 3 gồm: Mai Văn Cương - chỉ huy, Phan Thành Nam - số 2, Nguyễn Văn Khánh - số 3, Nguyễn Văn Long - số 4. Đơn vị còn cử thêm 2 đồng chí là Bùi Đức Nhu và Đặng Ngọc Ngự làm phi công dự bị cho 3 biên đội để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

chy-tr2-1638499552.jpg
Tư lệnh Đào Đình Luyện báo cáo với Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu phương án đánh B-52 bảo vệ bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Chúng tôi đều là những phi công đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa ai trong số đó bay theo đội hình diễu binh cả. Khi tôi học ở Liên Xô cũng như khi về nước chiến đấu thì cũng chỉ bay với 2 hoặc 3 đồng chí thôi. Sau nhiều lần bàn thảo, cuối cùng chúng tôi thống nhất phương án là tất cả 12 máy bay đều mở máy đồng loạt, Sở chỉ huy hạ lệnh cất cánh thì 2 chiếc một lăn ra đường băng cất cánh, cự ly lúc chạy đà trên đường băng ngang cách nhau khoảng 20 - 30 mét.

Sau khi 12 chiếc cất cánh xong, tập hợp đội hình ở độ cao khoảng 1.000 mét, lúc này mới chia thành 3 tốp, mỗi tốp 4 chiếc theo hàng dọc. Biên đội sẽ bay theo hình bàn tay xòe, cách nhau khoảng 600 mét và cự ly giãn cách giữa các máy bay với nhau khoảng 20 đến 30 mét.

Khi bay vào Quảng trường Ba Đình phải bảo đảm ở độ cao khoảng 300m và hơi chếch về bên trái lễ đài dọc theo đường Hùng Vương, như vậy mới bảo đảm sự thiêng liêng của buổi lễ và để toàn thể nhân dân dự buổi Quốc tang có thể nhìn rõ.

chuytr3a-1638499810.jpg
Tư lệnh Đào Đình Luyện cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng chụp ảnh chung với “Phi đội Quyết thắng” năm 1975. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bên cạnh đó, yêu cầu về thời gian là vô cùng nghiêm ngặt, bởi đã có sự phối hợp hiệp đồng với mặt đất, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc xong câu cuối của bài điếu văn, đội hình bay sẽ phải xuất hiện trên bầu trời Ba Đình, và nếu không tính toán cẩn thận thì có thể sẽ làm hỏng buổi Lễ Quốc tang.

Sáng 9 tháng 9, chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ, tập trung đông đủ ở Sở chỉ huy của Trung đoàn nhận nhiệm vụ. Khi đó, trực tiếp Phó Tư lệnh Quân chủng Đào Đình Luyện cùng Phó Chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu giao nhiệm vụ. Tại sở chỉ huy Trung đoàn, trực tiếp là Trung tá Trần Hanh - Trung đoàn phó Trung đoàn 921 chỉ huy.

Đúng 9 giờ, toàn bộ biên đội cất cánh, bay một vòng và tập trung đội hình ở khu vực Phủ Lỗ, sau đó thẳng hướng Quảng trường Ba Đình. Hôm đó thời tiết khá thuận lợi nên khi vào đến địa phận nội đô, tôi nhìn rõ Hồ Tây, Quảng Trường… Khi máy bay bay qua Quảng trường lần đầu tiên tôi cảm thấy chân mình tê tê, tay run run… Tôi cố trấn tĩnh lại và tập trung trí óc thực hiện tốt các thao tác đã đề ra.

Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi nhận được điện thoại từ sở chỉ huy Trung đoàn là đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Khi đó, cảm giác thật khó tả! Niềm xúc động dâng trào vì mình vừa hoàn thành một công việc cực kỳ quan trọng bằng cả tình cảm, trái tim và lý trí.

Từ cuối năm 1969, không quân ta đã cơ động một lực lượng MiG-17 và MiG-21 vào Thọ Xuân (Thanh Hoá) để hoạt động chiến đấu trên chiến trường Nam khu 4 và trực tiếp bảo vệ các cửa khẩu trên tuyến hành lang chiến lược, trong đó có nhiệm vụ quan trọng và mới mẻ là: Tổ chức theo dõi, nghiên cứu sự hoạt động của B-52 và chuẩn bị đánh B-52.

Tác giả Ngọc Phúc (QĐND) cho biết: Để hoàn chỉnh phương án đánh B-52, năm 1971, Quân chủng Phòng không-Không quân tập trung lực lượng lớn gồm những cán bộ giỏi nhất về dẫn đường bay, tác chiến, quân báo, khí tượng, ra-đa, thông tin đến những cán bộ chỉ huy. Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Không quân tiền phương được thành lập. Sở chỉ huy tại thôn Đông Dương, ra-đa B35 dẫn đường cách sở chỉ huy khoảng 2 km tại thôn Pháp Kệ cùng với ra-đa đo cao PD11 và phía đông bắc cách sở chỉ huy 7 km ở thôn Văn Tiền đặt ra-đa C47. Như vậy là ngoài hai ra-đa phục vụ nghiên cứu đánh B-52 còn có hai ra-đa phục vụ cho sở chỉ huy đặt ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An và ở giới tuyến 17 Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị của Đại đội 31. Công tác nghiên cứu đánh B-52 được tiến hành khẩn trương, từng bước từng bước một. Công việc đầu tiên của Sở chỉ huy là làm thế nào để ra-đa ta bắt được B-52 bằng cách thường xuyên mở máy theo dõi. Hằng đêm mở máy vào các giờ cố định: 19 giờ, 21 giờ, 24 giờ và 5 giờ sáng. Khi nào có tin B-52 vào đánh các mục tiêu đều phải mở máy theo dõi. Nhưng một tháng đầu không bắt được gì cả. Nhiễu nhòe nhoẹt trước màn hình ra-đa. Sở chỉ huy thường xuyên tập trung nghiên cứu tìm ra lí do. Đến tháng thứ hai, ra-đa bắt được những vệt nhiễu B-52 nhưng chưa hình thành được đường bay B-52. Tháng thứ ba, tình hình không có gì khả quan hơn. Cho đến gần cuối tháng thứ ba, ngày 4-10 ra-đa mới bắt được tương đối B-52. Sở chỉ huy quyết định đưa phi công Đinh Tôn cất cánh từ sân bay Đồng Hới lên đánh. Phát hiện thấy MiG xuất kích, B-52 bay ra. Sau một tháng nghiên cứu tiếp, cho đến 20 tháng 11, Sở chỉ huy quyết định đánh theo phương án mới. Không xuất kích từ sân bay Đồng Hới mà dùng sân bay Anh Sơn làm địa điểm cho Mic-21 xuất kích đánh B-52…

Và ngày 20 tháng 11 năm 1971, từ đài chỉ huy trung tâm Tư lệnh Đào Đình Luyện hội ý với Phó tư lệnh Trần Mạnh rồi hạ lệnh cho phi công Vũ Đình Rạng xuất kích, bay dọc núi Trường Sơn theo hướng Đông-Nam cũng là lúc ba chiếc B-52 vượt sông Cửu Long, đang bay thẳng đến mục tiêu gây tội ác trên đường Trường Sơn. Cánh sóng ra-đa do Lê Thiết Hùng chỉ huy bám sát mục tiêu - cả B-52 và chiếc MiG-21 đã hiện lên trên màn hình. Cả sở chỉ huy tiền phương gần như nín thở, hồi hộp chờ đợi. Tình huống trên bản đồ chỉ huy đã rõ, sĩ quan Nguyễn Văn Chuyên trên tay cầm thước hình tam giác có vòng phương vị và vạch sẵn cự li, anh đo khoảng cách từ B-52 đến MiG-21 và theo dõi chặt chẽ diễn biến trên bàn chỉ huy rồi báo cáo đề nghị thủ trưởng cho tiếp cận địch. Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho Vũ Đình Rạng vứt thùng dầu phụ. Lê Thiết Hùng trực tiếp dẫn trên hiện sóng, cho Vũ Đình Rạng vòng trái rồi liên tục thông báo tình hình địch. Đường bay của Vũ Đình Rạng áp dần đường bay tốp B-52. Tư lệnh Đào Đình Luyện trao đổi nhanh với Phó tư lệnh Trần Mạnh rồi nhắc nhở ra-đa quan sát máy bay địch bám đuôi khi Vũ Đình Rạng công kích. Chiếc én bạc của Vũ Đình Rạng còn cách tốp B-52 20 km, ông ra lệnh cho sân bay Anh Sơn và Thọ Xuân chuẩn bị cho Rạng hạ cánh sau khi công kích trở về. Vũ Đình Rạng tiếp tục bám sát mục tiêu. Khi khoảng cách giữa Mic-21 với tốp B-52 chỉ còn khoảng 15km, Lê Thiết Hùng lệnh cho Vũ Đình Rạng mở máy ra-đa. Bật công tắc, Rạng reo lên: “Đã thấy B-52 ở cự li 11 km, xin cho công kích!”. Trung tá Trần Hanh hạ lệnh: “Cho phép công kích!”. Vũ Đình Rạng tăng tốc độ tiếp cận tốp B-52 nhanh nhất, một chiếc B-52 đã được đưa vào vòng ngắm. Vùng phóng đã xuất hiện, Vũ Đình Rạng nhẩm đếm một, hai, ba… Cho đến khi chỉ còn cách chiếc B-52 dưới 2,5 km, đường ngắm ổn định, Vũ Đình Rạng bấm nút phóng, một quả tên lửa lao vút về phía B-52, chớp lửa sáng rực bùng lên từ chiếc “pháo đài bay”. Sau đó, ông làm động tác thoát li về sân bay Anh Sơn và hạ cánh an toàn.

Do chiếc B-52 rất lớn nên sức công phá của 1 quả tên lửa chưa đủ làm nó rơi ngay, và phi công Rạng cũng cho rằng mình chưa hạ được B-52. Nhưng theo lời kể sau này của Thiếu tá phi công F. Wantterhahn thì chiếc B-52 đó bị thủng thùng dầu bên trái, bị cháy nhưng dập được lửa, một động cơ bị hỏng nặng, nó phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhom- Phanom ở Đông Bắc Thái Lan. Sau đó do hỏng quá nặng nên không thể sửa chữa, bị xẻ ra rồi chở về Utapao, nên có thể coi như là đã bị tiêu diệt.

Đấy cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tiêm kích của không quân thế giới, có một phi công đã điều khiển MIG-21 đã bắn gục “pháo đài bay bất khả xâm phạm” B-52 của Mỹ. Sự kiện này đã làm cho địch phải ngừng hoạt động một thời gian, tạo điều kiện cho vận chuyển tiếp tế vào chiến trường Miền Nam.

Trong khi người Mỹ tuyên bố đã hạ được 103 chiếc MiG-17 và MiG-21 trong khoảng thời gian từ 17 tháng 6 đến 12 tháng 1 năm 1973, thì phía Không quân Việt Nam cũng công bố đã bắn rơi 320 máy bay Mỹ, trong đó có hai chiếc B-52, do các phi công MiG-21 là Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều bắn rơi ngày 27 và ngày 28 tháng 12 năm 1972.

Với chiến thuật “không quân đánh du kích”, ngày 14 tháng 4 năm 1972, Tư lệnh Đào Đình Luyện còn chỉ huy hai máy bay MiG-17 cất cánh từ sân bay Khe Gát, bất ngờ xuất hiện trên vùng trời Quảng Bình ném 2 quả bom 250 kg trúng vào tàu khu trục Highbee của Mỹ, khiến nó bị thương nặng. Đây cũng là lần đầu tiên không quân của một quốc gia khác đã tiến công hạm đội Hải quân Mỹ, kể từ sau Thế chiến thứ hai; mở ra triển vọng mới làm tiền đề cho việc xây dựng và chiến đấu của bộ đội không quân tiêm kích bom sau này.

Có lẽ, một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của Tướng Đào Đình Luyện là những trận đánh làm nên lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12 năm 1972. Trước khi vào chiến dịch cuộc đọ sức quyết đấu lịch sử này, ông đã thay mặt Binh chủng Không quân trực tiếp báo cáo các phương án với Bộ Tổng tham mưu; góp phần quan trọng làm kế hoạch của không quân của Mỹ cuối năm 1972 hoàn toàn thất bại (xem thêm bài Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” và ảnh hưởng của vấn đề tù binh phi công Mỹ tại hội nghị Paris).

Đặc biệt, là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, lực lượng Không quân Việt Nam đã viết thêm những trang sử độc đáo: Bất ngờ, sử dụng máy bay địch để đánh vào một trong những điểm yếu nhất của chúng. Ngày 28 tháng 4, khi những quả bom từ máy bay Mỹ, do phi công ta lái đồng loạt trút xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đã phá hủy nhiều máy bay, cắt đứt cầu hàng không di tản của địch… đã có giá trị như hiệu lệnh tổng công kích cho đại quân ta đồng loạt tiến công giải phóng Sài Gòn!

Tư liệu của Đất Việt cho biết: Phi đội đặc biệt này lấy tên "phi đội quyết thắng" với 6 phi công: Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vương, Trần Văn On, Hán Văn Quảng cùng 5 máy bay cường kích A-37 thu được của địch.

Các phi công ta từ ngoài Bắc được khẩn trương huấn luyện chuyển loại từ MiG-17 sang A-37. Chỉ sau 5 ngày bay chuyển loại, 16 giờ 17 phút cả phi đội đã cất cánh. Mặc dù thời tiết phức tạp, Nguyễn Thành Trung (số 1) vẫn bình tĩnh dẫn đội hình bay đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ độ cao khoảng 1.600m, Nguyễn Thành Trung bổ nhào cắt bom nhưng bom không ra. Từ Đễ (số 2) cắt bom 2 quả/lượt, cả 4 quả bom rơi trúng mục tiêu, những cột khói bốc lên giữa khu vực để máy bay. Trong ống nghe của các phi công vang lên tiếng quát hỏi hoảng hốt: “A-37 của phi đoàn nào?” không ai trả lời.

Tiếp đó, Nguyễn Văn Lục (số 3), Hoàng Mai Vương và Trần Văn On (số 4), Hán Văn Quảng (số 5) bổ nhào cắt bom. Những trái bom đều rơi trúng mục tiêu. Không quân ngụy hoàn toàn bị bất ngờ, tới lúc số 5 vào cắt bom chúng mới biết. Qua vô tuyến, phi công ta nghe được những tiếng kêu: “Tân Sơn Nhất bị oanh kích”.

Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Lục nhanh chóng vào cắt bom lần thứ hai, nhưng đến lần thứ ba Nguyễn Thành Trung phải cắt bom bằng hệ thống “khẩn cấp”, 4 quả bom mới rời khỏi máy bay, một khối lửa lớn bùng lên từ bãi đỗ những máy bay F-5 đang đậu… Trận tập kích đã phá hủy và làm hỏng nặng cụm máy bay tập trung ở khu vực sân đỗ gồm 24 chiếc A-37 và F-5E, 4 chiếc máy bay vận tải, tiêu diệt hàng trăm tên địch.

ĐÀO ĐÌNH LUYỆN – VỊ TƯỚNG TRÍ DŨNG VÀ NHÂN NGHĨA!

Website Họ Đào Việt Nam đã giới thiệu những hồi ức cảm động của Đại tá Nguyễn Văn Vĩnh, về nhân cách của Thượng tướng Đào Đình Luyện:

Bà Nguyễn Thị Nghĩa là vợ Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, người chỉ huy tổ mũi nhọn vào tận hầm bắt sống tướng Đờ Cát vào chiều ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954 tại chiến trường Điện Biên Phủ vẫn nhắc nhỏ các con: “Bác Luyện là người se duyên, thành hôn cho bố mẹ đấy”. Tạ Quốc Luật sinh năm 1931 là Trung đội trưởng trong đơn vị của Đào Đình Luyện, cứ sau mỗi đợt hoạt động quân sự hoặc một chiến dịch, đơn vị lại về đóng quân ở vùng quê của chị Nghĩa bên bờ sông Lô. Ngày ấy chị Nghĩa mới ngoài 20 tuổi, chị và anh Luật được đơn vị tổ chức một lễ cưới giản dị ngay tại nhà của gia đình chị. Đào Đình Luyện là chủ hôn. Sau 30 năm chung sống, anh chị đã có một cháu gái và 3 cháu trai, cả 4 con đều vào quân đội và đã trở thành các sĩ quan của các binh chủng.

Ngày Tạ Quốc Luật mất vào đầu năm 1985 thì Đào Đình Luyện đã là Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân chủng Không quân. Với tình nghĩa sâu nặng của bạn chiến đấu, Đại đoàn 312 ngày ấy, Đại tướng Lê Trọng Tấn và Thiếu tướng Đào Đình Luyện cùng các bạn chiến đấu đã đến đưa người đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông Tấn và ông Luyện đã hỏi nhỏ chị Nghĩa: “Gia đình đã có đủ để làm lễ 3 ngày cho anh Luật chưa?”. Chị Nghĩa thưa: “Thời bao cấp khó khăn chúng em lo đầy đủ, có gì làm nấy”. Hai ngày sau, đơn vị cũ của anh Luật đã đem xuống 80 kg gạo và 10 kg thịt, cả gia đình hết sức cảm động trước sự chăm lo chu đáo đầy tình nghĩa của Sư đoàn 312. Nhiều năm sau, cứ đến ngày giỗ của Tạ Quốc Luật, năm nào tướng Đào Đình Luyện cũng đến. Những khi đi công tác xa, ông dặn lại gia đình đến thắp hương cho anh Luật… Tuy đã là một Thượng tướng nhưng Đào Đình Luyện không hề quên những người bạn chiến đấu trong gian khổ của cuộc kháng chiến…

Tại làng Cầu Đơ, thị xã Hà Đông có một gia đình cha và con đều là liệt sĩ, hai thế hệ hi sinh cho dân tộc, cha là liệt sĩ chống Pháp, con là liệt sĩ chống Mỹ. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (32 xóm Chùa, làng Đơ) có chồng là liệt sĩ Nguyễn Biền, hi sinh vào đúng ngày 19 tháng 5 năm 1949 trong trận công đồn Đại Phác. Ông Nguyễn Biền ngày ấy là Trung đội trưởng chủ công của Đại đội do ông Đào Đình Luyện chỉ huy, sau gần 50 năm, các cựu chiến binh của Tiểu đoàn Phủ Thông đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Biền đưa về quê hương. Tướng Đào Đình Luyện đã tận tình động viên các cựu chiến binh trong việc đi tìm đồng đội. Vào một sáng đầu xuân Mậu Dần 1998, các cựu chiến binh Tiểu đoàn Phủ Thông đã đến thăm gia đình bà Cúc ở làng Cầu Đơ, cùng đi có Thượng tướng Đào Đình Luyện, bạn chiến đấu của liệt sĩ Biền. Địa phương và gia đình hết sức cảm động về nghĩa tình của đồng đội và người chỉ huy cũ của anh Biền. Người con trai của anh Biền là liệt sĩ Nguyễn Biên hi sinh ở cánh đồng Chum trong khi làm nhiệm vụ quốc tế.

Đại tá Lê Văn Thiêm, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không, trong những năm chống thực dân Pháp (1950-1951) là Trung đoàn phó Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 cùng đơn vị với ông Đào Đình Luyện. Ông Lê Văn Thiêm năm nay ngoài 70 tuổi, trong cuốn sổ tự sự của mình đã dặn lại con cháu một điều tâm huyết: “Anh Luyện là ân nhân của nhà ta”. Chỉ có một dòng chữ ngắn, nhưng chứa đựng biết bao tấm lòng yêu thương, đùm bọc của vị tướng Đào Đình Luyện. Chả là trong những năm 70 ông Thiêm ốm liên tục, vợ không có việc làm, nuôi 3 con chưa trưởng thành, gia đình lại đang ở vùng đồi Sơn Tây, kinh tế nhiều khó khăn, mỗi lần đi cấp cứu lại rất vất vả vì xa bệnh viện lớn. Vào một đêm, đúng 12 giờ khuya, ông đi xe đạp đến nhà ông Luyện, đẩy cửa vào ngay. Ông Luyện ngỡ ngàng hỏi: “Anh có gì mà gấp thế?”. Ông Thiêm trình bày toàn bộ hoàn cảnh gia đình và những khó khăn mong được ông Luyện giúp đỡ: “Xin cho vợ vào làm công nhân Quốc phòng để có chỗ làm hộ khẩu và đưa gia đình về Hà Nội”.

Ngay hôm sau, ông Luyện mời ông Hà Chấp, lúc đó là quyền Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, đến để bàn việc giúp gia đình ông Thiêm. Bốn ngày sau, bà Thiêm được vào công tác tại Trạm khách Không quân và con trai đang học đại học Sư phạm cũng được về ở với mẹ trong gian nhà cấp 4. Từ đó ông Thiêm mới có hộ khẩu Hà Nội và bệnh tình đã khỏi, sống đến ngày nay. Các con được học tập chu đáo, có người thành nhà giáo, nhà báo và con gái út là bác sĩ Viện Châm cứu. Bà Thiêm trước ngày qua đời cũng đã nói với chồng và các con phải biết ơn bác Luyện. Ông Thiêm là bạn chiến đấu lâu năm với ông Luyện, thường tâm sự cùng các đồng chí cựu chiến binh ở Quân chủng Phòng không – Không quân mỗi khi nhắc về Đào Đình Luyện: Đó là một vị tướng nhân nghĩa và trí dũng. Ông có khả năng đoàn kết mọi người, tác phong điềm đạm, bình tĩnh, nhưng tỉnh táo và chu đáo. Khi ông là Tư lệnh một Quân chủng thì người ta lại thấy ở ông có phong cách một chính ủy, đặc biệt với Quân chủng Không quân, một Quân chủng kỹ thuật hiện đại ra quân ngay những ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, gặp một đối thủ hiện đại có tiềm lực lớn. Với cương vị là người chỉ huy kiêm chính ủy từ Trung đoàn đến Quân chủng, ông Đào Đình Luyện đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng Quân chủng Không quân anh hùng. Rất nhiều phi công của ta thấy ở ông Đào Đình Luyện một người chỉ huy bình tĩnh, sáng tạo và mưu lược. Họ thường được gần ông Đào Đình Luyện để được giãi bày, đề đạt và tâm sự những khó khăn trước giờ xuất kích. Với tấm lòng thương yêu cũng như tính quyết đoán trong chỉ huy, ông Đào Đình Luyện đã làm họ yên tâm, tin tưởng lên máy bay xuất kích. Nhiều phi công ngày ấy giờ đã trở thành những vị tướng và những cán bộ chỉ huy xuất sắc, nhiều người là anh hùng quân đội.

Trong một hồi ức của mình, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, từng là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhớ lại:

“30 năm trước, chúng tôi – những phi công lái máy bay tiêm kích mới ra trường, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở sân bay dã chiến Anh Sơn, Nghệ An. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh vị Tư lệnh Binh chủng Không quân – Thượng tá Đào Đình Luyện mấy ngày liền “chụm đầu” cùng anh em chúng tôi bàn bạc tìm cách đánh máy bay B-52 của địch. Mặc dù chúng tôi còn rất trẻ, nhưng anh vẫn chú ý lắng nghe những ý kiến đóng góp của chúng tôi với thái độ rất trân trọng. Tôi nhớ khi tôi nêu một sáng kiến có phần táo bạo, anh động viên “ý kiến hay đấy, nhưng cần nghiên cứu thêm”. Rồi anh nêu ra một loạt câu hỏi và các tình huống để chúng tôi suy nghĩ. Tính anh cẩn thận nên bao giờ cũng nhắc nhở chúng tôi: “Đánh phải chắc thắng và phải đảm bảo an toàn cho mình, tuyệt đối không được phiêu lưu”. Với những gợi ý của anh, chúng tôi càng phấn khởi, tự tin nên càng hào hứng đóng góp ý kiến và có lúc còn tranh luận với anh để bảo vệ ý kiến của mình. Nghĩ về những kỷ niệm xưa, chúng tôi càng thấy thương tiếc anh, một người chỉ huy mẫu mực, đồng thời là người anh rất thân thiết của chúng tôi. Khi tôi và anh Phiệt, Phó tư lệnh Quân chủng đến thăm anh tại bệnh viện; biết tin hai Quân chủng sẽ hợp nhất, anh vẫn không quên dặn dò chúng tôi: “Nhập vào là phải phát huy truyền thống của Quân chủng Phòng không Không quân trước đây. Nhập vào là phải nhân lên sức mạnh của 2 Quân chủng, chứ không phải cộng lại một cách giản đơn”. Cuộc đời binh nghiệp của anh hơn 40 năm cũng không ít thăng trầm, nhưng điều chúng tôi học tập ở anh là đức tính của một người chỉ huy gương mẫu, hết lòng vì nhiệm vụ chung, bình tĩnh, tự tin, giàu lòng nhân ái, quan tâm đến từng cán bộ chiến sĩ…

Tôi nhớ sau một trận chiến đấu, biên đội tôi không hoàn thành nhiệm vụ và còn phải chịu tổn thất. Anh – với tư cách Tư lệnh binh chủng đến rút kinh nghiệm. Lúc ấy tôi rất buồn, song anh đã không phê bình gay gắt. Chúng tôi cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ sau này luôn nhận được ở anh tình cảm của một người chỉ huy, người anh cả gần gũi, chân tình, thực sự quan tâm đến cuộc sống hậu phương gia đình của cán bộ, chiến sĩ. Riêng với tôi và gia đình có một “sự kiện” đáng ghi nhớ: Ngày gia đình tôi ở khu tập thể Nam Đồng. Phi công chúng tôi chẳng mấy khi được ở gần nhà, năm 1984 tôi lại được điều động vào Đà Nẵng công tác. Thế rồi một ngày, đích thân Tư lệnh Đào Đình Luyện đến thăm nhà, leo lên tầng 4 khu tập thể. Anh khuyên tôi nên “hợp lý hóa” gia đình và hứa sẽ tạo điều kiện giúp đỡ. Vậy là chúng tôi có gần chục năm sống gần nhau, có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con cái và đó cũng là phần thưởng lớn của anh đối với tôi.

Những ngày anh không còn khỏe, khi tôi thực hiện nghiên cứu đề tài cấp Bộ và đến xin góp ý, anh vẫn tranh thủ nghiên cứu kỹ, góp từng chi tiết nhỏ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu từ thực tiễn và bề dày kinh nghiệm chiến đấu, công tác của mình. Anh không quên nhắc nhở tôi cả từ một chi tiết nhỏ: “Phải nhớ đóng dấu, đây là tài liệu tối mật”.

Những năm là Tư lệnh Quân chủng Không quân, rồi Tổng tham mưu trưởng và Thứ trưởng Quốc Phòng, Thượng tướng Đào Đình Luyện luôn thể hiện là một vị tướng khiêm tốn, giản dị. Khi nghỉ công tác ở Bộ Quốc phòng ông về nhận nhiệm vụ ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam với cương vị Phó Chủ tịch Thường trực chưa được lâu, nhưng các cựu chiến binh toàn quốc rất tin tưởng yêu mến đức độ, và tấm lòng của ông đối với các cựu chiến binh...

Năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Điện biên phủ trên không", Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo Điện ảnh Quân đội phối hợp với các cơ quan, đơn vị và gia đình xây dựng Bộ phim Tài liệu dài 20 phút với tựa đề "Thượng tướng Đào Đình Luyện". Tác phẩm đã phần nào phác họa được chân dung và cuộc đời hoạt động cách mạng của Thượng tướng Đào Đình Luyện qua hai cuộc kháng chiến; mà “điểm nhấn” là những tháng năm chiến đấu và xây dựng lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng; cũng như những cống hiến của ông trong việc xây dựng quân đội "Chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại" trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam sau này...

Một ngày đẹp trời, Đại tá Đào Chí Công, nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", đã mời chúng tôi đến số nhà 174 đường Trường Chinh - Hà Nội, nơi cố Thượng tướng Đào Đình Luyện đã sống những năm cuối đời, cùng những người thân trong gia đình. Ông Công là em trai của Thượng tướng Đào Đình Luyện, đã cùng Đại Đào Minh Đạo (Phó cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc Phòng; người con trai đang lo hương khói, thờ cúng cho cố Thượng tướng) đã nhiệt tình lục tìm lại những di vật thư từ, sổ tay, tranh, ảnh và những bài báo viết về cố Thượng tướng Đào Đình Luyện... Đó là những tư liệu hết sức quý báu, giúp chúng tôi biên soạn thành những trang sách này, như một nén tâm nhang, để tưởng nhớ một vị tướng trí dũng và nhân nghĩa của Việt Nam.

(Hết)
Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tim người lính