Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 17)

PGS TS Cao Văn Liên

25/09/2022 06:10

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 17.

            VI.HẢI CHIẾN VỚI TÀU MA ĐỐC KHỔNG LỒ                                                                            

Đảo Vạn Hoa một đêm mùa thu tháng 8 năm 1964. Bóng tối bao trùm khắp đảo. Cây cối và đảo nhô lên thành những hình thù kỳ quái. Gió hơi lạnh thổi hun hút. Từng ánh sao khuya nhấp nháy trên bầu trời đen kịt. Sóng biển cũng một màu đen ca lên bài nhạc muôn thuở như mơ ngủ trong đêm.

Cả đảo chìm trong giấc mơ nhưng quân cảng thì không ngủ. Đèn điện trên cầu cảng vàng vọt đủ ánh sáng cho các chiến sĩ phân đội 3, tiểu đoàn phóng ngư lôi 135 thuộc Bộ tư Lệnh hải quân hoạt động, hoàn thiện nốt những khâu chuẩn bị cuối cùng cho 3 tàu phóng lôi T333, T336, T339 sẽ xuất phát đi làm nhiệm vụ trọng đại: hải chiến với tàu Ma đốc, một trong những tàu ”Khổng lồ ” và hiện đại của hạm đội Mỹ  đang xâm phạm hải phận Việt Nam dân chủ cộng hòa ở vùng biển Quảng Bình và đang tiến vùng biển phía Bắc.

ch1cvl2a-1664008770.jpg

Tàu 333, một trong ba tàu phóng lôi tham gia đánh đuổi tàu Ma-đốc. Ảnh tư liệu.

 

Trung úy Nguyễn Xuân Bột, thuyền trưởng tàu T333 kiêm Hạm  trưởng chỉ huy cả 3 tàu đã đứng trên đài chỉ huy. Thuyền trưởng các tàu T336, T339 cũng đã ở vị trí cao nhất của con tàu, vị trí chỉ huy. Ánh điện trong đêm vàng vọt, sóng nước vỗ vào thân ba con tàu ì oạp. Ba con tàu nhỏ như ba con cá mập sắp lao vào trận huyết chiến với tàu địch.

Đúng 0 giờ 15 phút đêm 28-4-1964, hạm trưởng Nguyễn Xuân Bột ra lệnh xuất phát. Để giữ bí mật, ba con tàu rời quân cảng mà không hú còi chào đảo như thường lệ. Nguyễn Xuân Bột trông thấy trên cầu cảng bóng dáng của tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 135 và chính trị viên tiểu đoàn ra tiễn xa mờ dần. Đảo Vạn Hoa thân yêu cũng mờ dần và biến mất trong đêm. Ba tàu phóng lôi như ba con cá kình chạy hết tốc lực 56 hải lý giờ lướt như bay trên mặt biển về phương Nam. Đêm mùa thu sóng biển cuồn cuộn như những ngọn núi muốn nhấn chìm ba con tàu nhỏ bé. Gió vù vù lạnh lẽo tê tái. Biển mênh mông đen kịt chao đảo phập phồng. Ba con tàu lao như bay về biển phương nam. Trời và biển sáng dần. Không gian âm u gió thổi. Mặt trời đã thức dậy và lấp ló sau những đám mây đen phiêu diêu trôi nổi. Biển vẫn đen ngòm tung những lớp sóng cuồn cuộn. Những hòn đảo hiện ra trước mắt. Hạm trưởng Nguyễn Xuân Bột nhìn trên hải đồ thì đó là  đảo Hòn Nẹ thuộc vùng biển Thanh Hóa. Nguyễn Xuân Bột nhìn đồng hồ, kim chỉ 8 giờ 30 phút. Báo vụ viên chạy vội vã lên đài chỉ huy báo cáo:

-Báo cáo thượng úy hạm trưởng, có điện báo của Bộ tư lệnh tiền phương.

Nguyễn Xuân bột cầm bức điện từ tay thượng sĩ báo vụ. Bức điện của Bộ tư lệnh tiền phương hạ lệnh cho phân đội thả neo tại vùng biển Hòn Nẹ để mai phục tàu Ma đốc đang trên đường tiến ra vùng biển Thanh Hóa. Nguyễn Xuân Bột hạ lệnh cho phân đội thả neo, tắt máy. Bộ đội tranh thủ ăn sáng.

Vừa xong bữa sáng, báo vụ viên lại leo lên buồng hàng hải:

-Báo cáo hạm trưởng có điện của Bộ tư lệnh tiền phương từ Quảng Bình..

Thuyền trưởng Bột đọc nội dung bức điện ”Cho Phân đội hành quân cấp tốc vào biển Hòn Mê!”.

Hòn Mê cũng thuộc hải phận tỉnh Thanh Hóa, cách Hòn Nẹ khoảng 50 hải lý về phía nam..

Thuyền trưởng Bột lên đài chỉ huy ra lệnh:

-Nhổ neo chạy hết tốc lực vào Hòn Mê! Toàn phân đội sẵn sàng chiến đấu với tàu Ma đốc!

Ba con tàu rú máy gần như lướt trên mặt nước như bay. Hạm trưởng Bột tiếp tục ra lệnh:

-Phóng lôi vào vị trí chiến đấu!

-Báo cáo rõ.

-Ra đa vào vị trí!

-Báo cáo rõ.

-Các pháo thủ vào vị trí chiến đấu!

-Báo cáo rõ.

Ba con tàu như ba con cá mập lao hết tốc độ với 56 hải lý giờ. Sóng chồm lên trắng xóa các boong tàu hết đợt này đến đợt khác. Ba con tàu phi theo đội hình hàng dọc. Trên đường xuất kích, ba tàu phóng lôi gặp hai tàu tuần tiễu của ta T142, T146 cũng đang trên đường hành quân ra đánh tàu Ma đốc. Nhưng ba tàu phóng lôi tốc độ lớn nên bỏ hai tàu tuần tiều đi sau và vươn về phía trước.

Trên hạm tàu chỉ huy qua ra đa Hạm trưởng Nguyễn Xuân Bột đã trông thấy hình thù tàu Ma đốc. Một giờ sau bằng mắt thường đã trông thấy tàu Ma đốc trên hải phận Hòn Mê. Khu trục hạm Ma đốc thuộc Hạm đội Thái Bình Dường của Mỹ (còn gọi là Hạm đội VII) từng nổi tiếng trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) trong cuộc đọ sức với hải quân Nhật Bản. Nguyễn Xuân Bột đã nghiên cứu về tàu Ma đốc và được biết nó to lớn và trang bị hiện đại, nhưng khi nhìn mắt thường không ngờ nó to lớn khổng lồ như một trái núi sừng sững biết di động. Tàu dài khoảng 115m, rộng 13m, cao 8m, tốc độ 34 hải lý giờ. Trên tàu khoảng 300 lính và sĩ quan vận hành, bảo vệ và chiến đấu. Tàu được trang bị 6 pháo 127mm, 12 pháo 40mm, 10 ống phóng lôi.

Tàu Ma đốc phát hiện ra tàu ta. Tất cả các pháo trên tàu đều nhã đạn về phía ba con tàu bé nhỏ đang lao về phía nó. Hạm trưởng Nguyễn Xuân Bột ra lệnh cho ba tàu thay đổi đội hình, từ hàng dọc ba tàu thành hai mũi gọng kìm từ hai hướng lao vào tàu Ma đốc. Ba tàu phải chạy ngoắt ngoeo hình chữ chi để tránh những làn đạn dày đặc như lưới lửa đang bủa vây ba con tàu. Tiếng nổ ầm ầm rung chuyển cả một vùng biển, lửa như những  chiếc cầu vồng vàng rực bủa vây ba con cá mập, cột nước dựng lên chung quanh ba con tàu  do đạn nổ mù mịt. Tàu T333 tăng tốc chặn đầu tàu Ma đốc, hai tàu T336 và T339 tiếp cận góc phải mạn tàu địch là góc tốt nhất để phóng lôi. Hạm trưởng Bột ra lệnh:

-T339 phóng lôi!

-Rõ T339 phóng lôi.

Tàu T339 dùng pháo 14,5ly bắn quét lên boong tàu Ma đốc tạo điều kiện cho T339 lao vào gần, Khi còn cách tàu địch khoảng 1.500m, một quả lôi của tàu lao vun vút vào tàu Ma đốc. Tàu Ma đốc phóng lôi ra ngăn chặn quả lôi của tàu T339. Hai quả lôi chạm nhau nổ bốc lửa ngoài thân tàu Ma đốc.

Trên trời vùng biển Hòn Mê lúc này xuất hiện bốn máy bay F8 của Mỹ đến cứu viện tàu Ma đốc. Bốn máy bay nhằm ba tàu phóng lôi của ta nhã rốc két. Tàu T339 trúng đạn. Chiến sĩ pháo 14,5ly và chiến sĩ cơ điện hi sinh. Máy của tàu T339 bị hỏng. Tàu phải thả trôi trên biển . Các chiến sĩ vừa sửa chữa máy tàu vừa bắn trả máy bay địch. Những máy bay địch như những con quạ sắt lao xuống phóng những quả rốc két rực lửa xuống ba con tàu như mưa. Đồng thời hỏa lực của tàu Ma đốc vẫn nã dữ dội vào ba con tàu.

Tàu T336 vừa bắn máy bay vừa bắn trả và tránh đạn của tàu Ma đốc để tiếp cận gần hơn. Khi còn cách 6 liên thì thuyền trưởng Phạm Văn Tư ra lệnh phóng lôi. Quả lôi này lại bị ngư lôi của tàu Ma đốc chặn nổ ngay gần mạn  của nó. Tàu T336 bị trúng đạn của tàu Ma đốc, thuyền trưởng Phạm Văn Tư và một pháo thủ hi sinh. Thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn lên thay chỉ huy chiến đấu, bắn trả máy bay địch.

Bây giờ đến lượt tàu T333 do đích thân Hạm trưởng Nguyễn Xuân Bột chỉ huy phóng lôi . Nhưng pháo của địch đã làm toàn bộ hệ thống thông tin của tàu T333 bị phá hủy. Quả ngư lôi bên mạn trái bị đạn cháy thuốc nổ. Nguyễn Xuân Bột phải ra lệnh ném quả ngư lôi đó xuống biển. Tàu T333 vẫn kiên trì vượt qua làn mưa đạn của tàu Ma đốc, của máy bay địch tiến vào gần mục tiêu. Khi tàu T333 còn cách tàu Ma đốc 5 liên, Hạm trưởng Nguyễn Xuân Bột ra lệnh:

-Phóng lôi!

-Rõ, phóng lôi.

Qủa lôi lao như tên bay. Vì tầm phóng ngư lôi quá gần nên tàu Ma đốc hoảng loạn không kịp phóng lôi phá lôi, quả lôi tàu T333 trúng ngay vào một khoang của tàu Ma đốc. Tàu Ma đốc bốc khói mù mịt choáng váng. Phân đội trưởng Nguyễn Xuân bột ra lệnh tiếp:

-Quét 14,5ly lên boong tàu Ma đốc!

Boong tàu Ma đốc như bị cơn mưa đạn lửa. Lính trên boong người chết, người sống chạy tán lọan. Có lẽ từ khi ra đời và chiến  đấu, thậm chí cả trong Đại chiến thế giới thứ hai đến nay tàu Ma đốc chưa bao giờ bị thử thách và bị đe dọa nghiêm trọng như vậy. Trong cơn hoảng loạn, dù có máy bay yểm trợ , dù còn bao nhiêu đạn dược và vũ khí hiện đại, tàu Ma đốc vẫn quay đầu chạy hết tốc lực ra hải phận quốc tế. Tàu T333, tàu T336 tiếp túc đánh trả máy bay địch. Một máy bay F8 trúng đạn bốc lửa như một bó đuốc  trên không trung rồi nhào xuống đáy biển mất tăm. Một chiếc khác bị trọng thương loạng choạng bay về biển phía tây mất hút. Hai chiếc còn lại hoảng hốt bay về tàu sân bay USS Ticonderoga, nơi nó cất cánh đi cứu hộ tàu Ma đốc.

Do hệ thống thông tin hỏng nên ba tàu T333, T336, T339 không liên lạc được với nhau. Hai tàu T333 và T336 bị trọng thương về được bến cảng Sầm Sơn, tàu T339 trọng thương nhưng cũng về được bến Lạch Trường Thanh Hóa sau mấy ngày lênh đênh trên biển.

Sau trận đòn tháng 8 năm 1964, tàu Ma đốc khổng lồ  chắc vì sợ những con cá mập phóng lôi của Tiểu đoàn 135, không dám bén mảng tới hải phận của Việt Nam dân chủ Cộng hòa nữa.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 17)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn