Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 20)

PGS TS Cao Văn Liên

28/09/2022 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 20

III. TIẾNG NỔ KINH HOÀNG TRÊN BIỂN CỬA VIỆT.

Ở Việt Nam nơi tận cùng của sông đổ ra biển được gọi là cửa kèm theo địa danh riêng như Cửa Việt Ở Quảng Trị, một tỉnh ở miền Trung Trung Bộ Việt Nam. Hệ thống sông Thạch Hãn bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy theo hướng Đông Tây. Hệ thống đó gồm nhiều dòng sông nên thơ của xứ miền Trung đầy cát nắng. Đó là sông Thạch Hãn và các phụ lưu như  sông  Vĩnh Phước, sông Rào Quán, sông Cam Lộ và hạ nguồn là sông Hiếu. Hệ thống sông Thạch Hãn dài khoảng 768 km và đổ ra biển. Nơi giao nhau giữa sông này với biển được gọi là Cửa Việt.

Tàu thuyền từ ngoài biển vào Cửa Việt có thể đi theo dòng sông Hiếu lên thành phố Đông Hà rồi theo sông có thể lên được Lào, Mianma và Thái Lan. Cho nên trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975 đoạn sông từ Cửa Việt lên thị xã Đông Hà là một trong những con đường huyết mạch quan trọng của quân đội Mỹ và  Việt Nam cộng hòa. Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa đã xây dựng quân cảng ở bờ phía nam Cửa Việt, một quân cảng lớn và hiện đại nhất miền Trung. Từ biển Đông vào cảng Cửa Việt và từ cảng này sẽ chở đi các trang thiết bị, quân trang quân dụng vũ khí, lương thực cung cấp cho toàn bộ chiến trường miền Trung. Cho nên tàu bè của Mỹ trên cảng và trên vùng biển Cửa Việt là mục tiêu tấn công số 1 của đặc công hải quân ta.

ch105d1134237t99604l0-1664268598.jpg
Anh hùng đặc công nước Trần Quang Khải sinh năm 1952, quê thôn Thanh Nga, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những thành viên tham gia đánh chìm tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ mang tên USS Nexubec năm 1969 bên những kỷ vật thời chiến. Ảnh: baothanhhoa.vn

 

Vào năm 1969 trên vùng biển ngoài khơi Cửa Việt xuất hiện chiếc tàu chở dầu mang tên USS Nexubec trong tải 15.000 tấn. Có lẽ vì lớn quá nên tàu USS Nexubec không vào được quân cảng Cửa Việt nên thả neo đậu trơ trọi ngoài biển.

Đơn vị đặc công nước Cửa Việt thuộc trung đoàn 126, thuộc Bộ Tư lệnh hải quân nhận lệnh phải tiêu diệt tàu USS Nexubec. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho ba người nhái xuất sắc là Trần Quang Khải, Bùi Văn Hy và Trần Xuân Hỗ do Bùi Văn Huy làm tổ trưởng chỉ huy.

Vào một đêm mùa thu 1969, ba chiến sĩ hóa trang vùi mình trong cát trên bãi biển làng Do Linh bắc Cửa Việt dùng ống nhòm quan sát tàu USS Nexubec. Gió đêm từ biển thổi vào mát rượi. Góc bờ Nam Cửa Việt quân cảng Mỹ-Ngụy tàu đậu san sát, đèn điện sáng trưng rực rỡ một vùng làm đoạn sông Cửa Việt sáng lung linh. Ngược lên phía tây dòng sông bị bóng tối bao trùm, trôi hun hút dài tưởng như vô tận về phía Đông Hà. Một vài chiếc xuồng máy của ngư dân chạy vè vè mất hút về phía Tây. Những chiếc ca nô tuần tra của Mỹ ngụy cách vài giờ lại xuất hiện sục sạo trên sông, đèn pha chói sáng, máy nổ vang lừng trong thinh không chát chúa. Gần Cửa Việt là làng Do Hải, xa hơn nữa là Do Việt, Do Thành. Những mái nhà mái tôn ngủ yên lặng dưới những rặng phi lao bị một màn đêm mênh mông che phủ. Trong xa xăm ấy những ánh đèn điện mờ mờ le lói trong đêm. Đêm có vẻ như thanh bình nhưng đêm của thời buổi chiến tranh chứa đựng trong lòng nó nhiều bất trắc khôn lường.

Phía trước mặt Cửa Việt là biển bao la gió lộng, sóng vỗ rì rào ca bài ca muôn thuở. Từng đợt sóng hôn trên bãi cát làm cho bãi cát trong đêm lóe lên những vệt dài sáng rực. Xa xa đen mờ đảo Cồn Cỏ nhô lên giữa biển khơi mang bóng dáng mờ mờ sương khói. Dù đậu cách cách xa Cửa Việt nhưng tàu USS Nexubec vẫn to sừng sững như tòa nhà 5 tầng. Được biết con tàu này được trang bị hiện đại như ra đa của nó có thể nhìn thấy được cả những con cá nếu nó nổi lên mặt nước. Các vũ khí trên tàu sẵn sàng nhả đạn khi cần thiết. Trên tàu có 4 máy bay trực thăng chiến đấu. Tàu được bảo vệ nghiêm ngặt, lính canh gác suốt ngày đêm. Ban đêm, đèn pha rực sáng rộng khắp một vùng. Hỷ, Khải, Hỗ đã được biết là tàu USS Nexubec rất to nhưng khi tận mắt quan sát cả ba người nhái đều ”choáng” với mức độ ”Khủng” của nó. 1.5000 tấn dầu mỡ của nó sẽ cung cấp đủ chạy cho tàu thuyền xe cộ cho toàn bộ quân lực Mỹ-Ngụy ở Miền Trung một thời gian không ngắn. Tiêu diệt được nó sẽ làm thiệt hại và gây khó khăn không nhỏ cho quân địch.

Cách mấy ngày sau tại căn cứ người nhái ở Cửa Tùng, đêm buông xuống dần. Màn đêm huyền nhung bao phủ mênh mông. Sau bữa cơm tối, đại đội trưởng bắt tay ba đồng đội  Hy, Hỗ, Khải lên đường làm nhiệm vụ diệt tàu USS Nexubec:

-Chúc các đồng chí thành công.

Ba chiến sĩ xiết chặt tay người chỉ huy. Đội trưởng Bùi Văn Hy nói nhỏ nhưng kiên quyết:

-Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Đại đội trưởng cảm động. Bằng kinh nghiệm của mình, anh biết các chiến sĩ của anh có thể chiến thắng trở về, có thể hi sinh và vĩnh viễn không bao giờ về nữa. Trong trường hợp đó buổi tiễn đưa trở thành buổi vĩnh biệt. Đó là qui luật khắc nghiệt của chiến tranh. Anh cố giấu đi cảm xúc của mình, nhắc nhở cấp dưới một cách nghiêm nghị:

-Các đồng chí kiểm tra lại vũ khí trang bị mà trận đánh yêu cầu.

Hỗ, Hy và Khải kiểm tra lại trang bị của mỗi người: Ống thở, hai thủ pháo, hai quả lựu đạn, dao găm. Trần Quang Khải và Trần Xuân Hỗ trực tiếp đánh tàu nên mỗi người còn phải mang thêm một quả mìn rùa nặng 6,8kg do Liên Xô chế tạo. Mỗi quả mìn ghép 48 mảnh nam châm hình móng ngựa  để khi gắn vào nó bám chặt vào vỏ sắt của tàu, chẳng may khi có sự cố mìn không nổ theo giờ đã định, địch có phát hiện ra cũng không thể tháo mìn vì tháo ra là nổ. Mìn rùa của Liên Xô chế tạo là một loại vũ khí độc nhất vô nhị của người nhái Việt Nam.

Sau khi kiểm tra, tổ trưởng Bùi Văn Hy báo cáo:

-Báo cáo đại đội trưởng, chúng tôi đã mang đầy đủ vũ khí và các trang thiết bị.

Đại đội trưởng ra lệnh:

-Các đồng chí xuất phát, mệnh lệnh là tiêu diệt tàu USS Nexubec!

Ba người đứng nghiêm đáp:

-Rõ.

Đội trưởng Bùi Văn Hy nhìn đồng hồ. Kim đồng hồ chỉ 19 giờ ngày 6/9/1969. Từ Cửa Tùng, ba người hành quân lên Cửa Việt. Đến Cửa Việt, Bùi Văn Hy lên một chiếc thuyền mà căn cứ đã chuẩn bị sẵn rồi lẫn vào thuyền đánh cá của dân để cảnh giới cho đồng đội trên bờ và trên biển. Mặt biển tối mênh mông nhưng vẫn rộn ràng bản nhạc rì rầm của muôn nghìn lớp sóng. Quân cảng Cửa Việt vẫn sáng như lửa cháy một vùng trời. Do Linh, Do Hải quanh co chìm trong bóng tối. Vài chiếc xuồng từ Cửa Việt chạy về phía Đông Hà máy khua vang xình xịch trong đêm. Mặt biển xa xa đèn lập lòe trên những con thuyền đánh cá như ma trơi. Cồn Cỏ xa mờ ngủ im lìm hiu hắt. Con tàu USS Nexubec nổi bật trên biển bởi sự đồ sộ và ánh đèn pha rực rỡ của nó soi sáng một vùng nước. Nó như một tòa nhà tráng lệ nhiều tầng.

Khải và Hỗ nhoài mình xuống nước, miệng nhậm ống thở, bơi ngửa nhưng chìm thân dưới nước khoảng 50 cm. Hai người nhắm hướng con tàu USS Nexubec vùn vụt bơi tới. Sau năm giờ bơi, hai người nhái đã chớm tới vùng ánh sáng của con tàu. Để khỏi bị lộ, Hỗ và Khải cất ống thở, lặn sâu xuống biển lao nhanh về bụng con tàu, Những chiếc ra đa mắt thần hiện đại, những tên lính gác đi lại soi mói nhìn ngó khắp nơi. Nhưng tất cả đều bị vô hiệu hóa bởi tài lặn điêu luyện xuất quỉ nhập thần của Khải và Hỗ. Con tàu to lớn lại chở nặng nên thân của nó chìm sâu dưới nước như một trái núi khổng lồ. Khải và Hỗ nắm được dây xích neo tàu cách mặt nước khoảng 6m căng như sợi dây đàn. Khi xác định dây neo là hướng của mũi tàu, hai người bơi và dùng tay xác định mạn giữa thân con tàu để gắn mìn rùa. Để mìn gắn chặt vào vỏ sắt của tàu, Khải và Hỗ dùng dao găm cạo sạch lớp rêu và hà bám vào vỏ tàu. Hai lưỡi dao sắc đưa vào vỏ sắt của tàu rít lên từng tiếng trong sóng nước. Sau khi đã dùng tay sờ thấy khoảng kim loại của mạn tàu mát lạnh, Khải và Hỗ mới áp hai quả mìn vào mạn con tàu. Nam châm và sắt hút nhau làm hai quả mìn gắn chắc vào thân tàu như đinh đóng cột. Khải và Hỗ rút chốt an toàn, định giờ nổ là 30 phút rồi cắt phao khỏi hai quả mìn để đề phòng phao kéo mìn bật ra khỏi tàu. Sau khi tin chắc mọi việc đã hoàn chỉnh, hai người nhái lặn xuống lao nhanh vào phía bờ Cửa Việt.

Nhưng hai cái phao bị cắt khỏi hai quả mìn bây giờ tự do nhanh chóng nổi lên mặt nước gần tàu. Lính canh tàu trông thấy hốt hoảng kêu lên: Vi Xi! Vi Xi...

Cùng với tiếng la hét bằng tiếng Anh là tiếng bước chân của lính thủy Mỹ từ các phòng chạy lên boong rầm rập, còi báo động rú lên đinh tai nhức óc. Hàng trăm quả lựu đạn ném xuống biển chung quanh con tàu nổ tung tóe, hàng chục khẩu tiểu liên chúc nòng xuống biển nổ pùng pục liên hồi. Ba máy bay trực thăng rời khỏi tàu bay là là trên mặt biển, rọi đen pha sáng rực khắp nơi để tìm kiếm, Pháo sáng được phóng lên nổ bùm bụp trên không trung trở thành những chiếc đèn dù soi sáng một vùng biển rộng lớn của Cửa Việt. Tàu USS Nexubec hỗn loạn khoảng 30 phút . Bỗng nhiên hai tiếng nổ phát ra từ bụng con tàu khổng lồ chấn động cả một vùng biển. Hai cột lửa bốc cao trùm kín con tàu làm cho 15.000 tấn xăng dầu bốc cháy, tàu USS Nexubec biến thành một núi lửa khổng lồ trên biển. Xung lực của tiếng nổ làm sóng dựng lên từng đợt như sóng thần, các tàu nhỏ và các thuyền nhỏ trong phạm vi không xa bị sóng bốc cao lên rồi ném xuống như bị động đất.

Khi tàu nổ thì Khải và Hỗ đang bơi ngửa chìm dưới nước. Xung lực của sóng và tiếng nổ làm người nhái bất tỉnh. Hai người bị từng đợt sóng nhấn chìm xuống và đánh dạt vào bờ bắc Cửa Việt. Khi tỉnh lại hai người thấy lính từ quân cảng đang đổ ra kín bờ biển phía nam lùng sục tìm kiếm người nhái Việt Cộng. Người của ta đã ra kịp thời đưa hai người về khu căn cứ an toàn. Hỗ và Khải đều bị ù tai, điếc đặc. Riêng Trần Quang Khải còn bị thương vào đùi mà không rõ bị thương lúc nào, từ đâu bắn vào.

Vụ tàu USS Nexubec 15.000 tấn bị nổ thành một nổi khiếp sợ cho lính Mỹ và Ngụy. Báo chí các nước Phương Tây đều cho đó là sự kiện kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng. Có tờ báo viết: Bằng cách gì mà Việt Cộng có thể thâm nhập cài đặt mìn vào tàu khi mà ra đa trên tàu làm việc suốt ngày đêm, là các thiết bị bảo vệ tàu có thể nhìn thấy từng con cá dưới biển?

Việc 15.000 tấn xăng dầu và tàu USS Nexubec bị đốt cháy đã làm ảnh hưởng to lớn đến sự vận hành của bộ máy chiến tranh cơ giới của Mỹ-Ngụy, góp phần làm thất bại đau đớn thảm hại cho đội quân này ở chiến trường Trung Bộ, cũng góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 20)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn